PHẦN II. PHÁP LUẬT VỀ HÌNH S, T TỤNG HÌNH S...

 

S TAY PHÁP LUT ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

 

“ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NHẰM

NÂNG CAO Ý THỨC PHÁP LUẬT CHO THANH THIẾU NIÊN GIAI ĐOẠN 2011-2015”

BỘ TƯ PHÁP

 

 

 

 

 

SỔ TAY PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI 

NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

 

 

 

 

 

NHÀ XUẤT BẢN TƯ PHÁP

Hà Nội - 2012

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

   CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN

Nguyễn Thúy Hiền

Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án

 

   TỔ CHỨC BIÊN SOẠN

Nguyễn Duy Lãm

Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban chỉ đạo Đề án

Phạm Thị Hòa

Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

 

   THAM GIA BIÊN SOẠN

Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

 

 

 

 

 

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

Thực hiện Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015”, để góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong một số lĩnh vực có liên quan đến quyền, lợi ích và trách nhiệm của người chưa thành niên, Bộ Tư pháp, Thường trực Ban chỉ đạo Đề án tổ chức và biên soạn cuốn sách “Sổ tay pháp luật đối với người chưa thành niên”.

Cuốn sách giới thiệu các quy định pháp luật gắn ví dụ minh họa cụ thể, giúp người đọc nắm bắt, vận dụng tốt hơn các quy định của pháp luật đối với người chưa thành niên trong các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự; dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự.

Xin trân trọng giới thiệu và mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc!

Tháng 12/2012

BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỤC LỤC

 

Trang

Lời giới thiệu

5

PHẦN I. PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM


9

I. Các quyền cơ bản của trẻ em

9

II. Bổn phận của trẻ em và những việc trẻ em không được làm


27

III. Các hành vi vi phạm quyền trẻ em

31

IV. Trách nhiệm bảo đảm các quyền của trẻ em, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em


67

PHẦN II. PHÁP LUẬT VỀ HÌNH SỰ, TỐ TỤNG HÌNH SỰ VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN



107

I. Hình sự

107

II. Tố tụng hình sự

151

III. Thi hành án hình sự đối với người chưa thành niên


169

PHẦN III. PHÁP LUẬT VỀ DÂN SỰ, TỐ TỤNG DÂN SỰ VÀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ


229

I. Dân sự

229

II. Tố tụng dân sự và Thi hành án dân sự

260

 

 

 

 

 


 

Phần I

PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ,
CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

 

I. CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA TRẺ EM

1. Đối tượng được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em

Theo quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đối tượng được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em trước hết là các trẻ em  là công dân Việt Nam. Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (gọi tắt là Nghị định số 71/2011/NĐ-CP) quy định: Trẻ em là công dân Việt Nam được hưởng các quyền, thực hiện bổn phận theo quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc xác định trẻ em có phải là công dân Việt Nam hay không dựa vào quốc tịch của trẻ em. Trẻ em là công dân Việt Nam khi có quốc tịch Việt Nam. Theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008, quốc tịch của trẻ em được xác định dựa vào nơi sinh và quan hệ huyết thống. Cụ thể :

- Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

Ví dụ: N là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trước cửa nhà chùa. N được các sư ở nhà chùa chăm sóc, nuôi dưỡng, đặt tên và làm khai sinh. N không biết cha, mẹ mình là ai và mang quốc tịch nước nào. Vậy N có được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em không ?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, N là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai. Theo Luật quốc tịch Việt Nam em được mang quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam và vì thế em được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em theo quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Điều 2 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định đối tượng được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em, theo đó, trẻ em là công dân Việt Nam được hưởng các quyền, thực hiện bổn phận theo quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, Điều 2 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP còn quy định các trường hợp khác là:

- Trẻ em là công dân Việt Nam trong thời gian sinh sống ở nước ngoài được hưởng các quyền và thực hiện bổn phận theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước nơi trẻ em đang sinh sống và điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên.

- Trẻ em là người nước ngoài trong thời gian cư trú tại Việt Nam được hưởng các quyền và thực hiện các bổn phận theo quy định của các điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên.

2. Các quyền cơ bản của trẻ em

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong những năm qua, Nhà nước ta đã tích cực xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, tinh thần, xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước.

Bảo vệ trẻ em là bảo đảm cho trẻ em được hưởng và thực hiện các quyền, bổn phận của mình và phòng ngừa để trẻ em không bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quyền, bổn phận của trẻ em theo quy định của pháp luật.

Chăm sóc trẻ em là hoạt động nhằm nhận biết và đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần để bảo đảm sự phát triển thể chất và nhân cách của trẻ em.

Giáo dục trẻ em là việc cung cấp và hướng dẫn tri thức, kỹ năng, niềm tin, thẩm mỹ, truyền thống, đạo đức, pháp luật cho trẻ em thông qua giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Để thực hiện tốt nhất công tác này, ngoài việc thấm nhuần đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chúng ta cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về trẻ em, vị trí vai trò của trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, quyền, bổn phận của trẻ em và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội để từ đó, có những giải pháp, việc làm cụ thể cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

2.1. Quyền được khai sinh và có quốc tịch

2.1.1. Quyền được khai sinh

Quyền được khai sinh được quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004: “Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch”. Quyền được khai sinh là quyền đầu tiên để khẳng định mỗi trẻ em là một công dân của một quốc gia, một công dân bình đẳng như mọi công dân khác. Đây là quy định cụ thể hóa quyền có họ tên của cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật dân sự năm 2005: “Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”.

Quyền được khai sinh là một trong những quyền quan trọng đầu tiên của trẻ em. Quyền này đã được Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1959 ghi nhận: “Trẻ em khi sinh ra có quyền được khai sinh”. Khoản 1 Điều 7 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định: “Trẻ em phải được đăng ký ngay lập tức sau khi sinh ra và có quyền có họ tên, có quyền có quốc tịch và trong chừng mực có thể, có quyền biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc”.

Quyền được khai sinh của trẻ em có được thực hiện hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn. Vì vậy, pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam đều quy định cụ thể thời gian bắt buộc để đảm bảo trẻ em sinh ra được khai sinh, có họ, tên với trình tự, thủ tục đơn giản, thuận tiện.

Đối với những trẻ em của hộ nghèo, Nhà nước có chính sách ưu tiên không phải nộp lệ phí đăng ký khai sinh. Việc xác định hộ nghèo gắn liền với việc miễn lệ phí đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Cơ quan Dân số, Gia đình và Trẻ em các cấp chủ trì, phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ cha mẹ, người giám hộ để họ khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn.

2.1.2. Quyền có quốc tịch

Quốc tịch là khái niệm, một phạm trù chính trị - pháp lý xác định mối quan hệ giữa cá nhân một con người với một Nhà nước nhất định. Quan hệ này cho phép xác định con người nào đó là công dân của một nước cụ thể. Mỗi quốc gia có một chế độ pháp lý khác nhau về quốc tịch. Mối liên hệ pháp lý này được biểu hiện ở tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người đó đối với quốc gia mà họ mang quốc tịch và tổng thể quyền và nghĩa vụ của quốc gia đối với công dân của mình. Quốc tịch gắn liền với mỗi con người từ khi sinh ra đến khi chết đi, là tiền đề để họ được hưởng các quyền công dân và làm nghĩa vụ công dân đối với nhà nước mà mình mang quốc tịch.

Hiến pháp năm 1992 ghi nhận “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam” (Điều 49). Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Cá nhân có quyền có quốc tịch. Việc công nhận, thay đổi, nhập quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch” (Điều 45). Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: “Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch” (khoản 1 Điều 11). Vì vậy, mọi trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều phải được xác định rõ quốc tịch và có quyền có quốc tịch.

Pháp luật về quốc tịch của Việt Nam quy định quốc tịch của trẻ em, dựa trên nguyên tắc “Quyền huyết thống” (Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là công dân Việt Nam, Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam) kết hợp với nguyên tắc “Quyền nơi sinh” (Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là người không quốc tịch, Quốc tịch của trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam). Theo các quy định này thì trẻ em có quốc tịch Việt Nam nếu khi sinh ra có:

- Cha mẹ đều là công dân Việt Nam;

- Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai;

- Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam;

- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam;

- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra không rõ cha là ai nhưng có mẹ là người không quốc tịch, có nơi thường trú tại Việt Nam;

- Trẻ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai.

Các quy định về quốc tịch của trẻ em đã bảo đảm tối đa quyền có quốc tịch của trẻ em. Điều này phù hợp với Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng như Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia.

2.2. Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng

Kế thừa Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định chế định bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đồng thời đề cao trách nhiệm của gia đình, đặc biệt là trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái: “Gia đình là tế bào của xã hội. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt”, Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục” (Điều 64, Điều 65). Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cụ thể hóa quyền của trẻ em do Hiến pháp năm 1992 ghi nhận là “quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức” (Điều 12).

Được chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể có, với mức sống ngày càng được nâng cao là quyền của trẻ em và mục tiêu phấn đấu chung của gia đình, Nhà nước và xã hội.

Chính sách của Đảng, Nhà nước ta về trẻ em nhằm mục tiêu bảo đảm cho trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn, với 5 nguyên tắc cơ bản là: không phân biệt đối xử với trẻ em; các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và toàn xã hội; dành lợi ích tốt nhất cho trẻ em; trẻ em thuộc diện chính sách xã hội, có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp để được hoà nhập với gia đình, cộng đồng.

2.3. Quyền sống chung với cha mẹ

“Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em” (Điều 13 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004). Pháp luật quy định cha mẹ có nghĩa vụ và quyền sống chung với con. Như vậy, cả cha mẹ và con chưa thành niên đều có quyền sống chung, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em.

Quyền sống chung với cha mẹ là quyền tự nhiên, tất yếu và bất khả xâm phạm của mọi trẻ em, kể cả trong trường hợp trẻ em là con riêng của vợ hoặc chồng. Trong trường hợp cha mẹ ly hôn, theo quy định tại Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, việc giao con chưa thành niên cho cha hoặc mẹ chăm nom, nuôi dưỡng, giáo dục phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của trẻ em. Về nguyên tắc, trẻ em dưới ba mươi sáu (36) tháng tuổi phải được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Người không nuôi dưỡng có quyền thăm nom, chăm sóc và phải có nghĩa vụ đóng góp nuôi dưỡng, giáo dục con.

Trường hợp trẻ em được nhận làm con nuôi, thì việc giao nhận con nuôi phải tuân theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em được nhận làm con nuôi. Việc nhận trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó. Khoản 2 Điều 25 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định Trường hợp trẻ em được nhận làm con nuôi thì việc giao, nhận trẻ em làm con nuôi, đưa trẻ em ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật.

Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ trái với ý muốn của cha mẹ và trẻ em, trừ trường hợp người có thẩm quyền thực hiện pháp luật quyết định để bảo vệ lợi ích tốt nhất của trẻ em. Người có thẩm quyền quyết định trẻ em phải cách ly cha mẹ trong trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục đối với con chưa thành niên hoặc trường hợp cha mẹ đang thi hành án phạt tù tại trại giam thì trẻ em phải sống cách ly cha mẹ.

2.4. Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, nhân phẩm, danh dự

Đây là quyền cơ bản của công dân nói chung và trẻ em nói riêng được Hiến pháp năm 1992 ghi nhận: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm (Điều 71).

Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 (Điều 14), Bộ luật dân sự năm 2005 (các Điều 32, 37) cụ thể hóa quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, nhân phẩm, danh dự của trẻ em như sau:

- Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự.

- Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể.

- Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Các văn bản pháp luật chuyên ngành có nhiều quy định về quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, nhân phẩm, danh dự trẻ em và các biện pháp chế tài để bảo đảm quyền này. Bộ luật hình sự năm 1999 có một chương riêng (Chương X) quy định về người chưa thành niên phạm tội; một chương (chương XII) quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người. Các quy định đó thể hiện quan điểm, chính sách nhân đạo, quan tâm bảo vệ trẻ em, khung hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của trẻ em.

Tuy nhiên, trong thực tiễn cuộc sống, trẻ em còn nhỏ tuổi và thường được coi là người phụ thuộc, nên trong quan hệ của gia đình và xã hội, vẫn còn nhiều cha mẹ, anh chị em và người lớn có suy nghĩ, thái độ, hành vi coi thường trẻ em, thậm chí mắng chửi trẻ em, không tôn trọng nhân phẩm, danh dự của trẻ em. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm làm thay đổi quan niệm và hành vi đối xử với trẻ em theo hướng tôn trọng quyền này của trẻ em.

2.5. Quyền được chăm sóc sức khoẻ

Trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ. Quyền này đã được quy định tại Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 (Điều 15), Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989 (Điều 46). Theo đó, trẻ em dưới sáu tuổi được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập; trẻ em được y tế cơ sở quản lý sức khoẻ, được tiêm chủng phòng bệnh, phòng dịch, được khám bệnh, chữa bệnh.

Trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em được hưởng quyền được chăm sóc sức khỏe, trước hết thuộc về ngành Y tế. Ngành Y tế có trách nhiệm xây dựng, củng cố mạng lưới y tế từ trung ương đến cơ sở, thực hiện việc khám sức khoẻ định kỳ, từng bước lập sổ theo dõi sức khoẻ cho trẻ em, đặc biệt quan tâm đến trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em khuyết tật, trẻ em tàn tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em nghiện ma tuý và trẻ em bị tai nạn thương tích. Bộ Y tế bảo đảm việc cung ứng các loại thuốc thiết yếu chữa bệnh cho trẻ em; bảo đảm điều kiện và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là số lượng và chất lượng cán bộ, nhân viên y tế chuyên khoa nhi. Nhà nước có chính sách miễn, giảm viện phí, chính sách khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền đối với trẻ em thuộc diện chính sách xã hội, trẻ em của các gia đình nghèo… Cùng với ngành Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm củng cố và phát triển cơ sở y tế trường học.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế đã xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình y tế quốc gia đạt hiệu quả cao. Trẻ em có biểu đồ theo dõi sự tăng trưởng, được tiêm chủng đầy đủ 06 loại vắc xin chiếm tỷ lệ cao và do đó, tỷ lệ trẻ em chết do mắc 06 loại bệnh có vắc xin phòng ngừa giảm rõ rệt. Đã thanh toán được bệnh bại liệt trẻ em và loại trừ uốn ván sơ sinh theo tiêu chuẩn của tổ chức y tế thế giới. Bất kỳ trẻ em nào dưới sáu tuổi đều được Nhà nước cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh, khi bị ốm đau dù là bệnh nặng hay nhẹ đều được khám bệnh, chữa bệnh và không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.

Về phía gia đình, cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm thực hiện những quy định về kiểm tra sức khoẻ và tiêm chủng theo kế hoạch của y tế cơ sở, chăm sóc trẻ em khi ốm đau và thực hiện các chỉ định của thầy thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.

2.6. Quyền được học tập

Quyền được học tập của trẻ em không những được Hiến pháp năm 1992 ghi nhận, mà còn được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua. Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác được học văn hoá và học nghề phù hợp.

Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 tiếp tục khẳng định:Trẻ em có quyền được học tập”, “trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí” (Điều 16). Theo quy định của pháp luật, giáo dục tiểu học là bậc học bắt buộc đối với mọi trẻ em từ sáu tuổi đến mười bốn tuổi (từ lớp 1 đến lớp 5).

Như vậy, mọi công dân đặc biệt là trẻ em, không phân biệt điều kiện và hoàn cảnh đều được bình đẳng về cơ hội học tập, được tạo điều kiện để học tập.

Cụ thể hóa quyền được học tập của trẻ em, Luật giáo dục năm 2005 quy định mục tiêu giáo dục Việt Nam là “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Điều 2). Với ý nghĩa đó, trẻ em có quyền được tiếp cận một nền giáo dục cơ bản, có chất lượng để trở thành công dân có đức, có tài, nắm chắc khoa học kỹ thuật và công nghệ mới phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2.7. Quyền vui chơi, hoạt động văn hoá, thể thao

Điều 17 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi”.

Vui chơi giải trí là nhu cầu của con người, song đối với trẻ em thì được pháp luật thừa nhận là một quyền, điều này xuất phát từ đặc điểm của trẻ em và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Quyền vui chơi giải trí lành mạnh không những là nhu cầu mà còn là điều kiện để trẻ em phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần. Thực hiện quyền vui chơi, giải trí lành mạnh của trẻ em đòi hỏi phải thay đổi quan niệm cũ coi “vui chơi, giải trí” là hoạt động của những kẻ “vô công rồi nghề”, những trẻ “hư”, sang quan niệm mới coi vui chơi, giải trí lành mạnh là một yếu tố để trẻ em khôn lớn, phát triển tốt hơn về thể chất và tinh thần. Các quốc gia trên thế giới xác định rằng, trong thời đại văn minh trí tuệ thì mọi người, kể cả trẻ em sẽ phải làm việc nhiều hơn bằng trí óc, làm việc bằng nội lực nhiều hơn lao động chân tay, nên con người sẽ mỏi mệt hơn, căng thẳng hơn, dễ dẫn đến stress hơn thì việc vui chơi, giải trí là liều thuốc bổ tạo nên sự thoải mái về tinh thần, cân bằng về sức khoẻ. Vì vậy, thực hiện quyền vui chơi, giải trí của trẻ em chính là chuẩn bị tâm lý, sự năng động, sự thích nghi trong một xã hội công nghiệp.

Vấn đề quan trọng để thực hiện quyền trẻ em về vui chơi, giải trí là việc tổ chức vui chơi, giải trí một cách khoa học, có văn hoá để mọi trẻ em đều được chơi mà học, học mà chơiđể trẻ phát triển nhân cách toàn diện. Vui chơi, giải trí gắn liền với học tập và các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao ở mọi nơi, mọi lúc phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ em. Nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của trẻ em và thực hiện quyền trẻ em được hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao là mục tiêu, biện pháp quan trọng của chiến lược con người.

Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí phải hướng vào mục tiêu bồi dưỡng về trí tuệ, thể lực, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, hướng tới chân, thiện, mỹ. Phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật của dân tộc, đồng thời giáo dục trẻ em chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Phát hiện và bồi dưỡng kịp thời các năng khiếu, tài năng của trẻ em về văn hoá, văn nghệ, thể thao.

2.8. Quyền được phát triển năng khiếu

“Trẻ em có quyền được phát triển năng khiếu. Mọi năng khiếu của trẻ em đều được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển” (Điều 18 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004). Nội dung này cũng được Luật giáo dục năm 2005 quy định: “Nhà nước và cộng đồng… tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng” (Điều 10). Quyền được phát triển năng khiếu của trẻ em trong các lĩnh vực văn hoá, thể thao và trong các ngành lĩnh vực kinh tế - xã hội được  quy định trong  các văn bản pháp luật có liên quan.

Các quy định trên khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với trẻ em. Đồng thời, đây cũng là sự cụ thể hóa nhằm đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong đó có trẻ em theo quy định của Hiến pháp năm 1992: “Học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng(Điều 59).

Thực hiện quy định đó, trong nhiều năm qua, nhiều trường, lớp năng khiếu được mở, nhiều cuộc thi được tổ chức thông qua nhiều hình thức đa dạng, phù hợp nhằm thu hút trẻ em tham gia, kích thích khả năng sáng tạo của trẻ em, qua đó phát hiện, thu nhận các em có năng khiếu nhằm phát huy tốt nhất năng lực, sở trường của trẻ em ngay từ nhỏ để hướng dẫn, bồi dưỡng và đào tạo để trở thành nhân tài phục vụ đất nước.

2.9. Quyền có tài sản

Điều 19 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: Trẻ em có quyền có tài sản, quyền thừa kế theo quy định của pháp luật. Quy định này cụ thể hóa và nhằm thực hiện quyền về tài sản của công dân được Hiến pháp năm 1992 ghi nhận: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân”.

Quyền có tài sản của trẻ em còn được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000: Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và các thu nhập hợp pháp khác (Điều 44).

Quyền có tài sản của trẻ em đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan nhằm bảo đảm sự bình đẳng của mọi chủ thể trong xã hội, trong đó có trẻ em.

Tuy nhiên, do trẻ em chưa đủ khả năng quản lý, định đoạt tài sản riêng, nên để bảo đảm quyền có tài sản của trẻ em, pháp luật cũng đã quy định trách nhiệm của cha, mẹ, người giám hộ trong việc quản lý và định đoạt tài sản riêng của trẻ em.

II. BỔN PHẬN CỦA TRẺ EM VÀ NHỮNG VIỆC TRẺ EM KHÔNG ĐƯỢC LÀM

1. Bổn phận của trẻ em

Có nhiều cách hiểu về bổn phận. Tuy nhiên, có thể hiểu một cách đơn giản nhất, bổn phận là tất cả những điều mà cá nhân con người với tư cách là một thực thể xã hội phải tự giác thực hiện đối với và vì “người khác”. Người khác được hiểu là các thành viên trong gia đình, gia đình, tổ chức, cộng đồng cụ thể và rộng lớn hơn là cả xã hội.

Là một thực thể xã hội, trẻ em không chỉ có quyền mà còn có bổn phận đối với xã hội, trước hết là đối với những người gần gũi, thân thiết xung quanh mình.

Bổn phận của trẻ em được Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định cụ thể như sau (Điều 21):

- Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; kính trọng thầy giáo, cô giáo; lễ phép với người lớn, thương yêu em nhỏ, đoàn kết với bạn bè; giúp đỡ người già yếu, người khuyết tật, tàn tật, người gặp hoàn cảnh khó khăn theo khả năng của mình;

- Chăm chỉ học tập, giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể, thực hiện trật tự công cộng và an toàn giao thông, giữ gìn của công, tôn trọng tài sản của người khác, bảo vệ môi trường;

- Yêu lao động, giúp đỡ gia đình làm những việc vừa sức mình;

- Sống khiêm tốn, trung thực và có đạo đức, tôn trọng pháp luật; tuân theo nội quy của nhà trường; thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; tôn trọng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc;

- Yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, có ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đoàn kết quốc tế.

Trong các bổn phận đó, có những bổn phận mà việc thực hiện chúng tưởng chừng như chỉ hoàn toàn vì bản thân cá nhân trẻ em (chăm chỉ học tập, giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể..) nhưng thực chất vẫn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Bởi việc hoàn thiện bản thân một thành viên không chỉ có ý nghĩa với riêng thành viên đó mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các thành viên khác, với cộng đồng, xã hội.

Việc quy định bổn phận của trẻ em trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm định hướng, giáo dục, hình thành và phát triển bền vững cho trẻ em những phẩm chất tốt đẹp trong học tập, lao động, rèn luyện sức khoẻ, tu dưỡng đạo đức, ý thức thành viên trong cộng đồng, xã hội, giúp các em chuẩn bị hành trang cần thiết để vững tin bước vào cuộc sống và có đầy đủ trách nhiệm với cuộc sống, trước hết đối với những người gần gũi, thân thiết xung quanh và với cộng đồng, xã hội.

2. Những việc trẻ em không được làm

Trẻ em là công dân và trẻ em cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nếu vi phạm tùy theo mức độ của hành vi và độ tuổi chịu trách nhiệm do pháp luật quy định, để áp dụng hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm của trẻ em. Tuy nhiên, do trẻ em còn non nớt về thể chất và tinh thần, nên những việc trẻ em không được làm là những điều cấm được thể hiện mềm dẻo hơn nhằm định hướng giáo dục cho trẻ em có một lối sống tốt đẹp, sống có trách nhiệm và tránh xa những thói hư tật xấu để các em có thể trở thành những con người có ích cho xã hội, mang trong mình những phẩm chất đạo đức tốt đẹp khi trưởng thành.

Quy định những việc trẻ em không được làm không nhằm mục đích răn đe, trừng trị trẻ em mà nhằm giáo dục, giúp trẻ em hiểu, phân biệt rõ đó là những hành vi không phù hợp với đạo đức và pháp luật, các hành vi xấu, trái pháp luật để trẻ em tránh, từ đó ngăn ngừa những hành vi vi phạm có thể xảy ra ở trẻ em.

Những hành vi trẻ em không được làm là những việc được quy định tại Điều 22 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Cụ thể như sau:

- Không được “Tự ý bỏ học, bỏ nhà sống lang thang”;

- Không được “Xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; gây rối trật tự công cộng” (khoản 2) như gây thương tích, giết người; chửi bới, nhục mạ, nói xấu, bịa đặt, bôi nhọ người khác; trộm cắp, hủy hoại tài sản, đánh nhau, làm mất trật tự ở những nơi công cộng ...;

- Không được “Đánh bạc, sản xuất rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khoẻ”;

- Không được “Trao đổi, sử dụng văn hoá phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh”.

III. CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUYỀN TRẺ EM

Trẻ em là thuật ngữ chỉ một nhóm xã hội thuộc về một độ tuổi nhất định trong giai đoạn đầu của sự phát triển con người. Trẻ em là những người chưa trưởng thành, còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời.

Nhằm bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, hệ thống pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền con người, trong đó có quyền trẻ em và quy định các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm đó. Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định 10 nhóm hành vi bị nghiêm cấm:

- Cha mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ;

- Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi;

- Dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; lôi kéo trẻ em đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khoẻ;

- Dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em;

- Lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hoá phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em; sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em;

- Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác;

- Lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động;

- Cản trở việc học tập của trẻ em;

- Áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật;

- Đặt cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hoá chất độc hại, chất dễ gây cháy, nổ gần cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em.

Trên cơ sở các hành vi bị nghiêm cấm này, Nghị định số 71/2011/NĐ-CP đã cụ thể hóa các hành vi vi phạm quyền trẻ em (từ Điều 3 đến Điều 13) như sau:

1. Cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ (Điều 3)

Quyền sống chung với cha mẹ là một trong những quyền cơ bản của trẻ em. Cha mẹ có trách nhiệm bảo đảm điều kiện để trẻ em được sống chung với mình. Điều 13 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định:

“Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ.

Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em”.

Cha mẹ là người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái, bảo đảm cho các em được phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Không ai có quyền buộc trẻ em phái cách ly với cha, mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của chính các em đó.

Theo quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì: Cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em và tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Trong trường hợp cha mẹ ly hôn hoặc các trường hợp khác, người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên phải có nghĩa vụ đóng góp để nuôi dưỡng con đến tuổi thành niên, có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con theo quy định của pháp luật.

Hành vi cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ là một trong những hành vi vi phạm quyền trẻ em. Cụ thể đó là các việc làm như :

- Cha, mẹ bỏ con sau khi sinh, không chăm sóc, nuôi dưỡng con.

- Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em.

- Cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Ví dụ 1: Báo Công An Nhân Dân ngày 25-8-2006 đưa tin ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam) có trường hợp cặp vợ chồng A và T mới sinh được hai đứa bé sinh đôi, vì tin lời thầy cúng cho rằng đó là con của ma quỷ nên người chồng đã lén vứt hai đứa trẻ vào rừng. May mắn là dân làng phát hiện kịp thời và sau đó đã vận động đôi vợ chồng này nhận lại con về nuôi.

Hành vi vứt bỏ con của cặp vợ chồng A và T là hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Điều 3 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP.

Ví dụ 2: Trưa ngày 03/9/2011, thai phụ Trần Thị Thành (SN 1971, trú tại huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) thấy đau bụng nên một mình đi ra vườn cà phê của gia đình cách nhà khoảng 30 mét để vệ sinh. Tuy nhiên, Thành trở dạ đau đẻ rồi sinh ra một bé trai khỏe mạnh. Do sinh xong mệt nên Thành vào nhà nghỉ để mặc cháu bé ở gốc cà phê. Vài giờ sau, Thành quay ra chỗ con nhưng không còn thấy nữa.

Đến 16h cùng ngày, chị V.T. Loan (SN 1955, cách nhà Thành khoảng 150m) đi bón phân cho cà phê về thì phát hiện một trẻ sơ sinh đã chết trong rẫy nhà mình.

Sau khi điều tra, cơ quan công an huyện Cư M’gar đã xác định bé sơ sinh này là con ruột của Trần Thị Thành. Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can Trần Thị Thành về tội “giết con mới đẻ”. Ngày 24/2, TAND huyện Cư M’gar tuyên phạt bị cáo Trần Thị Thành mức án một năm tù nhưng cho hưởng án treo vì “bỏ mặc con mới sinh đến chết”.

Hành vi của Trần Thị Thành là hành mẹ bỏ con sau khi sinh, không chăm sóc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là em bé bị chết vì thế Trần Thị Thành bị khởi tố về tội giết con mới đẻ theo quy định của Bộ luật hình sự.

Hành vi cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em tùy theo hậu quả xảy ra có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hành chính hoặc hình sự.

Ngoài ra cha, mẹ, người giám hộ có hành vi bỏ rơi trẻ em bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 9 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (gọi tắt là Nghị định số 91/2011/NĐ-CP) quy định việc xử phạt đối với hành vi cha, mẹ, người giám hộ bỏ rơi trẻ em như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sau khi sinh con, cha hoặc mẹ bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng;

b) Cha, mẹ bỏ mặc con, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, để trẻ em này rơi vào hoàn cảnh đặc biệt theo quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004;

c) Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc cha, mẹ, người giám hộ thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật do thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.

