BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI & PHỤ ĐẠO HỌC SINH YẾU
Năm học : 2011-2012

I . THỰC TRẠNG:
Mặc dù trong năm học trước nhà trường đã có nhiểu biện pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, từng giáo viên của nhà trường đã rất cố gắng tổ chức tốt các tiết dạy trên lớp, tổ chức phụ đạo thường xuyên cho những học sinh yếu, trung bình. Tuy nhiên qua kết quả của đợt khảo sát đầu năm học 2011 – 2012 vừa qua, học sinh của trường đã bộc lộ một số vấn đề yếu kém cần phải tập trung giải quyết như sau:
-Kiến thức, kỹ năng các bộ môn văn hóa đặc biệt ở môn Toán và Tiếng Việt còn chưa vững chắc. Trong hè đa số các em mãi vui chơi không quan tâm ôn tập, vì thế khi vào khảo sát nhiều em không còn nhớ, hoặc chỉ nhớ một cách mù mờ, lõm bỏm chất lượng bài khảo sát không cao.
-Ở môn Tiếng Việt, trong số học sinh yếu đa phần yếu về viết, một số em ở lớp 2, 3 đọc còn chậm.
-Trong môn toán đa số học sinh còn yếu ở khâu giải toán, quên mất nhiều kiến thức cơ bản ở phần số đo các đại lượng, phân số…
Đứng trước tình hình trên, để tiếp tục thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường trong năm học 2011-2012, nhà trường đề ra kế hoạch Bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu trong năm học nầy như sau:
II. MỤC TIÊU:
Nhằm thực hiện tốt mục tiêu giáo dục tiểu học. Nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy tốt những năng lực, phẩm chất của đội ngũ học sinh giỏi trong nhà trường.
Nhằm thực hiện viêc dạy và học theo chuẩn kiến thức – kỹ năng do Bộ ban hành. Tạo điều kiện tốt giảm dần tỷ lệ học sinh yếu, hạn chế số lượng HS phải lưu ban hàng năm. Thực hiện phổ cập đúng độ tuổi một cách bền vững.
III. ĐỐI TƯỢNG
Là những học sinh khá giỏi, học sinh yếu kém ở hai môn Toán, Tiếng Việt, căn cứ vào kết quả khảo sát đầu năm có tham khảo kết quả học tập ở năm học trước.
IV. THỜI GIAN
Tiến hành trong suốt năm học 2011 -2012, kể từ ngày 5/9/2011.
V. HÌNH THỨC
A/. ĐỐI VỚI HỌC SINH GIỎI
Tiến hành bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ “Học sinh giỏi” thường xuyên hàng tuần trong suốt năm học và cả trong thời gian nghỉ hè.
Ngoài việc được nhà trường thường xuyên bồi dưỡng hai môn học chủ yếu là Toán, Tiếng Việt, những học sinh giỏi còn được nhà trường quan tâm bồi dưỡng thêm các môn học khác như : Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật… nhằm tạo điều kiện cho các em phát triển những năng khiếu sẳn có, đồng thời giúp các em tích luỹ được một số vốn kiến thức có lợi cho việc học tập và cuộc sống.
B/. ĐỐI VỚI HỌC SINH YẾU
Việc phụ đạo học sinh yếu chủ yếu được tiến hành thường xuyên trên lớp bằng phương pháp dạy học hướng đối tượng, phát huy việc học cá nhân, học nhóm nhỏ trên từng bộ môn và bài học cụ thể.
Học sinh yếu có thể được giáo viên chủ nhiệm kèm riêng, nếu những biện pháp trên lớp chưa phát huy tối đa hiệu quả. Việc kèm riêng học sinh được tiến hành trong các ngày thứ bảy chủ nhật hoặc trái buổi tại nhà giáo viên ( nếu giáo viên ở tập thể trường), hoặc trên phòng học.
Bên cạnh đó để tăng cường hiệu quả trong việc phụ đạo học sinh yếu nhà trường chỉ đạo cho Liên Đội Thiếu niên TPHCM có những hoạt động hỗ trợ : tổ chức thăm hỏi hoàn cảnh gia đình, phong trào tiết kiệm để giúp đỡ cho những em có khó khăn, tổ chức nhóm học tập, phân công đội viên học sinh khá giỏi giúp các em học tập.
Đồng thời, nhà trường, tổ chức Đội, giáo viên chủ nhiêm cần thường xuyên theo dõi để có sự động viên, giúp đỡ. Cần có những phần thưởng xứng đáng, kịp thời cho những học sinh biết phấn đấu vươn lên.
VI. LỰC LƯỢNG THAM GIA CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG, PHỤ ĐẠO HỌC SINH:
Bộ phận chuyên môn của nhà trường giữ vai trò chủ đạo và kết hợp, điều phối các bộ phận khác như Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và nhân viên nhà trường cùng tham gia sao cho đạt hiệu quả cao.
Trên đây là kế hoạch thực hiện công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu của trường Tiểu học Phú Thọ B.
TM. BAN GIÁM HIỆU
nguon VI OLET