SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG THPT …………

----------

 

 

 

 

 

 

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

Quản lí giáo dục

 

 

 

Một số giải pháp quản lí của hiệu trưởng trong công tác xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn

 

 

 

 

 

 

 

 

Người viết: Họ và tên

Chức vụ:

Đơn vị công tác: Trường THPT

 

 

 

 

 

   

 

 

 

I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI.

Sau khi nhân dân giành được chính quyền và tuyên bố nền độc lập của đất nước, ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời (03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm” là ba nhiệm vụ trọng yếu của Chính phủ và nhân dân ta lúc đó. Ngày 06/9/1945, Người đã gửi thư cho học sinh nhân dịp khai giảng năm học 1945-1946, khẳng định sự ra đời của một nền giáo dục mới với sứ mệnh phục vụ công cuộc giữ gìn độc lập và phục hưng đất nước, trong đó chỉ rõ mục đích học tập của thế hệ trẻ mà cũng là nhiệm vụ chiến lược của nền giáo dục mới là làm cho “non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp”, “dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Hiện nay, Đảng và nhà nước ta rất quan tâm đến công tác giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đặc biệt chú trọng đến mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Mục tiêu giáo dục của cấp tiểu học là giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học lên cấp trung học cơ sở.

Trường học là cái nôi đầu tiên cho mỗi học sinh bắt đầu cuộc sống và lao động. Môi trường giáo dục luôn có tác động rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người thông qua các mối quan hệ xã hội đa dạng. Trường học là nơi tiến hành các hoạt động dạy học- giáo dục, nơi giáo viên và học sinh học tập, lao động, sinh hoạt trong suốt thời gian học tập của trẻ. Đó là nhà cửa, sân chơi, vườn trường và cả quang cảnh tự nhiên bao quanh trường.

Ngày 22/7/2008 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 40/2008/CTBGDĐT về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013Kế hoạch 307/KH-BGDĐT về việc triển khai phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông năm học 2008 – 2009 và giai đoạn 2008 – 2013. Ngày 19/8/2008 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có Kế hoạch liên ngành số 7575/KHLN/BGDĐT-BVHTTDL-TƯĐTN về việc triển khai phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 – 2013.

Với những định hướng nêu trên xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp hay còn gọi là quá trình xanh hoá trường học là một nội dung giáo dục trong nhà trường nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kĩ năng và hành vi giữ gìn, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh trong trường học và cộng đồng. Cảnh quan trường lớp cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách cho học sinh. Trường học Xanh, Sạch, Đẹp, an toàn sẽ là điều kiện cơ bản hỗ trợ cho các hoạt động Dạy-Học, hoạt động ngoài giờ lên lớp của trường, thực hiện hiệu quả hơn mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”.

Xuất phát từ những lý do trên bản thân tôi đã suy nghĩ và mạnh dạn chọn đề tài: Một số biện pháp quản lí của hiệu trưởng có hiệu quả trong công tác xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn nhằm đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục tại nhà trường.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI.

1. Cơ sở lý luận.

1.1 Quan điểm của các nhà khoa học, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục:

Môi trường luôn có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển mọi mặt của con người. Những ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt hay lâu dài của môi trường đến cuộc sống con người đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.

Ảnh hưởng của môi trường đến sự phát triển nhân cách con người được các nhà Giáo dục học quan tâm từ lâu. Đã có nhiều ví dụ để chúng ta hiểu về vai trò của môi trường sống đối với con vật hoặc con người đều rất quan trọng, nhưng tác động của môi trường sống của con người không thể làm thay đổi bản chất dã thú của con vật. Ngược lại, môi trường của loài vật có thể tác động mạnh vào bản chất người của con người. Ví dụ, cô bé Kamala bị lạc vào rừng sống cùng bầy sói trong thời gian dài, có thể hú lên như sói, khi trở lại môi trường của con người, người ta dạy cô 4 năm, chỉ nhớ được 2 từ. Nhà Xã hội học Mỹ R.E Pác-cơ đã nói: “người không đẻ ra người, đứa trẻ chỉ trở nên người trong quá trình giáo dục”. Điều này khẳng định vai trò của yếu tố môi trường văn hoá, môi trường giáo dục có tính quyết định đối với sự hình thành nhân cách con người.

