Gươm báu của Vua Lê, huyền thoại và sự thật





Truyền thuyết về gươm báu "Thuận Thiên" của Vua Lê Lợi cùng việc trả gươm cho Rùa thần tại Hồ Tả Vọng (nay là hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm Hà Nội) sau ngày đánh tan giặc Minh bao đời nay vẫn đọng trong tâm linh, ý thức dân tộc. Đó là sự hàm ẩn những triết lý nhân sinh của người Việt đằng sau sự giao hòa giữa chính sử và dã sử: Thuận Thiên là biểu tượng thiên thời - địa lợi - nhân hòa; việc trả kiếm ngoài biểu tượng của lòng trung tín với nhân dân, trời đất, còn là khát vọng hòa bình khi vận nước Đại Việt đã lên, mở nền thái bình thịnh trị.

Hơn 5 thế kỷ đã trôi qua, song truyền thuyết về Hồ Hoàn Kiếm - Hồ Gươm và thanh thần kiếm Thuận Thiên mà Bình Định vương Lê Lợi hoàn trả cho thần Rùa sau khi quốc gia Đại Việt đã đánh tan 10 vạn quân Minh hung bạo... vẫn lắng đọng, lung linh trong đời sống tâm linh, ý thức dân tộc.

Những câu đối sơn son thếp vàng trong đền Ngọc Sơn không tiếc lời ngợi ca giá trị - vẻ đẹp của thanh kiếm báu.

... Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy
Văn tòng đại khối thọ như sơn

(Gươm có khí thiêng sáng màu nước
Văn theo trời đất vững như non)

... Vạn kim bảo kiếm tàng thu thủy
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ

(Gươm quý muôn vàn dưới nước thu
Một tấm lòng son ẩn trong hồ ngọc)

Trong bài "Ngọc Sơn Đế quân từ ký", tiến sĩ Vũ Tông Phan cũng có câu:

Bảo kiếm tân ma bách điện quang
Tứ phương chiếu diện nhậm hành, tàng

(Gươm báu mới mài ngời ánh sáng
Cất hay dùng vẫn rạng muôn phương)

Về lai lịch của thanh kiếm Thuận Thiên đã có truyền thuyết và một số sử sách ghi chép. Cuốn "Lê thế ngọc phả" (do ông Lê Duy Nhương, 81 tuổi, cháu 6 đời của Vua Cảnh Hưng Lê Hiển Tông cho đọc trong chuyến điền dã xứ Kinh Bắc cổ) ghi chép, miêu tả tỷ mỷ hơn cả. Cuốn "Lê thế ngọc phả" ấy do các gia thần của Vua Cảnh Hưng là Nguyễn Hài, Trọng Viêm, Nguyên Cang và Sương Huyền, phụng chỉ Vua Cảnh Hưng biên soạn bằng Hán Văn. Tiết 7, chương thứ nhất có ghi sự tích "Vua được gươm thần" như sau:

"Đêm mồng 10 tháng 12 năm ất Mùi (1415), có người ở Cổ Lôi tên là Lê Thận, làm nghề đánh cá, đêm kéo vó ở sông Lương Giang, xứ Ma Viên, thấy dưới nước có ánh sáng như đuốc. Cả đêm không kéo được con cá nào, chỉ được một thanh sắt trông như hình thanh kiếm cũ, dài 3 thước, rộng 2 tấc, dầy 3 phân (Sách Lam Sơn thực lục và Đại Việt thông sử chép là dài hơn một thước). Trên thanh sắt có dấu linh phù và có câu thần chú rằng:

Thượng đế sắc mệnh
Bảo kiếm uy cương
Cử chỉ nhất động
Hỏa chiếu vạn phương
Sơn băng địa liệt
Phá tặc thần tàng
Cấp cấp như luật lệnh.

Nghĩa là:

Đức Thượng đế có sắc mệnh
Đây là gươm báu oai cường
Chỉ cần cất lên
Lửa lóe sáng tới muôn phương
Chỉ núi, núi tan; chỉ đất, đất nứt
Chỉ thần, thần nép; chỉ giặc, giặc hàng
Tất cả đều tuân hành mau chóng.

Năm ấy, Vua 31 tuổi, cùng Thận chơi thân, gặp khi nhà Thận có giỗ Vua tới làm lễ, nhìn gầm giường thấy ánh sáng lạ bèn tới gần xem thì ra đó là thanh sắt. Vua xin, Thận cho ngay. Vua đem về nhà mài thì hiện lên 4 chữ "Thuận Thiên Lê Lợi", bèn giấu kín một nơi. Năm Bính Thân (1416), Vua 32 tuổi, sáng sớm ngày 15 tháng giêng, Vua ra cửa bắt được một chuôi gươm bằng đồng đen dài một tấc năm phân, dày 4 phân. Vua đem chuôi kiếm vào nhà rồi lấy lưỡi kiếm trước ra, đứng giữa sân, ngửa mặt lên trời khấn rằng:

- Nay giặc Bắc xâm chiếm nước Nam, sinh linh khổ sở đã lâu, nếu tôi cứu được dân sống thì xin trời cho lưỡi kiếm và chuôi kiếm gắn liền như một.

Khấn rồi, Vua cắm thanh kiếm vào chuôi, tự nhiên hai thứ gắn nhau như đúc liền, không sao tháo ra được nữa.

Đêm đến, gươm tỏa hào quang sáng như đuốc. Vua biết là thần vật, giấu kín một nơi không cho ai hay.

