PHÒNG GD&ĐT TÁNH LINH     CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG TH ĐỒNG KHO 1                   Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

 

   Số: 02/KH-ĐK1                                            Đồng Kho, ngày 18 tháng 9 năm 2015

 

KẾ HOẠCH PHỤ ĐẠO HỌC SINH CHƯA HOÀN THÀNH MÔN HỌC

NĂM HỌC: 2015 2016

 

          - Căn cứ vào sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT Tánh Linh về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016;

          - Căn cứ kế hoạch chuyên môn năm học 2015-2016 của trường Tiểu học Đồng Kho 1.

          - Căn cư vào tình hình khảo sát chất lượng đầu năm học 2015-2016 của trường Tiểu học Đồng Kho 1.

          Nay Trường Tiểu học Đồng Kho 1 xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu năm học 2015-2016 như sau:

          I. Mục đích, yêu cầu:

          - Thực hiện tốt chủ đề năm học: “Tiếp tục đổi mới công tác quản lí, nâng cao chất lượng toàn diện”.

          - Nghiêm túc thực hiện cuộc vận động “Hai không”, trọng tâm là không để học sinh lưu ban.

          - Thực hiện tốt công tác phổ cập xoá mù chữ.

          - Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo điều kiện tốt cho việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

         II. Đặc điểm tình hình:

1. Thuận lợi:

- Được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Sở GD&ĐT Bình Thuận, Phòng GD&ĐT Tánh Linh, Đảng ủy, chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể tại địa phương.

- Cơ sở vật chất của trường khang trang, đáp ứng cho điều kiện dạy và học, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

- Đội ngũ CB- GV-CNV có tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm cao, vững vàng về chuyên môn có kinh nghiệm tạo được uy tín trong phụ huynh.

- Được sự động viên hỗ trợ tích cực tinh thần cũng như vật chất của Ban Đại diện CMHS và các bậc phụ huynh học sinh.

- Đa số học sinh chăm ngoan, thực hiện tốt nội quy nhà trường.

2. Khó khăn:

- Một số lớp học có số lượng học sinh đông, đặc biệt là học sinh khối 2, 4 và 5 (25-29 em).

- Số lượng học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo khá đông (13/323- Tỉ lệ: 4,0%), đa số phụ huynh làm nghề nông không có thời gian chăm sóc dạy dỗ con cái nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả giáo dục của nhà trường.

- Phòng học, phòng chức năng còn thiếu nhiều.

- Một số giáo viên chưa thật tích cực phụ đạo học sinh chưa hoàn thành môn học.

3. Tình hình đội ngũ trường lớp học sinh:

3.1. Tình hình CB-GV-CNV:

- Tổng số CB-GV-CNV: 26

         +Ban giám hiệu : 02

         +Giáo viên    : 19 (1 giáo viên Anh văn, 1 GV Âm nhạc, 1 giáo viên thể dục, 1 GV tin học)

         +TPT Đội      : 01

         +CNV           : 04

3.2. Tình hình trường lớp:

   a. Số phòng học hiện có          : 08 phòng/ 14 lớp

         

  b. Tổng số học sinh toàn trường: 323/14 lớp được chia làm như sau:

- Khối 1: 52/3 lớp                 

- Khối 2: 74/3 lớp                 

- Khối 3: 62/3 lớp      

- Khối 4: 79/3 lớp                 

- Khối 5: 56/2 lớp       

             ( Trong đó học 8-9 buổi/ tuần 197 em. Số buổi bổ sung chỉ tập trung vào 2 môn: Tin học và Tiếng anh)

- Số học sinh so với năm học trước giảm 04 em

- Tuyển sinh đúng độ tuổi 6 tuổi vào lớp 1: 52/52_Tỉ lệ: 100%

          III. Thực trạng:

Qua khảo sát chất lượng đầu năm cho thấy đa số học sinh đều nắm được chuẩn kiến thức kĩ năng theo từng môn học. Số học sinh đạt điểm trung bình trở lên 222/269, tỉ lệ: 82,5%  giảm 0,3% so với đầu năm học trước. Số lượng học sinh chưa hoàn thành môn học và có nguy cơ không HTCT lớp học còn cao (47/269) chiếm 17,5%  tăng  0,3% so với cùng kì năm trước.