Về môi trường dạy - học, trước hết phải kể đến những nghiên cứu của I.V Pavlov và B.F.Skinnơ. I.V Pavlov nghiên cứu sự hình thành phản xạ có điều kiện trong môi trường được kiểm soát chặt chẽ, con vật (con chó) hoàn toàn thụ động. B.F Skinnơ nghiên cứu sự hình thành phản xạ tạo tác môi trường gần với thực tế hơn, con vật (chuột, bồ câu...) chủ động trong hành vi đáp ứng trên cơ sở nhu cầu của nó. Nội dung học tập thể hiện ngay trong môi trường mà con vật phải tìm cách thích nghi. Từ kết quả nghiên cứu của hai ông, các nhà giáo dục học đã nhận thức được một vấn đề rất quan trọng rằng: Yếu tố môi trường trong giáo dục không chỉ góp phần quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người mà quan trọng hơn là yếu tố môi trường thực tế đã kích thích chủ thể (con người) hoạt động năng động và sáng tạo hơn. Việc tạo lập, xây dựng và phát triển môi trường giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng của khoa học giáo dục hiện đại.

So sánh qua hai mô hình thực nghiệm đã cho thấy: môi trường bị động và môi trường chủ động sẽ tác động quyết định đến năng lực hoạt động của con người. Điều đó luôn đúng với bất cứ hoạt động sống nào của con người từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành. Ở phạm vi rộng hay hẹp, hoạt động của con người sẽ không có hiệu quả nếu thiếu vắng yếu tố môi trường. (7,8)

Tiếp cận vấn đề môi trường giáo dục theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là từ các kết quả nghiên cứu của giáo dục học Xô Viết, các nhà Giáo dục và Giáo dục học ở Việt Nam còn chú ý đến môi trường sinh thái, môi trường giáo dục của nhà trường phổ thông. Chẳng hạn như xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp môi trường giao tiếp có văn hóa trong nhà trường phổ thông, kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để tạo môi trường giáo dục tốt đẹp trong giáo dục học sinh. (10)

Môi trường giáo dục còn là toàn bộ cơ sở vật chất, tinh thần mà trong đó con người được giáo dục đang sống, lao động và học tập được sử dụng nhằm tác động đến sự hình thành nhân cách của họ phù hợp với mục đích giáo dục đã định. (17)

Trong trường học nói chung, các tiêu chuẩn môi trường cảnh quan sinh thái về cơ bản có thể gồm các nội dung sau đây: Tiêu chuẩn xanh gồm có tỉ lệ diện tích tán lá cây xanh che phủ rộng, có thảm cỏ, cây cảnh... Tiêu chuẩn sạch gồm có hệ thống nhà vệ sinh, thùng đổ rác, không có cỏ dại, đường đi trong khuôn viên được xây hoặc lát sạch, thoát nước tốt; không có quán xá xung quanh trường; phòng học trong trường được quét dọn thường xuyên... Tiêu chuẩn đẹp gồm có hệ thống cây xanh, thảm cỏ và các vật trang trí có phối cảnh hp lí, hệ thống nhà được xây dựng đúng tiêu chuẩn, trang trí hài hoà, có bảng chỉ dẫn... Ngoài ra, cần được đảm bảo an toàn trước các chất cháy, chất nổ, an toàn thân thể học sinh trong học tập và vui chơi. ( 177 )

( Trích dẫn PGS. TS Phạm Hồng Quang – Môi trường giáo dục, NXB Giáo Dục, 2006, trang 7,8,10,17,177 )

1.2 Vấn đề cần được quan tâm của trường tiểu học Diên Hồng:

Trường  XXX  năm học 2011 – 2012 có 2094 học sinh với 57 lớp học. Cán bộ công chức gồm 79 người, trong đó cán bộ quản lý 03, số giáo viên chủ nhiệm và bộ môn của trường là 70 giáo viên, công nhân viên 06 người. Từ những năm 2006, 2007 thực trạng cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm còn rất nhiều hạn chế. Nó chỉ mới giải quyết những vấn đề bức xúc về nhu cầu học tập cho học sinh trên địa bàn. Với mức độ tăng dân số cơ học tại địa phương cao việc ổn định, đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng dạy học, tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng cảnh quan trường học là điều cần phải đặt ra với người hiệu trưởng trong vai trò là cán bộ quản lý. Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn trong nhà trường chính là điểm nhấn của trường trong việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” theo chỉ thị 40/2008/CT-BGD&ĐT ngày 22/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

2. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài.

