Kinh nghiệm nuôi thỏ

Ông Trần Quang Thế với đàn thỏ của gia đình.

KTNT - Nuôi thỏ đang là mô hình mới, thu hút nhiều nông dân tham gia, tại huyện miền núi Thanh Thủy (Phú Thọ) nghề nuôi thỏ đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Trao đổi kinh nghiệm nuôi thỏ với chúng tôi, ông Trần Quang Thế ở khu 7, xã Đoan Hạ (Thanh Thủy) cho biết: “Nuôi thỏ rất dễ, không tốn diện tích. Nguyên vật liệu để làm chuồng cũng dễ kiếm như tre, nứa, gỗ. Chuồng được làm thành nhiều ngăn, mỗi ngăn rộng khoảng 0,6m, dài 0,8m, cao 0,5m. Nếu nuôi 2 thỏ cái giống, 1 thỏ đực thì phải làm 5 ngăn chuồng. Chuồng thỏ nên làm treo hoặc có chân cao, đảm bảo thoáng về mùa hè, chống chuột, kiến quậy phá; có tấm che gió lùa về mùa đông, xung quanh chuồng nên có hàng rào bảo vệ. Mỗi ngăn cần có máng đựng thức ăn tinh và thức ăn thô riêng, phải có âu nhựa cung cấp nước sạch cho thỏ uống”. Theo ông Thế, khi mới nuôi chỉ nên nuôi 2 thỏ cái, 1 thỏ đực, chọn những con có ngoại hình tốt, nhanh nhẹn, mắt sáng, mũi khô, lông bóng mượt, thỏ giống có tuổi đời 4-5 tháng tuổi là phối giống được. Thức ăn của thỏ rất dễ kiếm như rau, các loại lá cây, cỏ, lá ngô, mía, các loại quả, tốt nhất là rau lang, lá sắn dây. Mùa đông có thể cho thỏ ăn các loại lá dự trữ như bã chè, lá chè xanh đã phơi khô hoặc các thức ăn tinh như cám ngô, cám gạo, đậu tương hoặc cơm (lưu ý tránh cho thỏ ăn những lá cây độc). Thỏ ăn cả ngày lẫn đêm, nhưng nên cho ăn vào buổi sáng sớm và chiều tối, theo dõi thỏ ăn để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, đừng để thừa nhiều thức ăn trong chuồng, vừa mất vệ sinh, không thông thoáng chuồng trại.

Đối với thỏ con, cho ăn nhiều bữa trong ngày, ba đến bốn tháng tuổi đạt trọng lượng 1,6-2kg. Đối với thỏ giống sinh sản, cho ăn vừa đủ, tránh thỏ bị béo, khó phối giống. Khi phối giống cần lưu ý, nếu khoảng 5 phút mà không phối được thì bắt thỏ đực về chuồng, hôm sau cho phối lại. Sau khi phối khoảng 30-31 ngày là thỏ đẻ, thỏ có thể đẻ 6-8 lứa/năm, mỗi lứa 6-8 con, ổ đẻ được đặt luôn trong chuồng thỏ mẹ. Ổ nên dùng rơm khô hoặc bào khô mềm lót dưới. Thỏ có bản năng tự nhổ lông bụng để lót cho con, thỏ con đẻ ra chưa có lông ngay, vẫn nhắm mắt, không đứng được nên chỗ nằm phải êm và ấm áp. Mỗi ngày thỏ cho con bú một đến hai lần, khoảng ba tuần sau chúng có thể ăn được thức ăn chung với mẹ.

Trong nuôi thỏ, khâu vệ sinh là rất quan trọng, hàng ngày phải quét dọn chuồng sạch sẽ. Dưới nền nên đổ bê -tông hoặc lát gạch có độ dốc thoát nước. Thỏ ít bị bệnh nhưng thỉnh thoảng cũng có con bị tiêu chảy, nên dùng thuốc EBISEPTOL-10gam trộn vào thức ăn hoặc hòa với nước cho uống.

Trần Thế Long

Phương pháp nuôi thỏ công nghiệp



Cập nhật : 01/05/2008 10:20

Phương pháp nuôi thỏ công nghiệp

Trong kỹ thuật nuôi thỏ công nghiệp, yếu tố chuồng trại, chọn giống thỏ, thức ăn sạch, vệ sinh phòng ngừa bệnh tốt sẽ quyết định sự thành công. Thiết kế chuồng nuôi thỏ phải thoáng, ánh nắng ban mai lọt vào, dễ chăm sóc và làm vệ sinh, có rào chắn tránh chuột và mèo gây hại.

