Lê Lợi

 

     Tháng 10 năm Bính Thân, một ngày trung tuần, sông núi, cỏ cây và con người vùng đất Ninh Kiều một phen rậm rập như vào hội.
      Chỉ mới hai ngày trước, nơi đây dòng sông còn đỏ ngầu máu giặc và rải rác trên cánh đồng từ Ninh Kiều vào Cao Bộ giặc nằm phơi xác ngổn ngang. Cuộc đọ sức giữa nghĩa quân Lam Sơn do các tướng Lý Triện, Đỗ Bí, Phạm Văn Xảo, Đinh Lễ, Nguyễn Xí chỉ huy với gần chục vạn quân của tổng binh Vương Thông kéo đến đã xảy ra như trời long đất lỡ. Tên tướng giặc ngông nghênh đem quân từ bên nước sang tưởng như sẽ tiêu diệt được nghĩa quân trong chớp nhoáng. Không ngờ thượng thư giặc Trần Hiệp phải bêu đầu, nội quan Lý Lượng cũng bỏ mạng, còn bản thân Vương Thông thì bị thương. Tên tướng giặc sống sót thu vội tàn binh rút về Đông Quan để lại năm vạn xác quân lính làm phân bón cho ruộng đồng Ninh Kiều Cao Bộ. Còn nghĩa quân Lam Sơn đã gấp gáp đưa tin báo tiệp về Lỗi Giang. Bình Định Vương Lê Lợi với đại quân cùng hai mươi thớt voi, chia hai đường thủy bộ rời căn cứ Lam Sơn thân yêu quen thuộc, tiến đến Lũng Giang gần Ninh Kiều giữa lúc tiếng reo mừng của những người chiến thắng còn chưa tắt.
      Thời tiết tháng Mười lạnh lẽo. Những cánh đồng lúa vừa mới gặt xong còn lô nhô chân rạ màu xam xám. Đó đây khắp xóm làng thơm thơm mùi lúa mới. Năm nay được mùa. Thóc lúa chưa kịp gặt ráo đồng thì giải đất này đã gặt thu một mùa chiến thắng. Giờ đây trên đất vùng Ninh Kiều đang có mặt Bình Định Vương Lê Lợi và hầu như toàn bộ đầu não của nghĩa quân Lam Sơn. Cả nước Đại Việt đang hướng về Ninh Kiều theo dõi từng bước chân đi của Lê Lợi. Khắp vùng kế cận, mới thoáng nghe tin Bình Định Vương hành quân ra Bắc, đã hồ hởi bảo nhau tải lương thực cùng từng đoàn trai tráng đổ về Ninh Kiều như nước chảy. Còn trong thành Đông Quan, sào huyệt của giặc cách đây chưa đầy Ba mươi dặm đường, Vương Thông cùng bè lũ giặc cướp cũng đang nghĩ về Ninh Kiều mà giật mình thon thót.
      Khi mặt trời tháng Mười vàng chói vừa chênh chếch xế chiều, Bình Định Vương Lê Lợi đi thị sát chiến trường đã về đến bản doanh. Mấy ngày trước đây, ngôi đình ngói năm gian dựa lưng vào núi, lọt vào giữa chòm xóm thân yêu còn là nơi gặp gỡ của tướng lĩnh bàn kế diệt giặc trên cánh đồng Cao Bộ. Giờ đây, cũng ngôi đình này, Bình Định Vương chọn làm nơi dồn trú. Ngồi quây quần trên hàng sập gỗ kê ở gian giữa, các tướng lĩnh chờ đợi lệnh của Bình Định Vương. Cảnh chụm đầu kề vai cùng bàn mưu liệu kế đối phó với giặc Minh đã diễn ra không biết bao nhiêu lần kể từ ngày đội nghĩa quân còn trong trứng nước, phải ẩn náu nơi núi rừng Lam Sơn. Thế mà đã Mười năm rồi, từ sau hội thề ở Lũng Nhai vào năm Bính Thân (1416), tám năm, từ khi Lê Lợi xưng vương phất cờ khởi nghĩa ở đất Lam Sơn. Từ bấy đến nay, khắp vùng rừng núi đất Thanh trùng điệp, rồi Nghệ An hiểm trở mênh mông, gót chân tướng lĩnh cùng quân sĩ đã mòn và mái tóc của Bình Định Vương đã lốm đốm bạc. Trong cuộc đọ sức với giặc, khi phá tan thành giặc, lúc phục binh giết giặc bất ngờ, hoặc bị vây khốn chí nguy, con người đang đứng trước mặt các tướng lĩnh vẫn thản nhiên, vững chải như ban thạch. Khó mà bắt gặp một niềm vui toát ra vội vàng trên khuôn mặt vuông vắn, có đường nét hơi thô và cặp môi dày viền những đường viền rõ nét ấy. Trong nguy hiểm gian lao không hề thấy một biểu hiện lo âu hiện ra trên vầng trán phẳng lì và cặp mắt tròn lúc nào cũng rực sáng. Bình Định Vương suy nghĩ gì trên đất Ninh Kiều và lệnh của Người ra sao? Không ai dự đoán được.
      Từ buổi có mặt ở Ninh Kiều, Lê Lợi đã ân cần hỏi han quân sĩ, chăm chú lắng nghe tỉ mỉ mọi điều về tình hình quân dân và chiến sự trên đất Bắc. Người đi thị sát chiến trường mà không hề phán bảo ngoài những lời ngợi khen về chiến thắng Ninh Kiều, Cao Bộ.
      Có lẽ đây là lần đầu tiên những người cầm đầu nghĩa quân Lam Sơn họp bàn chuyện diệt giặc ngay bên cạnh hang ổ chính của giặc. Trong tâm tư của mọi người, ai nấy đều nghĩ về Đông Quan. Lý Triện, Đỗ Bí, Phạm Văn Xảo, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, những người vừa diệt giặc ở Cao Bộ đuổi Vương Thông đến sát chân thành Đông Quan, chờ đợi ở Bình Định Vương lệnh san phẳng sào huyệt của giặc. Nếu như trong trận đánh vừa qua có thêm một lực lượng mạnh chặn đường rút của giặc, thì Tổng binh Vương Thông khó thoát. Biết đâu, giờ đây các tướng lĩnh lại chẳng gặp gỡ nhau trong thành Đông Quan. Vừa qua cuộc đọ sức với Vương Thông, các tướng lĩnh ở đây nhìn Đông Quan như quả chín, một cơn gió nhẹ cũng đủ làm cho rơi rụng. Chỉ có Nguyễn Trãi vị vâng thần luôn có mặt cạnh Bình Định Vương, chuyên trách việc thư từ qua lại với giặc thì hiểu thành Đông Quan hơi khác. Trong suy nghĩ của Nguyễn Trãi, thành Đông Quan không phải chỉ có mặt viên bại tướng Vương Thông và số quân sĩ sống sót chạy về. Ở đó còn có lực lượng của Trần Trí cố thủ từ trước, lại thêm Phương Chính, Lý An từ Nhgệ An kéo về. Hàng nửa chục vạn quân chụm nhau trong một tòa thành kiên cố, hạ được không phải dễ. Ngồi cạnh các võ tướng, Nguyễn Trãi vẫn nghĩ đến việc đánh vào lòng người mà ông đã đề ra từ ngày dâng "Bình Ngô sách" cho chúa Lam Sơn hơn mười năm về trước. Dù sao, mọi người vẫn tin chắc rằng Bình Định Vương đem quân ra Bắc lần này là nhằm vào thành Đông Quan...
      Quả vậy, Lê Lợi đang nghĩ đến thành Đông Quan. Không phải bây giờ, mà hai tháng trước đây, khi vây hãm thành Nghệ An, phái ba đạo quân ra Bắc, Lê Lợi đã nghĩ đến Đông Quan. Trong con mắt của người cầm đầu nghĩa quân Lam Sơn, Thành Đông Quan không chỉ là một sào huyệt quan trọng hàng loạt hang ổ giặc cắm rải rác nhiều nơi trên đất Đại Việt, mà còn là đầu mối liên lạc với nước Minh qua hàng loạt thành trì trên con đường lên ải Bắc. Đọ sức với Đông Quan là đương đầu với Tuyên Đức và bè lũ quần thần đang ngự trị ở Yên Kinh.
      Hơn tám năm quần nhau với giặc, cho đến nay Bình Định Vương Lê Lợi đã thấy rõ ngày toàn thắng đã tới gần. Nhưng từ nay tới ngày ấy còn biết bao nhiêu khó khăn nguy hiểm không thể lường hết được. Việc hành quân ra Bắc lần này của Bình Định Vương chỉ là đi thêm một nước trong thế cờ đã sắp sẵn để đi vào kết thúc. Sau mấy ngày đêm xem xét, suy nghĩ đắn đo, giờ đây Bình Định Vương hạ quyết tâm trước tướng lĩnh:
      - Đánh Đông Quan!
      Giọng nói của Bình Định Vương truyền ra ngắn gọn như một phát súng lệnh. Một thoáng im lặng trấn ngự năm gian đình. Tư Không Đinh Lễ, vị tướng cao tuổi vừa lập công trong trận Tốt Động, thay mặt cho mọi người, chắp tay đáp lệnh:
    - Tâu Vương thượng! Lũ chúng tôi vẫn mong được lệnh san phẳng thành Đông Quan để trả thù cho trăm họ.
      Bình Định Vương Lê Lợi gật đầu, nhìn khắp lượt. Tiếp lời Đinh Lễ, một vị tướng trẻ có dáng người vạm vỡ đứng dậy, đến trước mặt Bình Định Vương, vòng tay cất vọng sôi nổi:
      - Muôn tâu! Vương Thông sống sót, hắn cố thủ Đông Quan với một nhúm tàn binh, chỉ chờ ngày nộp mạng. Sau trận đại bại vừa qua, hắn sợ khiếp vía. Nay được Vương thượng đem quân ra đây, số phận chúng như cá nằm trong thớt. Quân sĩ vẫn mong đợi lệnh hạ thành Đông Quan để được dịp đua sức lập công.
      Lê Lợi xốc lại tấm da hổ trùm trên đôi vai to rộng, đưa mắt nhìn về phía thành Đông Quan. Bên ngoài, nắng hanh ấm áp. Từng cơn gió bấc thổi lọt vào năm gian đình lành lạnh. Bằng một cử chỉ thân thương quen thuộc như những ngày nằm gai nếm mật nơi núi rừng, Bình Định Vương bước lại gần, đặt tay lên vị tướng trẻ. Vẻ hồ hởi hiện ra trong ánh mắt làm cho nét mặt của Lê Lợi bình thường có vẻ già hơn cái tuổi ngoài Bốn mươi của Người giờ đây như trẻ hẳn lại. Đập nhẹ tay lên vai Nguyễn Xí, Lêâ Lợi cười nói với tướng lĩnh:
      - Thành Đông Quan hiện nay có bao nhiêu quân, lương thảo nhiều hay ít? Vương Thông, Trần Trí, Phương Chính, Lý An chia nhau cố thủ ra sao? Các người có rõ không? Binh pháp vẫn dạy: Biết mình, biết người, trăm đánh trăm thắng. Phen này ta cùng các người sẽ tính chuyện với Đông Quan. Nhưng không phải vì thế mà quên điều binh pháp đã dạy.
      Nói đến đây Lê Lợi nhìn Nguyễn Trãi, con người từ đâu vẫn im lặng ngồi thu mình trong tấm áo kép bông, chăm chú lắng nghe lời bàn của tướng lĩnh. Ông vội chắp tay ngang ngực, ngước nhìn Bình Định Vương bằng đôi mắt khâm phục của người cận thần tâm phúc. Nguyễn Trãi dè dặt đáp lời:
      - Dạ!