Một hôm, phu nhân Phạm Thị Ngọc Trần thấy vật gì treo trên cây đa trước nhà bèn bảo Vua. Lê Lợi trèo lên xem, hóa ra bao kiếm. Đem xuống lấy kiếm tra vào thì vừa khít. Vua càng khấp khởi mừng thầm "Hẳn trời cho ta kiếm báu".

Mười mấy năm trời "nếm mật nằm gai" trải bao phen vào sinh ra tử, một gươm đại định dẹp phăng giặc Minh, mở nền "thái bình muôn thuở". Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế tại điện Kính Thiên ở thành Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Nhớ lại chuyện xưa mới đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Nhân một buổi đẹp trời, Vua ngự giá ra chơi hồ Tả Vọng (còn gọi là hồ Lục Thủy vì nước xanh sẫm), thuyền rồng vừa đến giữa hồ, bỗng dưới nước nổi lên một rùa vàng rất to. Rùa bơi đến trước thuyền rồng cúi đầu như có ý bái lạy và cất tiếng:

- Việc nước đã xong, xin bệ hạ hoàn lại kiếm thần! Vua tung gươm, rùa vàng liền đớp lấy lặn xuống nước mất tăm. Từ đó nhân dân gọi hồ Tả Vọng là Hồ Hoàn Kiếm (hồ trả Gươm).

Sở dĩ nảy sinh thanh kiếm thần Thuận Thiên cũng do bối cảnh lịch sử và tâm lý xã hội của thế kỷ 15. Lúc bấy giờ, nhằm mục đích đồng hóa Đại Việt, giặc Minh đã đàn áp người Việt hết sức dã man: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ (Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi) và tịch thu sách vở, đập vỡ bia đá, đền miếu các nơi... khiến ai cũng căm uất. Tất thảy đều mong ước có bậc hiền tài cứu giúp trăm họ ra khỏi cảnh lầm than khốn cùng.

Bình Định Vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống ngoại xâm đã đáp ứng được nguyện vọng, yêu cầu chính đáng đó, và ông đã được nhân dân "thần thánh hóa" thành nhân vật được Trời - Đất (Vũ trụ) trao cho sứ mệnh trọng đại. Huyền thoại đã khắc họa một cách sinh động, ly kỳ: lưỡi gươm ở dưới nước, đốc gươm trên mặt đất, bao gươm ở trên cây.

Thần kiếm Thuận Thiên là sự kết tinh, hội tụ, thăng hoa của 3 chiều không gian và cũng là biểu tượng Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa.

Chuyện trả kiếm cho thần Rùa là một mô típ độc đáo thường gặp trong truyện kể dân gian và nó thể hiện sâu sắc ý nguyện yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt. Việc trả binh khí cho thần từng được truyền tụng trong lịch sử. An Dương Vương được thần Kim Quy cho mượn bảo kiếm để chém gà tinh trắng. Khi xây thành ốc xong, nhà vua đã trả kiếm cho thần. Thần Kim Quy còn cho An Dương Vương mượn móng của mình làm lẫy nỏ thần, nhưng khi dẹp tan quân xâm lược Triệu Đà, nhà vua lại không trả cho thần nên xảy ra cơ sự: Triệu Đà lập kế tráo lẫy nỏ rồi đem quân vây đánh Loa thành khiến An Dương Vương phải chịu cảnh nước mất nhà tan.

Phải chăng Bình Định Vương Lê Lợi đã nhớ tới bài học đó?! Cái gì đã mượn thì phải trả phải biết ơn người đã giúp mình dựng nên nghiệp lớn phải trung tín, thủy chung.

Còn tại sao, nơi mượn gươm thần lại là sông Lương (một đoạn của sông Chu thuộc địa phận Thanh Hóa ngày nay) mà nơi trả gươm lại là hồ Lục Thủy nằm giữa kinh thành Đông Đô?

Như mọi người đã biết, thời Lê Lợi, Thanh Hóa được coi là Tây Kinh, Tây Đô, còn Thăng Long (Hà Nội ngày nay) gọi là Đông Kinh, Đông Đô. Vậy Nhà Lê có 2 "đô - thành", một ở "chốn Tổ nơi phát tích", một ở nơi lên ngôi Vua.

Vua chọn địa điểm Mượn - Trả gươm theo chu trình từ Tây sang Đông hàm ý nghĩa triết học Mỹ học Á Đông. Hướng Đông là hướng mặt trời lên, hướng Tây là hướng mặt trời lặn. Mượn kiếm ở phương Tây (Thanh Hóa) nơi mặt trời lặn ngụ ý, thời cuộc lúc đó đen tối, bi thảm. Trả kiếm ở phương Đông nơi mặt trời mọc (Thăng Long) thể hiện vận hội nước nhà hưng thịnh, một rạng đông, một bình minh mới bắt đầu.

Lê Lợi chọn việc trả kiếm ở nơi hồ biếc giữa kinh thành muốn chứng tỏ cho thần linh và bàn dân thiên hạ thấy tấm lòng quang minh chính đại của mình. Và lễ thức Mượn - Trả gươm theo sự vận hành của mặt trời (ngược chiều kim đồng hồ) từ Tây sang Đông cũng nói lên cơ trời vận nước đã thay đổi "hết khổ là vui vốn lẽ đời" "hết đêm trường là ban mai xán lạn". Quả thực, sau cuộc chiến thắng giặc Minh của Bình Định Vương Lê Lợi, nước Đại Việt đã ca khúc khải hoàn và mở nền thái bình thịnh trị dài lâu trong lịch sử.
 

Trương Thị Kim Dung

 

nguon VI OLET