Chuồng bằng lưới sắt có giàn đỡ bằng sắt hoặc bằng cây phủ lớp sơn, cao cách mặt đất trên 0,6m. Thỏ tơ từ 6 tuần đến 4 tháng tuổi có thể nuôi 10 con trong chuồng kích cỡ 2x0,7x0,5m; loại chuồng có kích cỡ 0,7x0,5x0,5m chỉ dành nuôi 1 con thỏ trưởng thành trên 4 tháng tuổi.

Thỏ sinh sản nhanh, dễ tạo đàn. Thỏ hoang có sức đề kháng tốt hơn thỏ nhà. Thỏ nuôi hiện nay, phần lớn có nguồn gốc lai tạo từ thỏ hoang châu Âu và châu Phi vào thời Trung cổ. Thỏ nhà có khoảng 80 loại, căn cứ theo trọng lượng hoặc theo màu sắc lông để chia nhóm giống thỏ. Trọng lượng từ 0,9-2,7 kg (thỏ nhỏ con), từ 2,8-4 kg (thỏ trung bình), từ 4,1-5 kg (thỏ to con), trên 5 kg (thỏ khổng lồ). Thỏ trung bình và hơi to con thường ăn ít, lớn nhanh, thịt ngon, xương nhỏ, nuôi lấy thịt có lợi. Thỏ khổng lồ ăn nhiều, xương to, ít thịt, sinh sản chậm, hiệu quả kinh tế thấp. Con thỏ giống tốt được nuôi từ 6 tuần đến 5 tháng phải hội đủ tiêu chuẩn: Vành tai bóng và sạch; bàn chân và kẽ chân không ghẻ; mí mắt không sưng và tròng mắt trong; bộ lông mịn và sáng; bụng mềm có lông xốp; đuôi không dính phân ướt, da lưng mềm và không tróc lông; cục phân to tròn và khô; thỏ chắc thịt, hiếu động, được tiêm ngừa đầy đủ. Không nên chọn mua thỏ đang có thai hoặc đã sinh sản về nuôi; thỏ đang mang thai di chuyển có thể chết hoặc đẻ non; thỏ đi khập khiễng, lưng uốn cong, cào chân, liếm lông, nghiến răng, hơi thở nhanh... là dấu hiệu thỏ bệnh. Khi thỏ bị bệnh đường ruột, viêm vú, viêm thận, viêm tinh hoàn, bệnh đường hô hấp thuốc điều trị tốn kém gấp nhiều lần giá trị một con thỏ.

Thỏ con nuôi vài tuần đến 4 tháng tuổi chỉ cần cho ăn cám viên là đủ, ăn thêm rau cỏ thỏ dễ bị bệnh tiêu chảy và chết. Thỏ trưởng thành sức đề kháng tốt hơn, có thể cho ăn rau cỏ rửa thật sạch để ráo nước, lượng rau cỏ mỗi ngày chừng 20 g/con. Nước cho thỏ uống phải được lắng lọc khử trùng, mỗi con thỏ cần từ 0,2-1 lít nước trong ngày. Thức ăn viên phải đảm bảo thành phần dinh dưỡng cho thỏ tăng trưởng theo thời gian nuôi. Thỏ con nuôi đến trưởng thành có nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày từ 8-10% protein, 2-4% lipid, 10-20% glucid, trên 4 tháng tuổi thêm một ít chất xơ. Thỏ có thai và cho con bú cần lượng dinh dưỡng mỗi ngày từ 10-15% protein, 5-7% lipid, 10-20% glucid, một ít chất xơ cần thiết. Thức ăn cám viên SX tại Trại Thực nghiệm nuôi thỏ An Lộc (số 94B/1055 Nguyễn Văn Dung, P.17, Q. Gò Vấp, TPHCM - ĐT: 08.8951643) có thành phần dinh dưỡng (chất đạm 15%, chất béo 6%, tinh bột 30%, NaCl 1%, Ca 1%, P 0,2% và lượng chất xơ cần thiết). Thỏ lứa ăn chừng 30-50 g cám viên, mỗi ngày chia hai lần; thỏ đực giống, thỏ cái nuôi con và mang thai ăn chừng 80-100 g cám viên, chia hai lần sáng và chiều. Thức ăn cám