2.1 Nội dung:

Xác định đựơc cảnh quan trường lớp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách cho học sinh trong việc thực hiện các tiêu chí cơ bản của trường học Xanh, Sạch, Đẹp và đánh giá và xếp loại trường học Xanh, Sạch, Đẹp theo quy định của Bộ Giáo dục và Quyết định số 1257/QĐ-SGDĐT ngày 31/12/2009 của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai về việc ban hành “Phiếu đánh giá trường phổ thông đạt chuẩn Xanh - Sạch - Đẹp” qua đó:

Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ giáo viên trong nhà trường về sự cần thiết phải thực hiện giáo dục môi trường cho học sinh từ đó giáo dục các em biết bảo vệ môi trường học tập của mình, thấy được trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng trường lớp “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”.

Nhằm giáo dục học sinh biết vai trò vô cùng quan trọng của môi trường đối với cuộc sống và có thái độ, kỹ năng, thói quen giữ gìn bảo vệ môi trường sống bằng những việc làm thực tế hàng ngày. Tự giác, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc môi trường trường học và cộng đồng. Biết yêu quý, trân trọng thành quả đã xây dựng được, có thái độ đối xử thân thiện với môi trường.

Nhằm phát huy tối đa nội lực của nhà trường, tranh thủ sự đóng góp về sức người, về tài chính của cha mẹ học sinh, của xã hội trong việc xây dựng xây dựng Trường  XXX  ngày một xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn và an toàn tạo nên môi trường thân thiện đối với học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục.

2.2 Biện pháp thực hiện:

Việc xây dựng trường lớp “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn tại trường  XXX  đã được bắt đầu từ năm học 2007-2008 đây là một quá trình và trọng tâm là năm học 2010-2011. Để thực hiện đề tài từ đầu năm học tôi tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng của trường theo hướng dẫn số 1741/BGDĐT-GDTrH ngày 05/3/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá kết quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở bậc tiểu học, Nội dung 1 là “Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn”

Việc khảo sát giúp tôi thấy rõ tình hình, điều kiện của trường mình khi thực hiện nội dung “Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Kết quả khảo sát là căn cứ giúp trường đề ra kế hoạch thực hiện trong năm học 2010-2011 và những năm tiếp theo. Quá trình khảo sát được thực hiện với các phương pháp thống kê, quan sát, phỏng vấn, trao đổi với giáo viên và học sinh.

Nội dung tiến hành khảo sát tập trung vào những vấn đề gồm: tìm hiểu những ưu điểm, hạn chế trong việc thực hiện nội dung trên trong các năm học 2007-2008; 2008-2009; năm học 2009-2010 thông qua các dữ liệu lưu trữ như báo cáo tổng kết năm học, phiếu đánh giá “trường học xanh sạch đẹp” và bảng điểm chấm phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, báo cáo việc thực hiện phong trào “xanh sạch đẹp” và “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, khảo sát thực trạng cơ sở vật chất của nhà trường; quan sát thực tế việc thực hiện của giáo viên, học sinh nội dung trên trong thời gian qua.

2.2.1 Khảo sát về cơ sở vật chất, môi trường.

Cơ sở vật chất nhà trường gồm 10 phòng học cấp 4 và 28 phòng học kiên cố được xây dựng lầu hóa năm 2007, khuôn viên rộng, có hàng rào, cổng trường kiên cố, có đủ các phòng học, nhà vệ sinh đúng qui cách hệ thống nước sạch đầy đủ.

Một số cây bóng mát có nhưng chưa nhiều, do nhu cầu xây dựng nên đã chặt đốn nhiều, chậu kiểng còn ít, bồn cây thiếu cây xanh.... Hệ thống cây xanh của nhà trường chưa được phong phú, một số khu đất còn bỏ trống chưa được trồng cây phủ xanh bóng mát, yếu tố “xanh” trong nhà trường cần phải bổ sung.

Lớp học khô cứng khó tạo được không khí thân thiện chưa có cây xanh, còn trang trí theo truyền thống (ảnh Bác, bảng dạy tốt học tốt, 5 điều bác dạy,.....). Một số phòng học được xây dựng mới nhưng lại trang bị bảng gỗ nên nhiều học sinh bị lóa không nhìn rõ bảng.

Sân trường còn hơn 1/3 ( khỏang hơn 1600 m2) chưa tráng bê tông, bẩn, các em đi guốc dép kéo theo đất đá vào lớp.... một số học sinh còn tùy tiện khi đi vệ sinh, còn vất giấy cứng vào lổ đi tiêu gây tắc nghẽn bồn cầu rất mất vệ sinh....  

Khẩu hiệu tuyên truyền giáo dục còn ít hiệu quả chưa cao.