      Khắp vùng đất Bắc và cả thành Đông Quan nữa, Nguyễn Trãi đã từng đặt chân tới. Sau nhiều năm bị giặc đóng chiếm hẳn có nhiều thay đổi. Nhưng địa thế và con người Đại Việt thì trước sau vẫn là một. Nguyễn Trãi muốn tâu bày nhiều, nhưng ông tự thấy phải dè dặt trước các tướng lĩnh vừa lập công lớn mà thâm tâm ông vô cùng kính phục. Vả lại, qua lời nói của Bình Định Vương, Nguyễn Trãi đã sớm nhận ra nước cờ hạ thành Đông Quan của Lê Lợi. Ông cảm thấy yên tâm.
      Sau một lát đắn đo, Lê Lợi nói với mọi người:
      - Ninh Kiều cũng không xa Đông Quan lắm nhưng đò sông cách trở, khó khăn trong việc theo dõi mọi động tĩnh của giặc. Đây chỉ là đất trú quân lợi hại khi lực của chúng ta còn nhỏ yếu. Bây giờ thế và lực của ta đã khác.Giặc trốn tránh ta, còn ta thì truy lùng tìm diệt chúng. Ta muốn dời bản doanh về sát phía Nam Đông Quan rồi hãy bàn kế hạ thành giặc, các người tính sao?
      Nguyễn Trãi lặng yên, giấu niềm khâm phục đến ngạc nhiên của mình trước việc chuẩn bị hạ nước cờ thế của Bình Định Vương Lê Lợi. Còn các tướng lĩnh từ người cao tuổi như Đinh Lễ cho đến người trai trẻ như Nguyễn Xí đều lấy làm vui mừng được đem quân tiến đến gần hang ổ giặc.
      Sau ít ngày chuẩn bị, vào một hôm giữa ngày nắng ráo, Bình Định Vương Lê Lợi truyền lệnh chuyển quân. Trên các ngả đường từ Ninh Kiều về Tây Phù Liệt, quân sĩ trẩy đi rầm rập. Voi chiến lừng lững tải lương thực, khí giới lướt trên đường. Tiếng đồn Bình Định Vương Lê Lợi chuyển đại quân về sát Đông Quan lan đi khắp nơi. Các vùng phụ cận vui như mở hội. Còn trong thành Đông Quan, bè lũ Vương Thông nghe tin, lại sửng sốt bàng hoàng...
      Đêm đã khuya, đô đốc Phương Chính còn trằn trọc không sao ngủ được trong căn lầu ở gần cửa Nam thành Đông Quan. Cuộc họp bàn của các tướng lĩnh có làm cho Phương Chính yên tâm hơn. Nhưng cuộc đời cầm quân của hắn đã từng gặp bao chuyện bất ngờ. Trận đại bại của Tổng binh Vương Thông vừa qua ở Cao Bộ chẳng là một chuyện bất ngờ đó sao? Năm vạn viên binh của quan Tổng binh từ biên giới tràn sang chưa được một tháng trời đã nếm mùi bại trận. Bản thân Phương Chính thoát khỏi vòng dây ở Nghệ An cùng Lý An vội rút về cứu nguy cho Đông Quan đã được gần một tháng mà tình hình càng thêm nguy khốn. Lê Lợi mới phái ba cánh quân ra Bắc mà quân Minh đã bị đại bạiở cánh Đông Quan trên dưới 30 dặm đường. Giờ đây, chính Lê Lợi đem đại quân ra Bắc chốt ở gần Ninh Kiều, Đông Quan sẽ ra sao? Lê Lợi sẽ đánh Đông Quan. Điều đó các tướng lĩnh đã thấy trước. Nhưng Lê Lợi đánh ra sao và bây giờ sẽ tiến đánh? Bàn luận đến nát đầu, mà tình thế vẫn cứ bí, tuy nhiên Phương Chính cũng thấy rằng Lê Lợi có đem tới mười vạn quân vẫn không đương đầu nổi với Đông Quan. Ấy là chưa kể triều đình sẽ không thể để cho Đông Quan bị mất về tay quân Đại Việt. Tin tức thu lượm cho biết, cách đây mười hôm Lê Lợi đem quân ra đóng ở Lũng Giang, gần Ninh Kiều và mới ngày hôm qua lại chuyển quân doanh về Tây Phù Liệt. Việc chuyển quân tuy đường gần cũng phải mất mấy ngày, như vậy Lê Lợi có mưu tính tấn công Đông Quan cũng ít ra vào khoảng cuối tháng. Còn nhiều ngày để lo phòng bị và cấp báo về triều đình. Trong kế sách canh giữ, Phương Chính phải đem một vạn quân trấn vùng ngoại vi Đông Quan. Giờ đây nằm trong lầu tướng sát cửa Nam thành Đông Quan, Phương Chíng nghe rõ mồn một từ tiếng trống cầm canh của tiền quân đống dọc theo thành Đại La dội về. Hắn không thể ngủ được, bình tĩnh khoác áo giáp, cắp thành trường kiếm rồi nhảy lên lưng ngựa xông ra ngoài thành. Phương Chính thúc bộ tướng lao về chân thành Đại La cùng toán dũng sĩ hộ vệ. Vừa vượt qua khỏi thành Đông Quan, một vòng đai khói lửa cùng tiếng reo hò như sấm dậy làm cho Phương Chính giật mình: "Cả bốn mặt Đông Quan đều có giặc". Tên tướng giặc điều một đội quân tinh nhuệ tiến về chặn các cửa ô phía thành Đại La.
      Trong lúc bên ngooài thành, chiến trận mỗi lúc một lan rộng thì trong thành, Tổng binh Vương Thông cùng với Mã Kỳ, Sơn Thọ, Lý An, Mã Anh... Chia nhau chặn giữ các cửa sẵn sàng kéo quân ra ngoài thành tiếp chiến. Đô đốc Phương Chính chưa đến được chân thành Đại La thì tiền quân của hắn đã vội vã chạy về. Tên tướng giặc gầm thét giận dữ. Thanh gươm trong tay Phương Chính vung lên, hàng loạt quân lính bỏ ngũ rơi đầu. Nhưng quân lính vẫn đổ về như nước lũ. Những tiếng kêu thất thanh, hoãng sợ đập vào tai Phương Chính:
      - Voi chiến!Voi chiến!
      - Bình Định Vương Lê Lợi đang xông vào Đông Quan!
      Phương Chính không tin, thúc ngựa xéo lên quân sĩ mà xông tới. Nhưng rồi chính mắt tên tướng giặc trông thấy đàn voi chiến lướt ào ào trong ánh lửa. Và ngọn cờ Bình Định Vương thấp thoáng dẫn đầu đại quân đang hò reo, chia đường xô tới. Biết thế không chống cự nổi, Phương Chính truyền lệnh quay ngựa rút vào thành Đông Quan. Cả bốn cổng thành, quân lính xô nhau chạy vào mỗi lúc một đông, rồi hầu như bị tắc nghẽn.
      Trong khói lửa rực trời, Trần Nguyên Hãn từ bến Đông Bộ Đầu đánh thốùc về cửa Đông. Tư Không Đinh Lễ vượt sông Tô Lịch, đốt phá hết đồn trại bên mặt tây đã xông về cửa Đại Hưng gặp đại quân của Bình Định Vương Lê Lợi. Khi hai cánh lim nặng nề của cửa Đại Hưng hối hả đóng ập lại, Bình Định Vương Lê Lợi truyền cho quân sĩ san phẳng hết mọi đồn trại ở ngoại vi Đông Quan, chia nhau chặn giữ các mặt.
      Trời đã sáng, bên ngoài thành Đông Quan xác giặc nằm ngổn ngang. Sào huyệt giặc ngập chìm trong vòng đai khói lửa. Bốn cổng thành đóng im ỉm. Trên mặt trường thành, quân tuần tiễu của giặc thập thò, hoảng hốt nhìn ra ngoài. Từng loạt tên bắn ra vu vơ.
      Khi ánh nắng đỏ hoe của một ngày tháng Mười đẹp trời lọc qua màng sương giá, rọi xuống khắp nơi thì Bình Định Vương Lê Lợi truyền cho Trần Nguyên Hãn và Đinh Lễ:
      - Bằng một trận tấn công bất ngờ ta đã chiếm được ngoại vi thành Đông Quan, dồn tướng giặc phải chui vào thành cố thủ. Các người chia quân giữ chặt, không cho một tên giặc lọt ra ngoài. Đã đến lúc chúng ta vây hãm Đông Quan rồi đó!
      "Tổng binh Vương Thông xin giảng hòa!". Tin vui lan truyền nhanh trong quân sĩ. Ai nấy bàn tán xì xào: "Bình Định Vương có chấp thuận không? Hòa hay chiến không ai rõ, chỉ biết lệnh từ Đông Phù Liệt vẫn truyền ra: Giữ chặt vòng vây! Bất luận lúc nào giặc từ Đông Quan nống ra phải diệt bằng hết. Ai trái lệnh bị chém đầu trước hàng quân!". Đồn đại là một chuyện, còn lệnh vẫn là lệnh. Chả thế mà mới tờ mờ sáng hôm nay, một tốp giặc giả là dân thường thừa lúc sương giá mù mịt trốn ra ngoài thành cắt cỏ ngựa đã lập tức bị tóm giữ. Còn ở mạn cửa Bắc thành Đông Quan, đêm qua, ba tên giặc lẻn ra ngoài bờ sông vừa mới xuống thuyền trốn về đất Bắc đã bị giết, chết chìm trong dòng sông giá lạnh. Trong khi đó quân sĩ vẫn được lệnh dồn về vây bọc Dông Quan tầng tầng, lớp lớp. Và Bình Định Vương, vào lúc quân sĩ xôn xao nhất, lại đang có mặt ở phía Nam Đông Quan để kiểm soát, đôn đốc việc hãm thành.
      Từ mạn cầu Tây Dương đi lại, Bình Định Vương và đoàn vệ sĩ dọc theo con đường mòn bên ngoài thành Đại La đang trở về vùng Mi Động. Ngồi trên lưng ngựa nhìn về dãy thành đất nhiều chỗ bị sạt lỡ, Bình Định Vương cảm thấy tự hào vì đội ngũ quân sĩ do chính mình gây dựng nên. Mới ngày nào đó, còn là một nhóm người ít ỏi, lẩn tránh nơi rừng núi mà ngày nay họ đã trưởng thành, tiến thẳng về Đông Quan vây hãm giặc. Một tháng trước, nơi đây còn là chỗ đồn trú của giặc Minh do Đô Đốc Phương Chính điều khiển, người dân ngoại vi thành Đông Quan còn phải chịu đựng bao nhiêu tai họa do giặc gây ra hàng ngày. Giờ đây, ngoại vi Đông Quan là đất là người của ta cả.
      Thấy bóng Bình Định Vương đi tuần, tư trong đồn trại hai bên đường, quân sĩ nhao ra chào đón. Từng quãng, đoàn ngựa chiến phải dừng lại. Bình Định Vương mỉm cười vẫy tay chào mọi người. Cho đến gần cửa ngõ phía Nam, quân sĩ đồn trú ở đây kéo nhau ra đứng đón chật đường. Bình Định Vương phải xuống ngựa rẽ đám đông tìm vào bản doanh của Tư Không Đinh Lễ đóng trong vùng Mi Động. Vừa đặt chân đến đường ngoặt, Bình Định Vương Lê Lợi phải dừng lại. Trước mặt Lê Lợi, một người lính già ngoài năm mươi tuổi đã chấp tay đứng đón đường. Khi khuôn mặt xương xương rám nắng của người lính ngẩn lên, Lê Lợi thoáng nhìn thấy một vết sẹo dài hằn bên má. Rồi một câu hỏi đột ngột, gần như xấc xượt, thốt ra từ cửa miệng người lính:
      Thưa Đại vương, có phải Vương Thông xin giảng hòa?