Điều 94 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội giết con mới đẻ như sau:

Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Ví dụ:  Khoảng ngày 14/2 (AL), ở bậc tam cấp của chùa Bồ Đề, phát hiện một cháu gái gần 05 tuổi nặng khoảng 11 kg trong tình trạng bệnh tật: khiếm thính, hở hàm ếch, một chân yếu, đang bị chảy máu tai, toàn thân bị bầm tím, tinh thần hoảng loạn và có dấu hiệu bị xâm hại. Mấy người dân nhà gần chùa cho biết, có một thanh niên chở bé gái đến chùa từ rất sớm, giả vờ vào lễ xong bỏ lại bé ở đây rồi đi mất. Trong túi của cháu bé bị bỏ lại có tờ giấy ghi: Nhà hoàn cảnh nghèo khó không nuôi được cháu, mong các bậc sư nuôi cháu, khi nào gia đình có điều kiện sẽ quay lại đón cháu. Cháu tên là Nguyễn Đàm Hồng Hạnh, sinh ngày 24/4/2007.

Dựa vào thông tin trên tờ giấy để lại, công an quận Long Biên (Hà Nội) đã nỗ lực điều tra và phối hợp với công an tỉnh Tuyên Quang cuối cùng đã xác định được bố mẹ của cháu bé là anh Nguyễn Đình Hùng (SN 1979) và chị Đàm Thị Chiêm (SN 1982), ở tổ 17, thị trấn Na Hang, huyện Na hang, tỉnh Tuyên Quang.

Hành vi bỏ con do hoàn cảnh gia đình khó khăn không có khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc con của anh Hùng có bị coi là hành vi vi phạm quyền trẻ em không?

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP hành vi của anh Hùng là cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng và sẽ bị xử phạt theo điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP.

2. Hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi (Điều 4)

Hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi là một trong những việc làm sau:

-         Bắt trẻ em đi lang thang kiếm sống.

-      Nói chuyện, viết, dịch, nhân bản, ghi âm, ghi hình sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, băng, đĩa hoặc hành vi khác nhằm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em bỏ nhà đi lang thang.

-      Dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đang sinh sống cùng với gia đình bỏ nhà đi lang thang.

-      Tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi.

Hành vi dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi là một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định về hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi tại Điều 4 như sau:

“1. Nói chuyện, viết, dịch, nhân bản sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi âm, ghi hình, dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác nhằm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức.

2. Bắt trẻ em, tập hợp, chứa chấp trẻ em, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi”.

Ví dụ: Trang và Nhung là hai trong số 9 em bé được công an quận 8 TPHCM phối hợp với phóng viên Báo Pháp luật thành phố giải cứu khi phá một nhóm những kẻ chăn dắt và hạnh hạ buộc trẻ em đi ăn xin.

Nhung đã 09 tuổi nhưng chỉ nặng 19 kg. Hàng ngày Nhung bị bắt đi ăn xin từ 6 giờ đến gần 1 giờ sáng hôm sau. Hôm nào không kiểm đủ số tiền quy định để nộp (200 ngàn đồng/ngày) em lại bị những kẻ chăn dắt đánh đập tàn nhẫn.

Trang 08 tuổi, sốc nặng và không chịu trả lời khi được đưa về công an. Em đã bị đánh nát cả mông và bẻ trật các khớp ngón tay chỉ vì không đủ 200 ngàn/ngày. Em sợ những kẻ chăn dắt sẽ được thả và phải tiếp tục sống quãng ngày địa ngục.

Ban đầu, khi tiến hành hỏi cung kẻ chăn dắt đã lì lợm chối quanh và nói rằng chỉ đưa các em vào để bán vé số dạo kiếm tiền gửi về giúp gia đình nhưng khi phóng viên cho xem băng ghi hình việc hành hạ, đánh đập buộc các em đi ăn xin thì không ai dám chối cãi.

(Theo Báo Pháp Luật Thành ph H Chí Minh )

Việc làm của những kẻ chăn dắt bé Trang và Nhung là hành vi vi phạm quyền trẻ em bị pháp luật nghiêm cấm. Cụ thể đó là hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em, để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP.

Người thực hiện hành vi này tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật hành chính hoặc hình sự.

Ngoài ra, những người có hành vi dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đó là:

Các sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, băng, đĩa nhằm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em bỏ nhà đi lang thang bị buộc tiêu hủy.

Các cá nhân, tổ chức có hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi bị buộc phải nộp lại số tiền có được do thực hiện hành vi đó.

Điều 10 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP quy định việc xử phạt đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi như sau :

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi bắt trẻ em đi lang thang kiếm sống.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nói chuyện, viết, dịch, nhân bản, ghi âm, ghi hình sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, băng, đĩa hoặc hành vi khác nhằm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em bỏ nhà đi lang thang;

b) Dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đang sinh sống cùng với gia đình bỏ nhà đi lang thang.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy đối với sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, băng, đĩa nhằm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em bỏ nhà đi lang thang theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Buộc cá nhân, tổ chức nộp lại số tiền có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Hành vi dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; lôi kéo trẻ em đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khoẻ (Điều 5)

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP hành vi dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; lôi kéo trẻ em đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích khác có hại cho sức khỏe bao gồm:

“1. Nói chuyện, viết, dịch, nhân bản sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi âm, ghi hình nhằm dụ dỗ, lôi kéo trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.

2. Dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác, dùng các thủ đoạn nói dối, gian lận, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy hoặc để trẻ em chứng kiến việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới mọi hình thức.

3. Dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc các lợi ích khác để lôi kéo trẻ em đánh bạc; tổ chức cho trẻ em đánh bạc, để trẻ em chứng kiến, tham gia phục vụ đánh bạc dưới mọi hình thức.

4. Bán cho trẻ em, để trẻ em mua, bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em”.

Ví dụ: Tú là học sinh lớp 7, em rất ham chơi game online. Ngoài giờ đi học Tú dành toàn bộ thời gian để chơi game. Nhiều hôm Tú bỏ tiết, trốn học chơi game cả buổi. Chơi nhiều, không có tiền trả, Tú phải ghi nợ. Được ông chủ quán khuyến khích lại cho nợ tiền Tú càng ham chơi. Chẳng mấy chốc, số tiền nợ của Tú đã lên đến hàng triệu.

Một hôm, ông chủ quán điện tử cũng là chủ nợ đã gọi Tú và nói hoặc phải trả nợ ngay cho ông ta hoặc nếu không có tiền trả nợ thì phải làm việc cho ông ta, ông ta sẽ trừ nợ dần.

Hoảng sợ vì số tiền nợ quá lớn, không dám xin bố mẹ, Tú chấp nhận làm việc cho ông chủ. Công việc không vất vả, chỉ là mang các gói hàng đến các địa chỉ và đưa cho những người theo hướng dẫn nhưng lại được trả khá nhiều tiền. Đôi lúc, Tú băn khoăn không biết trong các gói hàng mình chuyển liệu có chứa ma túy không. Đã có lúc Tú không muốn làm nữa nhưng ông chủ lại ép Tú phải tiếp tục.

Một hôm, theo lệnh của chủ nợ Tú phải mang một gói hàng đến địa điểm X giao cho một người khách lạ. Khi đang giao hàng cho khách, Tú bị đội cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy bắt giữ. Người khách lạ nhanh chân chạy trốn. Gói hàng là tang vật được đưa đi giám định, kiểm tra. Kết quả giám định cho thấy chất bột trắng trong gói hàng là heroin.  Tú bị bắt.

Việc ông chủ nợ dụ dỗ, lừa dối, ép buộc Tú vận chuyển trái phép chất ma túy có phải là hành vi vi phạm pháp luật không ?

Việc chủ nợ lợi dụng khoản nợ của Tú để dụ dỗ, lừa dối, ép buộc Tú tham gia vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể là hành vi vi phạm quyền trẻ em quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP. 

Hành vi của ông chủ nợ đối với Tú là hành vi sử dụng trẻ em vào việc phạm tội và có thể bị xử lý theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy.

“1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

  1.   Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em…”

4. Hành vi dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em (Điều 6)

Ví dụ: Bé Đức (An Giang) 15 tuổi lang thang lên TPHCM đánh giày kiếm sống. Lơ ngơ tiếp cận môi trường thành phố chưa lâu, Đức bị một người đàn ông ăn mặc lịch sự, bảnh bao thuê đánh giày nhiều lần và lạm dụng. Em kể, ông ta đã rủ đi ăn rồi đưa về nhà trọ, hoặc khách sạn để buộc em quan hệ đồng giới. Sau khi quan hệ ông ta đã cho tiền và đe dọa em phải im lặng. Sự việc được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi em bị khủng hoảng tâm lý và trốn chạy. Gã đó vẫn tìm được và đe dọa, ép em về phòng mình tiếp tục quan hệ.

(Theo Nguyễn Hà - Tienphongonline)

Hành vi của người đàn ông là hành vi xâm hại tình dục trẻ em, vi phạm quyền cơ bản của trẻ em bị pháp luật nghiêm cấm.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và Điều 6 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP hành vi dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em gồm những việc làm cụ thể như sau: 

“1. Dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác, dùng thủ đoạn nói dối, gian lận, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm hoặc chứng kiến, tham gia phục vụ hoạt động mại dâm.

2. Dẫn, chỉ dẫn, môi giới, tổ chức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí nơi để trẻ em hoặc sử dụng trẻ em hoạt động mại dâm, để trẻ em chứng kiến, tham gia phục vụ hoạt động mại dâm.

3. Cho trẻ em tiếp xúc với sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung khiêu dâm; tác động vào cơ thể trẻ em nhằm kích động tình dục trẻ em hoặc nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục”.

Mọi hành vi dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em đều bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự tại các Điều 114 Tội cưỡng dâm trẻ em, Điều 115 Tội giao cấu với trẻ em, Điều 116 Tội dâm ô đối với trẻ em, Khoản 2, 3 Điều 255 Tôi môi giới mại dâm và Điều 256 Tội mua dâm người chưa thành niên. Cụ thể:  

Người có hành vi dụ dỗ, dẫn dắt trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi hoạt động mại dâm thì có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 15 năm

Người mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm.

Người cưỡng dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ năm năm đến  mười năm.

Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

5. Hành vi lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hoá phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em; sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em (Điều 7)

Hành vi lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hóa phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật về quyền trẻ em quy định tại Điều 7 Nghị định số 71/2011/ NĐ-CP gồm những hành vi cụ thể như: 

- Dùng quan hệ tình cảm, uy tín, sự phụ thuộc của trẻ em, nói dối, gian lận, dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em tiếp xúc, mua, bán, thuê, mượn, sử dụng, phát tán, tham gia sản xuất sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung bạo lực, đồi trụy, có hại cho sự phát triển của trẻ em.

- Viết, dịch, sao chép, sản xuất, lưu hành, vận chuyển, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, phát tán, quảng cáo sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng khiêu dâm trẻ em, kích động bạo lực, đồi trụy có hình ảnh trẻ em hoặc có sự tham gia của trẻ em gây nguy hiểm, có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

- Không thông báo hoặc không xác định tuổi của trẻ em không được tiếp xúc, sử dụng đối với sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em.

Ví dụ: Tại một cửa hàng đồ chơi, khi khách hàng hỏi mua một khẩu súng bắn đạn giống như súng thật thì chủ hàng bảo: Người ta cấm đấy, tôi không dám bán đâu, phạt chết. Chưa kịp nói gì thì một ông già đã kéo người mua vào ngõ nhỏ, lôi ra cả loạt súng nhựa. Ông lén lật tấm gỗ dưới đất sát tường, moi lên một khẩu súng đen, hệt như súng thật, cùng kích cỡ với súng ngắn K59. Khẩu súng cũng có rãnh để đạn, nhưng là đạn tròn chứ không phải đạn dài. Ông lên đạn, kéo táchmột cái rồi bóp cò, một tiếng nổ phát ra đanh gọn và quảng cáo: “Súng của tôi bắn chết được cả chuột mà chỉ có 80.000 đồng thôi.

Việc bán súng đồ chơi của ông già có phải là hành vi vi phạm quyền trẻ em không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?

Việc bán súng đồ chơi của ông già nêu trên là hành vi kinh doanh, tàng trữ, phát tán, quảng cáo đồ chơi, trò chơi kích động bạo lực, gây nguy hiểm, có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Đây là hành vi vi phạm quyền trẻ em và bị cấm theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP.  Hành vi này có thể bị xử phạt và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 12 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP như sau: 

“3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất, lưu hành, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, phát tán, quảng cáo đồ chơi, trò chơi kích động bạo lực, đồi trụy, kinh dị, có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em;

b) Viết, dịch, sao chép, sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, phát tán, quảng cáo sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng khiêu dâm trẻ em;

c) Nhập khẩu đồ chơi, trò chơi kích động bạo lực, đồi trụy, kinh dị, có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh không thời hạn (nếu có) đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy, kinh dị, có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.

6. Hành vi hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác (Điều 8)

Trẻ em là người chưa đạt đến sự trưởng thành về mặt thể chất và trí tuệ vì thế cần phải được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo. Một trong những quyền cơ bản của trẻ em đó là quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được chăm sóc sức khỏe.

Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em. Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em, hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua, bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Điều 8 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định về hành vi hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua, bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác như sau:

1. Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.

2. Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

3. Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần.

4. Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người giám hộ.

5. Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần.

6. Mua, bán trẻ em dưới mọi hình thức.

7. Đánh tráo trẻ em vì bất cứ mục đích gì.

8. Xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em dưới mọi hình thức làm cho trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ.

9. Xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự của người khác.

Ví dụ: Sáng 14-2, Công an huyện N.H (Quảng Ngãi) triệu tập bà Đ.T.Hồng Yến (50 tuổi, trú xã H.T) và ông Nguyễn Mùi (53 tuổi, chồng bà Yến) để lấy lời khai về vụ hành hung con nuôi là bé gái Hoàng Thục Phi (09 tuổi).

Theo lời ông Mùi chiều 10-2, khi nghe vợ nói mất 500.000 đồng trong tủ, ông gặng hỏi bé Phi. Bé Phi thú nhận có lấy nhưng chỉ 20.000 đồng và đã mua quà ăn. Tức giận, ông Mùi tát bé Phi hai cái. Bé Phi hoảng sợ bỏ chạy và vấp ngã đập mặt xuống nền, dẫn đến bầm mặt. Tuy nhiên, những người hàng xóm chứng kiến lại nói vợ chồng ông Mùi đóng cửa nhà, dùng dây điện đánh bé Phi. Một số người gọi điện thoại báo Công an xã Hành Trung, đồng thời đề nghị vợ chồng ông Mùi mở cửa nhưng hai người này vẫn không nghe. Đến sáng 11-2, chính quyền và hàng xóm đến nhà ông Mùi yêu cầu cho cháu Phi nhập viện, lúc đó hai vợ chồng mới đưa cháu Phi đi viện”.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu ông Mùi thừa nhận từ năm 2010 đến nay đã có hàng chục lần dùng tay, roi đánh đập bé Phi, nhốt bé Phi vào chuồng gà, cởi hết quần áo rồi trói trước cột nhà...

Hành vi của vợ chồng ông Mùi đã xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với bé Phi. Đây là một trong những hành vi vi phạm quyền trẻ em bị pháp luật mghiêm cấm. Người có hành vi này tùy theo mức độ và hậu quả xảy ra, có thể bị xử lý theo pháp luật hành chính hoặc hình sự. 

Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP quy định việc xử phạt hành chính đối với hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi trẻ em như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đánh đập, xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khoẻ đối với trẻ em;

b) Đối xử tồi tệ với trẻ em như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng hợp pháp, lành mạnh;

c) Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

d) Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần;

đ) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.

7. Hành vi lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động (Điều 9)

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP, hành vi lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động, bao gồm:

- Cha, mẹ, người giám hộ, người nhận nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em hoặc bắt trẻ em làm những công việc mà pháp luật không cho phép.

- Người nhận dạy nghề cho trẻ em bắt trẻ em làm công việc quá sức, nặng nhọc, quá thời gian, trong môi trường độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.

- Sử dụng lao động trẻ em không trả công hoặc trả công không tương xứng, không có cam kết của cha, mẹ, người giám hộ, không có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; bắt trẻ em lao động quá sức, quá thời gian, nặng nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm; sử dụng trẻ em làm những công việc trái với quy định của pháp luật về lao động.

- Sử dụng trẻ em làm những công việc trong vũ trường, cơ sở xoa bóp, vật lý trị liệu, sòng bạc, nhà hàng ka-ra-ô-kê, quán rượu, quán bia hoặc những nơi có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.

- Sử dụng trẻ em để mua, bán, vận chuyển hàng giả, hàng cấm, hàng trốn thuế.

- Để trẻ em tham gia, sử dụng trẻ em trong sản xuất, kinh doanh, phổ biến sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung bạo lực, đồi trụy, nguy hiểm, không phù hợp hoặc có hại cho sự phát triển của trẻ em.

Điều 15 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP quy định về việc xử lý đối với những người có một trong những hành vi đó như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cha, mẹ bắt con, người giám hộ bắt trẻ em mà mình giám hộ, người nhận nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em mà mình nuôi dưỡng làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em hoặc bắt trẻ em làm những công việc mà pháp luật không cho phép;

b) Người nhận dạy nghề cho trẻ em bắt trẻ em làm công việc quá sức, nặng nhọc, quá thời gian, trong môi trường độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng trẻ em làm những công việc trong cơ sở xoa bóp, vật lý trị liệu, sòng bạc, quán rượu, quán bia hoặc những nơi có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển nhân cách của trẻ em;

b) Để trẻ em tham gia, sử dụng trẻ em trong sản xuất, kinh doanh, phổ biến sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung bạo lực, đồi trụy, kinh dị, nguy hiểm, không phù hợp hoặc có hại cho sự phát triển của trẻ em.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trẻ em để mua, bán, vận chuyển hàng giả, hàng trốn thuế, hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới.

(Trích Điều 15 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP)

8. Hành vi cản trở việc học tập của trẻ em (Điều 10)

Học tập vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân.

Điều 10 Luật giáo dục năm 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân như sau:

-         Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân.

- Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.

- Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng.

- Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.

Đối với trẻ em, quyền được học tập là quyền cơ bản của trẻ em. Trẻ em có quyền được học tập. Cha mẹ, gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập, học hết chương trình giáo dục phổ cập và tạo điều kiện cho con em mình theo học ở trình độ cao hơn.

Điều 11 Luật giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về Phổ cập giáo dục quy định:

1. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước.

2. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.

3. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.”

Để bảo đảm việc thực hiện quyền học tập của trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập, đồng thời ngăn ngừa, hạn chế các việc làm, các hành vi cản trở việc học tập của trẻ em, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định hành vi cản trở việc học tập của trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm.

Ví dụ: H là con của người bị nhiễm HIV. Lên 04 tuổi H được mẹ xin cho vào lớp mẫu giáo của cô B nhưng cô giáo B từ chối không nhận vì sợ các phụ huynh khác không muốn con họ học chung với con của người có bị nhiễm HIV.

Việc làm của cô giáo B có bị coi là hành vi cản trở quyền học tập của trẻ em không ?

Việc không nhận học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục với lý do cha, mẹ các em là người bị nhiễm HIV là hành vi cản trở quyền học tập của trẻ em.  

Những việc làm gây cản trở việc học tập của trẻ em được quy định tại Điều 10 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP :

1) Lợi dụng uy tín, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vật chất, uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học.

2) Bắt buộc, dụ dỗ trẻ em bỏ học, nghỉ học để gây áp lực, khiếu kiện, biểu tình trái pháp luật.

3) Gây rối, cản trở hoạt động của cơ sở giáo dục, phá hoại cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, giảng dạy của các cơ sở giáo dục.

4) Cố tình không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc học tập của trẻ em theo quy định của pháp luật, không bảo đảm thời gian, điều kiện học tập cho trẻ em.

5) Hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em.

6) Từ chối tiếp nhận hoặc gây áp lực để cản trở việc tiếp nhận trẻ em khuyết tật có khả năng học tập, trẻ em nhiễm, nghi nhiễm, có nguy cơ hoặc có cha, mẹ nhiễm HIV được vào học tại các cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật".

9. Hành vi áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật (Điều 11)

Đặc điểm phát triển về tâm, sinh lý của trẻ em là nhận thức còn rất non nớt, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, hiểu biết về pháp luật chưa sâu sắc, chưa toàn diện. Đây là lứa tuổi nhân cách chưa hoàn chỉnh, nông nổi, dễ bị kích động, khó kiềm chế vì thế nên một bộ phận không nhỏ trẻ em sống buông thả, đua đòi dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có nhiều trường hợp đã có hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự.

Đối với trẻ em vi phạm pháp luật, vấn đề không phải là áp dụng các hình phạt nghiêm khắc, mà quan trọng là giúp các em nhận ra lỗi lầm, đồng thời phải có biện pháp khắc phục những nguyên nhân, điều kiện phạm tội của trẻ em.

Nhà nước đã ban hành chính sách nhân đạo trong việc xử lý đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Chính sách nhân đạo đó đã được cụ thể hoá thành những nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, quy định tại Điều 69 Bộ luật hình sự như :

“1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm”.

Bên cạnh đó, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng quy định nghiêm cấm việc áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật, cụ thể là nghiêm cấm đối với các hành vi: 

“1. Lăng nhục, chửi mắng, bắt làm những việc có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật.

2. Tra tấn, gây đau đớn về thể xác, giam hãm trong điều kiện tồi tệ hoặc dùng các biện pháp làm tổn thương về tinh thần đối với trẻ em vi phạm pháp luật” (Điều 11 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP).

Người có hành vi vi phạm quy định này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 17 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP quy định về việc xử lý đối với hành vi có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi dùng lời nói, hành động hoặc hành vi khác có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc cá nhân, tổ chức chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em do thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.

10. Hành vi đặt nghĩa trang, cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hoá chất độc hại, chất phóng xạ, chất dễ gây cháy nổ gần cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc ngược lại (Điều 12)

Ví dụ: “Bỗng dưng” mất trường học do doanh nghiệp gây ô nhiễm

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, người dân phường Đ.V đã góp tiền để xây dựng trường THCS khang trang cho con em học. Sau một thời gian, trường đi vào hoạt động thì mảnh đất trống gần trường được một số doanh nghiệp thuê làm cơ sở sản xuất. Do các doanh nghiệp nằm ngay cạnh trường lại không đầu tư khâu xử lý chất thải nên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, khói bụi mù mịt, khét lẹt ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh và học sinh, giáo viên nhà trường. Khi người dân đấu tranh, các doanh nghiệp đối phó bằng cách chủ yếu “nhả khói” vào ban đêm.

Kết quả là người dân phải gửi con em sang các trường lân cận để học. Ngôi trường THCS được xây dựng cứ “mòn” dần, đến lúc còn quá ít học sinh phải sáp nhập sang trường khác. Cơ sở vật chất, khuôn viên của trường được cho thuê và người dân phường Đ.V “bỗng dưng” mất trường.  

(Theo Quang Đại  - Hoàng Thông tamnhin.net)

Pháp luật quy định thế nào đối với việc đặt cơ sở sản xuất gần cơ sở giáo dục?

Theo quy định tại khoản 10 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì việc đặt cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, chất dễ gây cháy, nổ gần cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm.

Hành vi này được quy định cụ thể tại Điều 12 Nghị định số 71/2011 NĐ-CP như sau:

- Đặt cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, chất dễ gây cháy, nổ trong phạm vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc ngược lại.

- Đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh có chất thải độc hại, có tiếng ồn lớn vượt quá giới hạn cho phép trong phạm vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển, sự an toàn của trẻ em và hoạt động của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc ngược lại.

Để xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi đặt cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, chất dễ gây cháy, nổ gần cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em, Nghị định số 91/2011/NĐ-CP quy định tại khoản 1 Điều 18 như sau:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đặt nghĩa trang, cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, chất dễ gây cháy, nổ trong phạm vi ảnh hưởng đến cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em;

b) Đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh có chất thải độc hại, có tiếng ồn lớn vượt quá giới hạn cho phép ảnh hưởng đến cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em”.

Ngoài việc phạt tiền các tổ chức cá nhân có hành vi này còn bị áp biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cá nhân, tổ chức thực hiện những biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có chất thải độc hại, có tiếng ồn lớn vượt quá giới hạn cho phép.

11. Sử dụng cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của trẻ em (Điều 13)

dụ: Ô tô chiếm sân chơi của trẻ em

Sau khi có lệnh cấm trông giữ xe tại một số tuyến phố trong nội thành Hà Nội  nhiều điểm vui chơi của trẻ em trong các khu dân cư bị biến thành bãi trông giữ xe bất chấp sự phản đối của người dân

Hằng ngày, trên sân chơi của Khu tập thể G4 có khoảng 40-50 xe máy để, nhiều xe để qua đêm, ngoài ra còn có trên 10 chiếc ô tô để ngổn ngang chật kín sân chơi chung duy nhất dành cho trẻ em.

Việc chiếm sân chơi của trẻ em để trông giữ ô tô, xe máy là hành vi vi phạm quyền trẻ em quy định tại Điều 13 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP. Đây là hành vi sử dụng cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của trẻ em.

Theo Điều 13 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP, gồm những hành vi sau:

- Sử dụng sai mục đích, làm hư hại cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em.

- Lấn chiếm đất đai, công trình, nhà, diện tích, khu vực, thời gian sử dụng dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em.

- Không thực hiện, thực hiện không đúng, làm sai lệch quy hoạch cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em đã được phê duyệt.

Cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của trẻ em bị xử lý theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP.

IV. TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM CÁC QUYỀN CỦA TRẺ EM, BẢO VỆ, CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ EM

1. Trách nhiệm bảo đảm các quyền của trẻ em

1.1. Đăng ký khai sinh

Đăng ký khai sinh nhằm xác định họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quan hệ cha, mẹ, con của một người mà được pháp luật công nhận và làm căn cứ pháp lý chứng minh đó là một cá nhân, một chủ thể riêng biệt trong xã hội. Theo pháp luật Việt Nam, việc khai sinh cho trẻ em thuộc trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em và Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Về trách nhiệm của gia đình: Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn (Điều 23 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004). Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em (Điều 14 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch).

Theo quy định của pháp luật, ngoài cha mẹ, người giám hộ cũng là người chịu trách nhiệm trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ em là con, em mình. Theo đó, ông bà, những người thân thích khác của trẻ em cũng có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu cha mẹ không thể đi khai sinh cho con. Việc khai sinh cho trẻ em phải được thực hiện trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được sinh ra. Quy định như vậy nhằm khắc phục tình trạng chậm đăng ký khai sinh, coi thường thời hạn khai sinh cho trẻ em, bảo đảm tốt nhất quyền được khai sinh, có họ tên của trẻ em.

- Về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân: Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi trẻ em đăng ký khai sinh có trách nhiệm thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em; vận động cha mẹ, người giám hộ khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn” (Điều 23 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004). Người trực tiếp giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện đăng ký khai sinh là cán bộ tư pháp - hộ tịch, có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, xác minh, kiểm tra, làm thủ tục đăng ký khai sinh; thường xuyên kiểm tra, đăng ký khai sinh kịp thời; phổ biến, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hộ tịch. Đối với những khu vực có điều kiện đi lại khó khăn, cán bộ tư pháp - hộ tịch phải có lịch định kỳ đến tận nhà dân để đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em thuộc về  Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người mẹ. Nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha; trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế phải đăng ký khai sinh cho trẻ em. Đối với trẻ em bị bỏ rơi, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em đó phải đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Cần nhấn mạnh là trong các trường hợp trên, Ủy ban nhân dân cấp xã phải đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Ngoài ra, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã là phải tuyên truyền, “vận động cha mẹ, người giám hộ tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn” nhằm giúp cha mẹ, người giám hộ nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người nâng cao nhận thức về ý nghĩa, trách nhiệm của việc đăng ký khai sinh cho trẻ em.

1.2. Trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

Cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em; khi gặp khó khăn tự mình không giải quyết được, có thể yêu cầu và được cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em (Điều 24 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004).

Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là chức năng tự nhiên của gia đình nhưng Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn quy định là trách nhiệm trước tiên của cha mẹ, người giám hộ, nhằm khẳng định và đề cao vai trò của cha mẹ, khắc phục tình trạng coi nhẹ việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, khắc phục tập quán chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em với tâm lý “có gì, hưởng ấy”, làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là việc đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng và môi trường sống bảm đảm cho trẻ em phát triển tốt nhất về thề chất và tinh thần, trí tuệ. Bảo đảm chế độ dinh dưỡng (cung cấp đủ chất cho cơ thể) là rất quan trọng đối với con người, đặc biệt là trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thể lực, trí tuệ để trở thành người khoẻ mạnh, cường tráng, thông minh.

Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm chăm lo chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em theo từng lứa tuổi (Điều 24 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004). Gia đình có trách nhiệm dành những điều kiện tốt nhất có thể có cho sự phát triển của trẻ em. Nhưng, khi gia đình gặp khó khăn và khó bảo đảm được chế độ dinh dưỡng cho trẻ em thì có thể yêu cầu và được cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Nhà nước và xã hội giúp đỡ, hỗ trợ gia đình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thông qua nhiều biện pháp như hỗ trợ trực tiếp về vật chất (cung cấp gạo, thực phẩm, các loại khoáng chất, áo quần, chăn màn khi cần thiết); cung cấp kiến thức và thực hành về dinh dưỡng, kiến thức làm mẹ, kiến thức về phòng chống thiếu các khoáng chất vi lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống; xây dựng và thực hiện các chương trình quốc gia về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và nâng cao thể chất về chiều cao, cân nặng, sức bền của người Việt Nam.