Cầu thang học sinh lên xuống ở dẫy phòng học lầu hẹp chiều ngang mà lượng học sinh lên xuống nhất là giờ tan học, giờ ra chơi rất đông học sinh có thể chen lấn xô đẩy nhau gây té ngã. Nhà cao tầng có lan can nhưng nếu đùa giỡn, xô đẩy mạnh hoặc học sinh trèo lên lan can để chơi thì cũng rất nguy hiểm đến tính mạng nếu bị ngã xuống sân.

Khuôn viên trường có nhiều cây cao có thể học sinh leo trèo bị ngã gãy chân, gãy tay rất nguy hiểm. Trường nằm gần.......... vì vậy rất dễ xảy ra tai nạn giao thông nếu các em học sinh không chấp hành tốt luật giao thông đường bộ.

2.2.2 Khảo sát về các hoạt động cụ thể của giáo viên, học sinh trong việc thực hiện nội dung “Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn”.

Qua thực tế tôi nhận thấy hầu hết cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường có ý thức cao trong việc giáo dục các em thực hiện bảo vệ môi trường thông qua các bài giảng có tích hợp giáo dục môi trường, thông qua các hoạt động thực tế như trực nhật, vệ sinh làm sạch đẹp trường lớp ….

Các hoạt động phối hợp của các đòan thể trong nhà trường với giáo viên chủ nhiệm để thực hiện nội dung trên khá đa dạng. Cụ thể như giáo dục học sinh thông qua sinh hoạt dưới cờ, phòng chống dịch bệnh, qua các hoạt động lao động định kỳ, thường xuyên, các hội thi về an toàn giao thông, thi vẽ tranh về môi trường … qua đó đa số các em học sinh thực hiện tốt việc giữ gìn môi trường, bảo vệ, giữ gìn trường lớp sạch, đẹp.

Tuy nhiên kỹ năng thực hành giữ gìn, bảo vệ môi trường, phòng chống tai nạn thương tích của học sinh trong thực tế còn có những hạn chế. Cụ thể như hầu hết khi hỏi các em học sinh “Để giữ gìn trường lớp sạch, đẹp em phải làm gì?” thì các em đều trả lời được là không được vứt rác bừa bãi, vẽ bậy lên tường … tuy thực tế các em biết nhưng một số em vẫn không thực hành những nội dung đã trả lời.

Ví dụ: Một số em ăn quà xong bỏ bọc ni lông, giấy gói xuống sân trường hay vào gốc cây thay vì bỏ vào thùng rác, một số em còn vẽ bậy lên tường, ăn kẹo cao su nhả bã kẹo bừa bãi….. tương tự trong việc thực hiện Luật giao thông đường bộ, khi hỏi các em là “Em hãy cho biết đi bộ tham gia giao thông như thế nào là đúng?”, các em trả lời đúng hết và rất nhanh tuy nhiên khi ra các đường các em vẫn đi theo hàng hai, hàng ba…

Việc giáo dục môi trường, giáo dục kỹ năng sống của giáo viên bên cạnh những ưu điểm cũng còn có những mặt hạn chế, cụ thể là chưa lưu ý đến giáo dục hành vi thực tế ngoài cuộc sống cho các em học sinh mà chủ yếu là truyền đạt lý thuyết trên lớp học. Chưa thực hiện tốt phương châm “Học đi đôi với hành”.

2.2.1 Biện pháp.

Trên cơ sở khảo sát nắm bắt tình hình thực tế của nhà trường trong việc thực hiện nội dung xây dựng trường lớp “Xanh, sạch, đẹp, an toàn” tôi đưa ra một số biện pháp trọng tâm nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nội dung này.

a. Xây dựng kế hoạch.

Trường lớp “Xanh, sạch, đẹp, an toàn” là một trong 5 nội dung của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”. Vì vậy sau khi xây dựng kế hoạch và ban chỉ đạo Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực” tôi đã phân công trách nhiệm từng thành viên để thực hiện từng tiêu chí cụ thể

Với tiêu chí “xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn” tôi đã phân công phó hiệu trưởng 2 phụ trách. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên có trách nhiệm phối hợp, các tổ khối đôn đốc chỉ đạo giáo viên trong tổ thực hiện theo kế hoạch.

Tiến hành phổ biến, quán triệt trong hội đồng giáo viên, học sinh và trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm về mục đích, ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng trường học “Xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Thành viên phụ trách từng tiêu chí xây dựng kế hoạch thực hiện tiêu chí và đề ra các biện pháp thực hiện cụ thể cho tiêu chí được phân công và có báo cáo hàng tháng, học kỳ, năm học nội dung được phân công thực hiện. Trong các nội dung thực hiện chúng tôi tập trung vào ba nội dung để ráo riết chỉ đạo thực hiện đó là:

 - Giữ gìn sân trường sạch đẹp, không có rác thải vứt bừa bãi. Đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ.

