Phòng GDĐT thị xã Bình Long

 

HƯỚNG DẪN GHI HỌC BẠ

(Theo Thông tư 30/2014/BGDĐT ngày 28/8/2014)

 

Học bạ dùng để ghi kết quả tổng hợp đánh giá cuối học kì I và cuối năm học của học sinh.

 Để sửa sai trong học bạ gạch chéo những chỗ điểm, những chữ, những câu ghi sai, dùng mực đỏ ghi lại cho đúng và đóng dấu xác nhận của nhà trường.

Giáo viên chủ nhiệm trực tiếp ghi nhận xét, kết quả tổng hợp đánh giá vào học bạ của học sinh.

Đối với học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học: giáo viên lập kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từng học sinh; đánh giá bổ sung để xét Hoàn thành chương trình lớp học. Thời điểm đánh giá bổ sung vào cuối năm học hoặc sau hè, số lần đánh giá bổ sung do Hiệu trưởng quyết định.

1. Trang 1, thông tin ghi theo giấy khai sinh của học sinh.

2. Căn cứ Sổ theo dõi đánh giá học sinh, giáo viên ghi:

a) Phần Các môn học và hoạt động giáo dục:

Cột “Nhận xét”:

- Những điểm nổi bật về sự tiến bộ, năng khiếu, hứng thú học tập đối với môn học, hoạt động giáo dục của học sinh  trong học kì hoặc cả năm học. 

- Những nội dung, kĩ năng chưa hoàn thành trong môn học, hoạt động giáo dục cần được khắc phục, giúp đỡ.

- Mức độ Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành của học sinh theo chuẩn kiến thức và kĩ năng của môn học, hoạt động  giáo dục.

- Đối với các môn học có Bài kiểm tra định kì (KTĐK): Ghi kết quả cuối cùng mà học sinh đạt được và lưu ý đặc biệt nếu có.

b) Phần Các năng lực:

- Kí hiệu (X) vào ô Đạt hoặc Chưa đạt (nếu có đánh giá bổ sung thì ghi kết quả cuối cùng). 

- Nhận xét các biểu hiện, sự tiến bộ, mức độ đạt được về sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh. Ghi các ưu điểm, hạn chế, góp ý và khuyến nghị nếu có.  Ví dụ: 

       + Tự phục vụ, tự quản: Thực hiện được một số việc phục vụ cho bản thân (vệ sinh thân thể, ăn, mặc,…); một số việc phục vụ cho học tập (chuẩn bị đồ dùng học tập ở lớp, ở nhà,…);…. 

       + Giao tiếp, hợp tác: Mạnh dạn khi giao tiếp; trình bày rõ ràng, ngắn gọn; nói đúng nội dung cần trao đổi; ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng.

       + Tự học và giải quyết vấn đề: Khả năng tự thực hiện nhiệm vụ học cá nhân trên lớp, làm việc trong nhóm,tổ, lớp; khả năng tự học có sự giúp đỡ hoặc không cần giúp đỡ;… 

        c) Phần Các phẩm chất: 

      - Kí hiệu (X) vào ô Đạt hoặc Chưa đạt (nếu có đánh giá bổ sung thì ghi kết quả cuối cùng).

     - Nhận xét các biểu hiện, sự tiến bộ, mức độ đạt được về sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh. Ghi cả các ưu điểm, hạn chế, góp ý và khuyến nghị nếu có.

           Ví dụ :

         + Chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục: Đi học đầy đủ, đúng giờ; thường xuyên trao đổi bài với bạn, thầy giáo, cô giáo và người lớn;…

         + Tự trọng, tự tin, tự chịu trách nhiệm: Mạnh dạn khi thực hiện nhiệm vụ học tập, trình bày ý kiến cá nhân; tự chịu  trách nhiệm về các việc làm, không đổ lỗi cho người khác khi mình làm chưa đúng;…

        + Trung thực, kỉ luật, đoàn kết: Không nói dối; không nói sai về bạn; tôn trọng lời hứa, giữ lời hứa;…

        + Yêu gia đình, bạn bè và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước: Quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè; kính trọng người lớn, biết ơn thầy giáo, cô giáo,…

3. Mục Thành tích nổi bật/Những điều cần khắc phục, giúp đỡ:

      - Ghi lại các thành tích nổi bật trong các mặt hoạt động giáo dục mà học sinh đạt được trong học kì I, trong năm học; và những điều lưu ý học sinh cần phải khắc phục hoặc cần được giúp đỡ.