Trẻ em không chỉ cần được đảm bảo về vật chất cho sự phát triển mà còn đặc biệt cần có môi trường sống lành mạnh. Gia đình là môi trường của sự phát triển và hạnh phúc của trẻ em. Cha mẹ, các thành viên trong gia đình là nhân tố đầu tiên quyết định đến sự phát triển của trẻ em. Vì vậy, cha mẹ và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm tạo ra môi trường lành mạnh đó. Nhằm thực hiện mục tiêu này, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Cha mẹ, người giám hộ, các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình phải gương mẫu về mọi mặt cho trẻ em noi theo; có trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em” (Điều 24).

Trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con là bình đẳng giữa cha và mẹ. Song trên thực tế vẫn có tình trạng một số trẻ em chỉ được cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Để bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định “Trong trường hợp ly hôn hoặc các trường hợp khác, người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên phải có nghĩa vụ đóng góp để nuôi dưỡng con đến tuổi thành niên, có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con theo quy định của pháp luật(Điều 24).

1.3. Trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em sống chung với cha mẹ

Gia đình là cái nôi đầu tiên hình thành và phát triển nhân cách trẻ em. Trẻ em cần có sự yêu thương, hiểu biết, đáp ứng nhu cầu và được lớn lên trong sự che chở, chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ và gia đình. Vì vậy, điều kiện tốt nhất của trẻ em là được sống chung với cha mẹ trong môi trường gia đình lành mạnh. Theo đó, cha mẹ có trách nhiệm bảo đảm điều kiện để trẻ em được sống chung với mình (Điều 25 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004).

Được sống chung với cha mẹ là quyền của trẻ em. Đảm bảo quyền này lại là trách nhiệm của cha mẹ và xã hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn cuộc sống, do nhiều nguyên nhân khác nhau như cha mẹ ly hôn, rơi vào tệ nạn xã hội (nghiện ma túy, cờ bạc), vi phạm pháp luật dẫn đến bị cách ly khỏi trẻ em và xã hội mà gia đình tan nát, tước đi cái quyền được sống chung với cha mẹ của trẻ em. Một số cha mẹ, người giám hộ còn để trẻ em rời khỏi gia đình đi lang thang kiếm sống, đi làm việc xa nên trẻ em không được sống chung với gia đình. Hậu quả là nhiều trẻ em không được tạo điều kiện để tiếp tục học tập, phát triển, không được chăm sóc sức khoẻ và một số em bị ngược đãi, bị lừa gạt, dụ dỗ, ép buộc vào các tệ nạn xã hội... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được sống chung với cha mẹ của trẻ em.

Để tránh tình trạng này, các bậc cha mẹ cần phải luôn có ý thức chăm lo xây dựng gia đình, bảo đảm sự tồn tại của gai đình, tránh sa vào cờ bạc, rượu chè và các tệ nạn xã hội khác, thường xuyên tìm hiểu pháp luật để sống và làm việc theo pháp luật, tránh vi phạm pháp luật, chăm chỉ lao động để có đủ điều kiện nuôi dạy con cái trưởng thành.

1.4. Trách nhiệm bảo đảm lợi ích trẻ em khi phải cách ly cha mẹ

Sống chung với cha mẹ là quyền của trẻ em. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ em phải sống cách ly cha, mẹ. Để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, pháp luật quy định trách nhiệm bảo đảm lợi ích cho trẻ em khi phải sống cách ly cha, mẹ tại Điều 16 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP. Theo đó, trẻ em phải cách ly cha, mẹ khi:

- Cha, mẹ bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù;

- Cha, mẹ bị Tòa án quyết định không cho cha, mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Trách nhiệm bảo đảm lợi ích của trẻ em khi phải sống cách ly cha, mẹ được quy định như sau:

- Đối với trường hợp cha, mẹ đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù: Trường hợp người mẹ nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi nhưng đang phải chấp hành hình phạt tù thì được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa bàn có trại tạm giam, trại giam chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ em từ đủ ba mươi sáu tháng tuổi trở lên khi cha, mẹ là người bị tạm giam, phạm nhân trong trại tạm giam, trại giam đó nếu không có thân nhân của trẻ em nhận nuôi dưỡng, chăm sóc.

- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức việc chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng thay thế đối với trẻ em phải sống cách ly cha, mẹ theo các hình thức: Giao cho thân nhân của trẻ em, giao cho gia đình chăm sóc thay thế, giao cho cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em tại địa phương để chăm sóc thay thế.

- Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp có trách nhiệm xác minh điều kiện, hoàn cảnh sống, khả năng kinh tế của người thân, gia đình chăm sóc thay thế, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em để đề xuất thân nhân, gia đình, cơ sở chăm sóc thay thế cho trẻ em phải sống cách ly cha, mẹ; kiểm tra điều kiện sống của trẻ em phải sống cách ly cha, mẹ sau khi giao cho thân nhân, gia đình, cơ sở chăm sóc thay thế. Việc đưa trẻ em phải sống cách ly cha, mẹ vào sống tại các cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội chỉ được coi là giải pháp cuối cùng khi không tìm được thân nhân, gia đình chăm sóc thay thế.

- Trong thời gian trẻ em ở các cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện, cha, mẹ của trẻ em có trách nhiệm thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ trẻ em; các cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện phải tạo điều kiện để trẻ em giữ mối liên hệ với gia đình và được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

1.5. Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong trường hợp cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP thì Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em nếu cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm.

Trách nhiệm bảo đảm an toàn và sự phát triển bình thường của trẻ em trong trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con là trẻ em:

- Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em. Các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em.

- Trong trường hợp khẩn cấp, cần phải bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và lợi ích hợp pháp của trẻ em khi chưa có quyết định của Tòa án, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tạm thời giao cho trẻ em cho thân nhân nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; trong trường hợp không có thân nhân thì giao trẻ em cho gia đình chăm sóc thay thế hoặc cho cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội.

- Sau khi có quyết định của Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em hoặc trong trường hợp khẩn cấp, việc tổ chức chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng thay thế đối với trẻ em được thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 16 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP.

1.6. Trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em

Theo quy định tại Điều 26 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em.

Đây là sự cụ thể hóa việc bảo đảm một trong các quyền cơ bản, thiêng liêng nhất của con người đã được ghi nhận tại Điều 71 Hiến pháp năm 1992. Đó là “quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm” của công dân.

Tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của mỗi người là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là mục tiêu bảo vệ của pháp luật. Tuy nhiên, trẻ em còn non nớt, chưa ý thức được hành vi của mình, khả năng tự bảo vệ chưa cao, nên trách nhiệm của người lớn là hết sức quan trọng. Việc bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đã được gia đình, nhà nước và xã hội thực hiện tốt, đã tạo được môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em, kể cả đối với trường hợp trẻ em phạm tội. Bộ luật hình sự năm 1999 quy định cụ thể độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, tính chất và mức độ của hành vi có thể không bị truy cứu hoặc giảm nhẹ đối với trẻ em. Chẳng hạn, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Điều 12) hoặc ... không áp dụng tù chung thân đối với người chưa thành niên phạm tội (Điều 34).

Bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em là việc bảo đảm cho trẻ em không bị tước đoạt mạng sống (không bị giết), không bị gây thương tích (không bị đánh đập, tra tấn hoặc các hình thức tác động trực tiếp gây đau đớn thân thể các em), không bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm (không bị bêu riếu, coi thường, nhiếc móc, chửi mắng, miệt thị hoặc thực hiện các hành vi khác gây tổn thất tâm hồn các em...). Tuy nhiên, trong thực tiễn cuộc sống vẫn còn quan niệm cho rằng, đối với trẻ em, trẻ con thì yêu cho roi cho vọt, “con mình thì mình có quyền dạy bảo”..., nên đã dẫn tới cách xử sự thiếu tôn trọng, xúc phạm đến tính mạng, nhân phẩm, danh dự của trẻ em.

Tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Vì vậy, quyền được bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em cần phải được tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhằm bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tinh thần này được thể chế hóa tại Điều 26 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004: “Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Điều 18 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em như sau:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông tin cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã khi phát hiện các nguy cơ, hành vi ngược đãi, xâm hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự trẻ em.

- Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các nguy cơ, hành vi ngược đãi, xâm hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự trẻ em.

- Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa ngược đãi, xâm hại, bạo lực, trừng phạt trẻ em cho cha, mẹ, người giám hộ, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã, giáo viên trong các cơ sở giáo dục và trẻ em.

- Cha, mẹ, người giám hộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; xây dựng và công bố các tiêu chuẩn an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em ở gia đình, nơi công cộng.

1.7. Trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ của trẻ em

Sức khoẻ là vốn quý nhất của con người, bảo vệ sức khoẻ nhân dân nói chung và bảo vệ sức khoẻ trẻ em là một trong những vấn đề cơ bản của việc hình thành và phát triển con người, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc. Vì vậy, khoản 2 Điều 1 Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989 quy định “Bảo vệ sức khoẻ là sự nghiệp của toàn dân. Tất cả công dân có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân để giữ gìn sức khoẻ cho mình và cho người khác”.

Trẻ em là những người chưa trưởng thành, còn non nớt về thể chất và trí tuệ nên khả năng tự mình bảo vệ sức khỏe cho mình và cho người khác là rất hạn chế. Do vậy, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ trẻ em thuộc cha mẹ, người giám hộ, nhà nước và xã hội.

* Về trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì: “Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm thực hiện những quy định về kiểm tra sức khoẻ, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em”. Như vậy, trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước tiên thuộc về cha mẹ, người giám hộ. Để thực hiện tốt trách nhiệm của mình, đòi hỏi cha mẹ, người giám hộ phải có kiến thức, sự hiểu biết và thực hiện đầy đủ các hướng dẫn, quy định về phòng bệnh và chữa bệnh cho trẻ em.

Đối với trẻ em dưới sáu tuổi được cấp thẻ khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập thì cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm theo dõi phát hiện sớm bệnh của trẻ em, đưa đi khám, chữa bệnh kịp thời, đúng địa điểm và sử dụng thẻ khám chữa bệnh đúng mục đích.

* Về trách nhiệm của nhà nước và xã hội

Nhà nước có vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân thông qua chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia và đặc biệt là bảo đảm ngân sách cho sự nghiệp này. Đối với trẻ em, Nhà nước có chính sách phát triển sự nghiệp y tế, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; có chính sách miễn, giảm phí khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho trẻ em; bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi (khoản 4 Điều 27 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004).

Chính sách khám, chữa bệnh không phải trả tiền cho trẻ em dưới sáu tuổi đã được khẳng định trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế trong việc quản lý nên việc thi hành các quy định về bảo vệ sức khỏe trẻ em theo quy định của Luật này trong thời gian qua có nhiều hạn chế. Để khắc phục bất cập đó, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: Trong cân đối kế hoạch ngân sách hàng năm của Bộ Y tế và của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chính phủ dành riêng một khoản ngân sách để bảo đảm cho việc khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền cho trẻ em dưới sáu tuổi ở các cơ sở y tế công lập trung ương và địa phương (khoản 4 Điều 27).

Điều 32 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ em, bằng việc cụ thể hóa trách nhiệm của các bộ, ngành ở trung ương và chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là ngành Y tế, trong khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em: Hướng dẫn việc củng cố và nâng cao chất lượng của mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em; từng bước thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ và lập sổ theo dõi sức khỏe cho trẻ em; đặc biệt quan tâm đến trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em khuyết tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị tai nạn, thương tích. Bảo đảm việc cung cấp đủ thuốc có chất lượng phục vụ việc phòng bệnh, chữa bệnh cho trẻ em; điều kiện và chất lượng phòng bệnh, khám bệnh, phát hiện bệnh, chữa bệnh, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, số lượng và chất lượng cán bộ y tế nhi khoa. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em; bảo đảm trẻ em dưới sáu tuổi được khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; khám bệnh định kỳ cho những người làm công việc thường xuyên tiếp xúc với trẻ em; hướng dẫn cha, mẹ, người giám hộ phòng bệnh cho trẻ em...

Pháp luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ sở y tế trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới sáu tuổi, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Khoản 2 Điều 27 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định cụ thể trách nhiệm của cơ sở y tế công lập (gồm các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương) thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi. Theo đó, sở y công lập có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng bệnh, chữa bệnh cho trẻ em”. Có thể nói, cơ sở y tế công lập có trách nhiệm rất lớn trong việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh cho trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ em dưới 06 tuổi.

Đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị rất cao, thậm chí một số bệnh phải đưa ra nước ngoài điều trị đòi hỏi phải có sự ủng hộ từ thiện, nhân đạo của nhiều người. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động nhân đạo, từ thiện ủng hộ kinh phí chữa bệnh cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo (khoản 5 Điều 27 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục  trẻ em năm 2004).

* Về trách nhiệm của y tế học đường

Trẻ em là những người đang trong độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường, nên việc phòng, chống các bệnh học đường cần được chú trọng và trách nhiệm này được giao trước hết cho ngành Giáo dục - Đào tạo. Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức y tế học đường; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đưa chương trình giáo dục y tế học vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; hướng dẫn xây dựng tổ chức phòng y tế tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tập trung nhiều học sinh, bảo đảm cán bộ y tế thường trực có đủ trình độ chuyên môn, làm nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho học sinh tại trường và quản lý hồ sơ sức khoẻ học sinh. Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có điều kiện tổ chức phòng y tế thì bảo đảm có giáo viên kiêm nhiệm được tập huấn kỹ năng về chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh và quản lý hồ sơ sức khoẻ học sinh.

Nhiệm vụ chính của y tế học đường là hướng dẫn phòng chống các bệnh học đường và quản lý sức khoẻ học sinh, trong đó có các nội dung về vệ sinh phòng bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng chống cong vẹo cột sống, vệ sinh răng miệng, bảo vệ thị lực, chăm sóc vệ sinh cá nhân và môi trường, phòng chống dịch bệnh, sơ cứu tai nạn, ốm đau đột xuất...

1.8. Trách nhiệm bảo đảm quyền được học tập của trẻ em

Được học tập là quyền của trẻ em. Bảo đảm quyền được học tập của trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Luật giáo dục hiện hành quy định: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập (Điều 11). Mọi tổ chức, gia đình và công dân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn (Điều 12).

* Trách nhiệm của gia đình trong việc bảo đảm quyền được học tập của trẻ em:

Trách nhiệm của gia đình trong việc bảo đảm quyền được học tập của trẻ em được quy định trong nhiều văn bản quan trọng. Theo quy định tại Điều 16 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn. Điều 11 Luật giáo dục hiện hành quy định:“Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập”.

Như vậy, bảo đảm quyền được học tập của trẻ em trước tiên là trách nhiệm của gia đình mà trực tiếp là cha mẹ, người giám hộ. Trách niệm này được thể hiện trong việc thực hiện nhiệm vụ: bảo đảm điều kiện học tập cho trẻ em, bảo đảm cho trẻ em học hết chương trình giáo dục phổ cập. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng một xã hội học tập, gia đình với vai trò đặc biệt quan trọng còn phải có trách nhiệm với khả năng cao nhất có thể, tạo điều kiện cho trẻ em sau khi hoàn thành phổ cập giáo dục còn được tiếp tục học ở trình độ cao hơn.

Trách nhiệm của gia đình trong việc bảo đảm điều kiện học tập của trẻ em được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như chăm sóc, nuôi dưỡng (ăn, mặc, ở, đi lại cho trẻ em); xây dựng gia đình văn hoá (tinh thần thoải mái cho trẻ em); các thành viên trong gia đình gương mẫu, giúp đỡ, hướng dẫn trẻ em học tập; tạo điều kiện trực tiếp cho trẻ bảo đảm thời gian học tập ở lớp và tự học ở nhà, cung cấp đủ sách vở, dụng cụ học tập, bố trí góc học tập, đóng góp các khoản chi phí học tập theo quy định và phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giúp đỡ việc học tập, tu dưỡng đạo đức của trẻ em.

Việc học tập của trẻ em không chỉ học tập tri thức, kỹ năng mà cả học tập thẩm mỹ, truyền thống, đạo đức, niềm tin và pháp luật thông qua giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

* Trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác

Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm thực hiện giáo dục toàn diện về đạo đức, tri thức, thẩm mỹ, thể chất, giáo dục, lao động hướng nghiệp cho trẻ em; chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông phải có điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để bảo đảm chất lượng giáo dục. Người phụ trách đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong nhà trường phải được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề, yêu trẻ, được tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ (Điều 28 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004).

Để quyền được học tập của trẻ em nói trên được thực hiện trong thực tế, trong lĩnh vực giáo dục, Luật giáo dục dục hiện hành (hợp nhất nội dung Luật giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục năm 2009) quy định nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường như sau: Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục, xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền; Tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên...; Tuyển sinh và quản lý người học; Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật;  Xây dụng cơ sở vật chất kỹ thuật theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa; Phối hợp với gia đình người học, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục; Tổ chức cho nhà giáo, cán bộ, nhân viên và người học tham gia các hoạt động xã hội; Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật (Điều 58).

* Trách nhiệm của Nhà nước

Theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì Nhà nước có chính sách phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, trợ cấp xã hội để thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Chính sách này có sự ưu tiên đối với các vùng miền, địa phương và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của pháp luật.

Để bảo đảm quyền được học tập của công dân, trong đó có trẻ em, Luật giáo dục dục hiện hành quy định: Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng; Nhà nước ưu tiên tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... được hưởng chính sách ưu đãi (Điều 10). Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục, thực hiện đa dạng hoá các loại hình giáo dục, khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, tạo cơ hội cho mọi người dân được tiếp cận với học tập nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực; Nhà nước thực hiện chính sách tạo sự công bằng xã hội trong giáo dục (Điều 12).

* Trách nhiệm của trẻ em

Để bảo đảm quyền được học tập, người học mà trong đó đa số là trẻ em, cũng có trách nhiệm. Trách nhiệm này được Điều 85 Luật giáo dục năm 2005 cụ thể hóa thành các nhiệm vụ của người học nói chung và người học là trẻ em nói riêng như sau:

- Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục khác;

- Tôn trọng nhà giáo, cán bộ và nhân viên của nhà trường, cơ sở giáo dục khác; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ nhà trường; chấp hành pháp luật của nhà nước;

- Tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp với lứa tuổi, sức khoẻ và năng lực;

- Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, cơ sở giáo dục khác;

- Góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường, cơ sở giáo dục khác.

1.9. Trách nhiệm bảo đảm quyền dân sự

Bảo vệ quyền dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 9 Bộ luật dân sự năm 2005, theo đó tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, trẻ em là người chưa thành niên, chưa có năng lực pháp luật dân sự đầy đủ, do vậy “cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật” (khoản 1 Điều 31 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004).

Trách nhiệm của cha mẹ được quy định tại Điều 39 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000: Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Bộ luật dân sự năm 2005 thì người giám hộ có nghĩa vụ đối với người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi như sau: Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Bên cạnh đó, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 còn quy định: Cha mẹ, người giám hộ hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan phải giữ gìn, quản lý tài sản của trẻ em và giao lại cho trẻ em theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 31). Theo quy định này, trách nhiệm trước tiên thuộc về cha mẹ và vì lợi ích của trẻ em. Theo Bộ luật dân sự năm 2005, việc sử dụng tài sản của trẻ em phải nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của trẻ em.

Để bảo vệ tài sản riêng của trẻ em dưới 15 tuổi, pháp luật quy định trách nhiệm giữ gìn, quản lý, định đoạt tài sản riêng của trẻ em tại khoản 1 Điều 46 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000: Trong trường hợp cha mẹ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, có tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên.

Đối với thiệt hại do hành vi của trẻ em gây ra, việc bồi thường thiệt hại được pháp luật quy định cụ thể. Theo đó, trường hợp trẻ em gây ra thiệt hại cho người khác thì cha mẹ, người giám hộ phải bồi thường thiệt hại do hành vi của trẻ em đó gây ra theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 31 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004).

Việc bồi thường thiệt hại do hành vi của trẻ em dưới mười lăm tuổi gây ra thực hiện theo quy định tại Điều 606 Bộ luật dân sự năm 2005:

- Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật dân sự.

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại, thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ, thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Trường học, bệnh viện, các tổ chức khác nếu có lỗi trong việc quản lý để trẻ em gây thiệt hại thì phải liên đới cùng với cha mẹ, người giám hộ bồi thường thiệt hại do người chưa đủ mười lăm tuổi gây ra cho người khác trong thời gian trường học, bệnh viện, các tổ chức khác trực tiếp quản lý những người đó.

2. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

2.1. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hiểu là trẻ em có hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hoà nhập với gia đình, cộng đồng. Điều 40 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 đã xác định: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật. Theo đó:

- Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa là trẻ em dưới 16 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị bỏ rơi, bị mất nguồn nuôi dưỡng và không còn người thân thích ruột thịt (Ông, bà nội ngoại; bố mẹ nuôi hợp pháp, anh chị) để nương tựa.

Trẻ em mồ côi còn được hiểu bao gồm cả trẻ em dưới 16 tuổi chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại (mẹ hoặc cha) mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng (như tàn tật nặng, đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại), không có nguồn nuôi dưỡng và không có người thân thích để nương tựa.

- Trẻ em khuyết tật là trẻ em bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho sinh hoạt, học tập và lao động gặp nhiều khó khăn.

- Trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học là trẻ em bị dị dạng, dị tật do hậu quả chất độc hóa học.

- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS là trẻ em đã được cơ quan y tế có thẩm quyền kết luận bị nhiễm HIV/AIDS.

- Trẻ em lang thang là trẻ em rời bỏ gia đình, tự kiếm sống, nơi kiếm sống và nơi cư trú không ổn định; trẻ em cùng với gia đình đi lang thang.

Để tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em, được hoà nhập với gia đình, cộng đồng, Nhà nước đã ban hành các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: hỗ trợ cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp trẻ em, thành lập cơ sở trợ giúp trẻ em để bảo đảm cho mọi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không còn nơi nương tựa được chăm sóc, nuôi dưỡng.

Các hình thức trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm:

- Đóng góp tự nguyện bằng tiền hoặc hiện vật;

- Nhận làm con nuôi, nhận đỡ đầu hoặc nhận làm gia đình thay thế để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

- Tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở trợ giúp trẻ em;

- Tổ chức các hoạt động để hỗ trợ trẻ em giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt, phục hồi sức khoẻ, tinh thần và giáo dục đạo đức.

2.2. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở cơ sở

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần coi trọng việc phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, kịp thời giải quyết các công việc giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em như giáo dục thuyết phục gia đình chung tay với nhà nước, xã hội ngăn ngừa xóa bỏ tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống; kiên trì trợ giúp trẻ em khuyết tật, tàn tật phục hồi sức khoẻ, tinh thần; tăng cường phổ biến, giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật cho trẻ em; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em... Tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được học tập hoà nhập hoặc được học tập ở cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện chủ yếu tại gia đình hoặc gia đình thay thế. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở trợ giúp trẻ em chỉ áp dụng cho những trẻ em không được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình hoặc gia đình thay thế.

Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, bao gồm:

- Lập hồ sơ theo dõi diễn biến và xây dựng kế hoạch hỗ trợ, phục hồi, hòa nhập cho từng trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Vận động cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tình nguyện hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không nơi nương tựa, không còn nguồn nuôi dưỡng làm con nuôi, nhận làm gia đình chăm sóc thay thế hoặc nhận đỡ đầu. Trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình, gia đình chăm sóc thay thế thì làm thủ tục gửi trẻ em đó đến cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội.

- Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn kỹ năng cho cha, mẹ, người giám hộ, các thành viên gia đình, người tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về biện pháp giải quyết, giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt, phục hồi sức khoẻ, tinh thần, giáo dục đạo đức và tái hòa nhập phù hợp với hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em.

- Thực hiện chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, liên hệ với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phối hợp với các cơ quan; tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để ngăn chặn nguy cơ vi phạm quyền trẻ em; phát hiện, xác minh, xử lý hành vi để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ, phục hồi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật.

2.3. Quản lý, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Điều 24 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định cụ thể các nhiệm vụ, hoạt động về quản lý, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Theo đó, việc quản lý trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần thực hiện trên cơ sở phân loại theo nhóm các đối tượng và có các biện pháp quản lý trợ giúp thích hợp với đặc điểm, hoàn cảnh của các nhóm.

Đối với trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi

Uỷ ban nhân dân địa phương cần giúp đỡ để có gia đình thay thế hoặc tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp trẻ em công lập, ngoài công lập.

Nhà nước khuyến khích gia đình, cá nhân nhận nuôi con nuôi; cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi.

Nhà nước có chính sách trợ giúp gia đình, cá nhân hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em ngoài công lập nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi.

Đối với trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học

Gia đình, Nhà nước và xã hội giúp đỡ, chăm sóc, được tạo điều kiện để sớm phát hiện bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; tạo điều kiện để trẻ em khuyết tật được nhận vào các lớp học hoà nhập, lớp học dành cho trẻ em khuyết tật, tàn tật; được giúp đỡ học văn hoá, học nghề và tham gia hoạt động xã hội.

Đối với trẻ em nhiễm HIV/AIDS

Trẻ em nhiễm HIV/AIDS không bị phân biệt đối xử; được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để chữa bệnh, nuôi dưỡng tại gia đình hoặc tại cơ sở trợ giúp trẻ em.

Đối với trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại, trẻ em phải làm việc xa gia đình

Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, giải quyết kịp thời tình trạng trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; tạo điều kiện cho trẻ em được học nghề, làm công việc phù hợp với sức khoẻ, lứa tuổi trong phạm vi địa phương. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có trẻ em phải làm việc xa gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, được chăm sóc sức khoẻ, học văn hoá, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất.

Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm giữ liên hệ thường xuyên với trẻ em phải làm việc xa gia đình để giúp đỡ, giáo dục trẻ em.

Đối với trẻ em lang thang

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trẻ em đến lang thang phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trẻ em đi lang thang trong việc tổ chức, giúp đỡ đưa trẻ em trở về với gia đình. Đối với trẻ em lang thang mà không còn nơi nương tựa thì được tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em; đối với trẻ em lang thang của hộ nghèo thì được ưu tiên, giúp đỡ để xoá đói, giảm nghèo.

Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em lang thang được sống trong môi trường an toàn, không rơi vào tệ nạn xã hội.

Đối với trẻ em cùng gia đình đi lang thang thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trẻ em cùng gia đình đi lang thang có trách nhiệm yêu cầu và tạo điều kiện để gia đình lang thang định cư, ổn định cuộc sống và để trẻ em được hưởng các quyền của mình.

Đối với trẻ em bị xâm hại tình dục

Gia đình, Nhà nước và xã hội giúp đỡ bằng các biện pháp tư vấn, phục hồi sức khoẻ, tinh thần và tạo điều kiện để ổn định cuộc sống cho trẻ em bị xâm hại tình dục.

Đối với trẻ em nghiện ma túy

Cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động phòng, chống ma tuý có trách nhiệm tổ chức cai nghiện tại gia đình hoặc tại cơ sở cai nghiện cho trẻ em nghiện ma tuý theo quy định của Luật phòng, chống ma tuý. Cơ sở cai nghiện ma tuý có trách nhiệm tạo điều kiện cho trẻ em cai nghiện được tham gia các hoạt động lành mạnh, có ích và phải bố trí cho trẻ em cai nghiện ở khu vực dành riêng cho trẻ em.

Đối với trẻ em vi phạm pháp luật

Trẻ em vi phạm pháp luật được gia đình, nhà trường và xã hội giáo dục, giúp đỡ để sửa chữa sai lầm, có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng quy tắc của đời sống xã hội và sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Việc tổ chức giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật chủ yếu được thực hiện tại cộng đồng hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.

Trẻ em vi phạm pháp luật đã bị xử lý bằng biện pháp hành chính, hình sự cách ly khỏi cộng đồng trong một thời gian nhất định, khi trở về gia đình được Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện, giúp đỡ tiếp tục học văn hoá, học nghề và hỗ trợ tìm việc làm.

Trường hợp trẻ em đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt mà không có nơi nương tựa thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào cơ sở trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo điều kiện để được học nghề và có việc làm.

Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm:

- Tổ chức, quản lý công tác thu thập, xử lý, phân tích thông tin, số liệu về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo từng nhóm đối tượng, mức độ hoàn cảnh đặc biệt, loại hình trợ giúp; lập báo cáo tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Lập kế hoạch và hướng dẫn việc phối hợp tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bảo đảm mọi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, có cơ hội phục hồi sức khỏe, tinh thần và giáo dục đạo đức, hòa nhập với gia đình, xã hội.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em; hạn chế, giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em; phục hồi sức khỏe, tinh thần và giáo dục đạo đức cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách, biện pháp, tiêu chuẩn, quy trình chuyên môn, kỹ thuật và các quy định khác trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2.4. Các cơ sở trợ giúp trẻ em 

Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP thì cơ sở trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Tổ chức thực hiện một hoặc một số nội dung đã đăng ký hoạt động trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như tư vấn; khám bệnh, chữa bệnh, giải độc; phục hồi chức năng, sức khoẻ, tinh thần, giáo dục đạo đức; giáo dục hoà nhập, giáo dục chuyên biệt, dạy nghề; tổ chức việc làm; tổ chức hoạt động xã hội, văn hoá, thể thao, giải trí; tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng;

- Bảo đảm cung cấp dịch vụ thuận tiện, an toàn, chất lượng;

- Bảo đảm kinh phí để hoạt động đúng mục đích;

- Quản lý, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; quản lý tài chính, trang thiết bị, tài sản;

- Được quyền tiếp nhận hỗ trợ tài chính, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Các cơ sở trợ giúp trẻ em:

- Cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung riêng biệt.

Cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung riêng biệt thực hiện việc chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chuyên môn sâu: chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật không có khả năng tham gia giáo dục hòa nhập; giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật; cai nghiện cho trẻ em nghiện ma túy; nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

- Cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung ngành, lĩnh vực.

Cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung ngành, lĩnh vực thuộc các ngành, lĩnh vực sau: khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng; giáo dục; dạy nghề, tạo việc làm; văn hóa, thể thao.

- Cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung hỗn hợp.

Cơ sở trợ giúp trẻ em hoạt động theo nội dung hỗn hợp có hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực; hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục thay thế cho nhiều nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tư vấn về kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, cha, mẹ, người giám hộ, người chăm sóc, giáo dục trẻ em; trợ giúp chữa bệnh; trị liệu tâm lý; giáo dục hòa nhập, dạy nghề, tạo việc làm; tổ chức hoạt động xã hội.

3. Quản lý, trợ giúp trẻ em vi phạm pháp luật đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt

Điều 25 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan có liên quan, tổ chức xã hội nơi có trẻ em vi phạm pháp luật đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt thực hiện các biện pháp cụ thể để quản lý, trợ giúp trẻ em tiến bộ và tái hòa nhập gia đình, xã hội.

Trẻ em vi phạm pháp luật đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt mà không có nơi nương tựa được đưa vào cơ sở trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm đóng góp một phần kinh phí theo thỏa thuận với cơ sở trợ giúp trẻ em vi phạm pháp luật để nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em trong trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt tuy còn nơi nương tựa nhưng chưa thể tái hòa nhập ngay với gia đình; đóng góp một phần kinh phí theo thỏa thuận với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận trẻ em vào học văn hóa, học nghề nếu được yêu cầu.

Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, tổ chức xã hội, cá nhân vận động người tình nguyện có kinh nghiệm, có phương pháp giáo dục, hiểu tâm lý trẻ em nhận giáo dục, đỡ đầu, chăm sóc thay thế hoặc nhận tổ chức, quản lý cơ sở trợ giúp trẻ em vi phạm pháp luật đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt.

Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí cho trẻ em, cơ sở trợ giúp trẻ em nhận hoặc tạo điều kiện để trẻ em được học văn hóa, học nghề hoặc có việc làm phù hợp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chính sách khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhận trẻ em vào học tập, làm việc hoặc hỗ trợ kinh phí cho trẻ em, cho cơ sở trợ giúp trẻ em.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần II

PHÁP LUẬT VỀ HÌNH SỰ,
TỐ TỤNG HÌNH SỰ VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI
CHƯA THÀNH NIÊN

 

I. HÌNH SỰ

1. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội

Ở Việt Nam, độ tuổi người chưa thành niên được xác định thống nhất trong Hiến pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Tất cả các văn bản pháp luật đó đều quy định tuổi của người chưa thành niên là dưới 18 tuổi và quy định riêng những chế định pháp luật đối với người chưa thành niên trong từng lĩnh vực cụ thể.

Trong lĩnh vực hình sự, Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, người chưa thành niên trong pháp luật hình sự Việt Nam chỉ bao gồm những người đã đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi.

Người chưa thành niên là những người chưa hoàn toàn phát triển đầy đủ về nhân cách, về trạng thái tâm lý, sinh lý, còn bị hạn chế về nhận thức, thiếu kinh nghiệm sống, chưa có khả năng đánh giá đúng đắn mọi sự việc, dễ chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh, khả năng tự kiềm chế chưa cao nên họ dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo vào những hoạt động phiêu lưu, mạo hiểm; nếu không được chăm sóc, giáo dục chu đáo họ dễ bị tiêm nhiễm thói hư, tật xấu, từ đó dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật, mà ở mức độ cao là hành vi phạm tội. Vì vậy, Bộ luật hình sự (Điều 69) đã đặt ra 6 nguyên tắc riêng khi xử lý hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Cụ thể:

Thứ nhất, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội

Đây là nguyên tắc bao trùm mang tính chất chỉ đạo thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta là lấy giáo dục làm nền tảng chứ không nặng về trừng phạt. Trong quá trình xử lý và áp dụng biện pháp hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, những người tiến hành tố tụng phải cân nhắc thận trọng để bảo đảm được mục đích giáo dục, uốn nắn, răn đe các hành vi lệch lạc, làm cho người chưa thành niên phạm tội thấy rõ những sai phạm của mình và tự giác sửa chữa với sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội. Thực tiễn đã cho thấy, ở lứa tuổi chưa thành niên, các em chịu sự tác động chủ yếu của môi trường sống; sự phát triển nhân cách và sự hình thành những phẩm chất thuộc nhân thân của các em nói chung chịu sự chi phối có tính quyết định của nền giáo dục gia đình, xã hội, nhà trường. Cho nên, khi các em vi phạm pháp luật, một phần lớn nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về gia đình và xã hội. Chính vì vậy, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm”.

Thứ hai, người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục

Theo Điều 2 Bộ luật hình sự năm 1999 thì chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, trách nhiệm hình sự được hiểu là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu xét thấy không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, không cần buộc họ phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất là hình phạt mà vẫn đảm bảo được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, vẫn đảm bảo được yêu cầu giáo dục người phạm tội để họ trở thành người có ích cho xã hội thì Nhà nước cho người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi họ thỏa mãn các điều kiện theo quy định.

Việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được thực hiện khi họ thỏa mãn 4 điều kiện sau:

- Tội phạm thực hiện là tội ít nghiêm trọng (là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù) hoặc tội nghiêm trọng (là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù);

- Gây thiệt hại không lớn;

- Có nhiều tình tiết giảm nhẹ (tức là phải có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999);

- Được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Thứ ba, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm

Yêu cầu của nguyên tắc này là chỉ trong trường hợp cần thiết thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với họ bao giờ cũng phải dựa vào ba căn cứ sau:

- Tính chất của hành vi phạm tội (đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hại lớn...);

- Người chưa thành niên phạm tội có nhân thân xấu;

- Yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm (những biện pháp giáo dục, phòng ngừa không đủ hiệu lực để giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội mà cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với họ).

Thứ tư, khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp là giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng

Theo nguyên tắc này, kể cả khi người chưa thành niên phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ vẫn có khả năng không bị áp dụng hình phạt. Thay vào đó, họ có thể được áp dụng biện pháp tư pháp nếu biện pháp này đủ tác dụng cải tạo họ thành công dân có ích cho xã hội.

Thứ năm, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội

Ngay từ nguyên tắc thứ nhất đã xác định việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, cải tạo họ, không lấy trừng trị là mục đích của hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Do đó, nguyên tắc này tiếp tục khẳng định không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình - là những hình phạt có tính nghiêm khắc cao đối với người chưa thành niên phạm tội. Trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội tương đương với người đã thành niên và bị xử phạt tù có thời hạn thì mức án áp dụng đối với họ phải thấp hơn so với người đã thành niên. Nguyên tắc này còn thể hiện tính nhân đạo ở quy định không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi do ở độ tuổi này, người chưa thành niên thường chưa có thu nhập hoặc tài sản riêng, bởi vậy chỉ phạt tiền khi họ có khả năng chấp hành án. Ngoài ra, người chưa thành niên phạm tội cũng không bị áp dụng hình phạt bổ sung.

Thứ sáu, án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm

Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật hình sự năm 1999, tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý; tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.

Nguyên tắc thứ sáu được quy định nhằm đảm bảo sự phát triển bình thường, không thành kiến đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi là trẻ em.

2. Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Các biện pháp tư pháp không phải là hình phạt mà chỉ là các biện pháp có tính chất hành chính, dân sự nhưng do Tòa án quyết định áp dụng, có tính chất hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt.

Khi người chưa thành niên phạm tội, dựa vào các căn cứ như: tính chất của hành vi phạm tội, những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa, nếu thấy không cần thiết áp dụng hình phạt thì Tòa án có thể quyết định áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa đối với người chưa thành niên phạm tội là giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 70 Bộ luật hình sự năm 1999).

- Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng trong thời gian từ một năm đến hai năm.

Người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, lao động, tuân theo pháp luật dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền xã, phường, thị trấn và tổ chức xã hội được Toà án giao trách nhiệm. Biện pháp này chỉ được áp dụng khi môi trường sống của người chưa thành niên phạm tội có những điều kiện tốt cho việc giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội thông qua các hoạt động học tập, lao động, sinh hoạt của họ.

Người chưa thành niên được giáo dục tại xã, phường, thị trấn có quyền:

+ Không bị phân biệt đối xử; được giúp đỡ, tạo điều kiện học tập, lao động, vui chơi giải trí tại cộng đồng;

+ Được Tòa án xem xét, quyết định chấm dứt chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước thời hạn theo quy định;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Người chưa thành niên được giáo dục tại xã, phường, thị trấn có nghĩa vụ:

+ Cam kết bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức xã hội, nhà trường được giao giám sát, giáo dục về việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; tích cực thực hiện nghĩa vụ học tập, sửa chữa sai lầm, tu dưỡng, rèn luyện, tham gia lao động. Cam kết phải có ý kiến của người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên;

+ Chịu sự giám sát, giáo dục của người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục;

+ Ba tháng một lần làm bản tự kiểm điểm về việc thực hiện cam kết gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu tổ chức xã hội, Hiệu trưởng nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục. Bản tự kiểm điểm phải có nhận xét của người trực tiếp được giao giám sát, giáo dục;

+ Trường hợp đi khỏi nơi cư trú trên 30 ngày, thì phải xin phép người trực tiếp giám sát, giáo dục.

- Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng áp dụng trong thời hạn từ một năm đến hai năm đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.

Trường giáo dưỡng là cơ sở giáo dục đặc biệt được Nhà nước thành lập để giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội hoặc có những vi phạm pháp luật khác. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp nghiêm khắc hơn biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, được áp dụng khi môi trường xã hội mà người chưa thành niên sinh sống không có các điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục, cải tạo họ (như gia đình có người thân vi phạm pháp luật hoặc có tiền án hoặc người chưa thành niên sống bụi đời, lang thang...). Tuy biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bắt buộc người chưa thành niên phạm tội phải chịu sự quản lý chặt chẽ, phải cách ly khỏi xã hội nhưng tại đây, họ được học văn hóa, học nghề, được tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác do trường tổ chức; được rèn luyện và cải tạo lối sống trước đây của mình để trở thành công dân có ý thức pháp luật. Họ không bị giam giữ như trong trường hợp áp dụng hình phạt tù. 

Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc người được đưa vào trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai (1/2) thời hạn do Toà án quyết định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của tổ chức, cơ quan, nhà trường được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, Toà án có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc thời hạn ở trường giáo dưỡng.

 3. Các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hệ thống hình phạt bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung[1]. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung. Nếu người phạm tội không bị áp dụng hình phạt chính thì họ cũng không bị áp dụng hình phạt bổ sung.

Căn cứ vào đặc điểm của người chưa thành niên phạm tội và xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa, Điều 71 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền;

- Cải tạo không giam giữ;

- Tù có thời hạn.

Quy định này tiếp tục khẳng định nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình và hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm giúp họ có điều kiện cải tạo tốt hơn.

3.1. Cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội

Trong hệ thống hình phạt quy định đối với người chưa thành niên phạm tội thì cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất. Thông qua việc khiển trách công khai của Nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội, cảnh cáo có khả năng tác động đến ý thức của họ, giáo dục và răn đe họ không phạm tội mới. Tuy nhiên do tính ít nghiêm khắc của cảnh cáo, hình phạt này chỉ áp dụng trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù. Các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Ví dụ, người chưa thành niên phạm tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự và có nhiều tình tiết giảm nhẹ (như: người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra...) thì Tòa án có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người đó.    

3.2. Phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội

Phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm tước đi quyền lợi vật chất của họ để cải tạo và giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội khi có đủ 02 điều kiện: họ là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

Khi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội, trước hết cần xác định tuổi của người bị kết án phải đủ 16 tuổi; tiếp đến, cần xác định xem người bị kết án có thu nhập hoặc có tài sản riêng hay không. Thu nhập hoặc tài sản riêng của người bị kết án phải là thu nhập hoặc tài sản đủ để thi hành khoản tiền phạt mà Tòa án quyết định. Chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện trên mới áp dụng hình phạt tiền với người chưa thành niên phạm tội. Vì là hình phạt nên tuyệt đối không được buộc cha mẹ của người chưa thành niên phạm tội phải nộp thay khoản tiền phạt như trong trường hợp người chưa thành niên phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Khi phạt tiền người chưa thành niên phạm tội, cần tuân theo quy định tại Điều 30 và Điều 72 của Bộ luật hình sự năm 1999. Theo đó, mức phạt tiền được quyết định tuỳ theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội và sự biến động giá cả. Mức phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai (1/2) mức tiền phạt mà điều luật quy định. Ví dụ, người chưa thành niên phạm tội sử dụng trái phép tài sản quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng; nếu Tòa án chọn hình phạt tiền là hình phạt chính thì chỉ được phạt người chưa thành niên mức tối đa không quá 25 triệu đồng.

3.3. Cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội 

Cải tạo không giam giữ là hình phạt không buộc người bị áp dụng hình phạt này phải cách ly khỏi xã hội. Họ vẫn có thể thực hiện công việc thường ngày và sống trong môi trường gia đình, xã hội như trước đây.

Người chưa thành niên phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ cần đáp ứng hai điều kiện: phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng; đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng. Chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, người chưa thành niên phạm tội mới có thể không cần cách ly khỏi xã hội để giáo dục, cải tạo.

Tòa án giao người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người chưa thành niên có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

Người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ phải thực hiện các nghĩa vụ như: chấp hành pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương, tuân thủ  quy định của cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục; tham gia lao động, học tập, sửa chữa sai lầm của mình trước đây. Cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội có sự khác biệt so với người thành niên, họ không bị khấu trừ thu nhập khi tham gia lao động. Điều này khuyến khích họ lao động, cải tạo thành người có ích cho xã hội.

Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội cũng thấp hơn so với người thành niên, tức là không quá một phần hai (1/2) thời hạn mà điều luật quy định. Ví dụ: người chưa thành niên phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự có hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, nếu Tòa án áp dụng hình phạt này đối với người chưa thành niên phạm tội thì thời gian cải tạo không giam giữ không được quá một năm rưỡi (18 tháng).   

3.4. Tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội 

Tù có thời hạn là hình phạt cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội trong một thời gian để giáo dục, cải tạo họ trở thành công dân có ích cho xã hội.

Do không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội nên tù có thời hạn trở thành hình phạt nghiêm khắc nhất có thể áp dụng với người chưa thành niên phạm tội. Hình phạt này được áp dụng khi người chưa thành niên phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng[2]. Trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, cần thiết phải áp dụng hình phạt nhưng không có đủ điều kiện để áp dụng các hình phạt khác như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ thì cũng áp dụng hình phạt tù có thời hạn.

Khi áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội cần tuân theo quy định tại Điều 74 Bộ luật hình sự năm 1999, cụ thể:

- Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

- Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Ví dụ 1: Nguyễn Văn A phạm tội giết người quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự có mức hình phạt là tù chung thân hoặc tử hình, nếu Nguyễn Văn A trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì Tòa án chỉ được phạt Nguyễn Văn A mức hình phạt tối đa là 18 năm tù; nếu Nguyễn Văn A trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì Tòa án chỉ được phạt Nguyễn Văn A mức hình phạt tối đa là 12 năm tù.

Ví dụ 2: Trần Văn B phạm tội cướp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 133 của Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù, nếu Trần Văn B trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì Tòa án chỉ được phạt Trần Văn B mức hình phạt tối đa là 07 năm 06 tháng tù, nếu Trần Văn B trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì Tòa án chỉ được phạt Trần Văn B mức hình phạt tối đa là 05 năm.

Các quy định trên thể hiện sự nhân đạo khi áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội đồng thời tuân thủ nguyên tắc quy định tại khoản 5 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 1999 “Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng”.

Người chưa thành niên bị phạt tù có thời hạn phải cải tạo tại các trại giam, phải tuân thủ các quy định của trại. Họ được giam riêng, được học văn hóa, học nghề nhằm giúp họ cải tạo tốt và tạo điều kiện cho cuộc sống sau này khi quay trở lại xã hội, hòa nhập cộng đồng.

4. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội

Điều 75 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: Đối với người chưa thành niên phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:

- Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 của Bộ luật hình sự.

- Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội. Việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật hình sự.

Ví dụ: Nguyễn Văn A phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự có mức hình phạt là tù chung thân hoặc tử hình và tội trộm cắp tài sản theo khoản 3 Điều 138 có mức hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù. Nếu khi phạm tội giết người, Nguyễn Văn A mới 17 tuổi thì hình phạt chung cho cả 2 tội đối với Nguyễn Văn A không được vượt quá 18 năm tù; còn trong trường hợp Nguyễn Văn A đã đủ 18 tuổi khi phạm tội giết người, nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên đối với Nguyễn Văn A là tử hình thì hình phạt chung là tử hình. 

5. Giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội

Chính sách giảm mức hình phạt đã tuyên được áp dụng cả đối với người chưa thành niên phạm tội và người đã thành niên phạm tội. Tuy nhiên, đối với người chưa thành niên phạm tội thì chính sách này có nhiều ưu ái hơn nhằm động viên các em thi hành án tốt và tạo điều kiện để các em sớm được trở lại với cuộc sống bình thường; đồng thời thể hiện tính nhất quán trong chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội là chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ trở thành người có ích cho xã hội.

Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật hình sự năm 1999 thì việc giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội được thực hiện như sau:

- Người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có nhiều tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư (1/4) thời hạn, thì được Toà án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến bốn năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm (2/5) mức hình phạt đã tuyên (đối với người đã thành niên dù được giảm nhiều lần nhưng phải đảm bảo chấp hành được 1/2 mức hình phạt đã tuyên).

- Người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

- Người chưa thành niên bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Toà án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.

6. Xoá án tích đối với người chưa thành niên phạm tội

Xoá án tích là thủ tục cuối cùng của quá trình tố tụng, được áp dụng đối với những người đã thi hành án xong. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án. Quy định này thể hiện nguyên tắc nhân đạo và tôn trọng quyền con người của pháp luật hình sự Việt Nam, góp phần giúp những người đã bị kết án không bị mặc cảm trong quá trình hòa nhập cộng đồng.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì việc xóa án tích được chia làm hai loại là đương nhiên được xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án. Bên cạnh đó, còn có xóa án tích trong trường hợp đặc biệt là khi người bị kết án có những tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị thì có thể được Tòa án xóa án tích nếu người đó đã đảm bảo ít nhất 1/3 thời hạn để được xóa án tích theo quy định. Thời hạn xóa án tích đối với người đã thành niên quy định tại Điều 64 Bộ luật hình sự năm 1999.

Đối với người chưa thành niên, Điều 77 Bộ luật hình sự quy định thời hạn để được xóa án tích là một phần hai (1/2) thời hạn áp dụng đối với người đã thành niên, cụ thể như sau:

- Sáu tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;

- Một năm rưỡi trong trường hợp hình phạt tù đến ba năm;

- Hai năm rưỡi trong trường hợp hình phạt tù là từ trên ba năm đến mười lăm năm;

- Ba năm rưỡi trong trường hợp hình phạt tù từ trên mười lăm năm.

Trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng thì không bị coi là có án tích vì các biện pháp tư pháp này không phải là hình phạt mà chỉ là biện pháp có tính giáo dục, phòng ngừa.

 

Đọc thêm

Vụ án Lê Văn Luyện giết hại 03 người trong một gia đình tại Bắc Giang đã gây nhiều bức xúc trong xã hội. Tên sát thủ Lê Văn Luyện sinh vào tháng 10 năm 1993. Như vậy, vào thời điểm xảy ra hành vi phạm tội (ngày 24-8-2011), tên Luyện chưa đủ 18 tuổi. Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì mức hình phạt cao nhất đối với người chưa thành niên phạm tội không vượt quá 18 năm tù giam. Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, nhiều người lên tiếng đòi sửa đổi luật, tăng hình phạt với những trường hợp người chưa thành niên phạm tội như Lê Văn Luyện, để mức hình phạt có đủ sức răn đe, đồng thời buộc người phạm tội trả giá tương xứng với hành vi dã man của họ. Dưới đây là một số ý kiến bàn luận của các chuyên gia về vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Quốc Việt - nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp

Bộ luật hình sự đã quy định rõ: “Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”. Đây là nguyên tắc bao trùm mang tính chất chỉ đạo thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy giáo dục làm nền tảng, trọng tâm trong quá trình xử lý vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Bộ luật đã được lấy ý kiến toàn dân, đã được Quốc hội thông qua, thể hiện bản chất nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, vì vậy không có lý gì mà chỉ từ một vụ việc lại có thể đòi sửa luật hoặc dẫm lên luật, làm trái luật. Theo tôi, vì vụ việc này có nhiều tình tiết man rợ nên có thể có nhiều người bức xúc mới nói như vậy. Chúng ta nên bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề. Trong quá trình xử lý và áp dụng biện pháp hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, cần cân nhắc thận trọng để bảo đảm được mục đích giáo dục, uốn nắn, răn đe các hành vi lệch lạc, làm cho người phạm tội thấy rõ những sai phạm và tự giác sửa chữa với sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội. Đó mới là mục đích cao cả nhất của pháp luật hình sự.

 

Ông Võ Văn Thêm - Kiểm sát viên cao cấp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Khoản 5 Điều 69 Bộ luật Hình sự quy định “không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội”. Còn theo khoản 1 Điều 74 Bộ luật hình sự, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù. Trong trường hợp phạm nhiều tội thì việc tổng hợp hình phạt cao nhất cũng không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 Bộ luật hình sự. Như vậy, trong trường hợp này, Lê Văn Luyện nhận mức hình phạt cao nhất cũng chỉ 18 năm tù, kể cả trong trường hợp bị tuyên án phạm cùng lúc nhiều tội đặc biệt nghiêm trọng.

Mặc dù nhiều người không đồng tình và cho rằng phải sửa luật, nâng cao mức hình phạt để những em chưa đủ tuổi thành niên lo sợ, không dám vi phạm pháp luật nữa nhưng trước khi ban hành luật, Quốc hội đã căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố đạo đức. Bản chất của pháp luật Việt Nam không phải là “giết người, đền mạng” mà để răn đe, cảm hóa, giáo dục nhận thức cho tội phạm. Qua trường hợp này, tôi nghĩ, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục cho trẻ hơn nữa, đặc biệt là môn Giáo dục công dân để các em không mắc phải những sai phạm sau này.

 

Thạc sĩ Phan Anh Tuấn - Trưởng Bộ môn Luật hình sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Theo luật hình sự, chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Con người phải đạt đến độ tuổi nhất định thì mới có năng lực trách nhiệm hình sự. Vì vậy, người chưa thành niên chỉ chịu mức án cao nhất không quá 18 năm tù là phù hợp. Xét đến lỗi đã tạo nên hành vi phạm tội của Luyện, một phần do ảnh hưởng của độ tuổi đến quá trình nhận thức của bản thân, ảnh hưởng của môi trường sống, của thu nhập và các mối quan hệ trong xã hội. Phần còn lại phải kể đến sự giáo dục của gia đình, nhà trường về ý thức tuân thủ pháp luật.

Một nguyên tắc được nhắc đến đó là tính nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chưa thành niên như Luyện. Tuy nhiên, nói vậy không phải là xử lý nhẹ người chưa thành niên khi họ phạm tội mà mức xử lý họ phải đủ để cải tạo, giáo dục và đồng thời mức hình phạt bao hàm sự trừng trị ở mức độ thích hợp. Nếu quy định và áp dụng tử hình đối với người chưa thành niên là quá nghiêm khắc, loại bỏ hoàn toàn khả năng cải tạo của họ. Theo tôi, nếu áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên thì không công bằng.

Cần tôn trọng và thực hiện các cam kết trong Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Điều 37 công ước này quy định: “Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng không trẻ em nào phải chịu sự tra tấn, đối xử và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay bị làm mất phẩm giá. Sẽ không áp dụng án tử hình hoặc tù chung thân mà không có khả năng phóng thích đối với những hành động phạm pháp do những người dưới 18 tuổi gây ra”... Như vậy, không chỉ có Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới không quy định trong luật hình sự hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Đây là xu hướng chung của nền văn minh nhân loại, lẽ nào chúng ta lại muốn đi ngược?

 

Thẩm phán Nguyễn Thanh Truyền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh

Theo tôi, nếu có sửa luật thì phải có một chương riêng nói về sự khác biệt về nhận thức giữa những người chưa thành niên ở các vùng miền khác nhau về điều kiện vật chất, tinh thần, khả năng hội nhập. Nguyên tắc nhân đạo phải được đề cao. Người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ nên có những hạn chế trong nhận thức.

Pháp luật Việt Nam không cho phép áp dụng án chung thân và tử hình cho người chưa tròn 18 tuổi, cho dù chỉ thiếu một ngày. Hiệu lực của pháp luật hình sự không thể vì bất kỳ dư luận hay ý chí xã hội nào mà phải thay đổi. Trong trường hợp này, cảm xúc xã hội và pháp luật hình sự có khoảng cách khá xa. Dù vậy, vì bất cứ lý do gì vẫn phải thượng tôn pháp luật, chấp hành tuyệt đối quy định của pháp luật.

 

Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh

Vụ án Lê Văn Luyện đã tạo nên một dư luận xã hội thực sự bức xúc. Bởi dù hành vi của Luyện có man rợ bao nhiêu thì mức hình phạt cao nhất cũng chỉ là 18 năm tù. Mức án này không có tác dụng răn đe, giáo dục.

Thực tế hiện nay, giữa dư luận xã hội và pháp luật có một khoảng cách khá lớn. Xã hội ngày càng phong phú đa dạng. Khi hoàn cảnh thay đổi thì luật trước đây không còn phù hợp nữa. Ở đây, ta phải nhìn nhận rõ vấn đề rằng ta không sửa luật vì Luyện mà vì tình hình chung của xã hội. Tình hình người chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng.

Có những nhóm người lợi dụng sự khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội để dụ dỗ các em tham gia phạm tội. Chẳng hạn, chúng nói rằng “Mày cứ đâm hắn đi, hắn có chết mày cũng không bị xử tử đâu!”... Những trường hợp này hiện nay rất nhiều.

Vậy chúng ta nên sửa luật theo hướng nào? Việc sửa luật dù theo hướng nào cũng không nên áp dụng án tử. Bởi ở lứa tuổi này, trẻ vẫn chưa nhận thức được đầy đủ hành vi của mình. Trẻ cần có cơ hội để sửa đổi bản thân, làm lại cuộc đời. Theo tôi, thay vì quy định mức tối đa là 18 năm tù, ta có thể sửa thành 30 năm tù.

Ngoài việc tăng mức hình phạt, chúng ta cũng nên lập tòa chuyên trách xử trẻ vị thành niên phạm tội. Người chưa thành niên có những đặc điểm tâm sinh lý khó hiểu nên cần có những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về đối tượng này.

 

Theo Báo Pháp luật Việt Nam
  Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh

7. Các tội phạm đối với người chưa thành niên

7.1. Tội hiếp dâm trẻ em  

Tội hiếp dâm trẻ em được quy định tại Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999.

a) Dấu hiệu pháp lý

Tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ em; trong nhiều trường hợp tội phạm còn xâm hại đến sức khỏe của trẻ em và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Trong trường hợp nạn nhân là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì người có hành vi dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác giao cấu trái với ý muốn của trẻ em là phạm tội hiếp dâm trẻ em. Còn đối với nạn nhân là trẻ em chưa đủ 13 tuổi thì mọi trường hợp giao cấu với nạn nhân dù người phạm tội có dùng vũ lực hoặc thủ đoạn hay không, có được trẻ em đó đồng ý hay không đều phạm tội hiếp dâm trẻ em. Luật quy định rõ về độ tuổi của nạn nhân như vậy nhằm bảo vệ sự phát triển bình thường của trẻ em, nhất là trẻ em dưới 13 tuổi vì ở độ tuổi này, tâm sinh lý và nhân cách của các em phát triển chưa đầy đủ nên chưa có suy nghĩ và nhận thức đúng đắn về mặt tình dục.

b) Hình phạt

Tội hiếp dâm trẻ em là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên mức hình phạt rất nghiêm khắc. Có 4 khung hình phạt chính (khung 1, 2, 3 áp dụng trong trường hợp phạm tội với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; khung 4 áp dụng trong trường hợp phạm tội với trẻ em dưới 13 tuổi) và hình phạt bổ sung.  

- Khung 1: phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

- Khung 2: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có những tình tiết tăng nặng sau:

+ Có tính chất loạn luân;

+ Làm nạn nhân có thai;

+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

+ Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Khung 3: phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có những tình tiết tăng nặng sau: 

+ Có tổ chức;

+ Nhiều người hiếp một người;

+ Phạm tội nhiều lần;

+ Đối với nhiều người;

+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;

+ Biết mình bị nhiễm HIVmà vẫn phạm tội;

+ Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

- Khung 4: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, được áp dụng trong mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi.

- Hình phạt bổ sung: người phạm tội bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

7.2. Tội cưỡng dâm trẻ em 

Tội cưỡng dâm trẻ em được quy định tại Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1999.

a) Dấu hiệu pháp lý

Tội phạm xâm phạm sự phát triển bình thường về sinh lý, thể chất, danh dự, phẩm giá của trẻ em. Nạn nhân là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi[3].