 - Học sinh trồng, chăm sóc cây xanh trong lớp và trang trí lớp học.

 - An toàn giao thông khu vực cổng trường.

Việc xây dựng, phổ biến, quán triệt kế hoạch và phối hợp thực hiện là bước đi đầu tiên rất quan trọng để thực hiện thành công kế hoạch đề ra. Vì qua việc làm này mọi thành viên có liên quan nhận thức rõ điều mình sắp thực hiện, thấy vai trò trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ nhận thức đúng sẽ đi đến hành động đúng.

b. Tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức của học sinh.

Tuyên truyền giáo dục là một phương pháp không thể thiếu trong quà trình giáo dục, nó có vai trò và tác dụng lớn góp phần thực hiện thành công nội dung giáo dục. Trong đó Đội thiếu niên là trung tâm, công tác này được giao cho giáo viên Tổng phụ trách Đội trực tiếp phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức thực hiện.

Công tác tuyên truyền giáo dục được thực hiện với các hình thức cụ thể:

Tuyên truyền trong buổi nói chuyện dưới cờ đầu tuần: nhận xét, đánh giá, nhắc nhở, khen thưởng, động viên; thi vẽ tranh chủ đề về môi trường, an toàn giao thông.

Tuyên truyền thông qua chương trình phát thanh măng non, trong sinh hoạt Sao nhi đồng, sinh hoạt Đội; Giáo viên nhắc nhở trong sinh hoạt lớp, trong việc giáo dục kỹ năng sống và họat động ngòai giờ lên lớp và lồng ghép vào nội dung các môn học.

Tổ chức Ngày hội vệ sinh trường học, thi vẽ tranh về chủ đề môi trường, an toàn giao thông.

Phát động cho học sinh trồng, chăm sóc cây xanh trong lớp và tự trang trí lớp học.

Nâng cao tính hấp dẫn, sáng tạo của tuyên truyền trực quan nhà trường tăng cường việc thực hiện hệ thống pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu..., tranh các em tự vẽ về các đề tài trong các hội thi vẽ tranh của trường các vị trí phù hợp, dễ nhìn tại sân trường để tuyên truyền về xây dựng trường xanh, sạch đẹp, an toàn với các nội dung về an toàn giao thông; phòng chống ma túy; phòng chống dịch bệnh; giữ vệ sinh môi trường; tiết kiệm năng lượng; chăm sóc bảo vệ cây trồng; xây dựng giao tiếp thân thiện, văn hóa trong trường học. Tổng phụ trách Đội và giáo viên trực tiếp tuyên truyền cho các em hiểu ý nghĩa của các khẩu hiệu và hướng dẫn các em thực hiện theo.

Tuyên truyền là một trong các biện pháp mang lại hiệu quả cao vì nó tác động vào ý thức giữ gìn môi trường, bảo vệ cây xanh, bảo vệ lớp học, … của từng em học sinh. Học sinh thông qua tuyên truyền giáo dục ý thức các em sẽ thực hiện theo nội dung tuyên truyền một cách nghiêm túc từ đó hình thành đạo đức trong các em.

c. Tổ chức, thực hiện các phong trào.

Kết hợp với công tác tuyên truyền nhà trường phối hợp thêm nhiều các biện pháp giáo dục khác để thực hiện nội dung đã đề ra.

* Phong trào “Sân trường em không có rác”

Sân trường có thể nói là bộ mặt của nhà trường, sân trường sạch hay bẩn nó phản ánh một phần nội dung giáo dục môi trường của trường đó đã đạt hiệu quả hay chưa.

Để thực hiện phong trào này nhà trường bố trí hợp lý các giỏ đựng rác, thùng đựng rác tại sân trường, trên các phòng học, hành lang. Ở từng thùng đựng rác được dán các khẩu hiệu tuyên truyền như “ Hãy bỏ rác đúng nơi qui định”, “Bỏ rác vào giỏ”, “Giữ gìn trường em xanh, sạch, đẹp” … hợp đồng xe chở rác để chở rác sau khi đã tập trung rác vào khu chứa.

Liên đội tổ chức cho đội viên đăng ký không vứt rác bừa bãi với phụ trách chi đội; các em nhi đồng đăng ký với anh chị phụ trách của từng sao.

