hoạt động giáo dục
CHỦ ĐỀ: MÙA THU ĐẾN TRƯỜNG
I. MỤC TIÊU:
- HS biết được một số ngày lễ quan trọng trong tháng 9: Ngày cách mạng tháng 8, ngày quốc khánh 2/9, ngày Trung thu, Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9.
- Học sinh hiểu được nguyên nhân và ý nghĩa của sự kiện: ngày 5/9 là ngày khai trường của học sinh cả nước; hiểu rõ ý nghĩa của hoạt động “Mùa thu đến trường”.
- Rèn và phát triển các kĩ năng thuộc chủ đề thông qua các hoạt động hỏi đáp, vui chơi, thực hành.
- HS có ý thức, thái độ tốt trong học tập, biết tự hào vì mình là học sinh tiểu học.
- Bồi dưỡng tình yêu đối với mái trường của em.
II. CHUẨN BỊ
- Băng đĩa nhạc, loa máy, các giỏ hoa chứa các vật liệu vẽ, giấy màu, bút màu, giấy thủ công, bảng phụ , bút dạ, phần thưởng trò chơi
III. TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG
Hoạt động 1: Khởi động
a) Hỏi đáp(2 phút)
- Yêu cầu HS tập hợp thành 2 hàng dọc, (nam và nữ).
- Giới thiệu mục tiêu, nội dung tiết hoạt động.
- Cho 2 hàng dọc quay lại với nhau và hỏi đáp về chủ đề tiết học theo gợi ý câu hỏi:
Ví dụ:
+ Ngày quốc khánh của nước ta là ngày nào? (2/9)
+ Ngày khai trường của nước ta là ngày nào? (5/9)
+ Ai gửi thư cho HS nhân ngày khai trường đầu tiên? (Bác Hồ)
+ Bạn hiểu thế nào là ngày Mùa thu đến trường? (khai giảng vào mùa thu, học sinh đến trường)
+ Bạn đọc một câu văn mà bạn thích nhất trong bài “Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường”
+ Trong mùa thu còn có ngày nào quan trọng với thiếu nhi chúng ta nữa? (Ngày Tết Trung Thu)
b) Chia sẻ (4 phút)
- Các nhóm cùng trao đổi trước lớp.
- GV kết luận: Trong không khí rạo rực của những khoảnh khắc mùa thu kỉ niệm nhiều ngày lễ lớn của dân tộc như Ngày Cách mạng thành công 19/8, Ngày quốc khánh 2/9, Ngày Tết trung thu của thiếu nhi vào rằm tháng 8 thì học sinh cả nước còn háo hức chờ đợi ngày đặc biệt của các em, đó là ngày khai trường. Vào ngày 5/9/1945, 3 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập mới. Ngày này hàng năm vì thế được chọn trở thành ngày khai trường của thế hệ các em học sinh, sinh viên trên cả nước. Và đây cũng chính là ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Hoạt động 2: Tổ chức trò chơi: Nghe bài hát ghi tên sự vật
- Chia lớp thành 5 nhóm. Người quản trò chính là Gv
- Hướng dẫn cách chơi: các nhóm nghe một đoạn bài hát “Em yêu trường em”, đồng thời ghi nhanh các sự vật được nhắc đến trong đoạn trích đó. Khi đoạn nhạc kết thúc, các nhóm dừng bút và người quản trò cùng kiểm tra kết quả của các nhóm trên bảng. Nhóm nào ghi được đúng, đầy đủ nhất là nhóm thắng cuộc và được nhận thưởng.
- Tổng kết trò chơi.
(Đoạn bài hát: Em yêu trường em/ Với bao bạn thân/ Và cô giáo hiền/ Như yêu quê hương/ Cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương./ Nào bàn nào ghế, nào sách nào vở, nào mực nào bút, nào phấn nào bảng,/ Và tiếng chim vui trên cành cây cao,/ Cả lá cờ sao trong nắng thu vàng./ Yêu sao yêu thế, trường của chúng em, yêu sao yêu thế trường của chúng em.)
Đáp án:
1. Trường
2. bạn thân
3. cô giáo
4. quê hương
5. sách
6. bàn
7. Ghế
8. sách
9. vở
10. mực
11. Bút
12. Phấn
13. Bảng
14. Tiếng chim
15. cành cây
16. lá cờ sao
17. nắng thu
- Lưu ý: Phần thưởng sẽ được trao cho nhóm nào ghi được nhiều từ nhất, chính xác nhất (có thể không đầy đủ các từ)
Hoạt động 3: Củng cố
- Tổ chức cho HS tham gia lựa chọn các hoạt động đã được bố trí sẵn:
+ Nhóm vẽ về chủ đề như ngôi sao, lá cờ, mái trường, lớp học, cô giáo, bạn bè, ...
+ Nhóm hát bài hát về mái trường
nguon VI OLET