         - Ghi rõ nhiệm vụ giáo dục học kì II (hoặc năm học tiếp theo) của học sinh (kể cả trong trường hợp học sinh đã được đánh giá Hoàn thành). Ví dụ :

                 + Em cần phát âm chính xác và viết đúng chính tả đối với chữ l/n trong năm học lớp 2. 

4. Mục Khen thưởng: Ghi lại những thành tích mà học sinh đạt được. Ví dụ:

     + Được hiệu trưởng tặng giấy khen vì đã có thành tích trong học tập môn Tiếng Việt.

     + Đạt giải Nhì hội thi giao lưu An toàn giao thông cấp huyện/tỉnh/quốc gia.

5. Mục Hoàn thành chương trình lớp học/tiểu học:

      Ghi Hoàn thành chương trình lớp….../tiểu học hoặc Chưa hoàn thành chương trình lớp….../tiểu học.

 

HƯỚNG DẪN GHI NHẬN XÉT THƯỜNG XUYÊN

(Theo Thông tư 30/2014/BGDĐT ngày 28/8/2014)

 

Hàng tháng, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn học, hoạt động giáo dục khác. Nguyên tắc là 100% học sinh được đánh giá thường xuyên trong tháng. Tuy nhiên, căn cứ vào số lượng học sinh, kết quả đạt được ở các nội dung đánh giá của học sinh trong lớp để giáo viên ghi những nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục.               Không nhất thiết tháng nào toàn bộ học sinh cả lớp cũng được giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục,  những học sinh có thành tích, tiến bộ nổi bật hoặc chưa hoàn thành (chưa đạt) ở một số nội dung đánh giá thì được nhận xét nhiều hơn. Cần chú ý nhận xét vào những thời điểm phù hợp với mỗi học sinh nhằm động viên, khuyến khích tính tích cực, tạo sự chuyển biến trong mỗi học sinh để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Từ quá trình theo dõi thường xuyên, hằng tháng giáo viên ghi những nhận xét nổi bật:

1. Mục a) Môn học và hoạt động giáo dục (Kiến thức, kĩ năng):

           - Nhận xét những kiến thức và kĩ năng của môn học và hoạt động giáo dục mà học sinh chưa làm được; biện pháp của giáo viên giúp đỡ học sinh và kết quả của các biện pháp đó.

   - Nhận xét những điểm nổi bật về sự tiến bộ, hứng thú học tập đối với môn học và  hoạt động giáo dục.

2. Mục b) Năng lực:

Nhận xét về một hoặc một số biểu hiện nổi bật về sự hình thành và phát triển năng lực của học sinh; ví dụ :

    - Tự phục vụ, tự quản: có ý thức tự phục vụ/chuẩn bị đủ và biết giữ gìn sách vở,  đồ dùng học tập/tự giác tham gia và chấp hành sự phân công của nhóm, lớp…

    - Giao tiếp, hợp tác: có sự tiến bộ khi giao tiếp/nói to rõ ràng/đã thắc mắc với cô giáo khi  không hiểu bài/cần tích cực giúp đỡ bạn cùng học tốt…

- Tự học và giải quyết vấn đề: biết/bước đầu biết tự học/tự hoàn thành các nhiệm vụ học tập/biết đặt câu hỏi và tự tìm tòi câu trả lời.

3. Mục c) Phẩm chất:

Nhận xét về một hoặc một số biểu hiện nổi bật về sự hình thành và phát triển phẩm chất của học sinh, ví dụ:

    - Chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục: Tích cực tham gia các hoạt động của nhóm/lớp; Biết làm việc phù hợp ở nhà/thích đá bóng (múa, hát, vẽ)…

- Tự trọng, tự tin, tự chịu trách nhiệm: Biết nhận lỗi/sửa lỗi/tự tin trao đổi ý kiến của mình trước tập thể/mạnh dạn nhận và chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm…

- Trung thực, kỉ luật, đoàn kết: nhặt được của rơi tìm người trả lại/chấp hành nội quy  trường, lớp…

- Tình cảm, thái độ: Yêu quý bạn bè (cha, mẹ, ông, bà, thầy, cô)/kính trọng người lớn tuổi/ biết giúp đỡ mọi người/cởi mở, thân thiện…

Lưu ý: Kết quả và nhận xét bài kiểm tra định kì được ghi vào phần “Nhận xét thường xuyên” của tháng kết thúc học kì I và cuối năm học.