Đội sao đỏ làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát, theo dõi tình hình thực hiện của các bạn mình, kiểm tra và nhắc nhở các lớp làm vệ sinh đúng thời gian, đúng khu vực quy định. Kịp thời phát hiện, nhắc nhở những bạn thực hiện chưa tốt, tổng hợp báo cáo với tổng phụ trách với giáo viên chủ nhiệm có học sinh vi phạm. Trừ điểm thi đua của lớp chịu trách nhiệm khu vực được giao nếu để dơ bẩn.

Qua việc thực hiện phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực, các em học sinh bỏ rác đúng nơi qui định, sân trường luôn được giữ gìn sạch đẹp.

* Phong trào “Nhà vệ sinh của em sạch sẽ”

Vấn đề nhà vệ sinh trường học là một vấn đề nổi cộm của trường học trong thời gian vừa qua. Vì vậy nhà trường đặc biệt chú ý kiểm tra đôn đốc và chỉ đạo thực hiện ráo riết nội dung này.

Việc làm đầu tiên là xây dựng qui định sử dụng công trình vệ sinh của học sinh với các nội dung cụ thể như học sinh đi đúng nơi vệ sinh dành cho nam, nữ. Đi tiểu: đúng nơi qui định, tiểu xong múc nước dội sạch, rửa tay sạch sẽ; đi đại tiện: vào khu vực qui định và đóng cánh cửa, đi đại tiện đúng lỗ, sử dụng giấy vệ sinh phải bỏ vảo sọt đựng, xả nước khi đi đại tiện, rửa tay sạch sẽ … Thực hiện tranh có khẩu hiệu tuyên truyền được dán ngay tại các khu vệ sinh của học sinh.

Chỉ đạo giáo viên tăng cường giáo dục ý thức chấp hành nội qui sử dụng công trình vệ sinh, tạo thành thói quen có văn hóa khi đi vệ sinh.

Kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên việc quét dọn nhà vệ sinh của nhân viên phục vụ, đảm bảo không để nhà vệ sinh dơ bẩn. Ít nhất một ngày phải thực hiện bốn lượt vệ sinh, cụ thể là sau giờ ra chơi buổi sáng, sau giờ ra chơi buổi chiều và khi học sinh tan học.

Qua việc thực hiện phong trào thì nhà vệ sinh của nhà trường luôn được vệ sinh sạch sẽ.

* Phong trào “Trồng cây xanh, trang trí lớp học thân thiện

Không chỉ chú trọng phát triển mảng xanh trong khuôn viên trường, xây dựng môi trường học tập hiệu quả còn được đặt ra ở từng lớp học nhiệm vụ này do chính giáo viên, học sinh đảm nhận.

+ Mảng xanh trong lớp: Nhà trường phát động các lớp trồng cây xanhtrang trí trong lớp học. Giáo viên, học sinh tìm cây xanh, hoa lá trang trí trong lớp học. Tạo rèn luyện cho học sinh thói quen quan tâm đến môi trường, yêu thiên nhiên.

+ Trang trí lớp học thân thiện: Sự trang trí trong một phòng học tạo nên một không gian thoáng đãng, hài hoà và rất ấn tượng; Kết hợp giữa làm đẹp cảnh quan lớp học với yêu cầu phục vụ học tập của học sinh. Nhà trường định hướng cho các lớp trang trí có những nét chung, đảm bảo đặc thù của lớp học nhưng vẫn có những nét riêng của mỗi lớp, tránh rườm rà, phản tác dụng... Trong mỗi lớp đều có bảng ghi thời khóa biểu của lớp, có “Vườn kiến thức” trong đó chia ra nhiu ô như Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, hiểu biết chung... để học sinh cập nhật kiến thức trọng tâm hàng ngày vào đó; có nội quy lớp học, có bảng thi đua, phê bình để tuyên dương hoặc nhắc nhở các tập thể, cá nhân hàng tuần...

Trang trí lớp học thân thiện đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: Biết sống hợp tác, giúp các em tự tin, năng động trong học tập, sinh hoạt; đem đến niềm vui, thích thú, các em có cảm giác hưng phấn khi bước chân vào lớp học. Hỏi một số học sinh lớp 4, 5, các em hào hứng bày tỏ: “Chúng em thích đến lớp ! Chúng em thấy yêu lớp của mình !” Rõ ràng các em đã thực sự coi lớp của mình như ngôi nhà thứ hai của mình, gần gũi nhau hơn, chia sẻ cùng nhau, giúp nhau học tập...