      Câu hỏi đột ngột của người lính già làm cho Bình Định Vương phân vân khó nghĩ. Quả thật Vương Thông bị vây khốn đến lương cạn thế cùng, hắn đã phái người đến Đông Phù Liệt xin giảng hòa. Điều đó cũng không lấy gì làm lạ. Đối phó với lũ giặc tàn bạo tráo trở ra sao, còn phải cân nhắc kỹ. Dầu sao, ở đây, trước đông đảo quân lính, Bình Định Vương không muốn giấu sự thật đó. Lê Lợi đưa tay lắc mạnh đôi vai người lính:
      - Đúng! Vương Thông bị các người vây khốn, hắn xin giảng hòa. Ngươi thấy sao?
      Bình Định Vương vừa dứt lời, người lính già lùi lại một bước, vung mạnh tay vẻ giận dữ hiện ra trong ánh mắt đỏ ngầu. Người lính lớn tiếng quát:
- Sao lại hòa? Ta sống thì lũ chúng phải chết, chỉ có thế thôi. Phải giết hết, không để sót một mống mới hả dạ!
      Như nhận ra mình có điều không phải lễ, người lính già bước lại gần Bình Định Vương chắp tay, cuối đầu nói ôn tồn:
      - Muôn tâu Đại Vương! Gần mười năm cắp giáo theo Đại Vương, chính mắt tôi đã thấy không biết bao nhiêu chiến hữu bị ngã gục vì quân giặc bạo tàn, còn cha mẹ, vợ con tôi thì... Ngừng lại một lát người lính già hạ giọng: Tôi hằng mong còn sống được đến ngày giết hết lũ chúng, trả thù cho người đã khuất, xin Đại Vương tha lỗi.
      Nhìn thẳng vào đôi mắt đỏ hoe của người đang đứng trước mặt, Bình Định Vương cầm tay người lính:
      - Không! Không! Người không có lỗi. Hãy theo ta cùng quân sĩ vây chặt thành Đông Quan!
      Bình Định Vương tìm đường vào bản doanh quan Tư Không Đinh Lễ. Người lính già đã làm sống lại trong tâm tư Bình Định Vương những hình ảnh đau thương, thù hận của những ngày qua...
      Ngày ấy Bình Định Vương nhớ rất rõ, chưa được mười ngày, sau khi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, 16-1 năm Mậu Tuất (1418), giặc Minh cho mấy tên phản bội dẫn đường ập đến Lạc Thủy gây cho nghĩa quân tổn thất nặng nề. Vợ con, thân thuộc của Lê Lợi và những người ứng nghĩa đều bị giặc lùng bắt, giết hại. Cho đến nắm xương tàn của thân sinh Lê Lợi đã nằm yên dưới mồ cũng bị chúng quật lên. Đau thương, mất mát chỉ mài thêm sắt chí căm thù. Từ bấy đến nay Bình Định Vương cùng quân sĩ không quản thân mình, chịu đựng muôn vàn hy sinh gian khổ, quyết một lòng đền nợ nước trả thù nhà. Trong số những người có mặt ở Lam Sơn ngày ấy, đến nay còn được bao nhiêu? Người lính già kia hẳn là một nghĩa quân kì cựu từ những ngày mới nhóm họp.
      Bước vào bản doanh quan Tư Không Đinh Lễ là hình ảnh người lính già vẫn còn đọng lại trong trí Bình Định Vương.
      Ngôi đình Đông Phù Liệt dựng trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng. Mấy cây đa cổ thụ trước sân xòe cánh rộng phủ trùm kín nửa mái đình. Liền sau hôm tấn công vây hãm thành Đông Quan, Bình Định Vương chọn nơi đây làm bản doanh. Từ bấy, ngôi đình trở nơi uy nghiêm hơn, mang thêm dáng vẻ của một tòa hoàng cung. Từ ngày dấy quân đến nay, đây là lần đầu tiên Bình Định Vương cho sắp dặt một đại bản doanh khang trang đến nhu thế. Trên nóc Tam Quan ngọn cờ đại thêu ba chữ "Bình Định Vương" treo cao, nổi bật trên nền lá cây màu xanh thẫm. Đội quân túc vệ ngày đêm tuần tiễu canh giữ. Các vệ quân chia nhau dựng đồn trại san sát, chiếm một vùng rộng lớn xung quanh ngôi đình. Chiếc sân lát đá thênh thang, quanh năm rêu phủ, giờ đây đã nhẵn bóng vì bước chân người qua lại rầm rập. Năm gian đình làm nơi hội họp tướng lĩnh, tiếp đón quân dân từ các đạo về yết kiến Bình Định Vương bên trong chính tẩm được sửa sang lại làm nơi nghỉ và họp bàn việc cơ mật. Hai bên giải vũ là nơi ở của quân túc vệ và trú ngụ của tướng lĩnh mỗi khi về bản doanh họp bàn kế sách. Trong số các tướng lĩnh văn võ có Nguyễn Trãi được Bình Định Vương cho ở luôn trong đại bản doanh.

      Bằng vào dáng vẻ bên ngoài, ngôi đình Đông Phù Liệt quả là hoàng cung của vua nước Đại Việt. Nhưng bên trong, từ cách ăn ở, phục sức của tướng lĩnh và Bình Định Vương cho đến việc tiếp xúc hằèng ngày, nơi đây vẫn còn giữ nê nếp, phong độ một bộ phận đầu não của doàn quân khởi nghĩa. Ở đây hàng ngày không có buổi chầu, không có triều hội, mà chỉ những hồi trống bất thường báo hiệu tướng lĩnh đến gặp mặt, họp bàn kế sách chống giặc và những cuộc tiếp khách như thường lệ của Bình Định Vương.
      Từ sau khi vây hãm được thành Đông Quan, vùng đất Bắc rộng lớn gần như hoàn toàn thoáùt khỏi ách cai trị của giặc. Hào kiệt các nơi đua nhau nổi dậy cầm đầu các phủ lộ theo về với Bình Định Vương ứng nghĩa. Và theo đó, dân chúng khắp nơi điều hướng về Đông Phù Liệt, đợi lệnh của Bình Định Vương. Trước khi Bình Định Vương chỉ lo việc chống giặc, thì giờ đây, sau nước cờ vây hãm Đông Quan, Bình Định Vương còn phải lo cai quản đất nước.Việc lập các bộ, sảnh, viện, chọn người canh giữ và cắt đặt người cai quản các phủ lộ thật là bề bộn. Nhưng quan trọng và cấp thiết hơn, vẫn là việc quét sạch lũ giặc nước. Bị giam hãm ở Đông Quan, bè lũ Vương Thông sớm muộn rồi cũng bị tiêu diệt. Nhưng Vương Thông cũng chỉ là tay chân, đầu não của chúng lại trấn trị ở kinh đô phương Bắc. Vương Thông gặp thế cùng lực kiệt, Tuyên Đức sẽ cấp viện binh; Vương Thông bị giết có thể là có tên khác sang thay. Cuộc đọ sức càng đến gần ngày kết thúc càng không đơn giản và quyết liệt.
      Tại bản doanh Đông Phù Liệt, Bình Định Vương Lê Lợi cùng mưu thần Nguyễn Trãi đã ngồi bên nhau qua nhiều đêm trắng vào mùa đông năm Bính Ngọ để tính chuyện với thành Đông Quan: Vây hãm vàgọi hàng.
      Thành Đông Quan bị khốn quẫn, ngột ngạt trong vòng vây trùng điệp. Vương Thông ra quân trận nào bị tiêu diệt trận ấy nhưng vẫn chưa chịu hàng. Tên Tổng binh giặc bám lấy tờ chiếu của Minh Thành tổ trước đây nói tìm lập con cháu nhà Trần lên làm vua rồi sẽ bãi binh. Bình Định Vương bàn với Nguyễn Trãi tìm Trần Cảo lập lên làm vua, đặt niên hiệu Thiệu Khánh dồn Vương Thông vào thế phải bãi binh. Tướng giặc quỷ quyệt không bãi binh mà lại sai sứ giả là Nguyễn Nhậm mang thư đến Đông Phù Liệt xin giảng hòa. Tin đó lan truyền trong quân sĩ và đang làm cho Bình Định Vương Lê Lợi phải đau đầu.
      Nghe nói giặc xin giảng hòa, tướng lĩnh và quân sĩ nhiều người nỗi giận. Hình ảnh người lính già ở chân thành Đại La hôm nọ còn in đậm nét trong tâm trí Bình Định Vương.
      Lê Lợi vẫõn nghĩ rằng: "Hòa hay hàng, nói thế nào cũng được, miễn là giặc phải rút hết quân, trả non sông Đại Việt lại cho người Đại Việt. Dân Đại Việt không phải làm nô lệ cho ngoại ban". Chẳng phải đến bây giơ, ø mà ngay từ khi dấy quân, Bình Định Vương đã từng bảo với mọi người "Ta sở dĩ cất quân đánh giặc, không phải là có lòng tham phú quý, chỉ là muốn cho người ngàn năm về sau biết ta không chịu làm tôi cho giặc tàn ngược thôi".

      Đã khuya, đêm mùa đông càng thêm tĩnh mịch. Tại bản doanh Đông Phù Liệt, Lê Lợi tìm đến thư phòng của Nguyễn Trãi còn le lói ánh đèn. Trao tờ thư xin giảng hòa của Vương Thông cho người cận thần thân tín và mưu lược đang ngồi bên án thư, Lê Lợi phán bảo:
      - Ta đã suy nghĩ kỹ, "Lời nói ấy cố nhiên hợp ý ta. Vả lại binh pháp nói không phải đánh mà khuất phục được quân của người là kế hơn cả".
      Nguyễn Trãi kính cẩn dâng lá thư gửi thành Đông Quan vừa soạn thảo xong đáp lời:
      - Tâu Vương thượng! Bấy lâu nay được Vương thượng giao cho việc soạn thảo thư từ gọi hàng giặc, thần vẫn mong có ngày quét sạch lũ chúng. Nay Vương Thông dâng thư xin rút quân về nước, thì còn gì bằng.
      Bình Định Vương Lê Lợi gật đầu tỏ ý hài lòng với lời bàng hợp ý của Nguyễn Trãi. Một lát lặng yên, Bình Định Vương nói tiếp:
      - Nhưng bạo ngược, tráo trở là thói quen của giặc. Nay bè lũ Vương Thông bề ngoài nói xin giảng hòa, mà trong bụng vẫn ngầm đợi viện binh. Ngươi tính sao?
      - Vâng, điều đó có thể đúng như dự đoán của Vương thượng. Thần vẫn nghĩ nếu Vương Thông thực tâm rút quân về nước được thuận tiện. Nếu chúng tráo trở, tâu Vương thượng, vòng vây Đông Quan còn đó, xin Vương thượng cứ yên lòng.
      Suốt đêm hôm ấy, Bình Định Vương Lê Lợi và mưu thần Nguyễn Trãi ngồi bên nhau bàn kế sách chấp nhận chuyện "Giảng hòa". Ngoài sân đại bản doanh Đông Phù Liệt, mưa phùn càng về khuya càng dày hạt. Gió bấc từng cơn rào rào. Tiếng trống cầm canh chốc chốc lại vang lên trong đêm đông lạnh lẽo.
      Những ngày cuối năm Bính Ngọ đối với Tổng binh Vương Thông thật là nặng nề bi thảm. Nhưng dầu sao những ngày ấy vẫn trôi qua, và tết Đinh Mùi rồi sẽ đến. Hoàng cung của các vua Lý, Trần lộng lẫy, uy nghi là thế, giờ đây bị chiếm làm tổng hành dinh, cũng không làm cho Vương Thông mảy may vui thích. Những cành hoa đào nở rộ trên các lối vào hoàng cung càng gợi cho Vương Thông nhớ đến cái Tết của quê hương tít mù tận phương Bắc của hắn. Thanh bảo kiếm lúc nào cũng kè kè bên hông đôi lúc làm cho tên tướng giặc hổ thẹn. Mới đặt chân đến Đại Việt với năm vạn quân, năm ngàn ngựa mà hắn đã bại trận, một phen chết hụt để rồi phải giam chân trong thành Đông Quan. Cái mộng đầu xuân Đinh Mùi ăn mừng ở Đông Quan và báo tiệp, dâng công về cho nhà vua của hắn thế là tan vỡ một cách nhục nhã. Các tướng lĩnh dưới quyền, từ Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính... đã có lần khích bác, mạt sát hắn ngay trước mặt. Nhất là trong những ngày bị vây hãm, lương thực khô cạn, quân sĩ chán nản, lòng ngươi chia lìa. Hắn đã nhiều lần cho người lọt ra ngoài thành trốn về nước cấp báo và xin viện binh. Nhưng vẫn biệt tin tức. Không lẽ bó tay chịu chết. Đã là một viên tướng đem quân ra ngoài thành thì không phải đợi mệnh vua, hắn biết vậy và quyết định lập kế "Giảng hòa" xin rút quân về nước. Nhờ đó vòng vây của quân Đại Việt có nới rộng đôi chút cho quân của hắn được ra vào mua kiếm cái ăn cho người, ngựa. Nhưng được có như vậy thôi, hắn đã phải trả cái giá quá đắt: Phái người đến các thành từ Tây Đô trở vào truyền lệnh đình chiến và rút quân. Điều đó có nghĩa là Bình Định Vương buộc hắn ra lệnh cho tướng sĩ của mình từ Thanh Hóa trở vào phải bỏ giáp, hạ vũ khí. Đành vậy! Dầu sao Vương Thông cũng chuốc được cái yên tâm hơn thong những ngày sắp sữa đón Xuân, chờ đợi viện binh, ở cái thành Đông Quan chết tiệt này! Ngày lại ngày, Vương Thông tìm thú vui trong cuộc cờ chén rượu để tạm lãng quên mọi việc. Nhưng nào có quên được!
      Mới sớm ngày, quân hầu chưa kịp dâng rượu sáng thì vệ sĩ đã đưa cho Vương Thông lá mật thư từ Tây Đô và Tham chính Lương Nhữ Hốt xin yết kiến. Đọc thư của Đả Trung tướng giữ thành Tây Đô, phản kháng việc giảng hòa, hắn cười gằn, truyền cho viên quan người Việt vào gặp mặt.
      - Tham chính Lương Nhữ Hốt tôi, kính chào Vương đại nhân.
      Vương Thông đứng dậy đưa tay hộ pháp ra nâng viên quan cúi gập mình như sụp xuống sát đất để lạy chào. Mở đầu buổi tiếp kiến, Lương Nhữ Hốt kính cẩn, rụt rè dâng biếu Vương Thông một món quà bọc trong túi gấm:
      - Thưa Vương đại nhân, tiểu quan tôi xin kính dâng ngài một ít thanh bạch quế gọi là lễ mọn của người dân đất Thanh chúng tôi.
      Nghe nói đến bạch quế, Vương Thông sực nhớ đến chuyện ngày xưa các viên quan trấn trị Giao Chỉ vẫn coi quế phương Nam là món hàng quý hiếm. Vàng bạc châu báu, rượu ngon, gái đẹp, đất Bắc không thiếu, mà Vương Thông cũng đã tường. Duy có quế Giao Chỉ, mà lại bạch quế nữa, thì có lẽ đây là lần đầu tiên hắn trong thấy.
      Từ câu chuyện các loại quế của Giao Chỉ ngày xưa đến đất Thanh ngày nay, Lương Nhữ Hốt khôn khéo tự kể cho Vương Thông về lòng tận trung của hắn đối với "Thiên triều" trong những năm được người Minh cho giữ chức tri phủ Thanh Hóa! Nhữ Hốt ca tụng công đức của Bắc quốc trong việc dạy dỗ, chân dắt người dân Việt kể từ thời Hán, Đường đến triều Minh bây giờ. Tổng binh Vương Thông lắng nghe, thầm khen phục và hài lòng viên thổ quan có hiểu biết nhiều chuyện kim cổ. Cuối cùng Nhữ Hốt nói với Vương Thông:
      - Kính thưa, có lẽ đại nhân chưa biết câu chuyện về tướng Ô Mã Nhi đất này gần hai trăm năm trước.
      - Chuyện ra sao?
      - Dạ ngày ấy người Nguyên sang nước tôi, tướng Ô Mã Nhi bị vua Trần bắt sống trên sông Bạch Đằng, khi hưu chiến, Ô Mã Nhi được tha về nước nhưng vua Trần lại ngầm sai người đục thuyền cho chết chìm dưới biển cả.