 

GỢI Ý CỤ THỂ CÁCH GHI VỞ HS VÀ SỔ TDCLGD

 

1. Cách ghi nhận xét thường xuyên trong vở học sinh:

Cấu trúc của nhận xét thường xuyên gồm hai phần:

- Phần nội dung nhận xét: phải bám sát nội dung bài học và nêu được những nội dung về kiến thức, kỹ năng các môn học, hoạt động giáo dục đã hoàn thành hoặc chưa hoàn thành; năng lực, phẩm chất học sinh đã đạt hoặc chưa đạt.

- Phần biện pháp hỗ trợ: là những lời khuyên, gợi ý chỉ dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ hoặc tiếp tục bồi dưỡng nâng cao đối với những học sinh có năng khiếu.

  - Trong quá trình theo dõi HS làm bài, GV quan sát vở HS và đánh dấu “đ” bằng mực đỏ vào những bài HS làm đúng (đối với môn Toán) cùng với lời khen, nhận xét (có đủ cấu trúc gồm 2 phần: thực trạng và hỗ trợ)

Phần a) Kiến thức, kỹ năng:

+ Em giải toán có lời văn rất tốt, em cần giữ vở sạch hơn.

+ Biết đặt tính đúng, em cần viết số đẹp hơn.

+ Em đã thực hiện tốt phép tính, cần làm bài nhanh hơn.

+ Em đọc số đúng, cần nói to và rõ ràng hơn;

+ Em viết chữ có tiến bộ, cần bao vở và dán nhãn lại cho đẹp

+ Thực hiện chưa thành thạo các phép đổi đơn vị đo độ dài, khối lượng, diện tích. Cần làm thêm bài tập về cách đổi các đơn vị đo này.

+  Phân biệt từ đồng âm, từ nhiều nghĩa đôi lúc chưa chính xác. Cần học lại bài và làm thêm bài tập để phân biệt tốt hơn.

+ Đã vẽ được tranh theo đề tài được giao nhưng vẽ màu chưa hợp lí. Nên chọn màu sắc có sắc độ đậm, nhạt để tô vào bài.

+ Đã hát thuộc lời ca 2 bài hát song đôi chỗ còn hát chưa rõ lời. Cần chú ý lấy hơi để hát rõ lời.

+ Thực hiện chưa đúng động tác vươn thở của bài thể dục phát triển chung. Cần chú ý và tập trung lúc thầy hướng dẫn thực hiện. 

+ Đã trả lời được câu hỏi về bản thân. Em cần cố gắng viết nắn nót hơn nữa nhé.

+ Em biết quan sát ảnh Bác Hồ và trả lời được các câu hỏi. Em cố gắng diễn đạt thành các câu mạch lạc, rõ ý hơn.

+ Em đã biết nói lời cảm ơn, xin lỗi. Em cần sử dụng thường xuyên lời cám ơn hay xin lỗi đúng lúc nhé.

+ Em nói được câu văn về nội dung bức tranh. Nhưng em cần sửa câu văn cho ngắn gọn và rõ ý hơn nữa nhé.

+ Em nói được lời mời, yêu cầu, đề nghị. Em nên dùng lời mời, yêu cầu hay đề nghị ngắn gọn hơn nhé.

+ Em biết dựa vào các câu hỏi gợi ý viết được đoạn văn kể về thầy cô giáo. Câu văn của em dùng từ hay và rõ ràng. Em cần phát huy.

+ Em biết dựa vào các câu hỏi gợi ý viết được đoạn văn kể về thầy cô giáo. Nhưng em dùng từ chưa được hay và rõ ý.

+ Em biết dựa vào các câu hỏi gợi ý viết được đoạn văn kể về thầy cô giáo. Nhưng em sắp xếp câu còn lủng củng. Em cố gắng đọc kỹ yêu cầu bài và sắp xếp câu cho hợp lý nhé!

Phần b) Năng lực:

 + Em đã biết soạn sách vở, cần giữ vở sạch và đẹp hơn.( vừa nhận xét về năng lực nhưng vừa nhận xét về VS-CĐ)

 + Em có nhiều cố gắng trong hợp tác với bạn, cần nhanh nhẹn hơn.

 + Em chưa chuẩn bị đồ dùng học tập đầy đủ, cần nghe và ghi nhớ lời cô dặn dò.

+ Em nói được câu văn về nội dung bức tranh. Nhưng em cần nói to và rõ ràng hơn nữa nhé.

+ Em đã biết tự học, biết dựa vào các câu hỏi gợi ý viết được đoạn văn kể về thầy cô giáo.

+ Em chưa nói được lời yêu cầu. Em cần giao tiếp với bạn bè nhiều hơn.