Cụ thể:

*Môn Tiếng việt:

- Điểm 7-10: 117/269, Tỉ lệ: 43,5% giảm 2,1% (114/250) so với đầu năm học trước.

- Điểm 5-6: 110/269, Tỉ lệ: 40,9% tăng 0,5% (101/250) so với đầu năm học trước.

- Điểm 1-4: 42/269, Tỉ lệ: 15,6%, tăng 1,6 % (35/250) so với đầu năm học trước.

*Môn Toán:

- Điểm 7-10: 151/269, Tỉ lệ: 56,1% giảm 7,5% (159/250) so với đầu năm học trước.

- Điểm 5-6: 92/269, Tỉ lệ: 34,2% tăng 7,8 % (66/250) so với năm học trước.

- Điểm 1-4: 26/269, Tỉ lệ: 9,7% giảm 0,3% (25/250) so với đầu năm học trước.

          IV. Nội dung và biện pháp:

          1. Đối với giáo viên:

          1.1. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến học sinh học chưa hoàn thành môn học:

          * Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém trong học tập của học sinh:

          + Một số em chưa nhận thức được nhiệm vụ học tập hay nói thông thường là học sinh lười học, không chăm chỉ, chuyên cần.

 +Một số giáo viên chưa thật tích cực trong công tác phụ đạo học sinh chưa hoàn thành môn học.

 + Một số phụ huynh ít quan tâm, chăm sóc dạy dỗ con cái.

          Tất cả các nguyên nhân trên đều tác động vào quá trình học tập của học sinh dẫn đến việc các em chán học, lơ là, đến trường cho có lệ, học không có mục đích, kết quả cuối cùng là học tập sa sút đi nhiều.

          Để nắm được tình hình học sinh trong lớp mình, giáo viên chủ nhiệm thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, điển hình:

          - Giáo viên sẽ nắm được hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp của phụ huynh, gia đình đông con hay ít con? Phụ huynh có quan tâm giáo dục con cái hay không? Nắm được địa bàn nơi cư trú…

          - Thông qua nghiên cứu hồ sơ của học sinh như: biên bản bàn giao chất lượng, khảo sát chất lượng của học sinh đầu năm… giáo viên sẽ nắm được mặt mạnh cũng như mặt hạn chế của học sinh. Trong quá trình dạy học, giáo viên cần chú ý phát hiện kịp thời lỗ hổng trong kiến thức mà học sinh vấp phải.

          - Giáo viên luôn quan tâm, trao đổi, lắng nghe ý kiến của học sinh. Khơi gợi cho học sinh nói lên những mong muốn, trăn trở của mình. Từ đó, giáo viên sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, sở thích, thái độ trong quan hệ với mọi người của học sinh. Đồng thời phát huy sở trường của học sinh từ đó kích thích các em học tập.

          - Thông qua trao đổi với phụ huynh học sinh, giáo viên nắm bắt được sự quan tâm giáo dục hay thờ ơ của phụ huynh đối với con em mình. Từ đó có sự tư vấn, phối hợp giữa nhà trường và gia đình để lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp…

          1.2. Nội dung:

          Xây dựng động cơ học tập cho học sinh, xác định cho học sinh hiểu: Học để làm gì? và Vì sao phải học?

          Phân chia động cơ học tập của học sinh ra thành nhiều loại như sau:

          - Học để sau này góp phần xây dựng đất nước, xây dựng quê hương.

- Học vì lợi ích riêng của mình, muốn hơn người, muốn có địa vị cao trong xã hội…

          - Học vì muốn có điểm tốt, muốn thầy cô và cha mẹ vui lòng…

          1.3. Biện pháp:

 Tất cả các GVCN dựa vào tình hình học tập của học sinh lớp mình để xây dựng cụ thể kế hoạch phụ đạo học sinh chưa hoàn thành môn học của lớp.

          a. Học sinh chưa hoàn thành môn học do hoàn cảnh gia đình:

          - Tạo cơ hội để trao đổi trực tiếp với phụ huynh học sinh, nắm bắt cụ thể hướng phấn đấu của học sinh vì mục tiêu, kế hoạch chung của lớp, của trường… thông qua các buổi họp phụ huynh học sinh.