Hành vi cưỡng dâm trẻ em là hành vi của một người dùng mọi thủ đoạn khiến trẻ em đang lệ thuộc vào mình, trẻ em đang ở trong tình trạng quẫn bách hoặc không có điều kiện kháng cự phải miễn cưỡng giao cấu. Sự lệ thuộc có thể về vật chất giữa người nuôi dưỡng với người được nuôi dưỡng; về xã hội như giữa giáo viên với học sinh, giữa người phụ trách và thiếu niên, giữa người chủ và người lao động... Tình trạng quẫn bách là tình trạng mà trẻ em đang ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nếu không nhờ đến sự hỗ trợ từ người khác thì tự họ rất khó khắc phục được như người thân mắc bệnh hiểm nghèo, bị tại nạn nghiêm trọng trong khi hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, túng thiếu... Tình trạng không thể kháng cự như trẻ em đi học về khuya, hay đi chăn trâu, cắt cỏ ở chỗ vắng vẻ một mình bị dọa nạt, khống chế buộc phải cho quan hệ tình dục.

Cần lưu ý là nạn nhân trong tội cưỡng dâm trẻ em phải miễn cưỡng giao cấu (trong lòng không muốn nhưng buộc phải đồng ý) do các thủ đoạn xảo quyệt của kẻ phạm tội (hứa hẹn, dụ dỗ, dọa nạt, hỗ trợ về vật chất...). Đây là điểm khác cơ bản giữa hành vi cưỡng dâm và hành vi hiếp dâm.

b) Hình phạt

Hình phạt đối với hành vi cưỡng dâm trẻ em đều có mức cao hơn so với hình phạt của tội cưỡng dâm (nạn nhân không phải là trẻ em), thể hiện sự nghiêm khắc trong việc xử lý những hành vi phạm tội với trẻ em. Điều 114 quy định 3 khung hình phạt chính và hình phạt bổ sung.  

- Khung 1: phạt tù từ  05 năm đến 10 năm.

- Khung 2: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có những tình tiết tăng nặng sau:  

+ Có tính chất loạn luân;

+ Làm nạn nhân có thai;

+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có những tình tiết tăng nặng sau:

+ Nhiều người cưỡng dâm một người;

+ Phạm tội nhiều lần;

+ Đối với nhiều người;

+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;

+ Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;.

+ Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

- Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

7.3. Tội giao cấu với trẻ em   

Tội giao cấu với trẻ em được quy định tại Điều 115 của Bộ luật hình sự.

a) Dấu hiệu pháp lý

Tội phạm xâm phạm sự phát triển bình thường về thể chất và sinh lý của trẻ em trong độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi[4]. Người phạm tội là người đã thành niên có hành vi giao cấu với trẻ em trong độ tuổi này và được sự thuận tình của các em. Thái độ của nạn nhân (đồng tình) chính là điểm khác biệt giữa tội giao cấu với trẻ em và tội cưỡng dâm trẻ em hoặc tội hiếp dâm trẻ em.

Ở lứa tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, các em còn hạn chế về nhận thức, kinh nghiệm sống nên dễ cảm tính, bị rủ rê. Khi bị xâm hại, các em không chỉ bị tổn thương về sức khỏe, tâm sinh lý mà còn ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển đạo đức, nhân cách, danh dự của các em cả hiện tại và sau này. Bộ luật hình sự quy định tội này nhằm bảo vệ sự phát triển bình thường về tâm sinh lý cho trẻ em, ngăn chặn những hành vi lợi dụng sự non nớt, nhẹ dạ của trẻ em đẩy các em vào quan hệ tình dục quá sớm, gây ảnh hưởng xấu về mọi mặt cho các em. 

b) Hình phạt

Có 3 khung hình phạt đối với tội này.

- Khung 1:  phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khung 2: phạt tù từ 03 năm đến 10 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có những tình tiết tăng nặng sau:

+ Phạm tội nhiều lần;

+ Đối với nhiều người;

+ Có tính chất loạn luân;

+ Làm nạn nhân có thai;

+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

- Khung 3: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có những tình tiết tăng nặng sau:

+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;

+ Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.

7.4. Tội dâm ô đối với trẻ em

Tội dâm ô đối với trẻ em được quy định tại Điều 116 của Bộ luật hình sự năm 1999.

a) Dấu hiệu pháp lý

Tội phạm xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của trẻ em. Kẻ phạm tội có hành vi dâm dục một cách xấu xa, nhơ nhuốc đối với trẻ em chưa đủ 16 tuổi. Đó là hành vi tình dục nhưng không phải hành vi giao cấu. Trẻ em có thể bị hành vi dâm ô tác động đến thân thể hoặc bị bắt làm những hành vi để kích thích, thỏa mãn nhu cầu tình dục của kẻ phạm tội hoặc có thể bị chứng kiến hành vi dâm ô.

b) Hình phạt

Điều 116 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định 3 khung hình phạt chính và hình phạt bổ sung.

- Khung 1: phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khung 2: phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có những tình tiết tăng nặng sau:

+ Phạm tội nhiều lần;

+ Đối với nhiều trẻ em;

+ Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

+ Gây hậu quả nghiêm trọng;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Khung 3: phạt tù từ 07 năm đến 12 năm đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (như ảnh hưởng xấu đến sự phát triển mọi mặt của nạn nhân, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội nói chung...).

- Hình phạt bổ sung: người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

7.5. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em được quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự năm 1999

a) Dấu hiệu pháp lý

Tội phạm xâm phạm quyền tự do thân thể của trẻ em và quyền được quản lý, chăm sóc, giáo dục của trẻ em.

Tội này bao gồm 3 loại hành vi phạm tội khác nhau:

- Hành vi mua bán trẻ em: là hành vi dùng tiền hoặc phương tiện thanh toán khác như vàng, ngoại tệ... để trao đổi mua bán trẻ em như hàng hóa. Kẻ phạm tội có thể mua trẻ em để nuôi, mua để bán hoặc sử dụng vào mục đích khác.

- Hành vi đánh tráo trẻ em: là hành vi dùng mánh khóe gian lận để thay thế đứa trẻ này với đứa trẻ khác.

- Hành vi chiếm đoạt trẻ em: là hành vi dựa vào vũ lực, lừa dối hoặc thủ đoạn khác tách chuyển trái phép đứa trẻ khỏi sự quản lý của cha mẹ hoặc người quản lý hợp pháp khác và thiết lập sự quản lý đó cho mình hoặc cho người khác.

Đối tượng của ba loại hành vi phạm tội trên đều là trẻ em chưa đủ 16 tuổi.

b) Hình phạt

Có 02 khung hình phạt chính và hình phạt bổ sung đối với tội phạm này.

- Khung 1: phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

- Khung 2: phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có những tình tiết tăng nặng sau:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Vì động cơ đê hèn;

+ Đối với nhiều trẻ em;

+ Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

+ Để đưa ra nước ngoài;

+ Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;

+ Để sử dụng vào mục đích mại dâm;

+ Tái phạm nguy hiểm;

+ Gây hậu quả nghiêm trọng.

- Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.

7.6. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp 

Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp quy định tại Điều 252 Bộ luật hình sự năm 1999.

a) Dấu hiệu pháp lý 

Hành vi dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các tội phạm do người chưa thành niên thực hiện. Hành vi phạm tội này không chỉ trực tiếp xâm hại đến trật tự công cộng, sự phát triển lành mạnh của người chưa thành niên mà còn là một trong những nhân tố thúc đẩy sự gia tăng tội phạm trong tình hình hiện nay. Bộ luật hình sự quy định tội này nhằm đấu tranh phòng, chống hành vi lôi kéo, xúi giục người chưa thành niên vào con đường phạm pháp.

Tội này gồm ba tội độc lập: tội dụ dỗ, tội ép buộc và tội chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp (người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi).

- Hành vi dụ dỗ người chưa thành niên phạm pháp là hành vi rủ rê, lôi kéo, xúi giục, kích động người chưa thành niên làm những việc trái pháp luật (ví dụ: cho ăn, uống, hút, cho vay, bán chịu, kích thích sự ham muốn vật chất của người chưa thành niên để buộc họ phải tìm cách trả nợ bằng việc trộm cắp, gây rối...).

- Hành vi ép buộc người chưa thành niên phạm pháp là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp về tinh thần buộc người chưa thành niên tuy không muốn nhưng vẫn phải làm những việc trái pháp luật (ví dụ: dọa nói với bố mẹ, với thy cô giáo về sai phạm nào đó của người chưa thành niên để buộc họ phải làm những việc phạm pháp như canh gác cho hội đánh bạc, mang hàng giả đi bán...).

- Hành vi chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp là cung cấp cho người chưa thành niên nơi ăn ở, nơi trốn tránh để hoạt động phạm pháp. Người chứa chấp biết rõ người chưa thành niên mà mình chứa chấp là người phạm pháp.

b) Hình phạt

Tội này có 02 khung hình phạt chính và hình phạt bổ sung:  

- Khung 1: phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khung 2: phạt tù từ 03 năm đến 12 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có những tình tiết tăng nặng sau:

+ Có tổ chức;

+ Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người;

+ Đối với trẻ em dưới 13 tuổi;

+ Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.

7.7. Tội mua dâm người chưa thành niên

Tội mua dâm người chưa thành niên quy định tại Điều 256 Bộ luật hình sự năm 1999.

a) Dấu hiệu pháp lý

Tội mua dâm người chưa thành niên trực tiếp xâm hại đến trật tự công cộng, đạo đức xã hội và sức khỏe của người chưa thành niên. Bộ luật hình sự quy định tội này nhằm đấu tranh phòng, chống các hành vi mua dâm, giữ gìn trật tự công cộng, thuần phong mỹ tục, bảo vệ sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của người chưa thành niên, ngăn chặn và nghiêm khắc trừng trị những kẻ dùng tiền, của để biến các em thành những món hàng nhằm thỏa mãn dục vọng cá nhân.

Hành vi mua dâm người chưa thành niên là hành vi thỏa thuận tiền bạc hoặc các lợi ích vật chất khác trả cho người chưa thành niên để họ đồng ý cho thực hiện hành vi giao cấu với họ. Người chưa thành niên bị mua dâm là những người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong đó Điều luật có sự phân biệt hai nhóm tuổi khác nhau: từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi để định khung hình phạt đối với hành vi phạm tội.

b) Hình phạt    

Tội này có 03 khung hình phạt chính và hình phạt bổ sung:

- Khung 1: phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với trường hợp mua dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

- Khung 2: phạt tù từ 03 năm đến 08 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có những tình tiết tăng nặng sau:

+ Phạm tội nhiều lần;

+ Mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

- Khung 3: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có những tình tiết tăng nặng sau:

+ Phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

+ Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên.

- Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

 

Đọc thêm

NGƯỜI CHIẾM ĐOẠT TRẺ EM NHẬN BỐN NĂM TÙ

Diễn biến vụ án

Ngày 01/11/2011, chị Thơm sinh bé trai tại Khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội. Đến trưa ngày 03/11, một phụ nữ mặc quần áo bluse vào phòng chị Thơm nằm, yêu cầu bế cháu bé đi lấy mẫu xét nghiệm.

Chiều tối cùng ngày, vẫn không thấy con trở về, anh Chiều (bố cháu bé) cùng gia đình báo công an về việc mất tích của cháu bé.

Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội ngay lập tức vào cuộc. Khoảng 70 trinh sát tinh nhuệ thuộc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia thành nhiều mũi đi các tỉnh, xới tung những nơi nghi vấn để tìm cháu bé.

Trong lúc lực lượng điều tra đang tích cực điều tra, anh Nguyễn Xuân Việt - lái xe của hãng taxi Tuấn Linh đến cơ quan điều tra cung cấp thông tin về nghi can bắt cóc cháu bé.

Theo lời của anh Việt, lực lượng điều tra phối hợp với công an quận Đông Anh giải cứu thành công cháu bé, mang về trả lại gia đình, bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Lệ.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Lệ khai đã giả dạng người của bệnh viện, lừa chị Thơm bế cháu bé về nhà mẹ đẻ ở Bắc Giang, sau đó về nhà chồng ở Đông Anh. Lệ cũng khai, do bị hỏng thai nên nảy sinh ý đồ bắt trẻ sơ sinh để đối phó với nhà chồng.

Xét xử vụ án

Sáng ngày 09/4/2012, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án bắt trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Tại Tòa, bị cáo Lệ thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lệ khóc, xin lỗi gia đình bị hại, mong được pháp luật xem xét cho hoàn cảnh éo le của mình để được giảm án. Đại diện phía bị hại - anh Phạm Xuân Chiều - bày tỏ những lo lắng, khủng hoảng tinh thần của gia đình khi con trai mình vừa sinh ra được ba ngày tuổi, đã bị bắt cóc.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố bị cáo về tội “Chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120 Bộ luật hình sự. Tính chất của vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Lệ đã xâm hại trực tiếp đến quyền tự do thân thể và quyền được quản lý của trẻ em, nhất là đối với trẻ em mới sinh; đồng thời, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, bất bình trong dư luận xã hội. Vì vậy, phải đưa bị cáo ra xét xử cũng như lên một mức án phạt, cách ly bị cáo khỏi cộng đồng một thời gian để răn đe, đấu tranh với tội phạm nói chung. Tuy nhiên, xét thấy nhân thân bị cáo lần đầu phạm tội, thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, bản thân bị cáo có hoàn cảnh gia đình éo le, mục đích bắt cháu bé để nuôi, do đó cần áp dụng điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự, để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện hợp pháp gia đình bị hại yêu cầu phải bồi thường tổn thất tinh thần mức tối đa theo quy định của pháp luật, còn các khoản khác không yêu cầu phải bồi thường.

Kết luận tại phiên tòa, áp dụng khoản 1 điều 120 và điểm b khoản 1, khoản 2 điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Lệ bốn năm tù giam vì tội Chiếm đoạt trẻ em, thời hạn tù tính từ ngày tạm giam (18/11/2011). Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Lệ phải bồi thường tiền tổn thất tinh thần cho gia đình bị hại với khoản tiền 24,9 triệu đồng (tương đương mức lương 30 tháng tối thiểu theo quy định hiện hành).

( Theo Tiềnphong Online ngày 09/4/2012)

 

II. TỐ TỤNG HÌNH SỰ

1. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự là người chưa thành niên

Theo quy định tại Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (gọi tắt là Bộ luật tố tụng hình sự), người bảo vệ quyền lợi của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có thể là một trong những người sau:

- Luật sư (là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư theo quy định của Luật luật sư);

- Bào chữa viên nhân dân (thường là người làm việc trong các cơ quan, tổ chức như Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... có khả năng bào chữa và được cơ quan tiến hành tố tụng công nhận);

- Người khác (ví dụ: người thân thích trong gia đình, luật gia...) được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận.

Đương sự trong vụ án hình sự bao gồm:

- Người bị hại (là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra - Khoản 1 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự);

- Nguyên đơn dân sự (là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại - Khoản 1 Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự);

- Bị đơn dân sự (là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra - Khoản 1 Điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự);

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự (là người có quyền lợi, nghĩa vụ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Ví dụ: người mà tài sản của họ bị kẻ phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc người được kẻ phạm tội cho một số tài sản do phạm tội mà có).

Khi đương sự không thể tự mình bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, họ có quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác bảo vệ quyền lợi cho mình. Cần phân biệt giữa người bảo vệ quyền lợi của đương sự và người bào chữa. Mặc dù cùng tham gia tố tụng trong vụ án hình sự nhưng người bào chữa là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo[5]. Như vậy, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và người bào chữa có đối tượng bảo vệ khác nhau với địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của đối tượng bảo vệ cũng khác nhau.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thời điểm người bảo vệ quyền lợi của đương sự được tham gia tố tụng là từ khi khởi tố bị can[6].

Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền và nghĩa vụ sau:

- Quyền:

+ Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

+ Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật;

+ Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên toà; xem biên bản phiên tòa;

+ Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

+ Người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch khi có căn cứ cho rằng những người này không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ, có thể làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà họ nhận bảo vệ.

- Nghĩa vụ:

+ Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật của vụ án (như: gặp gỡ đương sự, người nhà của đương sự để thu thập các tài liệu, đồ vật có liên quan, đọc hồ sơ và ghi chép những điều cần thiết liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự...);

+ Giúp đương sự về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Ngoài các quyền và nghĩa vụ nêu trên, riêng đối với đương sự là người chưa thành niên[7] thì người bảo vệ quyền lợi của họ có quyền có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người chưa thành niên mà mình bảo vệ; có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người chưa thành niên mà mình bảo vệ. Đây là các quyền mà người bảo vệ quyền lợi của đương sự là người đã thành niên không có. Quy định này cho thấy tính nhất quán trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, luôn đảm bảo tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

2. Lấy lời khai của người làm chứng dưới 16 tuổi

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (Điều 55), người làm chứng là người biết được các tình tiết có liên quan đến vụ án, được các cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập đến để lấy lời khai về các tình tiết đó. Lấy lời khai của người làm chứng là hoạt động điều tra nhằm thu thập chứng cứ do người làm chứng đưa ra, góp phần giải quyết vụ án hình sự. Việc lấy lời khai người làm chứng được quy định tại Điều 135 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Về địa điểm lấy lời khai người làm chứng, Bộ luật quy định có thể được thực hiện tại nơi tiến hành điều tra (nơi làm việc của cơ quan điều tra, hiện trường vụ án...) hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của người làm chứng.

Trong một vụ án có thể có một hoặc nhiều người làm chứng với những khả năng nhận thức, trạng thái tâm lý, mối quan hệ khác nhau. Lời khai của họ rất dễ tác động lẫn nhau. Vì vậy, để đảm bảo tính khách quan trong quá trình lấy lời khai của người làm chứng trong vụ án có nhiều người làm chứng thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc với nhau trong thời gian lấy lời khai.

Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ và ghi vào biên bản về việc giải thích này; cần phải làm cho người làm chứng hiểu được việc khai báo, cung cấp các tình tiết mà họ biết về vụ án là nghĩa vụ, hành vi từ chối khai báo hoặc cố tình khai báo sai sự thật đều cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự[8]. Thông thường, tính chất mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, người bị hại ảnh hưởng đến tính chính xác, khách quan của các thông tin mà người làm chứng cung cấp: nếu người làm chứng có mối quan hệ thân thiết với bị can dễ có khuynh hướng bao che, bênh vực cho bị can; nếu người làm chứng có mối quan hệ thân thiết với bị hại dễ có khuynh hướng khai báo có lợi cho người bị hại; hoặc vì sợ bị can trả thù, người làm chứng cũng có thể khai báo không trung thực. Do đó, để có cơ sở cho việc đánh giá chính xác, khách quan lời khai của người làm chứng, trước khi hỏi về nội dung vụ án, Điều tra viên cần xác minh mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, người bị hại và tìm hiểu các tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. Điều tra viên cần yêu cầu người làm chứng kể hoặc viết lại những gì mà họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi. Cần lưu ý, Điều tra viên không được đặt câu hỏi có tính chất gợi ý với người làm chứng, tức là không được đưa ra câu hỏi trong đó chứa đựng những sự kiện có sẵn và định hướng cho người làm chứng trình bày theo quan điểm của mình.

Bộ luật tố tụng hình sự quy định, đối với người làm chứng dưới 16 tuổi thì Giấy triệu tập họ đến làm chứng phải được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác của họ[9]. Khi lấy lời khai của người làm chứng dưới 16 tuổi, cơ quan điều tra phải mời cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy giáo, cô giáo của người đó tham dự. Nếu không có sự tham gia của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy giáo, cô giáo của người làm chứng dưới 16 tuổi trong khi lấy lời khai của họ thì lời khai, thông tin mà họ cung cấp không được coi là chứng cứ của vụ án.

3. Bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phạm tội

Bắt, tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn cần thiết để ngăn ngừa bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội, đồng thời để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Việc bắt, tạm giữ, tạm giam là biện pháp trực tiếp hạn chế quyền của công dân. Đối với người chưa thành niên phạm tội, mặc dù chính sách của Nhà nước ta là lấy giáo dục, cải tạo là mục đích cơ bản, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội nhưng phải tuân thủ những căn cứ, điều kiện áp dụng một cách chặt chẽ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật tố tụng hình sự[10] và chỉ tiến hành đối với người chưa thành niên phạm tội theo độ tuổi và tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội (Điều 303). Cụ thể như sau:  

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Khi thực hiện việc bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội, cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam. Bộ luật tố tụng hình sự quy định như vậy xuất phát từ yêu cầu bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên. Người chưa thành niên là người chưa có khả năng nhận thức một cách đầy đủ, chưa có đủ khả năng để thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật tố tụng (đặc biệt là quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa). Do vậy, khi các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn chế quyền nhân thân đối với người chưa thành niên theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì đại diện gia đình, người đại diện hợp pháp của họ phải được thông báo một cách kịp thời để thực hiện các quyền do pháp luật quy định nhằm bảo vệ người thân của mình.

4. Giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội

Việc giám sát người chưa thành niên phạm tội thực hiện theo quy định tại Điều 304 Bộ luật tố tụng hình sự:

- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể ra quyết định giao người chưa thành niên phạm tội cho cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của người chưa thành niên phạm tội khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.

- Người được giao nhiệm vụ giám sát có nghĩa vụ giám sát chặt chẽ người chưa thành niên, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục người đó.

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2011/ TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên (gọi tắt là Nghị định số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH) thì:

- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giao người chưa thành niên phạm tội cho cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của người chưa thành niên phạm tội khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.

- Đối với người chưa thành niên phạm tội không còn cha mẹ, không có nơi cư trú rõ ràng hoặc là người lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa thì cơ quan điều tra cần tìm mọi biện pháp để xác định lý lịch cũng như gia đình của họ. Trong trường hợp không xác định được thì Cơ quan điều tra đề nghị cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở nơi bắt giữ, nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi có thẩm quyền điều tra cử cán bộ giám sát người chưa thành niên phạm tội.

- Khi đã chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc cử cán bộ giám sát người chưa thành niên phạm tội, cơ quan đã nhận trách nhiệm cử cán bộ giám sát cần cử ngay cán bộ và kịp thời thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng biết để tạo điều kiện cho họ tiếp xúc, gặp gỡ người chưa thành niên phạm tội.

- Người được giao nhiệm vụ giám sát người chưa thành niên phạm tội phải giám sát chặt chẽ, theo dõi tư cách đạo đức và giáo dục người đó.

5. Người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội

Theo quy định tại Điều 305 Bộ luật tố tụng hình sự thì người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.

Điều 9 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể như sau:

- Bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Mọi trường hợp không có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trừ trường hợp họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa. Người bào chữa có thể là: luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân.

- Khi giao quyết định tạm giữ hoặc quyết định khởi tố bị can, cơ quan ra quyết định phải thông báo cho người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ về quyền có người bào chữa.

- Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa theo quy định của pháp luật hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

- Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình, trừ trường hợp người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải đề nghị Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho bị can, bị cáo là trẻ em không nơi nương tựa và có thể đề nghị trợ giúp pháp lý cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên khác.

- Trường hợp bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa thì phải lập biên bản lưu trong hồ sơ vụ án.

- Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện quyền tiếp xúc, gặp gỡ với bị can, bị cáo là người chưa thành niên theo quy định của pháp luật.

6. Việc tham gia tố tụng, lấy lời khai, hỏi cung người chưa thành niên phạm tội

Điều 306 Bộ luật tố tụng hình sự quy định việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung người chưa thành niên phạm tội như sau:

- Đại diện của gia đình người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác nơi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động và sinh sống có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.

- Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Đại diện gia đình có thể hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được Điều tra viên đồng ý; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra.

- Tại phiên toà xét xử bị cáo là người chưa thành niên phải có mặt đại diện của gia đình bị cáo, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng, đại diện của nhà trường, tổ chức.

Đại diện của gia đình bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức tham gia phiên toà có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; tham gia tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Toà án.

Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết quy định nêu trên như sau:

- Việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người chưa thành niên có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Nơi lấy lời khai hoặc hỏi cung cần được bố trí theo cách chức phù hợp để làm giảm bớt sự căng thẳng, sợ hãi của người chưa thành niên.

- Trong quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan tiến hành tố tụng cần hạn chế đến mức thấp nhất số lần lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người chưa thành niên.

Điều tra viên, Kiểm sát viên khi tiến hành lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người chưa thành niên phải có thái độ, hành vi cũng như sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ.

Thời gian lấy lời khai, hỏi cung cần được xác định dựa trên độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe cũng như khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, phát triển của người chưa thành niên và yêu cầu điều tra, Việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải được tạm dừng ngay khi người chưa thành niên có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.

- Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa, người đại diện hợp pháp của họ về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung. Trường hợp cần thiết hoặc khi người chưa thành niên có yêu cầu, có thể mời cán bộ chuyên trách, cán bộ trợ giúp, tư vấn về pháp lý, y tế cùng tham gia để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho họ.

- Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo trước cho đại diện của gia đình để bảo đảm sự có mặt của họ. Việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can khi không có mặt đại diện gia đình chỉ được thực hiện trong trường hợp người đó không có gia đình, đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng hoặc họ từ chối tham gia.

Trường hợp đại diện gia đình của người bị tạm giữ, bị can không thể có mặt, để bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng được tiến hành kịp thời theo quy định, thì việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can vẫn được thực hiện nhưng cơ quan tiến hành tố tụng phải mời cán bộ thuộc một trong các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc Luật sư tham gia lấy lời khai, hỏi cung.

Đại diện gia đình, cán bộ thuộc cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Luật sư có thể được bố trí ngồi cạnh người chưa thành niên để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho họ.

Nếu thấy cần thiết cho quá trình lấy lời khai, hỏi cung thì có thể cho đại diện gia đình hỏi người bị tạm giữ, hỏi bị can những câu hỏi mang tính chất động viên, thuyết phục, giáo dục. Đại diện gia đình không được hỏi những câu hỏi mang tính chất gợi ý, định hướng, câu hỏi mang tính chất khẳng định, phủ định liên quan đến vụ án. Khi thấy đại diện gia đình có dấu hiệu thông cung, mớm cung phải lập tức yêu cầu đại diện gia đình dừng ngay việc hỏi và lập biên bản về việc này.

- Đại diện gia đình người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; khiếu nại các hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra.

7. Hội đồng xét xử vụ án người chưa thành niên phạm tội

Theo quy định tại khoản 1 Điều 307 Bộ luật tố tụng hình sự thì thành phần Hội đồng xét xử phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định: Thành phần Hội đồng xét xử vụ án có bị cáo là người chưa thành niên phải có Hội thẩm nhân dân đang hoặc đã là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên.

8. Giam giữ người chưa thành niên phạm tội

Việc giam giữ người chưa thành niên phạm tội được thực hiện theo quy định tại Điều 308 Bộ luật tố tụng hình sự:

- Người chưa thành niên phạm tội chấp hành hình phạt tù theo chế độ giam giữ riêng do pháp luật quy định.

Không được giam giữ chung người chưa thành niên với người thành niên.

- Người chưa thành niên bị kết án phải được học nghề hoặc học văn hóa trong thời gian chấp hành hình phạt tù.

- Nếu người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt tù đã đủ mười tám tuổi thì phải chuyển người đó sang chế độ giam giữ người đã thành niên.

- Đối với người chưa thành niên đã chấp hành xong hình phạt tù, Ban giám thị trại giam phải phối hợp với chính quyền và tổ chức xã hội ở xã, phường, thị trấn để giúp người đó trở về sống bình thường trong xã hội.

III. THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

1. Nguyên tắc thi hành án hình sự đối với người chưa thành niên

Việc thi hành án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc của Điều 4 Luật thi hành án hình sự năm 2010. Đó là:

- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Bản án, quyết định có hiệu lực thi hành phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh.

- Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án.

- Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất và mức độ phạm tội, độ tuổi, giới tính, trình độ văn hoá và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.

- Thi hành án đối với người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.

- Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại.

- Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật trong hoạt động thi hành án hình sự.

- Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình vào việc giáo dục cải tạo người chấp hành án.

Như vậy, việc thi hành án với đối tượng là người chưa thành niên một mặt vẫn cần đảm bảo các nguyên tắc chung của hoạt động thi hành án hình sự quy định tại Điều 4 Luật thi hành án hình sự năm 2010, mặt khác, trong số những nguyên tắc đó, cần đặc biệt chú trọng nguyên tắc đặc thù cho đối tượng này: Thi hành án đối với người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội. Do vậy, việc thi hành các biện pháp tư pháp hay thi hành án phạt tù với đối tượng phạm nhân là người chưa thành niên cần hướng tới mục đích giáo dục là chính, giúp các em nhận rõ những sai phạm của mình và tự giác sửa chữa với sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội.

2. Chế độ quản lý, giáo dục, học văn hóa, học nghề, lao động cho phạm nhân là người chưa thành niên

Theo quy định tại Điều 51 Luật thi hành án hình sự năm 2010 thì:

- Phạm nhân là người chưa thành niên được giam giữ theo chế độ riêng phù hợp với sức khoẻ, giới tính và đặc điểm nhân thân.

- Trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người chưa thành niên về văn hoá, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, trình độ văn hoá, giới tính và sức khoẻ, chuẩn bị điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện bắt buộc học chương trình tiểu học, phổ cập trung học cơ sở và học nghề.