viên nuôi thỏ được chế biến từ nguồn ngũ cốc có sẵn, người chăn nuôi tự SX số lượng lớn cho đàn thỏ, nhu cầu lượng thức ăn chừng 4% trọng lượng cơ thể thỏ, chất lượng thức ăn đảm bảo nhờ qua hệ thống sấy trên 1.200 độ C tiêu diệt các tác nhân gây bệnh đường ruột, cầu trùng… Dây chuyền SX (từ khâu nghiền, trộn, ép, sấy cám viên) của Trại An Lộc tiêu thụ điện năng 3 kW/giờ, công suất 50 kg cám viên/giờ, mỗi ngày cung cấp chừng 400 kg cám viên đáp ứng nhu cầu thức ăn cho trại nuôi từ 4-5 ngàn con thỏ, chỉ cần một công nhân chăm sóc và vệ sinh chuồng trại. Tính luôn khấu hao thiết bị SX, thì giá thành 1 kg cám viên thức ăn cho thỏ khoảng 3.000 đồng. Thỏ thịt nuôi từ 6 tuần tuổi (600g) đến 2,5 kg, cần số lượng cám viên cho thỏ ăn trong 80 ngày là 3,2 kg (9.600 đồng), chi phí thức ăn tiêu tốn bình quân mỗi con 120 đ/ngày. Trại nhận chuyển giao thiết bị chế biến thức ăn viên, công nghệ xử lý nước và quy trình nuôi thỏ công nghiệp khép kín.

Thỏ đực từ tháng thứ 8 trở đi có thể cho phối giống. Thỏ cái có thể phối giống sinh sản từ tháng thứ 6, khi đó bộ phận sinh dục thỏ cái sưng lên có màu đỏ. Cho thỏ cái vào chuồng thỏ đực để giao phối, ngày hai lần vào buổi sáng và chiều. Chỉ cho thỏ mẹ tái phối giống 1 tháng sau khi đẻ, thỏ con đủ sức rã bầy và tự ăn sau khi thôi bú sữa, thỏ mẹ còn thời gian 2 tuần bồi dưỡng sức khỏe đẻ lứa kế tiếp. Thỏ con 6 tuần tuổi cung cấp giống cho người nuôi kiểu công nghiệp thích hợp nhất. Thỏ tăng trưởng nhanh từ lúc mới sinh đến 4 tháng tuổi, từ tháng thứ 5 trở đi thỏ tăng trưởng chậm, cho nên nuôi thỏ công nghiệp lấy thịt có lợi nhất là giai đoạn 3-4 tháng tuổi (nặng 2,2-2,8 kg/con). Thịt thỏ cho lượng protein cao và năng lượng thấp hơn so với một vài loại thịt động vật khác. Lượng cholesterol trong thịt thỏ thấp hơn thịt gà, trong thời dịch cúm gia cầm có thể nuôi thỏ công nghiệp cung cấp một lượng lớn thịt cho người tiêu dùng. Những người cao tuổi, người cần giảm béo và người có bệnh tim nên ăn thịt thỏ tốt hơn thịt heo, bò, gà...

Cách nuôi thỏ có thu nhập cao

Anh Nguyễn Văn Mai ở Vĩnh Hưng, Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú (An giang) có cách nuôi thỏ như sau: 