      Vương Thông phá lên cười:
      - Hay! Hay lắm! Hắn đứng dậy nhìn thẳng vào đôi mắt van lờn cầu khẩn của Lương Nhữ Hốt nói tiếp. Ta chưa biết chuyện đó thật. Nhưng biết hay không, ta đã có kế của ta. Ô Mã Nhi ngu xuẩn là chết đời! Còn ta, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, ngài đừng lo.
      Quả thật việc Vương Thông xin "Giảng hòa" đã làm cho Nhữ Hốt lo sợ. Cuộc đời làm tay sai cho giặc, từ chức tri phủ Thanh Hóa rồi thẳng lên hữu Tham Tri, cùng với Đả Trung cố thủ trong thành Tây Đô mưu chống phá nghĩa quân là một chuỗi dài tội ác của hắn đối với dân với nước. Hơn mươi năm trước, khi Nhữ Hốt giữ chức tri phủ Thanh Hóa. Lê Lợi còn là trại chủ đất Lam Sơn đánh hơi biết Lê Lợi chiêu mộ hào kiệt bốn phương chuẩn bị khởi nghĩa, Nhữ Hốt đã hót với Trương Phụ: "Chúa Lam Sơn vời kẻ trốn tránh, dùng kẻ làm phản, đãi sĩ tốt rất hậu, chí nó không nhỏ đâu, nếu để giao long gặp mây mưa, thì tất không phải là vật ở trong ao nữa. Nên sớm trừ đi để khỏi lo về sau". Giờ đây nếu Vương Thông giảng hòa với Bình Định Vương thì phường chó săn chim mồi như hắn không còn đất sống. Vì vậy Nhữ Hốt tìm mọi cách lọt vào Đông Quan đem theo thư của Đả Trung và uốn lưỡi cò mồi ton hót với Vương Thông. Bị chủ bắt đúng thóp, Nhữ Hốt sinh ra luống cuống:
      - Kính thưa đại nhân, lời nói của tiểu quan có gì không đúng mực, dám xin ngài đại xá.
      Vương Thông xua tay:
    - Không! Không! Ngài nói rất đúng về chuyện xưa, nhưng chuyện nay thì... Thì các ngài chưa biết rõ đó thôi.
      Tên tướng giặc phá lên cười. Hắn chồm lên, lông mày dựng ngược, ghé miệng vào tai Lương Nhữ Hốt:
      - Ngài không thấy đó ư? Ta đã truyền cho quân sĩ ngày đêm vót chông tên, đào hào, đắp thêm chiến lũy. Vừa qua ta lại phái người về nước cấp báo tình hình của giặc và xin thêm viện binh rồi đó...
      Lương Nhữ Hốt vòng tay cúi đầu.
      - Dạ! Dạ!..
      Tiễn chân Lương Nhữ Hốt ra về, Vương Thông nghĩ đến Tây Đô, hắn lẩm bẩm: "Rặt một lũ ngu xuẩn, tham sống sợ chết!". Hắn cảm thấy vui vui, tự hào về mưu thần chước quỷ của hắn đưa ra trong việc giảng hòa và tự cho rằng thiên hạ đều mờ tối, chỉ có mình là sáng suốt. Vương Thông bước lại gần khóm hoa đào tươi thắm đang nở rộ, mơn mởn trong nắng ấm hiếm hoi của mùa đông. Hoa đẹp như nhắc với hắn: Sắp sang xuân rồi. Ngắt một bông hoa đào cầm trên tay, tên Tổng binh giặc thở dài. Xuân mới đến với hắn sao mà xám xịt, chỉ có hoa đào là đẹp thôi. Nhưng đây là hoa của Đại Việt mọc trên đất Đại Việt. Bóp nát bông hoa đào trên tay, Vương Thông bước vào tổng hành dinh.
      Trên con đường từ ngoại vi góc Đông Nam thành Đại La, đôi ngựa chiến đưa hai vị tướng, một già một trẻ, đi về phía nam, tìm đến đại bản doanh Đông Phù Liệt.
      Vị tướng có mái tóc lốm đốm bạc quay lại hỏi:
      - Quan Tư Không Đinh Lễ có bàn bạc thêm gì không?
      - Ngài chỉ bàn với tôi, cứ tâu bày hết:
      - Được!
      Đó là tướng Trần Nguyên Hãn vây giữ mặt sông Cái và tướng Nguyễn Xí vây giữ mặt Tây của thành Đông Quan. Hai người tìm về đại bản doanh của Bình Định Vương với tâm sự bất bình của người ngày đêm đối mặt với giặc.
      Bước vào bản doanh Đông Phù Liệt, Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Xí đã thấy Bình Định Vương đang đi tản dưới hàng hiên. Hai người chưa kịp vái chào ra mắt thì Bình Định Vương đã bước ra giữa sân đón:

 

      - Các người từ Đông Quan về đây?
      Trần Nguyên Hãn đáp:
      - Vâng, thưa Vương thượng, chúng tôi ở Đông Quan về.
      Bình Định Vương đón hai vị tướng vào đình, ngồi quây quần trên sập gỗ thường làm chỗ họp mặt.
      Không đợi cho Bình Định Vương hỏi thêm, Nguyễn Xí đã lên tiếng:
      - Tâu Vương thượng, chúng tôi về gặp Vương thượng, xin được tâu bày tình hình Đông Quan.
      - Khoan! Hãy đợi cho ta tìm Nguyễn Trãi đến cùng nghe và bàn bạc.
      Nguyễn Xí đưa mắt thăm dò Trần Nguyên Hãn, Bình Định Vương như không để ý, vui vẻ rót rượu mời bộ tướng. Nguyễn Trãi bước vào. Vẫn chiếc áo thụng, kép với chiếc khăn nhiễu tím buộc đầu trùm xuống tận mang tai để che lạnh. Nguyễn Trãi khoan thai buớc trên đôi dép cỏ, đến trước sập đứng thu tay:
      - Kính chào nhị vị tướng quân ông nói với Bình Định Vương Vương thượng có lệnh triệu hạ thần?
      Lê Lợi đón Nguyễn Trãi cùng ngồi xuống sập. Vừa trao chai rượu cho Nguyễn Trãi, Lê Lợi vừa hỏi Trần Nguyên Hãn:
      - Tình hình giặc ở Đông Quan ra sao?
      - Tâu Vương thượng, đem qua quân ta lại bắt được hai tên giặc lẩn ra ngoài thành có mang theo mật thư của Vương Thông bọc trong sáp gửi về nước.
     Bình Dịnh Vương ngắt lời:
      - Xin viện binh?
      - Vâng.
      - Chắc các người có biết ta bắt giữ tri châu Hạ Trung và Phó thiên hộ Quế Thăng ở Xương Giang vì chúng lợi dụng việc cùng người của ta sang nhà Minh cầu phong mà xin viện binh theo lệnh của Vương Thông chứ?
      - Dạ, Vương Thông vẫn ngầm xin viện binh mà ngoài miệng lại nói giảng hòa. Lũ chúng tôi vẫn ngại vì Vương thượng quá rộng lượng với chúng.
      Trần Nguyên Hãn vừa dứt lời, Nguyễn Xí vội tâu tiếp:

      - Tâu Vương thượng, mấy hôm nay Vương Thông ngầm cho quân sĩ lợi dụng đêm tối đào hào, đặt chông và đắp thêm chiến lũy.
      - Ta có biết.
      - Quan Tư Không Đinh Lễ thường bàn với tôi, nếu cứ như thế này, e rồi đây viện binh của giặc kéo sang, chúng ta trở tay không kịp. Vương Thông xảo quyệt, phản trắc, chúng tôi vẫn nghĩ rằng chấp nhận giảng hòa với hắn cũng vô ích.
      Bình Định Vương Lê Lợi vẫn bình tĩnh chờ đợi lắng nghe. Không thấy ai tâu bày thêm. Lê Lợi mới đưa tay về phía Nguyễn Trãi cất giọng chậm rãi và thân mật:
      - Các người biết đó. Tuy chấp nhận giảng hòa mà ta vẫn sai Hàn lâm viện học sĩ Nguyễn Trãi đây thảo thư vạch mặt tráo trở của giặc. Gần đây ta lại gửi thư cho Vương Thông, Sơn Thọ. Nguyễn tiên sinh hãy đem bản thảo đọc lại cho các người cùng nghe.
      Lục tìm lá thư, Nguyễn Trãi đọc:
      - Lại, thư gửi cho Vương Thông, Sơn Thọ.
      ... Mới đây được ngài gửi thư và sai người đến nói hòa, tôi đã nhất nhất nghe theo. Nay thấy ở trong thành vẫn còn đào hào cắm chông, dựng rào đắp lũy, phá đồ cổ đúc ống phun lửa và đồ binh khí, thế là các ngài định đem quân về nước chăng? Hay giữ bền thành trì chăng? Tôi đều không thể rõ được. Sách truyện có câu "Bất thành vô vật" là bởi lòng mà không thành thật thì việc gì là giả dối cả. Các ngài thực không bỏ lời ước cũ thì phàm làm việc gì cũng nên lợi hại rõ ràng. Muốn rút quân thì cứ rút quân, muốn cố giữ thì cứ cố giữ, hà tất ngoài thì nói giảng hòa mà trong thì mưu tính khác? Đừng nên trước sau trái nhau, trong ngoài bất nhất như thế. Kể ra tiểu nhân dẫu ngu nhưng rất sáng suốt. Tôi đây tuy hèn ngu không biết gì, nhưng tất như lời Khổng Tử nói: "Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an" thế thì nhân tình thật dối thế nào, mảy may cũng không thể che giấu được. Thư nói không hết.
      Nguyễn Trãi ngừng lời. Mọi người đều im lặng. Xem ra những điều mình nghe biết thì Bình Định Vương đã thấu rõ lắm rồi. Trần Nguyên Hãn hết nhìn Nguyễn Trãi lại nhìn Lê Lợi với đôi mắt kinh ngạt và khâm phục, Thượng tướng Nguyễn Xí vẫn chưa yên tâm, ôm vòng tay tâu tiếp:
      - Kính thưa Vương thượng, lũ chúng tôi nghĩ rằng dầu sao cũng không thể nhân nhượng với giặc để chúng sống mà chờ viện binh.
      Thái độ sôi nổi thẳng thắn của Nguyễn Xí càng làm cho Bình Định Vương thêm quý mến viên tướng trẻ. Lê Lợi cười, hỏi thân mật:
      - Quân ta vẫn vây giữ bốn mặt thành Đông Quan đấy chứ?
      - Dạ.
      Bình Định Vương nói như phân trần:
      - Tàn bạo và tráo trở là bản tâm của giặc. Ta biết. Nhưng thử hỏi các người trong những ngày chấp thuận giảng hòa vừa qua, chúng ta được, mất những gì? Có phải rằng từ Thanh Hóa trở vào, các thành trì của giặc đều được lệnh Vương Thông phải giải giáp, rút quân. Tướng giữ thành có tuân lệnh hay không là một chuyện, nhưng ít ra chúng cũng choáng váng, hoang mang đến nghi kỵ lẫn nhau, chia lìa mà tự tan vỡ. Nếu giặc thực tâm rút quân, thì ta cho rút, đó là thượng sách. Còn ta, ta rảnh tay để lo luyện tập, củng cố thêm lực lượng, lo thu xếp việc cai quản các phủ lộ, nhằm cố kết thêm lòng người, lôi kéo khắp nơi về một mối.
      Giọng của Lê Lợi mỗi lúc càng thêm sôi nổi, và đến đây thì nét mặt của ông trở nên giận dữ, cất tiếng đanh thép như truyền lệnh.
      - Nay giặc tráo trở, chúng tự vạch mặt, vòng vây của ta nới ra, nay các người chỉ việc khép chặt lại! Quân dân Đại Việt căm thù giặc lật lọng sẽ cùng chúng ta vây thành diệt viện đông hơn, mạnh hơn có phải không?
      Sự giận dữ của Bình Định Vương đã làm cho Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Xí hả dạ. Tâm lý bực bội, nóng nảy lúc đầu khi trở về ra mắt Lê Lợi không còn nữa, hai vị tướng nhìn nhau cùng cười. Trần Nguyên Hãn đáp lời:
      - Tâu Vương thượng, bao giờ khép chặt lại vòng vây Đông Quan, tướng lĩnh chúng tôi xin chờ lệnh của Vương thượng.