          - Hợp tác giữa giáo viên và phụ huynh là điều cần thiết để học sinh học tập và rèn luyện. Qua đó, giáo viên sẽ thông tin kịp thời đến phụ huynh về kết quả học tập, năng lực, phẩm chất,  tham gia hoạt động… qua nhiều kênh thông tin. Giáo viên và phụ huynh cần có sự liên kết hai chiều nhằm có biện pháp tác động phù hợp, động viên khuyến khích khi các em tiến bộ, nhắc nhở kịp thời khi các em có biểu hiện cần uốn nắn…

          - Giáo viên mời phụ huynh khi cần thiết để bàn bạc biện pháp giáo dục các em, hướng dẫn cha mẹ học sinh cách theo dõi, hỗ trợ học sinh học tập, tham gia đánh giá học sinh, cách thức quan sát, động viên các hoạt động của con em mình.

          - Giáo viên tạo điều kiện tốt nhất về thời gian để học sinh có thể hoàn thành bài học ngay tại lớp.

          b. Học sinh chưa hoàn thành môn học do lười học, không chăm chỉ, không chuyên cần hoặc chưa nhận thức được nhiệm vụ học tập:

          Những học sinh rơi vào tình trạng trên là do: không học bài, không làm bài, thường xuyên để quên sách vở ở nhà, vừa học vừa chơi, không tập trung… Để các em có hứng thú học tập, giáo viên phải nắm vững và phối hợp nhịp nhàng các phương pháp dạy học, thay đổi bằng hình thức trò chơi, sử dụng phong phú đồ dùng học tập… để giúp các em hiểu bài, tự bản thân mình giải quyết các bài tập. Giáo viên động viên các bạn trong nhóm nhắc nhở và giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi các em vấp phải những lỗi trên.

          Ngoài ra, giáo viên cần trao đổi trực tiếp với từng đối tượng học sinh bằng lời nói, cử chỉ, mệnh lệnh thật thuyết phục.

          Bên cạnh phương pháp giáo dục trực tiếp với từng đối tượng học sinh, giáo viên cần phải phối hợp phương pháp giáo dục tập thể. Dùng dư luận của tập thể tác động đến đối tượng học sinh cá biệt, xây dựng dư luận tập thể lành mạnh thành khối đoàn kết với phương châm “Sống có trách nhiệm”, thiết lập mối quan hệ tốt giữa các thành viên, khơi gợi động lực học tập của học sinh vì danh dự tập thể, mỗi thành viên tự giác điều khiển hành vi của bản thân.

          2. Đối với tổ chuyên môn:

          - Lập danh sách học sinh chưa hoàn thành môn học của tổ nộp cho nhà trường.

          - Lên kế hoạch tổ chức thực hiện công tác phụ đạo học sinh chưa hoàn thành môn học cả năm, hàng tháng.

          - Đề xuất các giải pháp về việc khắc phục tình trạng học sinh chưa hoàn thành môn học. Cần chú ý nhiều đến đối tượng học sinh chưa hoàn thành môn học khối 1, 5.

          - Mỗi tháng sinh hoạt nội dung cần quan tâm về biện pháp theo dõi và giúp đỡ học sinh chưa hoàn thành môn học.

          - Điều chỉnh nội dung chương trình cho phù hợp với đối tượng, giao trách nhiệm cụ thể cho từng giáo viên chủ nhiệm.

          - Theo dõi và kiểm tra chéo sự tiến bộ của học sinh chưa hoàn thành môn học trong từng lớp.

          3. Đối với lãnh đạo nhà trường:

          - Xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh chưa hoàn thành môn học ngay từ đầu năm.

          - Sắp xếp thời khoá biểu cho giáo viên dạy phụ đạo.

          - Thường xuyên kiểm tra công tác phụ đạo học sinh chưa hoàn thành môn học của giáo viên.

          - Phấn đấu trong năm hạn chế thấp nhất số học sinh chưa hoàn thành môn học.

Trên đây là nội dung kế hoạch phụ đạo học sinh chưa hoàn thành môn học của trường Tiểu học Đồng Kho 1. Đề nghị các tổ chuyên môn, giáo viên vận dụng và thực hiện trong kế hoạch hoạt động của tổ và cá nhân.

 

                                                                                            KT. HIỆU TRƯỞNG

                                                                                            PHÓ HIỆU TRƯỞNG

Nơi nhận: 

- Phòng GD&ĐT;

- Website trường;

- Lưu VT.

 

 

                                                                                                 Nguyễn Thị Mai

 

 

 

1

 

nguon VI OLET