Anh đóng lồng thỏ dài, có kích thước khoảng 0,5m, cao 0,5m và ngăn ra từng ô có chiều dài 0,5m. Tùy theo vị trí đặt lồng nuôi thỏ mà số ô nhiều hay ít. Khung lồng làm bằng gỗ tạp, lưới chì lỗ vuông loại 1,5cm bao quanh, nắp lồng ở phía trên, cài, mở dễ dàng. Phía dưới lồng thỏ nếu không phải là sàn xi măng thì nên lót thiếc, đặt nghiêng để dễ quét dọn vệ sinh chuồng trại. Anh Mai cho thỏ ăn 3 cữ/ ngày. Mỗi lần ăn, cỏ được anh bó chặt chừng một nắm treo lơ lửng trên nắp chuồng, nên thỏ muốn ăn phải đứng lên mà ăn. Khi ăn, cọng rau cỏ nào rơi xuống, thỏ sẽ gậm ngay cho hết mới đứng lên ăn tiếp rau cỏ trong nắm đang treo (vì dễ hơn đứng ăn). Nếu không treo từng nắm rau cỏ, khi ăn thừa, thỏ ỉa, đái khiến cỏ dính nước tiểu và phân nó sẽ chê, thà nhịn đói chớ không ăn thức ăn đă dính phân hay nước tiểu. Chính vì vậy, mà người không biết, nuôi thỏ tốn nhiều rau cỏ... Anh Mai cho biết, thỏ có thai khoảng 29 ngày thì chuyển bụng, cắn lông, lót ổ, cào vách lồng nuôi, một đến hai ngày sau sẽ đẻ. Anh Mai đặt ổ làm bằng gỗ, kích thước khoảng 30cm x 30cm , có vách ổ cao khoảng 7 - 10cm, trong đó có lót giấy xé nhỏ thành sợi, hay vải vụn để thỏ mẹ ít cắn lông lót ổ ủ ấm thỏ con. Thỏ con sinh ra da đỏ hỏn như chuột, mỗi lần đẻ khoảng từ 4 - 10 con. Nuôi nhiều thỏ mẹ đẻ cùng ngày có thể tách bầy nhiều sang bầy ít, để mỗi bầy khoảng 5 - 7 thỏ con là vừa để thỏ mẹ đủ sữa nuôi con lớn đều - Tách ngaysau khi đẻ, đểvài ngày sau mới tách nó sẽ phát hiện ra (có lẽ là mùi) không phải con của mình, nó sẽ cắn chết. Thỏ con bú sữa mẹ khoảng 5 đến 8 ngày. 10 - 15 ngày  sau, thỏ con vừa bú sữa thỏ mẹ vừa tập ăn cỏ và lớn nhanh, lanh lẹ dần. Vì thỏ mẹ sau khi sinh con khoảng 30 giờ sau là có thể cho thỏ đực phủ nọc, chỉ cần 2- 3 lần là đủ, nếu sau đó 7 ngày, thả thỏ cái vào lồng thỏ đực mà thỏ cái không chịu nọc lại là nó đã mang thai. Bầy thỏ con sinh được 24 ngày, anh Mai cho trộn thuốc chống cảm cúm, chống tụ huyết trùng trong cơm cho chúng ăn dần dần - đến ngày thứ 27, anh Mai bắt thỏ cái đưa sang lồng khác chuẩn bị lót ổ cho đẻ lứa tiếp theo. Anh Mai cho biết, thỏ con rất dễ dị ứng khi thay đổi môi trường, nếu không trộn thuốc trong cơm cho thỏ con ăn và tách bầy bằng cách bắt thỏ con đi, dời sang chuồng khác, chúng rất dễ chết. Chính điều này, nhiều người nuôi thỏ hay mắc phải, thiệt hại, không hiệu quả. Thỏ con thôi bú, ăn cơm và rau cỏ khoảng 5 ngày sau là có thể bán với giá bán lẻ 15.000đ/con. Bán nguyên bầy khoảng 12.000đ/con. Mỗi con lúc này cân nặng khoảng 300 - 400g tùy theo bầy nhiều hay ít. Sau khi tách bầy, cho thỏ ăn cỏ, mỗi tháng tăng trọng khoảng 350 - 450g/con. Sau khi đẻ được 5 tháng, thỏ có thể cân nặng khoảng 2 đến 2,2kg/con là có thể phối giống để sinh sản. Thỏ bán tại chỗ với giá 22.000 - 25.000đ/kg. Có nhà hàng thuê làm thịt với giá 4.000đ/con. Tùy theo khoảng cách với nhà hàng mà giá bán có thể cao hơn khi mang đến tận nơi.


Anh Mai cho biết với 10 thỏ cái và 2 con thỏ đực, mỗi tháng có thể cho sinh sản trên 50 thỏ con. Bán ngay cho người nuôi có thể thu được trên 600.000đ. Nếu tách bầy, nuôi 4 tháng sau, mỗi con trên 2kg, bán với giá 22.000đ/kg, đã có thể thu được 2.200.000đ. Lợi nhuận nhiều hay ít là do anh tìm thức ăn rau, cỏ trong tự nhiên nếu ít phải mua thì lời nhiều. Phải giỏi tìm nơi tiêu thụ bằng cách giao thịt thỏ đến tận nơi cho các nhà hàng, quán nhậu quen biết, đầy đủ, kịp thời, uy tín... có như vậy mới có thể nuôi thỏ lâu dài và có lợi nhuận.


Báo nông nghiệp

nguon VI OLET