- Phạm nhân là người chưa thành niên được lao động ở khu vực riêng và phù hợp với độ tuổi; không phải làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Khoản 1 Mục III Thông tư liên tịch số 11/TTLB hướng dẫn giáo dục pháp luật, giáo dục công dân; dạy văn hoá, dạy nghề, chế độ sinh hoạt giải trí cho phạm nhân quy định: Đối với phạm nhân là người chưa thành niên, việc học nghề là bắt buộc, trại giam tổ chức dạy nghề cho họ. Đối với những phạm nhân khác, tuỳ điều kiện, khả năng của trại và nguyện vọng của phạm nhân, trại có thể dạy nghề cho họ. Thời gian học nghề của phạm nhân tuỳ theo loại nghề và khả năng của trại, trại có thể định hướng cho họ vừa học nghề, vừa làm ra sản phẩm.

Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BGDĐT hướng dẫn việc tổ chức dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, phổ biến thông tin thời sự, chính sách và thực hiện chế độ sinh hoạt, giải trí cho phạm nhân như sau:

- Đối tượng và chương trình học (Điều 4)

+ Thực hiện bắt buộc học chương trình tiểu học hoặc giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ và phổ cập trung học cơ sở đối với phạm nhân là người chưa thành niên.

+ Những phạm nhân đã thôi học hoặc bỏ học giữa chừng chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở (đối với phạm nhân là người chưa thành niên) thì các trại giam, trại tạm giam, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện căn cứ vào hồ sơ, học bạ để quyết định tiếp tục tổ chức dạy văn hóa đối với họ cho phù hợp.

+ Trường hợp phạm nhân đang học chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở (đối với phạm nhân là người chưa thành niên) mà hết thời hạn chấp hành án phạt tù thì được bảo lưu kết quả học tập để có thể tiếp tục học văn hóa tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Thời gian học (Điều 5)

Thời gian học chương trình xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở cho phạm nhân là người chưa thành niên được tổ chức vào tất cả các ngày trong tuần, mỗi ngày học một buổi, mỗi buổi học 4 (bốn) giờ, trừ các ngày chủ nhật, lễ, tết.

- Thời gian sinh hoạt, giải trí và hoạt động thư viện của phạm nhân (Điều 13)

Thời gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí của phạm nhân là người chưa thành niên được tăng gấp hai lần so với phạm nhân là người đã thành niên.

- Trao đổi thông tin về tình hình học văn hóa, pháp luật, giáo dục công dân và thực hiện chế độ sinh hoạt, giải trí cho phạm nhân là người chưa thành niên (Điều 14)

+ Thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của phạm nhân là người chưa thành niên được các trại giam, trại tạm giam, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện trao đổi thông tin về tình hình học tập văn hóa, pháp luật, giáo dục công dân, chế độ sinh hoạt, giải trí, tình hình chấp hành án phạt tù và được gửi sách vở, báo chí, đồ dùng học tập, dụng cụ thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí cho con em họ theo quy định của pháp luật.

+ Các trại giam, trại tạm giam, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện ưu tiên về thời gian, hình thức học tập và các hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí phù hợp với điều kiện cụ thể của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ và đặc điểm về độ tuổi, thể chất, giới tính, trình độ văn hóa của phạm nhân là người chưa thành niên.

3. Chế độ ăn, mặc, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí của đối tượng chấp hành hình phạt tù là người chưa thành niên

Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định chế độ ăn, mặc, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí của người chưa thành niên thuộc diện chấp hành hình phạt tù tại Điều 52. Cụ thể như sau:

- Phạm nhân là người chưa thành niên được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn như phạm nhân là người thành niên và được tăng thêm về thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng.

- Ngoài tiêu chuẩn mặc và tư trang như phạm nhân thành niên, mỗi năm phạm nhân là người chưa thành niên được cấp thêm quần áo theo mẫu thống nhất và đồ dùng cá nhân khác theo quy chế trại giam.

- Thời gian và hình thức tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, nghe đài, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hình thức vui chơi giải trí khác phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên.

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân thì:

- Phạm nhân là người chưa thành niên được hưởng chế độ theo quy định tại mục 3 Chương III Luật thi hành án hình sự và các quy định khác không trái với quy định tại Điều này.

- Chỗ nằm tối thiểu của mỗi phạm nhân là người chưa thành niên là 03 mét vuông (3 m2), có ván sàn hoặc giường.

- Phạm nhân là người chưa thành niên phải thực hiện bắt buộc học chương trình tiểu học, phổ cập trung học cơ sở; phải học văn hóa vào tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày chủ nhật, ngày lễ, tết; mỗi ngày một buổi, mỗi buổi bốn giờ (4h); được giáo dục chuẩn mực đạo đức, các kỹ năng sống cơ bản; được phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật, giáo dục công dân theo chương trình, nội dung do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp biên soạn; được tư vấn, trợ giúp về tâm lý, giáo dục, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cần thiết để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

- Phạm nhân là người chưa thành niên được ưu tiên bố trí học nghề, nâng cao tay nghề theo nguyện vọng phù hợp với độ tuổi, trình độ văn hóa, giới tính, sức khỏe, điều kiện thực tế của trại giam.

- Ngoài tiêu chuẩn mặc và tư trang như phạm nhân thành niên, mỗi năm phạm nhân là người chưa thành niên được cấp thêm 01 bộ quần áo dài, 01 mũ cứng, 01 mũ vải; đối với các trại giam từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra, mỗi năm, phạm nhân là người chưa thành niên được cấp thêm 01 áo ấm, 02 đôi tất và 01 mũ len. Mỗi quý phạm nhân là người chưa thành niên được cấp thêm 01 lọ nước gội đầu 200 ml loại thông thường.

Đối với các trại giam từ thành phố Đà Nẵng trở vào, phạm nhân là người chưa thành niên được cấp 01 chăn sợi dùng trong 02 năm. Đối với các trại giam từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra, phạm nhân là người chưa thành niên được cấp 01 chăn bông không quá 02 kg, có vỏ dùng trong 02 năm.

- Thời gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí của phạm nhân là người chưa thành niên được tăng gấp hai lần so với phạm nhân là người đã thành niên.

4. Chế độ gặp, liên lạc với thân nhân của phạm nhân là người chưa thành niên

Điều 53 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định phạm nhân là người chưa thành niên được gặp thân nhân không quá ba lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 03 giờ, trường hợp đặc biệt được gặp không quá 24 giờ. Phạm nhân được liên lạc với thân nhân qua điện thoại mỗi tháng không quá bốn lần, mỗi lần không quá 10 phút, có sự giám sát của cán bộ trại giam và tự chịu chi phí.

Nhà nước khuyến khích thân nhân của phạm nhân là người chưa thành niên quan tâm thăm gặp, gửi sách vở, đồ dùng học tập, dụng cụ thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho phạm nhân.

Điều 3 Thông tư số 46/2011/TT-BCA ngày 30/6/2011 của Bộ Công an quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân như sau:

Phạm nhân là người chưa thành niên được gặp thân nhân không quá 03 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 03 giờ; nếu chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động hoặc để thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì được kéo dài thời gian nhưng không quá 24 giờ.

5. Thông báo thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP ngày 17/02/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 10/2012/NĐ-CP) thì:

- Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải chuyển bản sao bản án, quyết định của Tòa án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục người được giáo dục. Trường hợp tổ chức xã hội hoặc nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục người được giáo dục, thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải đồng gửi bản sao bản án, quyết định của Tòa án cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục cư trú để quản lý, theo dõi, chỉ đạo thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định tại khoản 3 Điều 113 của Luật thi hành án hình sự và Nghị định này.

Trường hợp người được giáo dục đã thay đổi nơi cư trú, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, xác minh, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tục chuyển bản án, quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đến nơi cư trú mới của người được giáo dục để tổ chức thi hành theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 11 của Nghị định này.

- Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu tổ chức xã hội hoặc Hiệu trưởng nhà trường được Tòa án chỉ định giám sát, giáo dục phải triệu tập người được giáo dục và mời cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục đến trụ sở để thông báo việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, xã hội, nhà trường, người được giao giám sát, giáo dục; quyền và nghĩa vụ của người được giáo dục, đồng thời yêu cầu người được giáo dục làm bản cam kết việc chấp hành. Trường hợp người được giáo dục không biết chữ thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó viết thay. Bản cam kết của người được giáo dục phải có ý kiến xác nhận của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó. Việc thông báo được lập thành biên bản, lưu hồ sơ thi hành và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

- Trường hợp người được giáo dục bỏ trốn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện ra quyết định truy tìm và tổ chức truy tìm. Khi phát hiện người được giáo dục bỏ trốn đang bị truy tìm, cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm báo cho cơ quan Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất. Khi tiếp nhận người được giáo dục, cơ quan tiếp nhận phải lập biên bản và đưa ngay người được giáo dục đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được giáo dục bỏ trốn để thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã ra quyết định truy tìm đến nhận, đưa người được giáo dục trở về nơi cư trú để tiếp tục chấp hành.

6. Chế độ giám sát, giáo dục đối với người được giáo dục là người chưa thành niên phạm tội tại xã, phường, thị trấn

Điều 8 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu tổ chức xã hội, Hiệu trưởng nhà trường được giao giám sát, giáo dục quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục. Người trực tiếp giám sát, giáo dục giúp đỡ người được giáo dục phải là người có tư cách đạo đức tốt, có kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội, sư phạm hoặc kiến thức cần thiết về tâm sinh lý của người chưa thành niên. Trong cùng một lúc, một người có thể được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, giúp đỡ nhiều người được giáo dục nhưng phải bảo đảm mỗi người được giáo dục phải có một người trực tiếp giám sát, giáo dục, giúp đỡ. Trường hợp người được phân công giám sát, giáo dục không còn khả năng, điều kiện giúp đỡ nữa, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục phải kịp thời phân công người khác thay thế.

Người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có điều kiện, năng lực và kinh nghiệm trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người phạm tội, vi phạm pháp luật, có quyền đăng ký, đề nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu tổ chức xã hội, Hiệu trưởng nhà trường để xem xét, quyết định giao cho nhiệm vụ trực tiếp giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.

Căn cứ vào thời hạn áp dụng, tính chất, mức độ phạm tội, nhân thân, sức khỏe, giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, hoàn cảnh gia đình, môi trường sống của người được giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu tổ chức xã hội hoặc Hiệu trưởng nhà trường và người được giao giám sát, giáo dục lập kế hoạch, đề ra các biện pháp giám sát, giáo dục, giúp đỡ cho phù hợp.

Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường và cá nhân được giao giám sát, giáo dục có trách nhiệm phối hợp với đơn vị dân cư cơ sở và gia đình, thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người được giáo dục để tìm biện pháp giúp đỡ; đề nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạo điều kiện cho người được giáo dục học tập, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống; hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng, cấp mới, cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng minh nhân dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý; hướng dẫn chấp hành pháp luật, quy định của địa phương và thực hiện quyền, nghĩa vụ của người được giáo dục; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời khi người được giáo dục tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật.

Mỗi tháng một lần, cơ quan, tổ chức xã hội, nhà trường và người được giao giám sát, giáo dục có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về kết quả giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.

Ba tháng một lần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu tổ chức xã hội, Hiệu trưởng nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục người được giáo dục báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện về tình hình, kết quả thi hành và việc giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.

7. Việc đi lại, vắng mặt của người được giáo dục là người chưa thành niên phạm tội tại nơi cư trú

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP thì người được giáo dục có thể được vắng mặt tại nơi cư trú, nếu có lý do chính đáng.

Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời hạn áp dụng biện pháp này và phải thực hiện theo quy định sau:

- Trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú đến ba mươi ngày, người được giáo dục phải báo cáo với người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục về lý do, thời gian vắng mặt tại nơi cư trú và nơi đến cư trú;

- Trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú từ trên ba mươi ngày đến dưới ba tháng, người được giáo dục phải làm đơn xin phép ghi rõ lý do, thời gian vắng mặt tại nơi cư trú, nơi đến tạm trú (đối với người dưới 16 tuổi thì phải có ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó), trực tiếp báo cáo với người được giao giám sát, giáo dục. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn xin phép, người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục xem xét, có ý kiến bằng văn bản về việc đồng ý hoặc không đồng ý cho phép người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú và thông báo cho người được giáo dục.

Người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục cư trú về việc người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định tại đoạn 1 nêu trên để Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục đến lưu trú hoặc tạm trú phối hợp quản lý, giáo dục người được giáo dục. Nếu phát hiện người được giáo dục có vi phạm, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục đến lưu trú hoặc tạm trú phải kịp thời thông báo bằng văn bản cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục cư trú biết.

Trước khi đi khỏi nơi cư trú, người được giáo dục phải khai báo tạm vắng tại Công an xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú. Ngay sau khi đến nơi lưu trú hoặc tạm trú, người được giáo dục phải thực hiện việc thông báo lưu trú, đăng ký tạm trú tại Công an cấp xã nơi mình đến lưu trú hoặc tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú. Khi hết thời hạn lưu trú hoặc tạm trú phải có xác nhận của Công an cấp xã nơi người được giáo dục đến lưu trú hoặc tạm trú về thời hạn lưu trú, tạm trú và việc chấp hành chính sách, pháp luật và quy định của địa phương.

Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày về đến nơi cư trú, người được giáo dục có trách nhiệm trực tiếp báo cáo với người được giao giám sát, giáo dục, giúp đỡ và đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục để trình diện và tiếp tục chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại nơi cư trú.

Thời gian người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú nếu có vi phạm hoặc vắng mặt mà không báo cáo hoặc không được sự đồng ý của người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục quy định tại đoạn 1 nêu trên thì không được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

8. Việc thay đổi nơi cư trú của người được giáo dục là người chưa thành niên phạm tội

Pháp luật quy định người chưa thành niên phạm tội tại xã, phường, thị trấn có thể tạm trú ở nơi khác không phải nơi đăng ký thường trú. Việc thay đổi nơi cư trú phải tuân thủ theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

- Trường hợp người được giáo dục thay đổi nơi đăng ký thường trú hoặc có lý do chính đáng như đi học tập, có việc làm ổn định mà phải tạm trú ở địa phương khác từ ba tháng trở lên, thì người được giáo dục phải làm đơn đề nghị, ghi rõ lý do, nơi đến thường trú hoặc tạm trú, có ý kiến của tổ chức xã hội, nhà trường và người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục (đối với người dưới 16 tuổi thì phải có thêm ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó) gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục cư trú.

- Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn của người được giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải xem xét, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

- Trường hợp người được giáo dục thay đổi nơi cư trú trong phạm vi hành chính cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tục chuyển giao hồ sơ thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục đến thường trú hoặc tạm trú trong thời gian học tập, làm việc để tiếp tục thi hành.

- Trường hợp người được giáo dục thay đổi nơi cư trú ngoài phạm vi hành chính cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tục chuyển hồ sơ thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được giáo dục đến thường trú hoặc tạm trú để tiếp tục thi hành và thông báo cho Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Ví dụ 1: Q (15 tuổi) hiện đang phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã X nhưng để thuận tiện cho việc đi học ở trường mới, Q được thay đổi nơi cư trú của mình (sang xã S cùng huyện).

Ví dụ 2: K (16 tuổi) bị áp dụng biện pháp giáo dục pháp luật tại xã, phường, thị trấn. Vừa rồi, gia đình em bán nhà và chuyển đến nơi ở mới. Đối với trường hợp này, K thuộc diện thay đổi nơi đăng ký thường trú. Vì vậy, em phải làm các thủ tục theo quy định để tiếp tục thi hành biện pháp giáo dục tại nơi cư trú mới.

9. Chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP thì khi người được giáo dục đã chấp hành được một phần hai thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, có nhiều tiến bộ thì được đề nghị xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Thủ tục chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục được thực hiện như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Hội đồng đề nghị xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã làm Chủ tịch Hội đồng; đại diện cơ quan hoặc tổ chức xã hội hoặc nhà trường được giao giám sát, giáo dục làm Phó Chủ tịch Hội đồng; đại diện Công an cấp xã làm Ủy viên; người được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục làm Ủy viên thư ký.

- Hội đồng đề nghị xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội họp nghe đại diện cơ quan, tổ chức xã hội, nhà trường và người được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục báo cáo, đề nghị xét chấm dứt thời hạn cho người được giáo dục, các thành viên Hội đồng phát biểu ý kiến và biểu quyết bằng hình thức giơ tay, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ, làm văn bản báo cáo do Chủ tịch Hội đồng ký và chuyển đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thẩm tra, xác minh, lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cùng cấp xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục.

- Ngay sau khi quyết định của Tòa án có thẩm quyền về chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục và gửi cho người được giáo dục, Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục, Tòa án đã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.

- Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục tổ chức công bố công khai quyết định chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội và trao Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục.

- Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định chấm dứt thời hạn và trao Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục, Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục phải bàn giao hồ sơ thi hành và theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Việc giao, nhận hồ sơ được lập thành biên bản và lưu hồ sơ thi hành.

10. Hết thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội

Điều 13 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP quy định trong thời hạn năm ngày làm việc trước khi hết thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu tổ chức xã hội, Hiệu trưởng nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục phải có văn bản thông báo, kèm theo hồ sơ thi hành và theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục bàn giao cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục. Việc giao, nhận hồ sơ được lập thành biên bản và lưu hồ sơ thi hành.

Đúng ngày hết thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục và gửi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP.

11. Quyền, nghĩa vụ của người được giáo dục là người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

* Về quyền: Trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, người được giáo dục có các quyền quy định tại Điều 14 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP như sau:

- Không bị phân biệt, đối xử; được tạo điều kiện lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú, được hướng dẫn thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, cấp Giấy chứng minh nhân dân, khám, chữa bệnh, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Khi tham gia lao động, người được giáo dục được hưởng quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật lao động và pháp luật khác có liên quan.

- Người được giáo dục chưa biết chữ hoặc chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, trung học cơ sở có quyền đề nghị và các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm tiếp nhận người được giáo dục vào học tập, đào tạo.

- Được tạo điều kiện tìm việc làm; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo ở địa phương; người được giáo dục có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, được xét hỗ trợ một phần vốn để học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Được đề bạt nguyện vọng, kiến nghị của mình đối với Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường và người được giao giám sát, giáo dục về việc chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

- Người được giáo dục thuộc đối tượng được hưởng chế độ, chính sách xã hội ưu đãi theo quy định của pháp luật, thì được hưởng các chế độ, chính sách đó theo quy định của pháp luật.

- Được vắng mặt tại nơi cư trú hoặc thay đổi nơi cư trú theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Nghị định số 10/2012/ NĐ-CP.

- Có quyền đề nghị xem xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được xem xét, quyết định chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

- Người được giáo dục có quyền khiếu nại, tố cáo các việc làm, hành vi vi phạm trong thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định số 10/2012/NĐ-CP.

* Về nghĩa vụ: Người được giáo dục là người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP:

- Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia lao động, học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy định của địa phương nơi cư trú.

- Chịu sự giám sát, giáo dục của chính quyền, cơ quan, tổ chức xã hội, nhà trường và người được phân công trực tiếp, giáo dục.

- Làm bản cam kết sửa chữa sai phạm, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tích cực thực hiện nghĩa vụ học tập, tu dưỡng, rèn luyện, tham gia lao động trực tiếp gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường nơi được giao giám sát, giáo dục và phải nghiêm chỉnh thực hiện cam kết của mình.

- Hàng tháng phải báo cáo bằng văn bản với người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục, giúp đỡ về tình hình học tập, lao động, rèn luyện, tu dưỡng, kết quả sửa chữa sai phạm và sự tiến bộ của mình.

- Ba tháng một lần làm bản tự kiểm điểm về việc thực hiện cam kết gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục. Bản tự kiểm điểm phải có ý kiến nhận xét của người trực tiếp được giao giám sát, giáo dục. Đối với người dưới 16 tuổi thì bản tự kiểm điểm phải có thêm ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Trường hợp người được giáo dục không biết chữ thì cha, mẹ, hoặc người giám hộ của người đó viết thay bản cam kết sửa chữa sai phạm, bản báo cáo, bản tự kiểm điểm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 10 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP.

- Phải có mặt và thực hiện các yêu cầu tại buổi thông báo về việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Phải có mặt và thực hiện việc kiểm điểm tại cuộc họp kiểm điểm khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu tổ chức xã hội, Hiệu trưởng nhà trường và người được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục triệu tập.

- Trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú phải thực hiện đầy đủ các quy định tại Điều 10 của Nghị định số 10/2012/NĐ-CP và phải có nhận xét của Công an cấp xã nơi người được giáo dục đến lưu trú hoặc tạm trú để báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường và người được giao giám sát, giáo dục.

12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

Điều 19 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thi hành biện pháp giáo dục người chưa thành niên phạm tội tại xã, phường, thị trấn như sau:

- Tuyên truyền, phổ biến mục đích, nội dung, ý nghĩa của việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người được giáo dục; khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình tham gia giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.

- Tiếp nhận hồ sơ và chỉ đạo về tổ chức giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.

- Chỉ định cá nhân có điều kiện, khả năng quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP trực tiếp giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.

- Phối hợp với cơ quan, tổ chức xã hội, nhà trường, cá nhân và gia đình trong giám sát, giáo dục người được giáo dục.

- Yêu cầu người được giáo dục thực hiện đầy đủ các cam kết, nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, phòng ngừa và ngăn chặn khi người được giáo dục có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

- Trực tiếp hoặc ủy quyền cho Trưởng Công an cấp xã thực hiện các quy định về việc người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú, chuyển nơi cư trú theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Nghị định số 10/2012/NĐ-CP và pháp luật về cư trú.

- Biểu dương hoặc lập hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng đối với người được giáo dục có nhiều tiến bộ hoặc lập công. Đề nghị chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 10/2012/NĐ-CP.

- Nhận xét bằng văn bản về quá trình chấp hành của người được giáo dục khi người đó chuyển đi nơi khác.

- Xử phạt vi phạm hành chính hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác đối với người được giáo dục có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

- Định kỳ hoặc khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về tình hình, kết quả công tác thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.

- Quản lý, sử dụng, thu thập tài liệu, bổ sung hồ sơ thi hành và theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 10/2012/NĐ-CP.

- Bố trí ngân sách cấp xã theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện công tác thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.

13. Trách nhiệm giám sát, giáo dục người chưa thành niên phạm tội tại xã, phường, thị trấn

* Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, nhà trường được giao giám sát, giáo dục người được giáo dục là người chưa thành niên phạm tội tại xã, phường, thị trấn

 Theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức, nhà trường được giao giám sát, giáo dục người chưa thành niên phạm tội tại xã, phường, thị trấn như sau:

- Phân công người thuộc cơ quan, tổ chức mình hoặc người có điều kiện, khả năng quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 10/2012/NĐ-CP trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.

- Chủ trì thực hiện hoặc kiến nghị với Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức về hình thức hỗ trợ, giúp đỡ thích hợp đối với người được giáo dục học tập, tìm kiếm việc làm, cho vay vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi và trao đổi, bàn bạc với người được phân công giám sát, giáo dục và gia đình người được giáo dục để nắm tình hình, sự tiến bộ của người được giáo dục.

- Kịp thời giúp đỡ, động viên người được giáo dục giải quyết khó khăn, vướng mắc trong chấp hành biện pháp giáo dục và trong cuộc sống.

- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã, nhà trường và các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng, đơn vị dân cư cơ sở và gia đình để tổ chức các hoạt động văn thể, các phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh khác, giúp đỡ người được giáo dục trở thành người có ích cho xã hội.

- Báo cáo, đề xuất cho người được giáo dục được chuyển nơi cư trú theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 10/2012/ NĐ-CP và pháp luật về cư trú.

- Xem xét, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.

- Định kỳ hoặc khi có yêu cầu báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã về tình hình, kết quả giám sát, giáo dục và học tập, tu dưỡng của người được giáo dục.

- Quản lý, sử dụng, thu thập tài liệu, bổ sung hồ sơ thi hành và theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 10/2012/NĐ-CP.

* Trách nhiệm của người trực tiếp giám sát, giáo dục người được giáo dục là người chưa thành niên phạm tội tại xã, phường, thị trấn

Điều 21 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP quy định trách nhiệm của người trực tiếp giám sát, giáo dục người chưa thành niên phạm tội như sau:

- Trong thời gian được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người được giáo dục, người được phân công giám sát, giáo dục có trách nhiệm:

+ Thường xuyên trực tiếp gặp gỡ người được giáo dục và gia đình họ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nguyên nhân, hoàn cảnh, động cơ dẫn đến vi phạm pháp luật của người được giáo dục; hướng dẫn người được giáo dục chấp hành pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được giáo dục, làm các báo cáo, bản kiểm điểm và cam kết sửa chữa sai phạm;

+ Kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường, cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp cụ thể quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục học tập, tìm kiếm việc làm, sản xuất, kinh doanh, đăng ký thường trú, tạm trú, cấp Giấy chứng minh nhân dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể tại nơi cư trú, giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống;

+ Phối hợp với Công an cấp xã, dân quân tự vệ, tổ dân phố, thôn, làng, ấp, buôn, bản nơi người được giáo dục cư trú và gia đình người được giáo dục để quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục;

+ Xem xét, giải quyết cho người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú, báo cáo, đề nghị chuyển nơi cư trú cho người được giáo dục theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Nghị định số 10/2012/NĐ-CP;

+ Định kỳ nhận xét, đánh giá tình hình chấp hành chính sách, pháp luật, quy định của địa phương, thực hiện nghĩa vụ và sự tiến bộ của người được giáo dục;

+ Báo cáo, đề nghị xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 10/2012/NĐ-CP;

+ Kịp thời phát hiện, thông báo cho Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã hoặc tổ chức xã hội, nhà trường về những biểu hiện, thái độ, hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục để có biện pháp ngăn ngừa, quản lý, giáo dục phù hợp và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật;

+ Định kỳ hoặc khi có yêu cầu báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường về tình hình, kết quả chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định.

- Người được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo và hưởng chế độ phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, được ưu tiên miễn, giảm các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và quy định của địa phương.

14. Trách nhiệm của gia đình người được giáo dục

Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 10/2012/NĐ-CP thì:

- Gia đình người được giáo dục có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức, nhà trường, người được phân công giám sát, giáo dục để động viên, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người được giáo dục học tập, tìm kiếm việc làm, thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được giáo dục. Trên thực tế, chỉ khi nào sự kết hợp này được thực hiện có hiệu quả thì tác dụng của giáo dục người chưa thành niên phạm tội tại xã, phường, thị trấn mới được bảo đảm.

- Gia đình phải có mặt tại buổi thông báo về việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người được giáo dục và tại cuộc họp kiểm điểm người được giáo dục theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường và cá nhân được giao giám sát, giáo dục. Sự có mặt của gia đình thể hiện trách nhiệm, sự gắn bó, quan tâm của gia đình đối với quá trình rèn luyện, tu dưỡng của người chưa thành niên phạm tội, góp phần làm cho họ thêm tin tưởng, vững tâm, phấn đấu tốt hơn. Đồng thời, qua đó, gia đình tiếp tục có những biện pháp giúp đỡ, giáo dục người chưa thành niên sửa chữa những khuyết điểm còn tồn tại.

c) Gia đình có trách nhiệm báo cáo kết quả chấp hành của người được giáo dục với Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường được giao giám sát, giáo dục khi có yêu cầu; kịp thời phát hiện, thông báo chính quyền, cơ quan chức năng địa phương những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục.

Như vậy, pháp luật đã khẳng định vai trò trung tâm trong giáo dục người chưa thành niên tại xã, phường, thị trấn. Việc quy định trách nhiệm cụ thể của gia đình người được giáo dục góp phần quan trọng để biện pháp giáo dục người chưa thành niên phạm tội ở xã, phường, thị trấn đạt kết quả tốt.

15. Thủ tục thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên phạm tội

 “Đưa vào trường giáo dưỡng” không phải là hình phạt mà là một trong những biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa. Biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên phạm tội là biện pháp do Toà án quyết định, áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với họ, nhưng do tính chất của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần phải đưa người đó vào trường giáo dưỡng - một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ. Đây là biện pháp nghiêm khắc hơn biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người chưa thành niên bị cách ly khỏi môi trường xã hội mà họ đang sinh sống để được giáo dục, cải tạo. Vì vậy, thủ tục thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên phạm tội cũng được pháp luật quy định chặt chẽ, cụ thể tại Điều 124 Luật thi hành án hình sự năm 2010 như sau:

Bước 1: Tòa án gửi bản án, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên cho người đó và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chưa thành niên cư trú

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra bản án, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên, Tòa án phải gửi bản án, quyết định cho người đó và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chưa thành niên cư trú.

Bước 2: Ra quyết định đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chưa thành niên cư trú phải báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an để ra quyết định đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra quyết định đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng và gửi cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Bước 3: Lập hồ sơ, bàn giao, tiếp nhận người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải lập hồ sơ và bàn giao người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng. Hồ sơ gồm có:

- Bản sao bản án, quyết định của Toà án;

- Quyết định đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng;

- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Danh bản;

- Tài liệu khác có liên quan.

- Khi tiếp nhận người phải chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (sau đây gọi là học sinh), Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải kiểm tra hồ sơ và lập biên bản giao nhận.

Bước 4: Thông báo việc tiếp nhận người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận học sinh, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải thông báo việc đã tiếp nhận học sinh cho cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người đó.