 

Phần c) Phẩm chất:

 + Chăm-ngoan, cần mạnh dạn hơn.

 + Em biết đoàn kết, hòa đồng với bạn, cần năng động hơn trong các hoạt động.

+ Em nói được câu văn về nội dung bức tranh. Nhưng em cần mạnh dạn và tự tin hơn nữa nhé.

+ Em biết dựa vào các câu hỏi gợi ý viết được đoạn văn. Em cần thể hiện tình cảm của mình thì bài văn sẽ hay hơn.

* Nhận xét về vở sạch, chữ đẹp: (TLV lớp 2)

+ Em đã biết quan sát ảnh Bác Hồ và trả lời được các câu hỏi. Em cần viết chữ nắn nót hơn.

+ Em đã viết được đoạn văn, đủ ý, rõ ràng khi kể về ông, bà. Em cần giữ vở sạch hơn và bớt bôi xóa nhé!

 

 

Một số lưu ý:

* GV ghi lời nhận xét cuối mỗi bài học, không ghi ở lề đỏ.

* Chữ viết giáo viên phải đúng mẫu, đúng kích thước, rõ ràng, dễ đọc, không viết tắt.

 

 

2. Cách ghi Sổ theo dõi chất lượng giáo dục đối với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn:

Ghi cho giáo viên đọc nên lời ghi trong Sổ theo dõi chất lượng giáo dục chỉ cần nhận xét phần thực trạng mà không nhất thiết phải ghi phần hỗ trợ, động viên. Một số ví dụ, gợi ý:
 

Mục a) Kiến thức, kĩ năng:
 - Thực hiện chưa thành thạo các phép đổi đơn vị đo độ dài, khối lượng, diện tích.
 - Phân biệt từ đồng âm, từ nhiều nghĩa đôi lúc chưa chính xác.

- Hoàn thành tốt các nội dung chương trình của từng bài trong tháng song trình bày bài trong vở chưa cẩn thận.

- Đã vẽ được tranh theo đề tài được giao, vẽ màu chưa hợp lí.

- Chưa biết chọn màu sắc có sắc độ đậm, nhạt để tô vào bài.
 - Nắm được cách vẽ theo mẫu, hoàn thành tương đối tốt bài vẽ.

- Đã hát thuộc lời ca 2 bài hát song đôi chỗ còn hát chưa rõ lời.

- Hát đúng giai điệu lời ca và thể hiện được sắc thái, tình cảm của 2 bài hát.
 - Thực hiện chưa đúng động tác vươn thở của bài thể dục phát triển chung. 

- Hoàn thành rất tốt nội dung của các bài trong tháng.

Mục b) Năng lực:

-         Chưa biết tự phục vụ cho bản thân.

-         Ý thức phục vụ bản thân tốt.

-         Chưa biết soạn sách vở, chuẩn bị bài.

-         Biết hợp tác với bạn bè trong học nhóm.

-         Chưa biết tự học, chưa biết đặt câu hỏi với bạn.

-         Có tinh thần giúp đỡ bạn trong học tập.

-         Chấp hành tốt sự phân công trong sinh hoạt nhóm.

Mục c) Phẩm chất:

-         Chăm học, thích hát và hát hay.

-         Vẽ đẹp và  biết cách tô màu, có năng khiếu về môn Mỹ thuật.

-         Chưa tự tin trong giao tiếp với thầy cô.

-         Biết giúp đỡ mọi người, lễ phép

-         Chưa chấp hành tốt nội quy của lớp, còn hay đi trễ giờ.

-         Trung thực, thật thà với bạn bè và thầy cô. 

Một số lưu ý:

* Không nhất thiết tháng nào toàn bộ học sinh cả lớp cũng được giáo viên ghi nhận   xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Nhưng cuối năm học đảm bảo tất cả mọi HS đều được ghi nhận xét.

+ Đối với giáo viên chủ nhiệm: Ghi lời nhận xét trong Sổ TDCLGD ít nhất 16  HS/ lớp/ tháng;

+ Đối với giáo viên bộ môn: Ghi lời nhận xét trong Sổ TDCLGD ít nhất 10 HS/ lớp/ tháng.

* Chữ viết giáo viên phải đúng mẫu, đúng kích thước, rõ ràng, dễ đọc, không viết tắt.

 

 

 Chuyên môn Phòng GDĐT Bình Long

   Năm học 2014 - 2015

 

 

     

 

 

 

 

 

 

  

1

Chuyên môn tiểu học - Phòng GDĐT Bình Long

nguon VI OLET