Qua hoạt động Trồng cây xanh, trang trí lớp học thân thiện, không chỉ cảnh quan của nhà trường, của các lớp học đẹp hơn mà điều quan trọng hơn là việc làm này đã góp phần giáo dục các em học sinh thực hiện quyền làm chủ của mình đối với chính ngôi trường, lớp học các em đang học tập. Một điều có ý nghĩa nữa qua phong trào này, đó là vấn đề xã hội hoá giáo dục. Toàn bộ việc trang trí lớp học đều do giáo viên chủ nhiệm và học sinh các lớp đứng ra bàn bạc, thống nhất và thực hiện có sự phối hợp hỗ trợ của cha mẹ học sinh.

+ Phong trào “Xây dựng vườn cây thuốc Nam, Vườn cây học tập, Thư viện xanh”.

Một trường học, lớp học xanh mát, ngập tràn sắc màu thiên nhiên, để mỗi ngày đến lớp, các em học sinh có cảm giác như mình đang vào công viên. Quả là tâm trạng tuyệt vời. Nhìn ở phương diện khoa học: cây cỏ, lá hoa được ví như lá phổi thanh lọc những khí chất độc hại cho cơ thể. Ở góc độ đời sống tinh thần, màu xanh thiên nhiên có tác dụng giúp tâm hồn thư giãn, sảng khoái …

- Xây dựng vườn cây học tập: Dành cho học sinh khối lớp 4 và 5, mỗi lớp được phân chia theo khu vực và trồng các cây rau hoa phục vụ giáo viên và học sinh trong việc dạy và học môn Kỹ thuật lớp 4, lớp 5 được củng cố thêm bài học ở lớp 4 qua thực tế. Qua vườn cây học tập các em được tự tay chăm sóc gieo trồng, theo dõi quá trình từ lúc cây được gieo hạt, nảy mầm và phát triển.

Qua vườn cây học tập học sinh nắm bắt được qui trình phát triển của cây từ đó yêu thích giữ gìn, biết gần gũi với thiên nhiên và cộng đồng.

 - Xây dựng vườn cây thuốc Nam: Nhà trường giao cho tổ hành chính phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức thực hiện, trồng các cây thuốc nam thông dụng, dễ trồng, có sức chịu đựng cao và khả năng phát triển như (tía tô, ngải cứu, đinh lăng, nghệ, gừng, lá láng, lược vàng....). Học sinh được giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn tham quan, cán bộ thư viện trường chỉ dẫn công dụng và cách sử dụng cây thuốc.

Qua vườn cây thuốc Nam làm cho giáo viên, học sinh nắm được đặc điểm, tác dụng của một số loại cây thuốc và bài thuốc Nam đơn giản để có thể tự cứu, tự chữa khi mắc những bệnh thường gặp, thấy được truyền thống dùng cây thuốc nam của cha ông ta từ ngàn xưa, thấy được tác dụng của cây thuốc nam trong việc phòng chống dịch bệnh và bồi dưỡng sức khỏe.

- Thực hiện thư viện xanh (ngoài trời): được xây dựng bằng những ống nhựa, trang trí bên ngoài dùng dây treo, đặt sách vào trong. Nguồn tài chính ban đầu do cha mẹ học sinh hỗ trợ. Các em tham gia đọc sách vào giờ ra chơi, tư liệu là báo, truyện dành cho thiếu nhi, báo và tạp chí giáo dục và truyện thiếu nhi của các em đội viên quyên góp đã được nhà trường kiểm tra nội dung.

Qua hoạt động của thư viện, kỹ năng đọc, nói, giao tiếp, kỹ năng sống của các em được nâng cao, tình bạn giữa các em học sinh được phát triển trong môi trường hoạt động lành mạnh. Thư viện xanh còn rèn luyện tính tự giác, ý thức bảo quản, giữ gìn sách, là một không gian học tập, giải trí mở cho các em trong trường, góp phần rèn luyện thói quen đọc sách trong học sinh, góp phần giáo dục nhân cách.

- Tổ chức cho học sinh tham gia trồng, chăm sóc cây xanh tại vườn cây học tập, vườn cây thuốc nam, khu vực thư viện xanh, trong lớp học, giữ gìn vệ sinh, đảm bảo trường lớp luôn xanh - sạch – đẹp, thoáng mát.

Phong trào đã giúp cho hệ thống cây kiểng, cây xanh của nhà trường luôn được bảo vệ, chăm sóc xanh tốt. Tạo nên khuôn viên nhà trường mát mẻ, sảng khoái.

d. Tổ chức lao động thường xuyên, định kỳ.

Ngay từ đầu năm học nhà trường xây dựng kế hoạch lao động. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lớp phụ trách từng khu vực, giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm trước nhà trường về nhiệm vụ được giao.