      Trên tầng cao của ngôi lầu xây cạnh bờ Bắc dòng sông Cái, Bình Định Vương Lê Lợi đứng tựa vào lan can nhìn về Đông Quan. Bên kia dòng sông, thành lũy giặc hiện ra rõ mồn một. Tòa thành màu xám xịt, từng quãng chìm trong làn cây cổ thụ rồi lại lộ ra với những chòi canh nho nhỏ đậu trên mặt. Phía đông nam tòa thành, ngọn tháp Báo Thiên nhô lên cao vòi vọi. Sát bờ sông về phía nam, con đê Vạn Xuân giặc đắp cao làm lũy che chắn viền bên ngoài. Trong ánh nắng của một ngày mùa thu quang đãng, Bình Định Vương nhìn thấy rõ bóng giặc thấp thoáng phía sau lũy.
      Ngay từ đầu năm, Bình Định Vương đã hạ lệnh chuyển bản doanh về Bồ Đề. Tại đây, Lê Lợi đã hạ nước cờ quyết định trong cuộc đọ sức với giặc: Hãm thành, diệt viện để quét sạch giặc ra khỏi đất nước. Bình Định Vương trực tiếp điều khiển việc khép chặt vòng vây Đông Quan. Không phải chỉ có Đông Quan mà tất cả các thành của giặc còn cắm trên đất nước đều bị vây hãm và gọi hàng. Rồi đó, thành Nghệ An, Diễn Châu, thành Diêu Diêu, Thị Cầu, Tam Giang đều ra hàng. Không kể Đông Quan, giặc chỉ còn chiếm giữ các thành Xương Giang, Chí Linh, Cổ Lộng và Tây Đô. Trong đó, sau Đông Quan, Xương Giang là trọng yếu hơn cả. Ngay từ cuối năm Bính Thân, Bình Định Vương đã phái Lê Sát, Lê Thụ đem quân bao quây Xương Giang cùng với việc liên tiếp đưa thư gọi hàng tướng giặc ở đó là đô chỉ huy Lý Nhậm. Tất cả đều vô hiệu, giặc vẫn liều chết cố thủ đến cùng. Giờ đây, thành Xương Giang đang thu hút sự suy nghĩ của Bình Định Vương Lê Lợi: "Phải san phẳng thành Xương Giang trước khi viện binh giặc sang". Mấy ngày trước đây Lê Lợi đã thêm tướng Trần Nguyên Hãn điều thêm quân tăng viện cho Lê Sát và Lê Thụ. Còn Đông Quan thì vòng vây ngày càng khép chặt... Bình Định Vương trực tiếp điều khiển các tướng Trịnh Khả rồi Lê Vân giữ mặt Đông Đinh Lễ, Lê Lý, Lê Lộ và Nguyễn Chính vây giữ mặt Nam. Mặt Tây có hai vệ thiết đột do Thiếu úy Bùi Bị, Thái giám Lê Nguyên chấp lệnh Lê Chưởng chỉ huy. Mặt Bắc có đến mười bốn vệ do Lý Triện rồi Lê Văn An điều khiển.
      Mới hôm qua đây tin cấp báo từ biên ải phía Bắc đưa về: Viện binh giặc do Liễu Thăng và Mộc Thạch chỉ huy đang rập rình tiến vào biên giới... LêLợi băng khoăn chờ đợi tin tức. Về Xương Giang. Không hạ được Xương Giang thì kế diệt viện có cơ phải sắp xếp lại.
      Xương Giang! Xương Giang bây giờ ra sao? Bình Định Vương rời lan can, bước nhẹ nhàng trên mặt sàn gỗ. Trên án thư kê trong lầu, mấy tờ thư Bình Định Vương mới đọc xong còn nằm dưới nghiên mực. Bình Định Vương ngồi cạnh án thư, đọc lại lần lược từng lá thư.
      - Hạ thành Đông Quan? Bình Định Vương nói một mình, lại xếp thư, cẩn thận để dưới nghiên mực.
      Gió heo mây thốc vào lầu, chiếc mành trúc kêu lao xao. Tiếng trống báo hiệu có khách vang lên từ dưới chân lầu cắt ngang những suy nghĩ của Bình Định Vương về những lá thư đồi hạ Đông Quan của một số tướng lĩnh. Bình Định Vương vừa kịp quay lại thì tướng Trần Nguyên Hãn từ Xương Giang đã về ra mắt:
      - Kính chào Vương thượng.
      - Người từ Xương Giang về?
      - Dạ muôn tâu, quân ta đã hạ được Xương Giang, các tướng giặc từ Kim Đậu, Lý Nhậm cùng bè lũ đều tự sát khi quân ta vào thành.
      Bình Định Vương ôm trầm lấy đôi vai Trần Nguyên Hãn rêu lên:
      - Hay lắm! Ta đang nghĩ về Xương Giang, vẫn lo các người không hạ được, trong khi đó viện binh của giặc sắp tràn sang.
      - Muôn tâu, nhân thế thắng, dám mong Vương thượng cho quân sĩ hạ thành Đông Quan. Viện binh giặc rập rình từ cuối năm ngoái, mà đến mùa thu năm nay vẫn chưa sang được! Đông Quan bị hãm lâu ngày, lực của ta ở đây lại khá mạnh, thần trộm nghĩ ta hạ xong Đông Quan, viện binh giặc có sang cũng hết chỗ dựa, không tránh khỏi bị diệt.
      - Hạ Đông Quan?
      Bình Định Vương trừng mắt, ngạc nhiên nhìn thẳng vào Trần Nguyên Hãn. Mái tóc hoa râm của Trần Nguyên Hãn làm cho nét mặt xương xương có nước da rám nắng của ông càng thêm già. Đây là lần thứ hai Trần Nguyên Hãn trực tiếp tâu xin hạ Đông Quan. Lần trước, khi còn ở dinh Đông Phù Liệt và lần này, trong suy nghĩ của Trần Nguyên Hãn, Xương Giang có nhiều khó khăn, giặc liều lĩnh cố thủ nhưng rồi cũng hạ được. Còn Đông Quan, thành bền quân đông hơn, nhưng với thế lực của ta hiện nay không phải là không hạ được. Ông khẳn khái tâu:
      - Xin Vương thượng cho hạ thành Đông Quan để tuyệt nội ứng của giặc.
      Bình Định Vương lắc đầu, chỉ tay vào tập thư:
      - Mấy hôm nay nhiều người dâng thư đòi hạ thành Đông Quan. Không thể được!...
      Trần Nguyên Hãn lặng im, tỏ ý không vừa lòng. Ông biết con người đang ngồi trước mặt mình thường dè dặt, cân nhắc kỹ mọi việc trước khi quyết đoán. Một khi người đã quyết ý rồi thì không dễ mà lay chuyển được. Dầu sao, vì việc nước, Trần Nguyên Hãn thấy cũng phải tâu bày cho hết nghĩa vụ của người bầy tôi:

      - Tâu Vương thượng!
      Bình Định Vương thân mật đặt tay lên vai áo còn bám đầy bụi đường của Trần Nguyên Hãn, cất lời:
      - Các người hạ được Xương Giang, lập nên công lớn, ta khen thưởng. Ngừng một lát, Bình Định Vương hỏi tiếp. Người biết Xương Giang giặc có bao nhiêu quân?
      - Dạ, khoảng trên dưới hai ngàn quân.
      - Ta bắt đầu vây hãm Xương Giang từ bao giờ?
      Trần Nguyên Hãn nhẩm tính lại, rồi cất giọng rụt rè.
      - Tâu Vương thượng, khoảng mười tháng nay.
      Bình Định Vương mở rộng đôi tay, cười cởi mở:
      - Đấy. Ngươi thấy không, chỉ có hai ngàn quân giặc với một ngôi thành bé nhỏ hơn Đông Quan nhiều mà phải ngót một năm trời mới hạ được. San phẳng Xương Giang trước khi hạ được Đông Quan thì không phải dễ. Liễu Thăng, Mộc Thạnh đang trên đường hành quân vào Đại Việt rồi đó.
      Nhìn về Đông Quan, Lê Lợi nói chậm rãi từng tiếng một:
      - Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành bền vững, hàng năm, hàng tháng không lấy được, quân ta sức mỗi khí nhục, nếu viện binh giặc lại đến thì ta đằng trước, đằng sau đều có giặc, đó là đường nguy. Chi bằng nuôi sức khỏe, chứa khí hăng để đợi quân viện đó, đánh phá được quân viện thì thành tất phải hàng, thế là một việc mà lợi hai, là kế vẹn toàn.
      Trần Nguyên Hãn lắng nghe, thầm nghĩ: "Thì ra điều quyết đoán của Bình Định Vương quả là sáng suốt hơn người". Ông kính cẩn vòng tay đáp:
      - Dạ.
      Bình Định Vương dặn dò tiếp:
      - Ngươi hạ được Xương Giang phải giữ vững lấy. Viện binh giặc sang, chúng sẽ nhằm Xương Giang trước khi vào Đông Quan đó. Ta phải biến Xương Giang thành mồ chôn lũ chúng nếu giặc bén mảng đến Xương Giang.
      Súng lệnh từng loạt ba tiếng một từ dinh Bồ Đề nổ giòn giã vang đến tận phía Nam thành Đông Quan. Thiếu úy Lê Lý vội vàng rời bản doanh. Con ngựa chiến lúc nào cũng sắp sẵn yên cương được lệnh đưa vị tướng về phía sông Cái để sang dinh Bồ Đề họp mặt theo hiệu lệnh của Bình Định Vương. Dạo theo dãy thành đất Đại La, Lê Lý nhìn về phía thành Đông Quan. Thành giặc còn chìm trong sương mù trắng xóa. Con đê Vạn Xuân thấp lè tè vẫn làm nơi ẩn nấp của giặc, giờ đây, do nghĩa quân chiếm giữ sau một đêm đánh úp, và trở thành chiến lũy ngăn cản không cho giặc bén mảng xuống mặt nước. Còn dòng sông mênh mông, nằm giữa hai bờ cát hẹp đã thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân. Thuyền chiến của thủy quân Lam Sơn mặt sức qua lại. Vừa bước chân xuống thuyền để sang sông, Lê Lý thấy thiếu úy Lê Vân đã có mặt trên thuyền và báo tin:
      - Thưa ngài, quan Thái giám Lê Nguyễn cũng vừa mới sang sông.
      Mãi suy nghĩ về cuộc họp mặt khẩn cấp, Lê Lý không để ý đến lời Lê Vân, ông hỏi:

