Hä tªn: Bïi V¨n Hµ-§Þa chØ c¬ quan: Tr­êng THCS Thµnh Mü- quª qu¸n Th«n §ù-Thµnh Thä Th¹ch Thµnh Thanh Ho¸

TÓM TẮT LỊCH SỬ TỘC BÙI VĂN

[22.11.2007 15:36]

Tổ tiên tộc Bùi Văn có nguồn gốc lâu đời từ Thanh Hoá bắt đầu đến khẩn đất lập làng ở Nại Hiên vào năm 1474, đời vua Lê Thánh Tôn. Cụ tiền hiền Bùi Văn Lư của dòng họ Bùi Văn lúc ấy xếp thứ tư trong mười một vị tiền hiền có công khai sơn phá thạch trên dãi đất hoang nằm dọc hai bờ sông Hàn, từ lâu được cả làng thờ cúng tại đình Nại Hiên Tây và đình Nại Nam cổ kính, được vua nhà Nguyễn sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Chi Thần. Có thể nói lịch sử tộc Bùi Văn gắn liền với lịch sử quảng nam mở cõi của dân tộc Đại Việt ngay tại quê hương Hoà Vang - Đà Nẵng này.


Căn cứ bản gia phả đầu tiên do cụ tổ đời thứ sáu là Bùi Văn Ngũ khởi thảo bằng chữ Nôm và dựa trên thực tế không ngừng phát triển của dòng họ, trải qua 528 năm tính từ 1474 đến nay, tộc Bùi Văn truyền được cả thảy 13 đời. Đời thứ tư, ba cụ tổ Bùi Văn Kỳ, Bùi Văn Thìn và Bùi Văn Tốt thành ba vị xuất phái, từ đó tộc Bùi Văn chia ra phái nhất, phái nhì và phái ba.

Đời thứ bảy của phái nhất, bốn cụ tổ Bùi Văn Bửu, Bùi Văn Song, Bùi Văn Sưa, Bùi Văn Bền lại thành bốn vị xuất chi; con cháu bốn chi sống chủ yếu trên đất Nại Nam (nay thuộc phường Hoà Cường). Đời thứ sáu của phái nhì, bốn cụ tổ Bùi Văn Sơn, Bùi Văn Can, Bùi Văn Chắc, Bùi Văn Hảo bắt đầu xuất chi; con cháu chi nhất, chi nhì và chi tư sống chủ yếu trên đất Nại Hiên Tây (nay thuộc phường Bình Hiên); riêng chi ba có mấy đời sinh cơ lập nghiệp ở các xã Hoà Tiến và Hoà Khương, dọc đôi bờ sông Yên. Còn phái ba thì gia phả gốc của bổn tộc chỉ chép đến đời thứ tám (đời hai cụ tổ Bùi Văn Thích và Bùi Văn Đạo), không có thông tin gì thêm về việc con cháu nối dõi lưu hậu. Trong các chi phái hiện nay, thế hệ lão thành phổ biến là đời thứ mười (đời ông trưởng tộc Bùi Văn Tư) và một số ít con cháu ngoại thuộc đời thứ chín; thế hệ trung niên phổ biến là đời thứ mười một; thế hệ hậu sinh thuộc đời thứ mười hai và đời thứ mười ba. Về sống lâu trường thọ, ở phái nhất còn một người cháu dâu đời thứ mười năm nay một trăm linh bốn tuổi, là cụ bà cuộc đời vắt qua ba thế kỷ.

Tuy trải qua nhiều đời cùng với bao biến thiên của lịch sử nhưng các chi phái trong dòng họ Bùi Văn vẫn luôn giữ được sợi dây liên kết về huyết thống. Những ngày đầu tháng chạp hằng năm, bà con nội ngoại dâu rể đều rủ nhau đi tảo mộ ông bà và chạp mả (chạp mả từng phái và chạp mả toàn tộc). Một số chi còn tổ chức chạp mả chi, chẳng hạn năm nào chi ba - phái nhì cũng chạp mả chi vào ngày mồng sáu tháng ba âm lịch. Đặc biệt với sự kiện con cháu nội ngoại dâu rể cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên của dòng họ, chắc chắn trong tương lai, sợi dây liên kết về huyết thống của tộc Bùi Văn sẽ càng thêm bền chặt.

