Giải quyết chế độ thâm niên cho giáo viên:

Cần đối xử công bằng với giáo viên nghỉ hưu

 

         Việc quyết định chế độ thâm niên cho các giáo viên (GV) là một chủ trương đúng đắn nhưng việc cụ thể hóa chủ trương này vào cuộc sống thông qua "Dự thảo quyết định quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu" được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) công bố mới đây là không thể chấp nhận được.

 

*Khó chấp nhận vì sao?

        Ngày 1-5-2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2011/NĐ-CP giải quyết thâm niên cho GV hiện đang giảng dạy. Sau đó là Nghị quyết 21/2011/QH13 ngày 26-11-2011 của Quốc hội về giải quyết thâm nhiên cho GV đã nghỉ hưu" từ ngày 1-1-1994 đến ngày 1-5-2011.

        Phương án của Bộ GD&ĐT là phương án trợ cấp được thực hiện một lần, bằng tiền. Việc xác định mức trợ cấp dựa trên thời gian giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu không có phụ cấp thâm niên và nhà giáo có thời gian dạy không hưởng phụ cấp thâm niên ít có mức trợ cấp thấp hơn. Phương án này có hạn chế là mức trợ cấp đồng đều chưa ghi nhận quá trình công tác, trình độ đào tạo, phấn đấu của mỗi nhà giáo nhưng có sự xem xét đối với các nhà giáo đã nghỉ hưu đang hưởng mức lương hưu thấp (là những GV mầm non, tiểu học). Cụ thể: Các nhà giáo đã nghỉ hưu từ tháng 1-1994 đến tháng 12-1998, số tiền trợ cấp là 2.000.000 đồng/người; các nhà giáo đã nghỉ hưu từ tháng 1-1999 đến tháng 12-2003, số tiền trợ cấp là 3.000.000 đồng/người; các nhà giáo đã nghỉ hưu từ tháng 1-2004 đến tháng 5-2011, số tiền trợ cấp là 3.500.000 đồng/người. Dự toán ngân sách chi cho chế độ này theo các mức trên, khoảng 565 tỉ đồng.

         Theo phương án trên, chỉ trợ cấp một lần là xong, sau đợt này sẽ không còn được hưởng gì nữa? Chưa bàn đến mức trợ cấp thâm niên, nhưng thâm niên cho GV đang đứng lớp được tính theo thời gian từ 1-5-2011 về sau, còn thâm niên cho GV nghỉ hưu lại tính theo thời gian về trước theo phương châm "hồi tố". Vô tình đề xuất của Bộ GD&ĐT đã làm cho Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Quốc hội “vênh” nhau, không công bằng, không cùng một nguyên tắc, gây nhiều tâm tư cho đội ngũ GV. Đề xuất của Bộ GD&ĐT thật khó chấp nhận!

*1.040 tỉ đồng nhiều hay ít?

       Theo văn bản chính thống của Nhà nước, năm 2011 cả nước có 200 nghìn GV đã nghỉ hưu, nếu được trả thâm niên như những GV đang giảng dạy thì tổng số tiền sẽ vào khoảng 1.040 tỉ đồng. Năm 2012, số lượng GV không còn là 200 nghìn, mà chỉ còn 190 nghìn, và càng ngày càng ít đi theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử, và đương nhiên số tiền kể trên sẽ ít dần theo năm tháng! Xin lưu ý, trong số 190 nghìn GV kể trên hơn một phần hai là GV cấp 1 và mẫu giáo, lương hưu chỉ trên 1 triệu đồng. Có người nói, Nhà nước cho thêm 500 nghìn đồng tháng là đáng kể với chúng tôi ở nông thôn và miền núi.

       Năm 1990 cả nước có 12 triệu học sinh - sinh viên, Nhà nước chi cho ngành Giáo dục 767 tỉ đồng (120 triệu USD theo giá USD khi đó). Năm 2011, Nhà nước và nhân dân chi cho ngành Giáo dục 12 tỉ USD (trong đó Nhà nước 7 tỉ, 5 tỉ còn lại do dân đóng góp), lớn gấp 100 lần so với năm 1990, trong khi số HSSV chưa gấp tới 2 lần. Chưa kể tiền mua sách, việc đầu tư cho thay đổi chương trình và SGK từ 2002 đến 2011 là 2 tỉ USD, đợt thay đổi chương trình Sách giáo khoa (SGK) sắp tới được "vẽ ra" là 70.000 tỉ đồng (khoảng 3,5 tỉ USD). Xin lưu ý, để tăng lương trong toàn quốc theo đúng lộ trình hằng năm cần 60.000 tỉ đồng!

       Nếu so sánh, thì số tiền cho giáo viên đã về hưu 1.040 tỉ đồng, chỉ bằng 1/70 số tiền dự kiến cho thay đổi chương trình SGK sau năm 2015, và bằng 1/250 cho kinh phí đầu tư cho giáo dục năm 2011. Cần nói thêm, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng 32 năm qua kể từ năm 1980 đến nay ta chưa hề làm được chương trình, SGK chuẩn…

      Trong khi đó "một số nhà khoa học nêu ý kiến cho rằng, có thể giải quyết vấn đề chương trình và SGK chuẩn cho cả phổ thông lẫn đại học trong vòng một năm và với kinh phí 100 tỉ đồng" (Bài "Đổi mới căn bản nền giáo dục và đào tạo hiện nay: những việc cần làm ngay" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên nhiều tờ báo lớn từ Trung ương đến địa phương, Báo Nhân Dân ngày 10-9-2007 nêu rõ như vậy song hình như nhiều nhà lãnh đạo chưa đọc (Báo Đại Đoàn kết ngày 11-10-2012). Việc làm chương trình, SGK chuẩn, theo GS Phạm Minh Hạc, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng nêu chỉ cần 100 tỉ đồng là làm được (Phụ nữ Thủ đô ngày 8-11-2012). Nếu những đề xuất của những nhà giáo, nhà khoa học và những người quản lí được chấp nhận, bộ chương trình, SGK chuẩn chắc chắn sẽ được hoàn thành để ổn định giáo dục phổ thông, mà còn thừa tiền giải quyết việc tăng lương theo lộ trình, kể cả thâm niên cho nhà giáo đã nghỉ hưu.

 

*Cùng hưởng một chế độ thâm niên

           Chủ trương của Nhà nước giải quyết chế độ thâm niên cho GV là đúng đắn, hợp lòng dân. Phụ cấp thâm niên của tôi mỗi tháng được 3 triệu đồng, khi tôi về hưu phần phụ cấp này sẽ được tính vào lương đến cuối đời. Trong khi đó, những người về hưu trước tôi cùng hàng GS chỉ khoảng gần hai năm thôi, thời gian cống hiến hơn tôi trên 10 năm, lại gắn bó với cuộc chiến đấu gian khổ giành độc lập thống nhất đất nước với việc xây dựng nền giáo dục trong những năm khó khăn kể trên, lại không được gì, thật không công bằng. Vì thế, việc giải quyết thâm niên cho đội ngũ này là hợp với đạo lí "tôn sư trọng đạo" của dân tộc. Để bảo đảm sự công bằng giữa các thế hệ thì "những GV về hưu trong khoảng 1994 - 2011 cũng như những GV về hưu sau năm 2011 cùng hưởng một chế độ thâm niên, không được phân biệt đối xử một cách bất công, vô lí như thế.

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn

 

nguon VI OLET