      - Ngài có biết hôm nay Bình Định Vương triệu họp có việc gì mà phải dùng đến ba loạt súng lệnh?
      - Tôi cũng không rõ.
      - Quân ta đã hạ được Xương Giang, ngài biết rồi chứ?
      - Tôi có nghe nói. Này! Ngài đã biết tin về quan Tư Không Đinh Lễ và thượng tướng Nguyễn Xí chưa?
      Thiếu úy Lê Lý vội vả hỏi lại:
      - Tôi chỉ biết hai người bị giặc bắt vì không may voi sa lầy ở Mi Đông trong lúc đuổi Vương Thông, đến nay ra sao rồi? Nghe đâu quan Tư Không Đinh Lễ đã bị giặc giết thì phải.
      - Đúng! Còn thương tướng Nguyễn Xí mới vượt ngục, đã về ra mắt Bình Định Vương ở dinh Bồ Đề.
      Lê Lý reo lên:
      - Hay lắm! Thế là chúng ta có thêm một thượng tướng đã vây hãm Đông Quan.
      Đứng trên mũi thuyền, thiếu úy Lê Vân nhìn vào thành Đông Quan nói với Lê Lý.
      - Còn để ngày nào, chúng còn gây thêm tội ác. Ngài thấy không, mới mấy tháng nay mà ta đã mất bốn tướng tài rồi đấy. Trận Qua Động, tướng Lý Triện chịu hy sinh, Đỗ Bí bị giặc bắt, đến trận Tây Phù Liệt, chúng ta lại mất thêm quan Tư Không Đinh Lễ và thượng tướng Nguyễn Xí. May tướng Nguyễn Xí trốn về được.
      - Biết đâu, phen này chúng ta được lệnh hạ thành Đông Quan.
      Chiếc thuyền chiến đã đưa hai vị tướng cặp bến Bồ Đề. Mới xa Bồ Đề có mươi ngày mà Lê Vân, Lê Lý tưởng tượng ở đây có quá nhiều thay đổi. Khắp vùng ngoại vi Bồ Đề, quân lính đi lại rầm rập. Trai tráng các nơi kéo nhau đi lũ lượt. Hỏi ra mới biết họ đến dinh Bồ Đề để ứng tuyển nghĩa quân theo lệnh kêu gọi của Bình Định Vương. Còn rải rác khắp đó đây, trên bờ sông, hai bên đường đi, dưới mặt ruộng, chỗ nào cũng thấy ngồn ngộn không gỗ lạt thì tre nứa, không rơm cỏ thì thóc gạo. Mới sáng sớm mà vùng ngoại vi Bồ Đề đã ồn ào tấp nập như bước vào ngày hội. Trong khi đó, ở dinh Bồ Đề vẫn bình thường, lặng yên như không có gì thay đổi. Vẫn ngôi lầu cao vòi vọi đứng hiên ngang với ngọn cờ đại thêu ba chữ "Bình Định Vương" reo vui trên đỉnh nóc. Chiếc sân đất rộng, cỏ mọc lưa thưa bao quanh lầu. Viền ba mặt sân là ba dãy nhà gỗ thấp mới dựng, sắp xếp theo hình chữ "Mòn", hướng vào giữa. Nơi đây là chỗ làm việc và trú ngụ của những cận thần được giao trông giữ các bộ, sảnh, viện mới thành lập. Vòng bên ngoài là nơi đồn trú của quân cấm vệ. Tất cả hiện ra với một vẻ trang nghiêm, bình lặng, tưởng chừng như cách biệt với cuộc sống ngày đêm đang sôi sục ở bên ngoài. Nhưng chính nơi đây là trung tâm của bão táp.
      Vừa bước vào, thiếu úy Lê Vân, Lê Lý đã thấy Bình Định Vương đang đứng đợi. Vẫn bộ võ phục màu nâu bằng vải thô, vẫn chiếc khăn nâu buộc đầu theo hình chữ "Nhân" đỡ lấy búi tóc nhô cao phía sau đỉnh, với cử chỉ thân thương quen thuộc, Bình Định Vương Lê Lợi đưa tay đón hai người:
      - Tướng giữ cửa Đông, cửa Nam thành Đông Quan đã về đây rồi!
      Hạ tầng ngôi lầu thênh thang. Tướng lĩnh văn võ đã tề tụ đông đủ, chia nhau ngồi trên hai hàng ghế. Đặt gươm lệnh trên giá gỗ. Bình Định Vương đi đến bên án thư chỉ tay về phía Trần Nguyên Hãn nói với mọi người:
      - Báo tin cho các người biết, quân ta đã hạ được thành Xương Giang. Trần Nguyên Hãn đem tin thắng trận về đang có mặt ở đây, các tướng lĩnh khác phải lưu lại cầm quân canh giữ mặt Bắc không về tụ họp được.
      Tiếng reo vui nổi lên vang động. Trong tiếng cười nói khoái trá của những người chiến thắng, mọi người nghe rõ một câu nói của ai đó thét lên:

      - Bây giờ đến lượt Đông Quan!
      Bình Định Vương nghe rõ và nhận ra người nói câu đó là Lê Vân, vừa ở cửa Đông thành Đông Quan về. Lê Lợi cười, gạt đi:
      - Khoan!
      Khi mọi người đã yên lặng, Lê Lợi cất giọng sang sảng nói tiếp:
      Hiện nay viện binh của giặc chia hai đường đang tiến vào nước ta. An Viễn hầu Liễu Thăng dẫn mười vạn quân tiến vào cửa ải Pha Lũy, còn Mộc Thạnh đem năm vạn quân theo đường Vân Nam. Chúng hẹn cùng hội quân ở Đông Quan. Chỉ trong ngày một ngày hai, chúng sẽ lọt vào nội địa của ta. Vận mệnh của quân dân Đại Việt chúng ta được quyết định vào lúc này đây! Các người có mưu chước gì hay ta cho được đem ra bàn bạc.
      Tin viện binh giặc kéo sang, mọi người đều đã nghe biết. Trong mấy ngày gần đây, có nhiều dâng thư xin hạ thành Đông Quan. Nhưng vào lúc khẩn cấp, được đặt vào bàn cờ, nhìn bao quát toàn cuộc thì ai cũng thấy khó xử. Mọi người im lặng đắn đo thì Nguyễn Trãi đã lên tiếng. Đối với vị Hàn Lâm viện học sĩ kiêm Thượng Thư bộ Lại này, thế lực của giặc ra sao, ông nắm chắc như trong lòng bàn tay. Ông đã từng cùng Bình Định Vương luận bàn mưu lượt đối phó với viện binh giặc và thảo thư dụ hàng từ Đông Quan cho đến Nghệ An. Ông có thể nói lại đầy đủ điều mà ông đã tâu bày cùng Bình Định Vương. Nhưng trước đông đủ tướng lĩnh văn võ, Nguyễn Trãi giữ thái độ thận trọng dè dặt, chấp tay nói rõ từng tiếng một:
      - Tâu Vương thượng, thần trộm nghĩ "Hãm thành diệt viện" vẫn là kế hay hơn cả.
      Bình Định Vương nói với các tướng:
      - Đúng. Ta đã nghĩ kỹ. Giặc vốn khinh ta, ta cho là tính người nước ta nhát, sợ oai giặc đã lâu, nay nghe tin đại quân đến, ta tất sợ hãi. Huống chi lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hơn ít, đó là lẽ thường. Giặc không biết tình thế được, thua của người, của mình, không biết cơ vi qua lại của thì, của vận. Vả lại, quân cứu nguy cấp, phải lấy mau chống làm quý, giặc tới phải đi gấp ngay. Binh pháp bảo rằng đi năm trăm dặm mà đến chỗ lợi thì thượng tướng què. Nay Liễu Thăng đến, đường xá xa xôi, người tất mỏi mệt, ta đem quân nhàn rỗi địch quân nhọc mệt, nhất định là thắng. Ta diệt được viện binh giặc, thì thành Đông Quan không cần đánh, giặc cũng tự hàng.
      Bình Định Vương ngừng lời, đưa mắt nhìn khắp lượt thăm dò các tướng lĩnh văn võ.Trần Nguyên Hãn quay lại hỏi Nguyễn Trãi:
      - Tiên sinh có nghĩ đến nước cờ không cản nổi được viện binh?
      Không đợi cho Nguyễn Trãi trả lời, Bình Định Vương vừa thoáng nghe đã đưa tay chặn lại:
      - Không thể thế được! Nếu để cho viện binh giặc đến được Đông Quan, ta cùng các ngươi sẽ ra sao? Giọng nói của Lê Lợi mỗi lúc một tha thiết: Gần mươi năm trời chống nhau với giặc, tốn bao nhiêu xương máu mới có ngày nay. Giờ đây ta tiến đến Đông Quan, giặc bị vây hãm chỉ còn chờ ngày nộp mạng dâng thành; mươi lăm vạn chứ năm mươi vạn viện binh giặc, ta cũng phải quyết tâm tiêu diệt. Nếu không thì biết bao giờ ta mới rửa nhục được cho non sông. Không lẽ ta cùng các ngươi chịu chết nhục nhã để chịu tội muôn đời với dân với nước. Không! Không thể cho viện binh giặc đến Đông Quan!
      Đôi mắt rực sáng của Bình Định Vương soi thẳng vào các tướng lĩnh phán bảo:
      - Ta đã hạ lệnh cho quân dân các nơi giặc đi qua làm kế thanh dã. Những tướng lĩnh không có mặt ở đây tức đã theo lệnh ta đang chia nhau trấn giữ ải Bắc. Trong số các ngươi, có người ở lại đây cùng ta quây hãm Đông Quan, một số phải đem quân đi diệt Liễu Thăng, Mộc Thạnh. Diệt viện, hãm thành! Các ngươi nghe rõ không?
      Tiếng "Dạ" ran làm vang động căn lều sậy. Cho đến lúc mặt trời ở giữa đỉnh đầu, Bình Định Vương Lê Lợi và tướng lĩnh còn chụm đầu bên bức họa đồ vùng phía Bắc nước Đại Việt. Bình Định Vương truyền cho tướng lĩnh phải lấy con đường Phá Lũy, Chi Lăng, Xương Giang làm mồ chôn viện binh giặc.
      Trong khi ở dinh Bồ Đề, Bình Định Vương còn nói về kế diệt viện thì trên ải đường tiến về ải Bắc, từ sau chiến thắng Xương Giang quân sĩ đã rầm rập lên đường. Còn khu ngoại vi dinh Bồ Đề, ngươi và của đã điều thêm về tới tấp để tiếp xúc cho tướng lĩnh ở lại cùng Bình Định Vương vây hãm thành Đông Quan.
      Vào một ngày trung tuần tháng mười một Đinh Mùi, trên các ngả đường dẫn về dinh Bồ Đề, từng đoàn người lũ lượt nối nhau, chen chân bước vội vã. Như nước lũ đổ về, đến một lúc mà vùng ngoại vi dinh Bồ Đề người đông như nêm cối, không ai chen chân lên được nữa. Người ta nô nức rủ nhau đi xem Bình Định Vương xử tội chiến tù. Cứ như thế này thì làm sao mà xem được. Cũng may trời nắng ráo. Chỉ có gió bấc lại thổi mạnh hơn mọi ngày. Cái tê buốt của một ngày mùa đông giá lạnh có giảm đi nhiều dưới nắng vàng chơi chới. Từng tốp người quần tụ bên nhau trong nắng ấm. Người ta truyền kể cho nhau không biết bao nhiêu truyện thần kỳ đã xảy ra trong hơn một tháng trời quân ta đánh tan mười lăm vạn viện binh của Liễu Thăng, Mộc Thạnh. Ai nấy đều say sưa vui thích như trẩy hội. Quân ta chém chết Liễu Thăng ở Mã Yên, giết Lương Minh, Lý Khánh ở Chi Lăng, đuổi Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa, bắt sống Hoàng Phúc, Thôi Tụ ở Xương Giang, xác giặc chồng chất như núi ở Lạng Sơn, Lạng Giang, Đan Xá. Máu giặc làm tắt nghẽn ở Lãnh Câu, còn sông nước Xương Giang, Bình Than thì đỏ ngầu...