16. Hoãn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

Theo quy định tại Điều 125 Luật thi hành án hình sự năm 2010, người chưa thành niên có thể được hoãn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng trong các trường hợp sau đây:

- Đang ốm nặng, đang phải cấp cứu hoặc vì lý do sức khoẻ khác mà không thể đi lại được và được cơ sở chữa bệnh hoặc bệnh viện từ cấp huyện trở lên xác nhận.

Người đang ốm nặng là người đang ở trong tình trạng bị bệnh nặng đến mức không còn khả năng lao động, học tập và sinh hoạt bình thường hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ phải điều trị trong một thời gian nhất định mới có thể bình phục trở lại. Ví dụ: đang bị bệnh ung thư, bệnh tim…

- Có lý do chính đáng khác được Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận.

Lý do chính đáng khác như trường hợp gia đình người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bị thiên tai; hỏa hoạn lớn; có thân nhân (được hiểu là những người thân thích như ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ; anh, chị, em ruột và những người trực tiếp nuôi dưỡng đang sống trong cùng một gia đình) bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà ngoài người đó ra không còn ai khác để lao động duy trì cuộc sống gia đình; khắc phục hậu quả thiên tai; hỏa hoạn hoặc chăm sóc người bệnh…

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có nhiệm vụ làm thủ tục đề nghị Toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng xem xét, quyết định hoãn. Tòa án ra quyết định hoãn chấp hành biện pháp tư pháp phải gửi quyết định đó cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát cùng cấp và người được hoãn chấp hành biện pháp tư pháp.

Khi không còn lý do để hoãn, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải thông báo cho Toà án để ra quyết định thi hành.

17. Giải quyết trường hợp người phải chấp hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng bỏ trốn

Trên thực tế, có một số trường hợp người đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nhưng bỏ trốn. Để giải quyết những trường hợp này, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Điều 126 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định: Trường hợp người đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó cư trú phải ra quyết định truy tìm, đưa người đó vào trường giáo dưỡng và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.

Khi phát hiện người phải chấp hành biện pháp tư pháp bỏ trốn đang bị truy tìm thì cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cho cơ quan Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất hoặc bắt giữ và đưa đến các cơ quan này. Khi tiếp nhận, lưu giữ người đó, cơ quan Công an phải lập biên bản và đưa ngay họ vào trường giáo dưỡng.

18. Chế độ quản lý học sinh trường giáo dưỡng

Người đang chấp hành biện pháp giáo dưỡng được gọi là học sinh trường giáo dưỡng.

Trường giáo dưỡng có nhiệm vụ quản lý chặt chẽ học sinh để giám sát, giáo dục nhằm giúp họ tiến bộ, trở thành người có ích cho xã hội sau khi chấp hành xong biện pháp giáo dưỡng.

Chế độ quản lý học sinh trường giáo dưỡng được quy định tại Điều 127 Luật thi hành án hình sự năm 2010, Điều 3 Nghị định số 81/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 quy định chế độ ăn, mặc, chăm sóc và quản lý học sinh trường giáo dưỡng, Điều 25 Nghị định số 142/2003/NĐ-CP ngày 24/11/2003 quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng. Cụ thể như sau:

- Học sinh phải chịu sự giám sát, quản lý của cán bộ, giáo viên trường giáo dưỡng và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của nhà trường.

Học sinh ra khỏi trường giáo dưỡng phải được phép của Ban Giám hiệu và có cán bộ giáo viên của trường quản lý, hướng dẫn.

- Căn cứ vào quy mô của từng lớp, thời hạn giáo dục, đặc điểm nhân thân, tính chất, mức độ vi phạm, tình trạng sức khoẻ, giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn của từng học sinh, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng sắp xếp họ vào tổ, lớp cho phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục. Đồng thời phân công giáo viên trực tiếp phụ trách.

- Trường hợp học sinh bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định và tổ chức truy tìm. Thời gian học sinh bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Khi bắt giữ mà học sinh có hành vi chống đối thì được áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật. Uỷ ban nhân dân và cơ quan Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp trong việc truy tìm, bắt giữ học sinh bỏ trốn. Khi phát hiện người bị truy tìm, mọi người có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an, Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất hoặc bắt giữ và đưa đến các cơ quan này.

Khi bắt được người bỏ trốn hoặc nhận bàn giao người đó, cơ quan Công an phải lập biên bản, lấy lời khai, lưu giữ và quản lý người bỏ trốn, thông báo ngay cho trường giáo dưỡng đã ra quyết định truy tìm. Khi nhận được thông báo, trường giáo dưỡng đã ra quyết định truy tìm phải cử người đến ngay để nhận và đưa học sinh bỏ trốn về trường giáo dưỡng. Việc giao, nhận học sinh bỏ trốn phải lập biên bản. Thời gian lưu giữ được tính vào thời gian chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

19. Thực hiện lệnh trích xuất

Trích xuất học sinh trường giáo dưỡng là việc thực hiện quyết định của người có thẩm quyền theo quy định của Luật thi hành án hình sự đưa học sinh trường giáo dưỡng ra khỏi trường giáo dưỡng và chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám, chữa bệnh, quản lý giam giữ trong thời hạn nhất định.

Theo quy định tại Điều 128 Luật thi hành án hình sự năm 2010 thì khi có văn bản yêu cầu của cơ quan, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền về việc trích xuất học sinh thì Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra lệnh trích xuất.

Trường hợp cần trích xuất học sinh phục vụ yêu cầu giáo dục hoặc khám, chữa bệnh thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra lệnh trích xuất.

Lệnh trích xuất phải có các nội dung sau đây:

- Cơ quan, họ tên, chức vụ, cấp bậc người ra lệnh;

- Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi đăng ký thường trú, ngày bị bắt, tội danh, thời hạn và nơi học sinh được trích xuất đang chấp hành biện pháp giáo dưỡng;

- Mục đích và thời hạn trích xuất;

- Cơ quan, họ tên, chức vụ, cấp bậc người nhận học sinh được trích xuất;

- Người ra lệnh trích xuất phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên, đóng dấu vào lệnh trích xuất.

Cơ quan yêu cầu trích xuất chịu trách nhiệm đưa và trả học sinh được trích xuất đến trường giáo dưỡng đúng thời hạn đã ghi trong lệnh trích xuất; khi giao nhận phải lập biên bản. Chi phí cho việc đi lại, ăn, ở của học sinh được trích xuất do Nhà nước cấp và do cơ quan nhận người được trích xuất chi trả.

Thời hạn trích xuất được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

20. Chế độ học văn hoá, giáo dục hướng nghiệp, học nghề

Bên cạnh nhiệm vụ quản lý, trường giáo dưỡng còn có nhiệm vụ giáo dục đạo đức, pháp luật, văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và tổ chức lao động cho học sinh phù hợp với lứa tuổi, nhằm giúp họ học tập, rèn luyện, phát triển các kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề, các yếu tố nguy cơ đã dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật, giúp họ phát triển lành mạnh về thể chất, tinh thần, trí tuệ để trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội, có khả năng hoà nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong biện pháp giáo dưỡng.

Chế độ học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề đối với học sinh trường giáo dưỡng được quy định cụ thể tại Điều 129 Luật thi hành án hình sự năm 2010, Điều 3 Nghị định số 81/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 quy định chế độ ăn, mặc, chăm sóc và quản lý học sinh trường giáo dưỡng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 81/2011/NĐ-CP), khoản 19 Điều 1 Nghị định số 66/2009/NĐ-CP ngày 01/8/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2003/NĐ-CP ngày 24/11/2003 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 66/2009/NĐ-CP) quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng.

Theo đó, học sinh ở trường giáo dưỡng được học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cụ thể như sau:

a) Chế độ học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề

Học sinh trường giáo dưỡng được học văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với học sinh chưa đạt trình độ phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở thì việc học văn hoá là bắt buộc. Đối với học sinh khác thì tuỳ khả năng, điều kiện thực tế mà tổ chức cho họ học tập phù hợp. Đối với học sinh trường giáo dưỡng, trước khi vào trường đã bỏ học, không có hồ sơ, học bạ thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phối hợp với Phòng giáo vụ cấp huyện nơi trường giáo dưỡng đóng tổ chức kiểm tra kiến thức hai môn văn và toán bằng hình thức kiểm tra viết. Căn cứ vào kết quả kiểm tra kiến thức, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định xếp lớp học văn hóa cho phù hợp. Quyết định này thay cho học bạ những năm trước đã mất để xét tốt nghiệp cho học sinh.

Để bảo đảm giáo dục toàn diện, bên cạnh việc học văn hóa, học sinh được học tập chương trình giáo dục công dân, giáo dục hướng nghiệp, học nghề và các chương trình giáo dục khác theo quy định.

b) Chế độ lao động

Ngoài giờ học tập, học sinh phải tham gia lao động do trường tổ chức. Quy định này giúp các học sinh trường giáo dưỡng được rèn luyện ý thức và tinh thần yêu lao động, tinh thần phối hợp, điều này rất quan trong trong việc giáo dục, hoàn thiện nhân cách của học sinh.

Trường có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ của học sinh để bảo đảm sự phát triển bình thường về thể chất; không bố trí những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.

Thời gian lao động của học sinh không được quá 02 giờ trong 01 ngày. Thời gian học tập và lao động không quá 07 giờ trong 01 ngày và không quá 35 giờ trong 01 tuần.

Kết quả lao động của học sinh được sử dụng phục vụ cải thiện đời sống, sinh hoạt và học tập của học sinh.

c) Chế độ nghỉ ngơi

Học sinh được nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật.

d) Kinh phí mua sách vở, đồ dụng học tập

Kinh phí mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh do ngân sách nhà nước cấp. Kinh phí dùng cho việc mua sắm sách, vở, đồ dùng học tập cho mỗi học sinh hàng tháng tương đương với 7 kg gạo tẻ loại thường tính theo giá thị của từng địa phương. Kinh phí chi cho việc dạy - học nghề của mỗi học sinh hàng tháng tương đương với 5 kg gạo tính theo giá thị trường của từng địa phương.

21. Kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh và tổ chức thi

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục văn hoá, hướng nghiệp, dạy nghề đối với việc tái hoà nhập thành công của người chưa thành niên vi phạm pháp luật sau khi ra khỏi trường giáo dưỡng, Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác này. Không chỉ quy định việc dạy và học văn hóa, học nghề, pháp luật còn quy định cụ thể trách nhiệm của trường giáo dưỡng trong kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh và tổ chức thi nhằm phân loại, tạo điều kiện cho các em phát huy năng khiếu, sở trường của cá nhân, động viên, khuyến khích, ghi nhận thành quả học tập của các em.

Trường giáo dưỡng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh và tổ chức thi học kỳ, kết thúc năm học, chuyển cấp, thi tuyển chọn học sinh giỏi hoặc hình thức thi khác.

Sổ điểm, học bạ, hồ sơ và các biểu mẫu liên quan đến việc học tập của học sinh phải theo mẫu thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chứng chỉ học văn hoá, học nghề do trường giáo dưỡng cấp cho học sinh có giá trị như chứng chỉ của các trường phổ thông, trường dạy nghề.

Như vậy, Nhà nước ta đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em học sinh trường giáo dưỡng được học tập, rèn luyện phát triển, không có sự phân biệt về chương trình học, chứng chỉ học văn hóa, học nghề, điểm, học bạ, hồ sơ, biểu mẫu liên quan đến việc học tập đối với học sinh trường giáo dưỡng.

Chứng chỉ học văn hoá, học nghề do trường giáo dưỡng cấp cho học sinh có giá trị như chứng chỉ của các trường phổ thong. Trường dạy nghề đã tạo điều kiện thuận lợi cho các học sinh trường giáo dưỡng hòa nhập tốt sau khi hết thời hạn chấp hành biện giáo dưỡng.

22. Chế độ sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí

Để nâng cao đời sống tinh thần cho các học sinh trường giáo dưỡng, giúp các em thêm yêu cuộc sống, hiểu biết hơn về kiến thức văn hóa, xã hội phù hợp với lứa tuổi, đoàn kết, gắn bó với tập thể, pháp luật quy định chế độ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí đối với học sinh trường giáo dưỡng như sau (Điều 131 Luật thi hành án hình sự năm 2010, Điều 3 Nghị định số 81/2011/NĐ-CP):

Ngoài giờ học văn hoá, học nghề, lao động, học sinh được tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác do trường tổ chức.

Mỗi trường giáo dưỡng được thành lập một thư viện, mỗi phân hiệu của trường được thành lập một phòng đọc sách, báo, khu vui chơi, nhà luyện tập thể dục, thể thao, sân thể thao để học sinh rèn luyện thể lực; được trang bị hệ thống truyền thanh, truyền hình cáp nội bộ. Mỗi phòng ở tập thể được trang bị một vô tuyến truyền hình màu 21 inches, được phát một tờ báo Thanh niên và một báo Hoa học trò.

23. Chế độ ăn, mặc của học sinh trường giáo dưỡng

Để bảo đảm đời sống vật chất của học sinh trường giáo dưỡng, giúp cho các em được phát triển lành mạnh về thể chất, chế độ ăn, mặc của học sinh trường giáo dưỡng được quy định cụ thể như sau (Điều 132 Luật thi hành án hình sự năm 2010, Điều 3 Nghị định số 81/2011/NĐ-CP):

a) Chế độ ăn

Học sinh được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, nước mắm, bột ngọt, muối, chất đốt.

Tiêu chuẩn ăn của mỗi học sinh trong một tháng quy định như sau:

- Gạo 17 kg;

- Thịt 01 kg;

- Cá 01 kg;

- Đường 0,5 kg;

- Nước mắm 01 lít;

- Bột ngọt 0,1 kg;

- Muối 0,8 kg;

- Rau xanh 15 kg;

- Chất đốt tương đương 15 kg than.

Ngày lễ, Tết dương lịch, học sinh được ăn thêm không quá ba lần tiêu chuẩn ăn của ngày thường; ngày Tết nguyên đán học sinh được ăn thêm không quá năm lần tiêu chuẩn ăn của ngày thường.

Chế độ ăn đối với học sinh ốm đau, bệnh tật, thương tích do y sĩ hoặc bác sĩ chỉ định.

Nước sử dụng vào việc ăn, uống và sinh hoạt của học sinh được bảo đảm là nước sạch theo quy định của ngành y tế.

Trường giáo dưỡng phải bảo đảm tiêu chuẩn ăn tối thiểu của học sinh theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

b) Chế độ mặc

Hàng năm, học sinh được cấp quần áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng sinh hoạt khác; học sinh nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân. Cụ thể mỗi năm, mỗi học sinh được cấp 02 bộ quần áo dài, 02 bộ quần áo lót, 01 bộ quần áo dài đồng phục, 03 khăn mặt, 02 đôi dép nhựa, 03 bàn chải đánh răng, 01 áo mưa nilông, 01 mũ cứng; 01 mũ vải; đối với học sinh ở các trường giáo dưỡng phía Bắc, mỗi học sinh được cấp thêm 01 áo ấm, 02 đôi tất và 01 mũ len trong 1 năm. Mỗi quý, mỗi học sinh được cấp 01 tuýp kem đánh răng 150 g loại thông thường, 01 kg xà phòng, 01 lọ nước gội đầu 200ml loại thông thường.

24. Chế độ ở và đồ dùng sinh hoạt của học sinh trường giáo dưỡng

Nhà nước bảo đảm điều kiện thiết yếu về chỗ ở và đồ dùng sinh hoạt cho học sinh trường giáo dưỡng, giúp các em yên tâm học tập, rèn luyện. Theo quy định tại Điều 133 Luật thi hành án hình sự năm 2010, Điều 3 Nghị định số 81/2011/NĐ-CP, khoản 18 Điều 1 Nghị định số 66/2009/NĐ-CP thì chế độ ở và đồ dùng sinh hoạt của học sinh trường giáo dưỡng được thực hiện như sau:

a) Chế độ ở

Căn cứ vào giới tính, lứa tuổi, đặc điểm nhân thân, tính chất, mức độ phạm tội của học sinh, trường sắp xếp chỗ ở, sinh hoạt phù hợp trong các buồng tập thể. Buồng ở phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông, hợp vệ sinh môi trường. Diện tích chỗ nằm tối thiểu cho mỗi học sinh là 2,5 mét vuông (m2).

b) Đồ dùng sinh hoạt

- Học sinh được bố trí giường nằm có chiếu trải và được phép sử dụng đồ dùng sinh hoạt cá nhân của mình, trừ những đồ vật bị cấm sử dụng trong trường giáo dưỡng. Đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của học sinh được trường cho mượn hoặc cấp.

- Đối với các trường giáo dưỡng phía Nam, mỗi học sinh được cấp một tấm đắp. Đối với các trường giáo dưỡng ở phía Bắc, mỗi học sinh được cấp một chăn bông 2 kg, có vỏ. Màn, chăn bông, tấm đắp hai năm được cấp một lần. Mỗi năm, mỗi học sinh được cấp hai chiếc chiếu.

- Học sinh được mang vào trường giáo dưỡng những đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định.

- Học sinh nữ được cấp thêm mỗi tháng một khoản tiền tương đương với 3kg gạo tẻ loại thường tính theo giá thị trường của từng địa phương để mua những đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân.

25. Chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng

Để học sinh trường giáo dưỡng có đủ sức khỏe tham gia học tập, lao động, vui chơi, giải trí, phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ, chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng là rất cần thiết và quan trọng. Việc chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng không chỉ được thực hiện lúc các em bị ốm đau, bệnh tật mà cần phải được duy trì định kỳ, thường xuyên, bảo đảm cho các em có môi trường tốt để học tập, rèn luyện.

Chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng được quy định tại Điều 134 Luật thi hành án hình sự năm 2010, Điều 3 Nghị định số 81/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011,  khoản 21 Điều 1 Nghị định số 66/2009/NĐ-CP, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 118/2010/NĐ-CP ngày 29/12/2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLT-BCA-BYT của Bộ Công an và Bộ Y tế ngày 09/8/2010 hướng dẫn việc khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng tại bệnh viện của nhà nước. Cụ thể như sau:

- Học sinh được khám sức khỏe định kỳ. Trường giáo dưỡng phải định kỳ tổ chức khám sức khỏe cho tất cả học sinh sáu tháng một lần và thường xuyên có biện pháp đề phòng dịch bệnh; thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm cho học sinh. Tiền thuốc khám, chữa bệnh hàng tháng cho mỗi học sinh được cấp tương đương với 04 kg gạo tẻ loại thường tính theo giá thị trường của từng địa phương. Kinh phí tổ chức cai nghiện ma túy, điều trị HIV/AIDS cho học sinh theo định mức kinh phí như Nhà nước cấp cho các Trung tâm cai nghiện ma túy, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an.

Trường hợp học sinh bị ốm đau, bệnh tật, thương tích được điều trị tại cơ sở y tế của trường giáo dưỡng; trường hợp ốm đau, bệnh tật, thương tích nặng vượt quá khả năng điều trị của trường thì Hiệu trưởng quyết định đưa họ đến điều trị tại cơ sở chữa bệnh của Nhà nước (bệnh viện). Nếu gia đình có đơn bảo lãnh xin đưa về gia đình điều trị, thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải báo cáo, đề nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng.

Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm xem xét, ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng.

Trường hợp học sinh được tạm đình chỉ để đưa về gia đình điều trị, thì gia đình phải chi trả toàn bộ kinh phí khám, chữa bệnh cho học sinh.

- Trường hợp học sinh bị ốm nặng phải đưa đến bệnh viện điều trị lâu dài, thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày đưa học sinh đến bệnh viện, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp biết. Kinh phí khám, chữa bệnh cho học sinh do ngân sách nhà nước cấp. Trường giáo dưỡng trực tiếp thanh toán tiền viện phí cho bệnh viện nơi học sinh được chuyển đến để điều trị. Trong thời gian học sinh điều trị tại bệnh viện, trường giáo dưỡng có trách nhiệm chăm sóc học sinh, nếu học sinh có gia đình thì phối hợp với gia đình chăm sóc họ; trường giáo dưỡng có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, không để học sinh có điều kiện trốn hoặc vi phạm pháp luật.

Bệnh viện có trách nhiệm bố trí phòng điều trị riêng cho học sinh trường giáo dưỡng mắc bệnh phải điều trị nội trú.

Chế độ quản lý đối với học sinh trường giáo dưỡng mắc bệnh đưa đến cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện được quy định cụ thể nhằm bảo đảm việc giám sát thường xuyên, chặt chẽ đối với học sinh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh vừa tránh trường hợp học sinh lợi dụng việc này để bỏ trốn. Khi đưa học sinh trường giáo dưỡng đến cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện hoặc chuyển bệnh viện, trường giáo dưỡng phải bố trí cán bộ canh gác, dẫn giải và cán bộ y tế đi cùng.

Việc quản lý, canh gác, bảo vệ, dẫn giải học sinh trường giáo dưỡng nằm điều trị nội trú tại bệnh viện phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và do trường giáo dưỡng chịu trách nhiệm.

Chế độ ăn, ở, sinh hoạt, thăm gặp đối với học sinh trường giáo dưỡng chữa bệnh tại phòng điều trị nội trú của bệnh viện được áp dụng như đối với học sinh trường giáo dưỡng tại trường giáo dưỡng; trường hợp bệnh lý đặc biệt, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh đang điều trị, chế độ ăn thực hiện theo chế độ ăn bệnh lý của bệnh viện. Trường giáo dưỡng chịu trách nhiệm thực hiện chế độ ăn, ở, sinh hoạt, thăm gặp của học sinh trường giáo dưỡng nằm điều trị nội trú tại bệnh viện.

Chế độ mặc của học sinh trường giáo dưỡng nằm điều trị nội trú tại bệnh viện thực hiện theo quy định của bệnh viện.

- Trường hợp học sinh có biểu hiện mắc bệnh tâm thần thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có văn bản gửi Bệnh viện tâm thần Trung ương theo khu vực, đồng thời, cử cán bộ đưa học sinh đến để giám định tâm thần. Các bệnh viện tâm thần trung ương theo khu vực có trách nhiệm giám định cho học sinh theo đề nghị của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng và có kết luận bằng văn bản gửi Hiệu trưởng trường giáo dưỡng để làm thủ tục theo quy định của pháp luật.

- Thời gian học sinh điều trị bệnh được tính vào thời gian thi hành quyết định. Một ngày điều trị được tính bằng một ngày chấp hành quyết định. Nếu sau khi sức khỏe được phục hồi mà thời hạn chấp hành quyết định còn lại từ sáu tháng trở lên thì học sinh phải tiếp tục chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng. Nếu thời gian còn lại dưới sáu tháng, thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng báo cáo đề nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp xem xét, ra quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho học sinh đó.

- Đối với trường hợp học sinh mắc bệnh hiểm nghèo hoặc phụ nữ có thai thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị xét miễn chấp hành phần thời gian còn lại của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm xem xét và ra quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho học sinh đó.

26. Giải quyết trường hợp học sinh trường giáo dưỡng chết

Điều 135 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định: Trường hợp học sinh chết, Hiệu trưởng phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp tỉnh nơi có học sinh chết để xác định nguyên nhân chết; đồng thời thông báo ngay cho thân nhân của người đó biết.

Sau khi được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cho phép mai táng thì trường giáo dưỡng có trách nhiệm tổ chức mai táng và báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an để thông báo cho Toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Kinh phí cho việc mai táng do ngân sách nhà nước cấp. Trường hợp thân nhân của người chết đề nghị tự tổ chức mai táng và chịu chi phí thì trường giao cho thân nhân của người chết thực hiện. Việc tổ chức mai táng phải bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

27. Chế độ gặp thân nhân, liên lạc, nhận tiền, đồ vật, tài sản của học sinh trường giáo dưỡng

Theo quy định tại Điều 136 Luật thi hành án hình sự năm 2010, trong thời gian chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, học sinh trường giáo dưỡng được gặp gỡ, giữ mối liên hệ thường xuyên với thân nhân để được động viên, chia sẻ từ phía gia đình, giúp cho các em phấn đấu tốt hơn. Theo quy định của pháp luật thì học sinh được gặp thân nhân tại nơi tiếp đón của trường giáo dưỡng và phải chấp hành đúng quy định về thăm gặp.

Tuy nhiên, để giữ cho học sinh trường giáo dưỡng có được môi trường sống và học tập an toàn, lành mạnh, pháp luật quy định chặt chẽ chế độ gửi và nhận quà của học sinh trường giáo dưỡng. Theo đó, học sinh được gửi và nhận thư, nhận quà trừ rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích khác, đồ vật và các loại văn hoá phẩm bị cấm. Trường giáo dưỡng có trách nhiệm kiểm tra thư, quà trước khi học sinh gửi hoặc nhận. Học sinh có tiền hoặc giấy tờ có giá thì phải gửi trường giáo dưỡng để quản lý và sử dụng theo quy định của trường.

28. Chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

Quy định này nhằm khuyến khích, động viên, ghi nhận thành tích của các học sinh có ý thức phấn đấu, tu dưỡng tốt. Theo đó, Điều 137 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định: Học sinh đã chấp hành được một phần hai thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và thực sự tích cực học tập, tu dưỡng và chấp hành tốt nội quy của trường thì Hiệu trưởng đề nghị Toà án nhân dân cấp huyện nơi trường đóng xem xét, quyết định chấm dứt việc chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng trước thời hạn.

Tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định đó cho học sinh, trường giáo dưỡng, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an. Ngay sau khi nhận được quyết định, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải làm thủ tục cho học sinh ra trường.

29. Khen thưởng, xử lý vi phạm

Việc khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với học sinh có thành tích trong học tập và xử lý nghiêm khắc với những học sinh có hành vi vi phạm kỷ luật, nội quy của trường giáo dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, rèn luyện các em. Khen thưởng là để động viên, ghi nhận thành tích học tập, rèn luyện của học sinh, khuyến khích học sinh tiếp tục phấn đấu, vươn lên. Xử lý vi phạm để góp phần xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm kỷ luật, uốn nắn, nhắc nhở, phê bình, ngăn chặn kịp thời các hành vi tiêu cực của học sinh, giúp các em nhìn nhận, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của mình.

Điều 138 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định việc khen thưởng, xử lý vi phạm học sinh trường giáo dưỡng như sau:

* Về khen thưởng:

Học sinh chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy của trường giáo dưỡng, có kết quả học tập đạt từ loại khá trở lên hoặc lập công thì được Hiệu trưởng quyết định khen thưởng bằng các hình thức sau:

- Biểu dương, tặng giấy khen, tặng quà;

- Cho đi tham quan do trường giáo dưỡng tổ chức.

* Về xử lý vi phạm:

Học sinh vi phạm kỷ luật học tập, lao động hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy của trường giáo dưỡng, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà Hiệu trưởng quyết định xử lý bằng một trong các hình thức sau:

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Giáo dục cá biệt tại phòng riêng.

Học sinh bị giáo dục cá biệt phải làm bản kiểm điểm và tự kiểm điểm trước tổ hoặc lớp.

Quyết định khen thưởng hoặc xử lý vi phạm được lưu vào hồ sơ học sinh.

30. Thủ tục cho học sinh trường giáo dưỡng ra trường

Việc cho học sinh trường giáo dưỡng ra trường được thực hiện theo quy định tại Điều 139 Luật thi hành án hình sự năm 2010 như sau:

- Chậm nhất là 01 tháng trước khi học sinh trường giáo dưỡng hết thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, Hiệu trưởng phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú và gia đình họ biết ngày ra trường.

Việc thông báo này là cần thiết, để chính quyền địa phương và gia đình có sự chuẩn bị các điều kiện đón nhận các em về hòa nhập với cộng đồng.

- Vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, Hiệu trưởng phải cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cho học sinh ra trường và gửi giấy chứng nhận này cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú.

- Học sinh khi ra trường phải trả lại đồ dùng được trường cho mượn; được nhận lại tiền, tài sản và đồ vật gửi trường quản lý, các chứng chỉ học văn hoá, học nghề, tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường trở về nơi cư trú.

Trường hợp hết thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng mà học sinh vẫn chưa thực sự tiến bộ thì Hiệu trưởng phải có bản nhận xét riêng và kiến nghị các biện pháp giáo dục tiếp theo gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó về cư trú.

- Đối với học sinh đã chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng mà không rõ cha, mẹ, nơi cư trú thì trường có trách nhiệm liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trường đóng để đề nghị giúp đỡ, sắp xếp chỗ ăn, ở và tạo việc làm, học tập.

- Đối với học sinh dưới 16 tuổi hoặc bị ốm đau, bệnh tật đến ngày được ra trường mà không có thân nhân đến đón, thì trường giáo dưỡng phải cử người đưa về gia đình hoặc giao Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú.

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra trường, học sinh đã chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng phải trình báo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi về cư trú.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần III

PHÁP LUẬT VỀ DÂN SỰ, TỐ TỤNG
DÂN SỰ VÀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

 

I. DÂN SỰ

1. Người chưa thành niên

Tiêu chí để phân biệt người chưa thành niên và người thành niên là ở độ tuổi.

Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 có ghi: “Trong phạm vi Công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em có quy định tuổi thành niên sớm hơn”.

Ở Việt Nam, Điều 18 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”.

Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2005. Người mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định (Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2005). Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình, theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2005). Như vậy, một người nào đó chỉ mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án về việc này.

Y học, tâm lý học, sinh lý học và các ngành khoa học có liên quan đã chứng minh thông thường khi đủ 18 tuổi, con người đã phát triển đến mức độ hoàn chỉnh về trí tuệ và thể chất, là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Người dưới 18 tuổi chưa đạt được sự phát triển hoàn chỉnh này nên chưa được coi là người thành niên.