Như đã nêu trong diễn văn khai mạc, suốt năm thế kỷ qua, bao thế hệ con cháu họ Bùi Văn, đời này đến đời khác, luôn gắn bó với quê cha đất tổ, đem hết tài năng trí tuệ và sức lao động của mình để kiếm sống. Từng thước đất trong làng đều thấm đẫm mồ hôi và khát vọng đổi đời của người họ Bùi Văn. Người trong tộc vì sinh kế hoặc do cảnh ngộ riêng phải xa rời quê hương bản quán, nơi đất khách quê người, trước kia cũng như hiện nay, đều tỏ ra xứng đáng với tổ tiên dòng họ, đều sống lương thiện và có những đóng góp nhất định cho địa phương đang cư trú. Những người sống xa tổ quốc ngày đêm nhớ về quê hương chôn nhau cắt rốn, mong muốn đất nước phát triển vững bền. Đồng thời cũng như nhiều dòng họ khác trong làng, dòng họ Bùi Văn vốn có truyền thống yêu nước. Đông đảo con cháu tộc Bùi Văn đã đi cùng dân tộc trong suốt cuộc trường chinh giành lại độc lập tự do. Nhiều người anh dũng hy sinh vì đại nghĩa. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tộc Bùi Văn có 12 liệt sĩ cách mạng, trong đó 4 người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp: liệt sĩ Bùi Văn Đương, con cụ Bùi Văn Tý, liệt sĩ Bùi Văn Tỏi, con cụ Bùi Văn Đường thuộc chi nhất - phái nhất; liệt sĩ Bùi Văn Sành, con cụ Bùi Văn Là thuộc chi ba - phái nhất; liệt sĩ Nguyễn Văn Lập, con độc nhất của cụ bà Bùi Thị Xin thuộc chi hai - phái nhì (cụ bà Bùi Thị Xin được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng); 7 người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ: liệt sĩ Bùi Văn Riềng, cũng là con cụ Bùi Văn Đường; liệt sĩ Bùi Văn Thêm, con cụ Bùi Văn Ngọ thuộc chi bốn - phái nhất; liệt sĩ Bùi Văn Khương, con cụ Bùi Văn Cân, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Rầy, chồng bà Bùi Thị Lạc, liệt sĩ Nguyễn Đức Phiến, chồng bà Bùi Thị Sang, liệt sĩ Võ Văn Hơn, chồng bà Bùi Thị Ít thuộc chi ba - phái nhì; liệt sĩ Bùi Minh Châu, con cụ Bùi Văn Đẩu thuộc chi bốn - phái nhì; và 1 người hy sinh trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc phía Tây Nam: liệt sĩ Bùi Văn Lâu, con ông Bùi Văn Chua, thuộc chi nhất - phái nhất. Có người từng trở thành chứng nhân của lịch sử, tiêu biểu như ông Bùi Văn Tùng, trưởng nam của cụ Bùi Văn Tạo thuộc chi nhất - phái nhì. Còn nhớ cách đây hơn hai mươi bảy năm, giữa trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính uỷ Lữ đoàn 203 xe tăng Quân giải phóng được tận mắt chứng kiến giây phút cáo chung của ngụy quyền Sài Gòn, cũng là phút giây chấm dứt hai mươi năm chiến tranh chống Mỹ: nhân danh các đơn vị quân đội cách mạng tấn công vào dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chế độ chính trị phản động, Bùi Văn Tùng tự tay thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện để buộc Tổng thống ngụy quyền - đại tướng Dương Văn Minh đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn; rồi cũng chính Bùi Văn Tùng thảo và đích thân đọc lời tiếp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh: "Tôi, đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam, đơn vị chiếm dinh Độc Lập long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng. Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn".

Năm trăm năm là khoảng thời gian rất dài so với một đời người ngắn ngủi, nhưng vẫn chưa là bao so với lịch sử hình thành và phát triển của một dòng họ, của một vùng đất, của một dân tộc. Nói khác đi, tương lai đang còn rộng mở ở phía trước chúng ta. Hôm nay ôn lại lịch sử năm thế kỷ đã qua, toàn thể con cháu nội ngoại, dâu rể của tộc Bùi Văn làng Nại Hiên có quyền tự hào về quá khứ vẻ vang của dòng họ mình; đồng thời tâm nguyện sẽ cùng nhau viết tiếp những trang sử mới ngày càng rạng rỡ tông môn./.

Bùi Văn Tiếng

 

nguon VI OLET