      Bao nhiêu năm sống dưới ách của giặc Minh, hôm nay mọi người lại được dịp gặp nhau đông vui, không được xem Bình Định Vương xử tội chiến tù thì cũng nghe kể chuyện mừng vui chiến thắng cho hả lòng hả dạ.
      Trong khi khắp vùng ngoại vi tưng bừng như mở hội thì trong sân dinh Bồ Đề, thượng thư Hoàng Phúc và Đô đốc Thôi Tụ ngồi thu mình bó gối trong cũi sắt. Trước mặt chúng, từng đống cờ quạt, trống chiêng, sổ sách giấy tờ, tất cả đều nhàu nát thủng rách, chất lù lù như đống rác trên sân cỏ. Chiếc song hổ phù của Chinh lỗ phó tướng quân Liễu Thăng, hai chiếc ấn bạc hai tầng của thượng thư Lý Khánh và Hoàng Phúc nằm lõng chõng phơi mình trong nắng. Một tốp lính cận vệ tuốt gươm trần đứng canh giữ. Các quan văn võ lặng lẽ ra vào nơi hạ tầng lầu sậy của Bình Định Vương.
      Tất cả đều yên lặng chỉ có ngoài xa phía cổng dinh Bồ Đề, quân lính phải vất vả mới chặn đứng được biển người lúc nào cũng lăm le tràn tới. Tiếng hò reo chốc chốc lại vang dậy. Vẫn những lời đồn đại: Bình Định Vương xử tội chiến tù...
      Mặt trời đã chới với trên đỉnh lầu cao, Bình Định Vương và Nguyễn Trãi từ trong hạ tầng lầu sậy đi ra, tiếp theo là các tướng Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Lê Sát, Lê Vân, Lê Văn An, Lê Lý, Phạm Văn Xảo... Vừa tiến lại gần chiến sĩ coi chiến tù, Bình Định Vương vừa chỉ tay vào đống cờ quạt, nói với Nguyễn Trãi:
      - Phải đưa cả những thứ này vào Đông Quan.
      - Vâng, thần cho giải cả người và tang vật.
      Bình Định Vương quay ra hỏi Trần Nguyên Hãn và Lưu Nhân Chú đi gần phía sau:
      - Còn hơn ba trăm tướng nữa giam giữ ở đâu?
      Trần Nguyên Hãn tâu:
      - Dạ, thần cho giam giữ mỗi nơi một ít, còn trên một vạn quân lính thì bắt nhốt ở xung quanh vùng Xương Giang. Thần chỉ cho giải về đây hai tên Hoàng Phúc và Thôi Tụ theo lệnh của Vương thượng.
      Cầm một quyển sổ quân lên tay, lật đi lật lại vài trang rồi quẳng xuống. Lê Lợi truyền cho mở cũi. Hoàng Phúc và Thôi Tụ ngồi trong cũi cúi đầu lo sợ. Lần đầu tiên chúng trông thấy mặt Bình Định Vương. Con người ngoài bốn mươi tuổi với sắc phục võ tướng bình dị, có phong thái ung dung, điềm đạm ấy sẽ đối xử với chúng ra sao? Dầu sao, chúng cũng cảm thấy yên tâm hơn so với các lần đối diện cùng với tướngTrần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú trong nhà ngục. Bị điệu đến trước mặt Bình Định Vương, hai tên tướng giặc đứng cúi đầu, thu tay về phía trước.
      - Ngươi là Hoàng Phúc?
      - Thượng Thư giặc ngẩn đầu nhìn Bình Định Vương rồi lại cúi mặt đáp:
      -Vây, tôi là Hoàng Phúc.
      - Giữ chức gì?
      - Dạ, Thượng Thư.
      - Bình Định Vương hỏi tên tướng có nét mặt hung dữ với đôi mày rậm và vành râu hùm đen sì:
      - Còn ngươi tên gì?

      - Đô Đốc Thôi Tụ.
      Trước thái độ xấc xược của Đô Đốc giặc, Lưu Nhân Chú nổi giận, quát vài tai hắn:
      - Ngươi có biết đang trả lời ai đó không?
      Vẫn một giọng cộc lốc:
      - Cớ biết, Bình Định Vương!
      Lưu Nhân Chú vung cánh tay vào mặt Thôi Tụ. Bình Định Vương vội đưa tay gạt đi rồi bình thản bước lại gần hai tên tướng giặc nói chậm rãi từng tiếng một:
      - Tôi của lũ ngươi đối với dân nước ta chất cao như núi. Dẫu ta có giết hết lũ ngươi cũng không đủ đền tội. Nhưng ta lấy lượng hiếu sinh tha cho các ngươi tội chết.
      Thượng Thư Hoàng Phúc ngẩn mặt nhìn Bình Định Vương. Lê Lợi tiếp lời:
      - Ta hỏi các ngươi: Có muốn sống để sớm được về nước không? Hai tên tướng giặc cuý đầu, lặng yên mà không đáp, tính mạng các ngươi từ khi bước vào đất Đại Việt là nằm trong tay ta. An Viễn Hầu Liểu Thăng không đưa được lũ ngươi đến Đông Quan thì bây giờ ta đưa các ngươi vào Đông Quan. Các ngươi hãy nói cho Vương Thông, Sơn Thọ biết về số phận của mười lăm vạn viện binh mà chúng đang ngày đêm mong đợi. Vương Thông, Sơn Thọ muốn chống lại ta thì cứ việc chống giữ, ta sẽ hỏi tội sau. Còn như các ngươi muốn sống mà về nước thì bàn với Vương Thông, Sơn Thọ nộp thành, ta cho được toàn quân về nước. Có hai đường ấy, các ngươi phải suy nghĩ kỹ, cân nhắc lợi hại, ta cho chọn một.
      Nói xong, Bình Định Vương Lê Lợi sai Nguyễn Trãi cùng Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú thu xếp việc giải Hoàng Phúc, Thôi Tụ cùng đóng ấn tín phẫy cờ quạt, chiêng trống vào thành Đông Quan.
      Hai tên tướng giặc lại bị tống vào củi sắt.
      Ngoài cổng dinh Bồ Đề, tiếng hò reo chốc chối lại vang lên tưởng như trời rung đất chuyển. Mọi người vẫn mong ngóng chen nhau được xem tận mắt nhà vua xử tội chiến tù...
      Trong hành dinh, Tổng Binh Vương Thông lặng đi hồi lâu trên kỷ. Sắc mặt tên tướng ngã màu dần, từ đỏ gây sang tái nhợt. Cái mặt sần sùi, béo phì của hắn càng méo mó, xệ xuống làm cho đôi mày rậm, sếch ngược phải sụp xuống. Vương Thông nhắm nghiền mắt và chiếc song hổ phù của Liểu Thăng, hai chiếc ấn bạc của Hoàng Phúc và Lý Khánh vẫn hiện ra rõ một một. Còn hình ảnh Thôi Tụ, Hoàng Phúc ngồi thu hình trong tủ phúc trong củi sắt vẫn ám ảnh hắn hoài, mặc dù giờ đây hắn ngồi một mình trong hoàng cung của các Vua Lý, Trần ngày trước. Cái mộng được thêm quân tăng viện của hắn sụp đổ hoàn toàn. Không còn nghi ngờ gì nữa, An Viễn Hầu Liễu Thăng bị tử trận, mười lăm vạn quân viện bị tiêu diệt mà thành Đông Quan của hắn giữ, mỗi ngày vòng vây càng khép chặt. Số phận của hắn và năm vạn quân trong thành Đông Quan này sẽ ra sao? Vương Thông không dám nghĩ tới. Hắn truyền lệnh cho quân hầu:
      - Rượu!
      Chỉ có rượu mới giúp hắn quên mọi việc. Mâm rượu vừa dâng lên, hắn vồ lấy vò rượu nốùc một hơi. Nốc hơi thứ hai, vò rượu cạn, hắn trừng mắt quát quân hầu.
      - Rượu!
      Hai vò rượu đã cạn mà Vương Thông không thấy say. Chiếc sông ghổ phù và hai chiếc ấn bạc hiện ra trong trí hắn rõ mồn một. Chỉ có điều bây giờ hắn không thấy sợ nữa mà lại hăng lên như con hổ bị đòn. Hắn đứng dậy rút thanh bảo kiếm, đưa ngón tay mập mạp dứt một sợi tóc thổi mạnh vào lưỡi kiếm. Sợi tóc đứt làm đôi. Hắn có vẻ của một tranh anh hùng hảo hán đã về già. Hắn nói một mình:
      - Gươm còn sắt, đủ để nói chuyện với Bình Định Vương!

      Một cơn gió lạnh lùa vào Hoàng Cung. Đã sang tháng mười một rồi đó! Bên ngoài trời nặng nề, chỉ có gió và giá buốt. Vương Thông lại ngồi phịch xuống kỷ. Hơi men ngấm dần, hắn gục đầu thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, Vương Thông thấy một phong thư của Bình Định Vương gởi đến, được quân hầu đặt trên khay dâng trước mặt. Hắn giở ra đọc:
      "Kể ra nhà lớn gần xiêu, một cây gỗ khôn hay chống dỡ, đê dài sắp vỡ, một vốc đất khó thể duy trì. Nếu không biết lượng sức mà cứ cưỡng làm, thì ít khi không thất bại. Việc ngày trước bất tất bàn nữa. Lấy sự thế ngày nay mà nói, chỗ trông cậy của các ông chỉ là quân cứu viện mà thôi. Ngày tháng giêng năm nay, có sắc cho bọn An Viễn Hầu, Bảo Định Bá, Thôi Đô Đốc, Hoàng Thượng Thư, Lý Ngự Sử cùng thổ quan là Nguyên Huân đem quân sang hẹn trong tháng tư, tiến binh vào cõi Giao Chỉ... Quân ta đánh một trận mà tan vỡ, binh mã quân tiền phong nhất thời quét sạch, mà Tổng Binh An Viễn Hầu thì chết ở trận tiền... Quân ta lại đánh một trận nữa, mà toàn quân tan hết. Bảo Định Bá bị tử trận, còn bại quân chạy tản vào rừng đều bị quân ta bắt được...
      Nếu ngài biết chỉnh đốn quân sĩ, cởi giáp mở thành lại theo lời ước trước, thì ngài có thể toàn quân về nước... Nếu ngài còn do dự chưa quyết, tôi e tướng sĩ của tôi nhọc về chinh chiến, bỏ cả nông trang, quyết tâm đánh gấp, thế không thể ngăn. Đến lúc bấy giờ thì không làm sao được nữa... Thư này tới nơi, cúi xin trả lời cho biết".
      Cái chí khí hăng say đã bay đi theo hơi men, chỉ còn lại ở Vương Thông một sự mệt mỏi, lo sợ, chán trường. Vương Thông cảm thấy cái thân già của hắn sao mà quá mệt mỏi. Đặt thư của Bình Định Vương xuống, hắn thở dài: "Chỉ còn hai con đường: Hoặc là liều chết, hoặc rút quân. Chưa có lệnh của vua mà nộp thành, rút quân thì cũng chết, mà liều chết cố thủ thì cũng đi đến chỗ chết". Mới đây Vương Thông đã gửi một thư cho Minh Tuyên Tông tâu bày: "Chớ tham chỗ đất một góc mà làm nhọc quân đi muôn dặm; giả sử dùng được như số quân đi đánh khi đầu, lại được sáu, bảy, tám đại tướng như bọn Trương Phụ thì mới có thể đánh được; tuy nhiên có đánh được cũng không thể giữ được". Mười lăm vạn viện binh phải sang cũng không cứu được nguy mà lại càng nguy hơn. Tên Tổng Binh tự hào về cái nhìn sáng suốt của hắn. Hắn thầm oán trách Minh Tuyên Tông mờ tối, trách bọn cận thần ở Yên Kinh không biết can ngăn nhà vua để đến nỗi lửa cháy lại đổ thêm dầu. Vương Thông đang mãi suy nghĩ đến bức thư của Lê Lợi thì Thái Giám Sơn Thọ tìm đến. Vương Thông trao thư cho Sơn Thọ xem. Cái đầu bạc của Thái Giám Sơn Thọ lắc quầy quậy trên lá thư:
      - Nguy! Nguy!
      Vương Thông không hiểu Sơn Thọ muốn nói về cái gì, chỉ nhìn viên Thái Giám già mà chờ đợi. Đã từ lâu Sơn Thọ muốn rút quân, nhưng đều bị Vương Thông, Mã Anh, Phương Chính phản đối. Cho đến giờ Bình Định Vương cho giải Hoàng Phúc, Thôi Tụ đến Đông Quan để lũ chúng được nhìn tận mắt. Sơn Thọ lại thấy rút quân là thượng sách. Tuy vậy Sơn Thọ vẫn lắc đầu:
      - Nguy! Nguy!
      Tổng Binh Vương Thông tỏ ý bực mình vì thái độ khủng khỉnh của viên Thái Giám già này:
      - Nguy thì phải tìm cách cứu nguy chứ!
      Sơn Thọ đủng đỉnh:
      - Vòng vây ngày càng khép chặt. Mấy ngày gần đây quân Đại Việt đào hào, đắp lũy đất đến sát chân thành Đông Quan. Xe đánh thành, rào gỗ, thang leo đã chồng chất sẵn. Còn ta thì lương cạn... Quân lính phải cầm hơi... để đợi chết. Nếu không sớm liệu thì không phải đợi quân Đại Việt mà chính người của ta vì chán nản, căm giận, sẽ mở cổng thành, nộp tướng để tìm đường sống, thì cái nguy hại đó không phải là nhỏ.
      Vương Thông gật đầu, yên lặng chờ đợi.
      Sơn Thọ nhìn ra ngoài sân hoàng cung, ngồi bất động.
      Một lát sau, Sơn Thọ quay lại:
      - Giữ toàn quân về nước là thượng sách.
      Vương Thông quắc mắt:
      - Còn lệnh nhà vua?
      Sơn Thọ thở dài.