Việc xác định một người đủ 18 tuổi là người thành niên phải được xác định chính xác. Ví dụ, một cá nhân sinh ngày 15/01/1990 thì 18 năm sau đến ngày 15/01/2008, cá nhân đó mới được coi là người đủ 18 tuổi, là người đã thành niên.

Xác định chính xác độ tuổi của một cá nhân để làm cơ sở xác định cá nhân đó đã thành niên hay chưa thành niên, gắn với việc cá nhân đó có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hay chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương trong các quan hệ xã hội. Vì vậy, họ cần được pháp luật đặc biệt quan tâm bảo vệ. Người chưa thành niên được Nhà nước và xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đ phát triển tốt nhất về thể chất, nhân cách, trở thành người có ích cho xã hội.

2. Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi

Theo Điều 20 Bộ luật dân sự năm 2005 thì năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được quy định như sau:

a) Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi là người có năng lực hành vi dân sự không đầy đủ, thể hiện ở chỗ họ chỉ được pháp luật cho phép xác lập, thực hiện các giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Giao dịch này thường là các giao dịch có giá trị nhỏ, mục đích là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập, vui chơi hàng ngày trong cuộc sống, được người đại diện của họ cho phép thực hiện mà không cần sự đồng ý trực tiếp của người đại diện. Ví dụ như: mua đồ dùng học tập, quần áo, ăn quà, vui chơi...

Trừ các giao dịch nêu trên, các giao dịch do người chưa thành viên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thực hiện chỉ có hiệu lực nếu được người đại diện theo pháp luật của người đó (cha mẹ hoặc người giám hộ) đồng ý. Sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ có thể được thể hiện khi xác lập giao dịch hoặc sau khi giao dịch được hoàn thành (chấp nhận). Như vậy, sự chấp hành có giá trị trở về trước, làm cho giao dịch trở nên có hiệu lực. Hình thức của sự đồng ý của người đại diện đối với giao dịch do người chưa thành niên xác lập phải phù hợp với hình thức giao dịch mà người chưa thành niên đã xác lập. Ví dụ, nếu giao dịch được xác lập bằng lời nói, bằng hành động thì chỉ cần sự đồng ý bằng lời nói, bằng hành động của người đại diện; nếu giao dịch được xác lập bằng văn bản thì sự đồng ý chỉ có giá trị khi thể hiện bằng văn bản.

b) Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Quy định này chủ yếu xuất phát từ thực tế, người từ 15 tuổi có quyền giao kết hợp đồng lao động và có thu nhập riêng hợp pháp, tạo điều kiện cho họ thực sự trở thành chủ thể độc lập trong đời sống kinh tế - xã hội. Cũng cần lưu ý là, trong một số trường hợp pháp luật quy định thì người chưa thành niên dù có tài sản riêng cũng không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để tham gia giao dịch dân sự. Ví dụ như giao dịch mua bán nhà ở, Điều 92 Luật nhà ở năm 2005 quy định bên bán và bên mua trong các giao dịch về nhà ở nếu là cá nhân thì cá nhân đó phải là người có năng lực hành vi dân sự; việc lập di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, khoản 2 Điều 647 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Trong trường hợp giao dịch dân sự do người chưa thành niên xác lập không tuân thủ theo quy định trên thì giao dịch có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của người đại diện của người chưa thành niên (Điều 130 Bộ luật dân sự năm 2005).

3. Nội dung một số quyền nhân thân của người chưa thành niên

“Quyền” được hiểu theo góc độ pháp lý là điều mà pháp luật công nhận cho người có quyền được hưởng, được làm, được đòi hỏi.

Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 24 Bộ luật dân sự năm 2005). Như vậy, quyền nhân thân của mỗi người nhằm vào đối tượng là tất cả những gì thuộc bản thân mình như: họ tên, hình ảnh, sức khỏe, tín ngưỡng... Đặc điểm của quyền nhân thân là không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Quyền nhân thân của cá nhân là một trong những quyền dân sự cơ bản của con người được pháp luật bảo hộ. Tôn trọng và bảo vệ quyền nhân thân được quy định là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự hiện hành của nước ta. Việc tôn trọng quyền nhân thân của người khác là nghĩa vụ của mọi người và cũng là nghĩa vụ của chính người đó. Khi thực hiện quyền nhân thân của mình về nguyên tắc không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.  

Bộ luật dân sự năm 2005 quy định 26 quyền nhân thân của cá nhân (từ Điều 26 đến Điều 51). Sau đây là nội dung một số quyền nhân thân của người chưa thành niên:

3.1. Quyền đối với họ, tên (Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2005)

nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Ngoài họ, tên của mình, cá nhân có quyền có bí danh, bút danh nhưng việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Bí danh là tên dùng thay cho tên thật (tên chính thức) để giữ bí mật. Bút danh là tên riêng dùng để ghi tên tác giả khi sáng tạo ra tác phẩm. Đặc điểm của bí danh, bút danh là mỗi người được tùy ý lựa chọn và không phải đăng ký như tên chính thức. Do đó rất có thể bị lợi dụng để làm thiệt hại đến lợi ích về tinh thần hay vật chất của người khác. Ví dụ: một người có thể tự đặt cho mình bút danh trùng với bút danh hoặc tên thật của một nhà văn nổi tiếng với dụng ý lợi dụng danh tiếng của nhà văn này để làm lợi cho mình... Chính vì vậy, pháp luật quy định việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là để phòng trường hợp nêu trên.

3.2. Quyền thay đổi họ, tên (Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2005)

Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:

- Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

- Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

- Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;

- Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

- Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;

- Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.

3.3. Quyền xác định dân tộc (Điều 28 Bộ luật dân sự năm 2005)

Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ.

Người đã thành niên, cha đẻ và mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong các trường hợp sau đây:

- Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, nếu cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

- Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ trong trường hợp làm con nuôi của người thuộc dân tộc khác mà được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi do không biết cha đẻ, mẹ đẻ là ai.

Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên yêu cầu xác định lại dân tộc cho người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi trở lên thì phải được sự đồng ý của người chưa thành niên đó.

3.4. Quyền được khai sinh (Điều 29 Bộ luật dân sự năm 2005)

Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh.

Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.

Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.

Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.

3.5. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 31 Bộ luật dân sự năm 2005)

Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Hình ảnh của cá nhân có thể là ảnh chụp, ảnh vẽ, ảnh do quay phim về một người cụ thể... Hình ảnh của cá nhân quy định tại Điều này không hàm chứa nghĩa rộng là dáng hình, điệu bộ của cá nhân hoặc là sự hình dung về một người trong trí tưởng tượng, trong tâm tư, tình cảm của người khác.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác (ví dụ: trường hợp cơ quan công an đưa ảnh của can phạm lên báo chí, những nơi công cộng cùng với lệnh truy nã...). Như vậy, mọi hình thức sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó (nếu người đó còn sống) hoặc không được sự đồng ý của thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con...) trong trường hợp người đó đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự đều là vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh.

Nhà nước nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3.6. Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể (Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2005)

Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể.

Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm đưa đến cơ sở y tế; cơ sở y tế không được từ chối việc cứu chữa mà phải tận dụng mọi phương tiện, khả năng hiện có để cứu chữa.

Việc thực hiện phương pháp chữa bệnh mới trên cơ thể một người, việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép bộ phận của cơ thể phải được sự đồng ý của người đó; nếu người đó chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người trên thì phải có quyết định của người đứng đầu cơ sở y tế.

Việc mổ tử thi được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Có sự đồng ý của người quá cố trước khi người đó chết;

- Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ khi không có ý kiến của người quá cố trước khi người đó chết;

- Theo quyết định của tổ chức y tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết (ví dụ nhằm mục đích phát hiện tội phạm...).

3.7. Quyền nhận bộ phận cơ thể người (Điều 35 Bộ luật dân sự năm 2005)

Cá nhân có quyền nhận bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình.

Nghiêm cấm việc nhận, sử dụng bộ phận cơ thể của người khác vì mục đích thương mại.

Như vậy, Bộ luật dân sự năm 2005 chỉ công nhận quyền của cá nhân nhận bộ phận cơ thể người khác vào mục đích duy nhất là mục đích chữa bệnh, không cho phép sử dụng vào mục đích thương mại, kiếm lời từ việc mua bán bộ phận cơ thể người. Bởi điều này là trái với đạo đức xã hội của dân tộc Việt Nam.

Để bảo đảm thực hiện quyền nhân thân của một cá nhân về việc nhận bộ phận cơ thể người, Điều 30 Luật hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định người được ghép mộ, bộ phận cơ thể người phải bảo đảm các điều kiện sau:

- Có chỉ định ghép của cơ sở y tế được ghép mô, bộ phận cơ thể người.

- Có đơn tự nguyện xin ghép. Đối với người dưới mười tám tuổi phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

- Đối với trường hợp ghép bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống phải được sự đồng ý bằng văn bản của Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người.

3.8. Quyền xác định lại giới tính (Điều 36 Bộ luật dân sự năm 2005)

Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính.

Tuy nhiên, pháp luật chỉ thừa nhận quyền xác định lại giới tính trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3.9. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2005) 

Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Danh dự của cá nhân thể hiện sự coi trọng của dư luận xã hội đối với cá nhân đó, dựa trên những giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp. Nhân phẩm của cá nhân là những phẩm chất và giá trị con người của cá nhân đó. Uy tín cá nhân thể hiện sự tín nhiệm và mến phục của cộng đồng hoặc một bộ phận dân cư đối với cá nhân đó.

Mỗi cá nhân đều có quyền được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín. Đồng thời, mỗi cá nhân phải có nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

3.10. Quyền bí mật đời tư (Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2005)

Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Theo Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2005, có thể hiểu bí mật đời tư của một cá nhân là các thông tin, tài liệu nói về những điều thầm kín, riêng tư của cá nhân, mà người đó không muốn tiết lộ cho người khác biết.

Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (ví dụ: cơ quan Công an quyết định thu thập thông tin về đời tư của cá nhân để phục vụ việc điều tra tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội).

Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.11. Quyền kết hôn (Điều 39 Bộ luật dân sự năm 2005)

Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn.

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

- Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên (Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: Nam đang ở tuổi hai mươi, nữ đang ở tuổi mười tám, tức là nam bước sang tuổi hai mươi (không bắt buộc phải từ đủ hai mươi tuổi trở lên), nữ đã bước sang tuổi mười tám (không bắt buộc phải từ đủ mười tám tuổi trở lên) mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về độ tuổi kết hôn).

- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;

- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau đây:

+ Người đang có vợ hoặc có chồng;

+ Người mất năng lực hành vi dân sự: là người mất khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự;

+ Giữa người cùng dòng máu về trực hệ (là giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại); giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (là giữa những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba);

+ Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

+ Giữa những người cùng giới tính.

Việc tự do kết hôn giữa những người thuộc các dân tộc, tôn giáo khác nhau, giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

3.12. Quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình (Điều 41 Bộ luật dân sự năm 2005)

Các thành viên trong gia đình có quyền được hưởng sự chăm sóc, giúp đỡ nhau phù hợp với truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Con, cháu chưa thành niên được hưởng sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà; con, cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ, ông bà.

3.13. Quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con (Điều 43 Bộ luật dân sự năm 2005)  

Người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó.

Ví dụ: trường hợp con ngoài giá thú xin xác định một người là cha mình...

Người được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình không phải là cha, mẹ hoặc là con của người đó.

Ví dụ: X phát hiện mình không phải là con của vợ chồng ông A do bị đánh tráo, X có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận mình không phải là con của vợ chồng ông A.

3.14. Quyền được nhận làm con nuôi (Điều 44 Bộ luật dân sự năm 2005)

Quyền được nhận làm con nuôi của cá nhân được pháp luật công nhận và bảo hộ.

Việc nhận con nuôi và được nhận làm con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật. 

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội. Nhà nước nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.

Người được nhận làm con nuôi phải là người từ mười lăm tuổi trở xuống. Người trên mười lăm tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu, cô đơn.

Một người chỉ có thể làm con nuôi của một người hoặc của cả hai người là vợ chồng.

Cần lưu ý là việc nhận người chưa thành niên, người thành niên mất năng lực hành vi dân sự làm con nuôi phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ đẻ của người đó, nếu cha mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được cha, mẹ thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ. Việc nhận trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Trong trường hợp trẻ bị bỏ rơi được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi đăng ký việc nuôi con nuôi; nếu trẻ em đó đã được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng đăng ký việc nuôi con nuôi.

3.15. Quyền đối với quốc tịch (Điều 45 Bộ luật dân sự năm 2005)

Cá nhân có quyền có quốc tịch. Quốc tịch là một khái niệm dùng để chỉ mối liên hệ pháp lý giữa cá nhân với một nhà nước nhất định. Quyền có quốc tịch là một quyền nhân thân gắn với mỗi cá nhân. Điều 1 Luật quốc tịch Việt Nam có quy định: Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam. Ở nước Cộng hoà xã hội chủ  nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch.

Việc công nhận, thay đổi, nhập quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

3.16. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 46 Bộ luật dân sự năm 2005)

Cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.

Việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý.

Chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người; việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

3.17. Quyền tự do đi lại, tự do cư trú (Điều 48 Bộ luật dân sự năm 2005)

Cá nhân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Quyền tự do đi lại, tự do cư trú của cá nhân chỉ có thể bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

3.18. Quyền lao động (Điều 49 Bộ luật dân sự năm 2005)

Cá nhân có quyền lao động. Theo quy định tại Điều 6 Bộ luật lao động thì người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động.

Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo.

3.19. Quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo (Điều 51 Bộ luật dân sự năm 2005)

Cá nhân có quyền tự do nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khác.

Quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Không ai được cản trở, hạn chế quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo của cá nhân.

4. Nơi cư trú của người chưa thành niên (Điều 53 Bộ luật dân sự năm 2005)

Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định trên thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống.

Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Ví dụ: Cha của A cư trú ở thành phố H, còn mẹ của A cư trú ở tỉnh Q, A ở cùng mẹ và đi học tại một trường THPT của tỉnh Q. Trong trường hợp này, nơi cư trú của A là nơi cư trú của mẹ (tỉnh Q).

Ví dụ: Bố mẹ V cư trú ở tỉnh X, nhưng V đang theo học trường chuyên của thành phố K và sống cùng với bác ruột. Trường hợp này, nơi cư trú của V là nơi cư trú của bác ruột nếu được bố mẹ V đồng ý.

5. Giám hộ cho người chưa thành niên (Điều 58 Bộ luật dân sự năm 2005)

Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

Người được giám hộ bao gồm:

- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu.

- Người mất năng lực hành vi dân sự.

Người chưa đủ mười lăm tuổi và người mất năng lực hành vi dân sự thuộc các trường hợp nêu trên đều phải có người giám hộ.

Một người có thể giám hộ cho nhiều người, nhưng một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp người giám hộ là cha, mẹ hoặc ông, bà theo quy định tại khoản 2 Điều 61 hoặc khoản 3 Điều 62 của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Khoản 2 Điều 61 quy định: trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.

Khoản 3 Điều 62 quy định: trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Ví dụ 1: Ông N có thể làm người giám hộ của bà Q, cháu X và có thể nhiều hơn nữa. Nhưng cháu X chỉ được một người giám hộ (ông N).

Ví dụ 2: Cháu A mất cả cha và mẹ từ lúc 06 tuổi. A có chị gái 10 tuổi. Trong trường hợp này, hai chị em A đều là người chưa thành niên, và người giám hộ của họ được xác định theo thứ tự sau: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; nếu ông bà nội ngoại đã mất hoặc không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì khi đó, người là bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ của A.

6. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên (Điều 61 Bộ luật dân sự năm 2005)

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:

Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thỏa thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ.

Khoản 2 Điều 61 quy định: trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.

7. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi (Điều 65 Bộ luật dân sự năm 2005)

Người giám hộ của người chưa đủ mười lăm tuổi có các nghĩa vụ sau đây:

- Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ.

- Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

- Quản lý tài sản của người được giám hộ.

- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

8. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi (Điều 66 Bộ luật dân sự năm 2005)

Người giám hộ của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có các nghĩa vụ sau đây:

- Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

- Quản lý tài sản của người được giám hộ.

- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

9. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên xác lập, thực hiện (Điều 130 Bộ luật dân sự năm 2005)

Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện.

10. Người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên (Điều 141 Bộ luật dân sự năm 2005)

Người đại diện theo pháp luật bao gồm:

- Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

- Người giám hộ đối với người được giám hộ;

- Người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình;

- Tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác;

- Những người khác theo quy định của pháp luật.

11. Người đại diện theo uỷ quyền là người chưa thành niên (Điều 143 Bộ luật dân sự năm 2005)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 143 Bộ luật dân sự năm 2005 thì người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

12. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân (Điều 606 Bộ luật dân sự năm 2005)

- Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

- Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật dân sự năm 2005.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

13. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm (Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2005)

- Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến khi chết.

- Trong trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau đây:

+ Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;

+ Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.

14. Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý (Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2005)

- Người dưới mười lăm tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

- Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, tổ chức khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

- Trong các trường hợp quy định tại các đoạn trên, nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.

15. Người lập di chúc là người chưa thành niên (Điều 647, khoản 2 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005)

- Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 thì di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

16. Người làm chứng cho việc lập di chúc là người chưa thành niên (Điều 654 Bộ luật dân sự năm 2005)

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

17. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (Điều 66 Bộ luật dân sự năm 2005)

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật dân sự năm 2005:

- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

II. TỐ TỤNG DÂN SỰ VÀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

1. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự là người chưa thành niên

Các thuật ngữ năng lực pháp luật tố tụng dân sự”, năng lực hành vi tố tụng dân sự”, đương sự” được quy định, giải thích tại Điều 57 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Đặc biệt, pháp luật đã quy định năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên, tạo căn cứ không chỉ để xác định năng lực tố tụng dân sự mà còn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự mà đương sự là người chưa thành niên.

Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.

Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

Đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

Đương sự là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Toà án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

Đương sự là cơ quan, tổ chức do người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng.

2. Người làm chứng là người chưa thành niên

Trong vụ án dân sự, người làm chứng là người tham gia tố tụng khác. Theo Điều 65 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án có thể được Toà án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Tuy nhiên, người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.

Người làm chứng có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 66 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004:

- Cung cấp toàn bộ những thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ án.

- Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ án.

- Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.

- Được nghỉ việc trong thời gian Toà án triệu tập hoặc lấy lời khai, nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức.

- Được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu Toà án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng.

- Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do những lời khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác.

- Phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án, nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại phiên toà; trường hợp người làm chứng không đến phiên toà mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên toà.

- Phải cam đoan trước Toà án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ người làm chứng là người chưa thành niên. Người làm chứng khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, từ chối khai báo hoặc khi được Toà án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Người chưa thành niên có thể làm người làm chứng trong vụ án dân sự nếu biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án. Tuy nhiên, người chưa thành niên mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng. Đặc biệt, người làm chứng là người chưa thành niên không phải thực hiện việc cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

3. Lấy lời khai của đương sự là người chưa thành niên

Việc lấy lời khai của đương sự phải tuân thủ quy định tại Điều 86 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Cụ thể như sau:

- Về điều kiện, yêu cầu tiến hành lấy lời khai: Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trong trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Toà án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Toà án, trong trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Toà án.

- Về thủ tục lấy lời khai: Biên bản ghi lời khai của đương sự phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Đương sự có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và đóng dấu của Toà án; nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai. Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Toà án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Uỷ ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản.

Đối với trường hợp đương sự là người chưa thành niên theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 57 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi), việc lấy lời khai phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện hợp pháp của đương sự.

4. Việc lấy lời khai của người làm chứng là người chưa thành niên

Theo quy định tại Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người làm chứng tại trụ sở Toà án hoặc ngoài trụ sở Toà án.

Thủ tục lấy lấy lời khai của người làm chứng được tiến hành như việc lấy lời khai của đương.

Đối với người làm chứng là người chưa thành niên chưa đủ mười tám tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, việc lấy lời khai phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó.

Điểm 3.1 tiểu mục 3 mục IV Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về chứng minh và chứng cứ quy định: Khi đương sự có yêu cầu bằng văn bản lấy lời khai của người làm chứng, thì Toà án tiến hành lấy lời khai của người làm chứng đó. Khi xét thấy cần thiết tuy đương sự không có yêu cầu, Thẩm phán có thể tiến hành lấy lời khai của người làm chứng. Được coi là cần thiếtnếu việc lấy lời khai của người làm chứng bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được toàn diện, chính xác, công minh, đúng pháp luật.

Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người làm chứng tại trụ sở Toà án hoặc ngoài trụ sở Toà án và được thực hiện như việc lấy lời khai của đương sự quy định tại khoản 2 Điều 86 của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại mục 2 Phần IV của Nghị quyết.

5. Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Theo quy định tại Điều 99 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, để tạm thời giải quyết các yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, pháp luật quy định đương sự, người đại diện hợp pháp luật của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Toà án đó.

Toà án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại Điều 119 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.

Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định có các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) sau:

- Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

- Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

- Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.

- Kê biên tài sản đang tranh chấp.

- Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

- Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

- Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác.

- Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.

- Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.

- Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.

- Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định.

Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 99 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được hướng dẫn cụ thể tại mục 1, 2 và 3 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại chương VIII ”các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật tố tụng dân sự. Cụ thể như sau:

* Về quy định tại khoản 1 Điều 99 của Bộ luật tố tụng dân sự (áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự...)

Trong quá trình giải quyết vụ án (kể từ thời điểm Toà án thụ lý vụ án) chỉ có những cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây mới có quyền yêu cầu Toà án áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT quy định tại Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự:

- Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự;

- Cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp do Luật hôn nhân và gia đình quy định;

- Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do Bộ luật lao động và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan quy định.

Chỉ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây, cá nhân, cơ quan, tổ chức được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 mục 1 này mới có quyền yêu cầu Toà án áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT quy định tại Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự:

- Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Toà án giải quyết và cần phải được giải quyết ngay, nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm... của đương sự;

- Để bảo vệ chứng cứ trong trường hợp chứng cứ đang bị tiêu huỷ, có nguy cơ bị tiêu huỷ hoặc sau này khó có thể thu thập được;

- Để bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng hiện có liên quan đến vụ án đang được Toà án giải quyết;

- Để bảo đảm việc thi hành án tức là làm cho chắc chắn các điều kiện để khi bản án, quyết định của Toà án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.

* Về quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật tố tụng dân sự (yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện)

Chỉ khi có đầy đủ các điều kiện sau đây, đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện (đơn khởi kiện phải được làm theo đúng quy định tại Điều 164 của Bộ luật tố tụng dân sự), thì cá nhân, cơ quan, tổ chức mới có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT quy định tại Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự:

- Do tình thế khẩn cấp, tức là cần phải được giải quyết ngay, không chậm trễ;

- Cần phải bảo vệ ngay bằng chứng trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu huỷ, có nguy cơ bị tiêu huỷ hoặc sau này khó có thể thu thập được;

- Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (có thể là hậu quả về vật chất hoặc phi vật chất).

Trong trường hợp đơn khởi kiện đã có các nội dung để xác định việc thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án là thuộc thẩm quyền của mình, nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác, thì Toà án thụ lý giải quyết đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT ngay theo quy định tại khoản 3 Điều 117 của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại mục 6 Nghị quyết này. Việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và thụ lý vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 169 và Điều 171 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT là Toà án có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án theo quy định tại các điều 33, 34, 35 và 36 của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại mục 1 Phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất Những quy định chung của Bộ luật tố tụng dân sự.

* Về quy định tại khoản 3 Điều 99 của Bộ luật tố tụng dân sự (Tòa án tự mình quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời)

Toà án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự trong trường hợp đương sự không có yêu cầu áp dụng BPKCTT.

Toà án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng một BPKCTT cụ thể khi có đầy đủ các điều kiện do Bộ luật tố tụng dân sự quy định đối với BPKCTT đó.

Ví dụ: Toà án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡngquy định tại Điều 104 của Bộ luật tố tụng dân sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng;

- Xét thấy yêu cầu cấp dưỡng đó là có căn cứ;

- Nếu không buộc thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người được cấp dưỡng;

- Đương sự, người thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự chưa có điều kiện thực hiện được quyền yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTT.

Khi tự mình ra quyết định áp dụng một BPKCTT cụ thể, ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại điều luật tương ứng của Bộ luật tố tụng dân sự, Toà án cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan để có quyết định đúng.

Ví dụ: Khi tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại Điều 103 của Bộ luật tố tụng dân sự, Toà án phải căn cứ vào quy định liên quan của Bộ luật dân sự về giám hộ để có quyết định đúng; cụ thể thực hiện như sau:

- Toà án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT này, nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến người chưa thành niên chưa có người giám hộ. Chưa có người giám hộ là trường hợp không có người giám hộ đương nhiên, nhưng những người thân thích của người chưa thành niên chưa cử được ai trong số họ hoặc một người khác làm người giám hộ và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn cùng các tổ chức xã hội tại cơ sở cũng chưa cử được người hoặc tổ chức từ thiện đảm nhận việc giám hộ;

- Trong trường hợp có cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện giám hộ do pháp luật quy định tự nguyện đảm nhận việc giám hộ, thì Toà án ra quyết định áp dụng BPKCTT giao người chưa thành niên cho cá nhân, tổ chức đó trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục;

- Trong trường hợp không có cá nhân, tổ chức nào tự nguyện đảm nhận việc giám hộ, thì Toà án ra quyết định áp dụng BPKCTT giao người chưa thành niên cho một người trong số những người thân thích của người chưa thành niên có đủ điều kiện giám hộ do pháp luật quy định trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Nếu không có người thân thích hoặc không có ai trong số người thân thích có đủ điều kiện giám hộ, thì Toà án ra quyết định áp dụng BPKCTT giao người chưa thành niên cho một người khác có đủ điều kiện giám hộ do pháp luật quy định hoặc một tổ chức từ thiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

6. Quyền khởi kiện vụ án của người chưa thành niên

Theo quy định tại Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Điểm 1 mục 1 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự. Tiểu mục 1 mục I Chương XII về “khởi kiện và thụ lý vụ án” của Bộ luật tố tụng dân sự, hướng dẫn cụ thể quyền khởi kiện của đương sự là người chưa thành niên như sau:

- Đối với cá nhân là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của cá nhân đó. Đồng thời ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

- Đối với cá nhân là người chưa thành niên (trừ trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 này), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật) có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó. Đồng thời ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

- Khi xét thấy có đủ điều kiện để thụ lý vụ án, thì việc xác định tư cách nguyên đơn trong vụ án được thực hiện như sau:

+ Đối với trường hợp người khởi kiện là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình, thì nguyên đơn trong vụ án chính là người khởi kiện;

+ Đối với trường hợp cá nhân là người chưa thành niên (trừ trường hợp nêu trên), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì nguyên đơn là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Do những người này không có năng lực hành vi tố tụng dân sự, nên người đại diện hợp pháp của họ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn tại Toà án.

7. Quyền kháng cáo của đương sự là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên

Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Theo quy định tại tiểu mục 1 mục I Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự thì quyền kháng cáo của đương sự là người chưa thành niên được thực hiện như sau:

- Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình là đương sự trong vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của đương sự có kháng cáo. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, đương sự đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp đương sự không tự mình kháng cáo, thì có thể uỷ quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo, trừ kháng cáo bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm về ly hôn. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền có kháng cáo; họ, tên, địa chỉ của đương sự uỷ quyền kháng cáo và văn bản uỷ quyền. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

- Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên (trừ trường hợp nêu trên), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự uỷ quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo, thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền và văn bản uỷ quyền; họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật của đương sự uỷ quyền; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

- Việc uỷ quyền phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản uỷ quyền đó được lập tại Toà án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc cán bộ Toà án được Chánh án Toà án phân công. Trong văn bản uỷ quyền phải có nội dung đương sự uỷ quyền cho người đại diện theo uỷ quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm.

8. Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục

Việc giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục được áp dụng trong trường hợp vụ án có liên quan đến người chưa thành niên chưa có người giám hộ. Điều 103 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định như vậy nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người chưa thành niên, bảo đảm cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong quá trình giải quyết vụ án có liên quan đến người chưa thành niên.

 

 

 

 

 

  277

 

278

 

 


[1] Hình phạt chính bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Hình phạt bổ sung bao gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính); trục xuất (khi không áp dụng là hình phạt chính) – Điều 28 Bộ luật hình sự.

[2] Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999).

[3] Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều phạm vào tội hiếp dâm trẻ em.

[4] Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều phạm vào tội hiếp dâm trẻ em.

[5] - Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ (Khoản 1 Điều 48 Bộ luật t tụng hình sự);

- Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự  (Khoản 1 Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự);

- Bị cáo là người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử (Khoản 1 Điều 50 Bộ luật tố tụng hình sự).

[6] Các giai đoạn tố tụng hình sự bao gồm: khởi tố vụ án hình sự - điều tra vụ án hình sự - truy tố - xét xử. Khởi tố bị can nằm trong giai đoạn điều tra vụ án. Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can (Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự).   

[7] Khoản 3 Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự còn quy định đối với cả người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

[8] Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật - Điều 307; Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu - Điều 308.

[9] Khoản 3 Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự.

[10] - Điều 80. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam;

- Điều 81. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp;

- Điều 82. Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã;

- Điều 86. Tạm giữ;

- Điều 88.Tạm giam;

- Điều 120. Thời hạn tạm giam để điều tra.

nguon VI OLET