      Bên ngoài hoàng cung, gió bấc vẫn từng cơn thổi rào rào. Không mưa, nhưng càng về chiều bầu trời Đông Quan càng u ám, nặng nề hơn. Vương Thông sai quân hầu dọn rượu. Hắn muốn trốn trách sự thật, tìm lãng quên trong chén rượu nồng...
      Trên một khu đất bằng phẳng và cao ráo ở phía Nam thành Đông Quan, như lời hẹn ước, Bình Định Vương Lê Lợi và Tổng Binh Vương Thông đã dẫn đầu đoàn bộ tướng của mình có mặt ở địa điểm hội thề.
      Tất cả mọi người đều yên lặng. Một sự yên lặng trang nghiêm đến nặng nề. Chỉ có tiếng reo phần phật của hai ngọn cờ đuôi nheo mặc sức tung bay. Và tiếng gió lướt rào rào trên mặt ruộng khua mấy lùm cây thưa thớt phát ra những tiếng lao xao, đều đều. Trên chiếc hương án sơn son thiếp vàng cao ngất ngưỡng, bộ độ thật sự bằng đồng sáng loáng, lấp lánh dưới nắng của một ngày hạ tuần tháng mười một năm Đinh Mùi. Con nghê đậu trên nóc đỉnh đồng há miệng nhả ra một làn khói trắng xóa đang tan nhanh trước gió, mang theo mùi hương trầm ngào ngạt. Hai cầm mai vàng nở rộ cấm trên đôi ống hoa, cành lá xanh tươi mơn mởn khẽ rung rinh. Trên đôi chân đèn cao lêu đêu, hai cây bạch lạp cháy phần phật, gió tạt vào ngọn lửa vật vờ. Dọc theo hai hàng cờ quạt là hai đoàn tướng lĩnh: Bình Định Vương Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Ngân, Phạm Văn Xảo, Bùi Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Lê Lý... Và Tổng Binh Vương Thông, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính, Mã Anh, Trần Trí, Lý An, Trần Tuấn, Trần Hữu... Hai đoàn tướng lĩnh đều hướng về hương án, tuy cách nhau trong gang tấc mà mỗi bên đều mang nặng mối cừu thù.
      Bè lũ Vương Thông đến nơi đây, giữa nơi trời cao đất rộng vào một ngày đẹp trời, mà tưởng như lạc vào một miền đất hoang vu xa lạ. Tất cả đều thù địch đối với lũ chúng. Mảnh đất phía Nam thành Đông Quan này có lạ gì đối với Vương Thông, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính. Có lạ chăng là giờ đây, chúng mới được nhìn tận mắt những người cầm quân, thề không đội trời chung với chúng, trong mười năm trời đã làm cho chúng thất điên bát đảo, và lúc này bắt chúng phải đến đây cúi đầu nhục nhã để được sống mà về nước.
      Giữa thanh thiên bạch nhật, chiếc hương án trang nghiêm đã gợi cho Bình Định Vương nhớ lại cuộc hội thề Lũng Nhai, đã xảy ra mười một năm về trước.
      Ngày ấy, trên một khu đất bằng phẳng lọt vào giữa vùng đất cao rừng rậm của đất Lam Sơn chôn rau cắt rốn, Lê Lợi cùng một số người tâm huyết thắp hương nguyện với trời xanh cùng nhau họp sức quét sạch quân giặc cướp để trả nợ nước thù nhà. Hơn mười năm chiến đấu gian khổ hy sinh, lời thề năm ấy vẫn văng vẳng bên tai Lê Lợi:
      "... Nay phụ đạo chính ở nước chúng tôi là Lê Lợi cùng với bọn Lê Lai cho đến Trương Chiến mười tám người, tuy quê quán họ hàng có khác nhau, nhưng đã kết nghĩa anh em thề cùng như chung một tổ. Phận vinh hiển đều có khác nhau, nguyện tình cùng họ không bao giờ khác.
      Nay nhân bọn giặc Ngô xâm chiếm nước Nam, tàn sát nhân dân rất là khổ sở, nên Lê Lợi cùng Lê Lai đến trương Chiến mười tám người, chung sức đồng lòng, giữ vững đất nước, làm cho nhân dân ăn ở được yên lành, thề chết sống đều phải cùng nhau. Không dám quên lời thề ước...".
      Mươiø năm qua nhanh trong trí Bình Định Vương. Từ thởi mới "Dựng gậy làm cờ, bốn phương tụ họp" cho đến nay, trong số những người có mặt hội thề năm đó, có người đang đến đây cùng chứng kiến lời thề chịu rút quân về nước của giặc.
      Đứng sau Bình Định Vương, các tướng lĩnh nhìn bè lũ Vương Thông với con mắt thù hận. Nếu không vì tuân lệnh Bình Định Vương thì họ đã san phẵng thành Đông Quan, giết chết lũ chúng cho hả dạ. Phải đến đấy cùng đứng với lũ tướng giặc, trông thấy một lũ sát nhân đã gây bao nhiêu tội ác đối với dân Đại Việt, các tướng lĩnh có người bất bình ra mặt. Nhưng trước họ Bình Định Vương Lê Lợi vẫn oai nghiêm, lạnh lùng đứng đó. Lê Lợi chăm chú nhìn làn khói trầm từ lư hương bóc lên nghi ngút. Họ đành phải chịu đối diện với quân thù cho đến trọn buổi hội thề.
      Tiếng chiêng trống nối nhau vang rền từng hồi làm xao xuyến một vùng đất trời phía Nam thành Đông Quan. Ánh nắng đẹp đẽ, ấm áp vào lúc chính ngọ của một ngày mùa đông như quyện vào âm thanh trầm hùng của chiêng trống để rồi cùng gió bấc từng cơn lạnh buốt bay vào tận chân trời. Bình Định Vương Lê Lợi và Tổng Binh Vương Thông tách ra khỏi hàng, đứng song song trước hương án làm lễ kấn vái trời đất, núi sông và thần linh Đại Việt. Bình Định Vương Lê Lợi kính cẩn nhìn lên cột khói hương nghi ngút, thề giữ đúng lời bàn: Cung cấp thuyền bè, xe ngựa, sữa sang đường xá, cầu cống, cho quân Minh được rút an toàn về nước. Trong tiếng chiêng trống đều đều thong thả, mọi người nghe rõ lời thề của Tổng Binh Vương Thông:
      - "... Từ sau khi lập lời thề này, Tổng Binh thành Sơn Hầu là Vương Thông quả tự lòng thành, đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng để đợi viện binh đến nơi. Lại phải theo đúng sự lý trong bản tâu, đúng lời bàn trước mà bàn... Tổng Binh thành Sơn Hầu là Vương Thông, nếu không có lòng thực, lại tự trái lời thề, người phục dịch và các thuyền đã định rồi, cầu đập, đường xá đã sữa rồi, mà không làm theo lời bàn, lập tức đem quân về nước, còn kéo dài năm tháng để đợi viện binh; cùng là ngày đến triều đình, lại không theo sự lý trong bản tâu, không sợ thần linh núi sông nuớc An Nam lại bàn khác đi hoặc cho quan quân đi qua đâu cướp bóc nhân dân, thì Trời, Đất cùng là Danh Sơn, Đại Xuyên và thần kỳcác xứ tất đem bọn quan Tổng Binh Thành Sơn Hầu là Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà...".
      Vương Thông vừa dứt lời, tiếng chiêng trống cũng im bặt. Tên tướng giặc đứng cạnh Bình Định Vương Lê Lợi cũng sụp xuống lạy tạ trời đất núi sông. Vương Thông cảm thấy choáng váng, đất trời dường như đảo lộn quay cuồng trước mặt hắn. Im lìm, ủ rũ như một đống thịt không hồn biết di động, Vương Thông trở về hàng ngũ, cùng bầy bộ tướng lên ngựa lủi thủi dắt nhau trở về thành Đông Quan.
      Nhìn lũ giặc kéo nhau đi, Trần Nguyên Hãn tâu với Lê Lợi:
      - Tâu Vương thượng, không nhờ lệnh của Vương thượng thì lũ chúngchắc còn sống đến bây giờ mà thề thốt. Trong lúc đó Nguyễn Chích, vị tướng đã từng một mình đương đầu với Trương Phụ trong nhiều năm ở vùng núi, Hoàng Nghiêu, trước khi theo về với Bình Định Vương cũng không nén được căm giận. Ông hất tay về phía đoàn tướng giặc:
      - Không việc gì phải lo phục dịch chúng về nước. Cứ mặt xác chúng cho quân dân Đại Việt bắt phải đền tội.
      Bình Định Vương Lê Lợi đứng giữa đoàn tướng lĩnh, cất giọng ôn tồn:
      - Hơn mười năm trước, ta cùng các người thề "Chung sức đồng lòng, giữ gìn đết nước, làm cho nhân dân được ở yên lành". Nay ta bắt giặc phải thề rút quân về nước, trả non sông Đại Việt cho người Đại Việt, thì chẳng phải làm đúng lời thề xưa đó hay sao. Nay giặc sợ chết tham sống mà thực muốn cầu hòa, "Ta lấy toàn quân làm cốt mà cho dân được yên nghĩ". Ngàn vạn năm sau, ai chẳng biết ta đưa các ngươi đến đây về nhận lễ đầu hàng của giặc Minh đối với nhân dân Đại Việt...
      Nắng đẹp chang hòa trên nhung phục các tướng lĩnh. Trời Đông Quan cao xanh lồng lộng. Dân chúng ngoại vi Đông Quan lũ lượt đứng ngoài xa, mang theo cờ quạt đón những người chiến thắng.
      Bình Định Vương đứng đó, vẫn phong thái ung dung, với nét mặt oai nghiêm bình thản như năm nào trên nền đất Lũng Nhai của núi rừng Lam Sơn, chỉ có điều sau mười năm nằm gai nếm mật, chống chọi với quân thù, lo âu và gian khổ đã khắc họa thêm những nét già nua trên vuông mặt vuông vắn đầy đặn của người cầm đầu đội nghĩa quân Lam Sơn năm xưa.
      Giờ đây, cả ngoại vi Đông Quan đang tưng bừng niềm vui của ngày hội mừng chiến thắng. Đó đây, trong các lùm cây viền dọc xóm làng, những gốc mai đang nỡ rộ cái hoa vàng lấm tấm. Giữa mùa đông giá lạnh mà Bình Định Vương cảm thấy như mùa xuân đã về. Mùa xuân về trong sắc cờ, trong hoa mai vàng và trên nét mặt hồ hởi của mỗi người dân Đông Quan, mùa xuân đã về trong lòng Bình Định Vương cùng các tướng lĩnh, những người đã hiếm dâng trọn vẹn quãng đời trai trẻ cho đất nước để giành lấy một mùa xuân bất tận cho dân tộc.

 

nguon VI OLET