Các lớp vừa có trách nhiệm lao động, vệ sinh khu vực được phân công hàng ngày, đồng thời cũng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sinh khu vực của mình. Kịp thời phát hiện và báo cáo sao đỏ, tổng phụ trách Đội nếu có học sinh lớp khác làm mất vệ sinh khu vực của lớp mình quản lý. Việc thực hiện vệ sinh sân trường chỉ thực hiện ở khối lớp 3 đến lớp 5. Khối lớp 1 và 2 học sinh được thực hiện vệ sinh ngay tại lớp học của mình với sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm.

Các phòng hành chính và các phòng chức năng của nhà trường cũng được chỉ đạo vệ sinh, bố trí sắp xếp hợp lý tủ, bàn, trang trí hoa lá để tạo môi trường thoải mái, sạch đẹp cho cán bộ, giáo viên, học sinh học tập, làm việc.

Tóm lại: Việc tổ chức lao động thường xuyên, định kỳ đảm bảo cho khuôn viên trường, phòng học, phòng chức năng và các phòng hành chính luôn luôn được giữ gìn sạch sẽ hàng ngày.

đ. Giáo dục môi trường, giáo dục kỹ năng sống trong các tiết học

Hiện nay việc tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục kỹ năng sống trong một số tiết học là bắt buộc.

Nếu các thầy cô giáo biết cách lồng ghép thường xuyên vấn đề này trong các bài giảng của mình thì hiệu quả chắc chắn không phải là nhỏ vì thầy cô giáo vừa là những tấm gương rất thuyết phục, vừa là những người có sức lay động, cảm hóa sâu sắc. Một lời nói của thầy cô có thể tác động trực tiếp và lớn lao hơn cả những chương trình truyền thông khô cứng.

Để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nội dung trên thì giáo viên trường đã được tham dự tập huấn chuyên đề bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho giáo viên về giáo dục kỹ năng sống, giáo dục môi trường do phòng giáo dục huyện Trảng Bom tổ chức nhằm nâng cao khả năng tích hợp, lồng ghép giáo dục môi trường trong các giờ học chính khóa.

Tổ chức chuyên đề cho giáo viên toàn trường rút kinh nghiệm. Tổ chức chuyên đề theo các tổ khối để giáo viên trong tổ cùng bàn bạc để đưa ra những phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh từng khối. Đặc biệt lưu ý giáo viên đến việc giáo dục học sinh bằng những tình huống cụ thể tránh nói lý thuyết suông.

Qua các tiết học có giáo dục môi trường thì giáo viên cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về môi trường, đó là những hiểu biết về môi trường tự nhiên, sự ô nhiễm môi trường, phương pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt qua các tiết học này giúp cho học sinh có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống và các kỹ năng bảo vệ môi trường.

e. Phòng chống tai nạn thương tích.

Phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh là nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà trường đối với các em học sinh và cha mẹ của các em.

Trường  XXX  có số lượng học sinh đông nên việc phòng chống tai nạn giao thông cho học sinh vào giờ tan học được nhà trường đặc biệt quan tâm. Để giảm bớt lượng học sinh ra về cùng một lúc tập trung tại cổng trường, nhà trường thực hiện việc cho học sinh các lớp bé (khối 1, 2) được sắp hàng ra về trước tại mỗi buổi học. Qui định tất cả học sinh đi xe đạp khi ra khu vực cổng trường giờ tan học không được chạy xe mà phải dắt xe qua khu vực đông người mới được phép lên xe đi. Không đi bộ tràn ra lòng lề đường khi tan học. Giao cho tổng phụ trách Đội và giáo viên chủ nhiệm triển khai thực hiện.

Treo bảng “cấm đậu xe trước cổng trường” để phụ huynh học sinh thực hiện. Đảm bảo cổng trường thông thoáng không ách tắc giao thông khi tan học. Giao cho bảo vệ trực tiếp thường trực và thực hiện công tác ổn định trật tự giao thông khu vực cổng trường vào giờ đưa, rước học sinh.

Nhờ thực hiện các biện pháp trên mà trong năm học khu vực cổng trường an toàn, không có tai nạn giao thông xảy ra.

Ngoài việc chú trọng thực hiện nội dung trên thì nhà trường cũng thường xuyên hướng dẫn các em kỹ năng vui chơi, sinh hoạt đúng cách để không để xảy ra tai nạn. Công việc này được giao cho Tổng phụ trách Đội và giáo viên chủ nhiệm phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở các em thực hiện.

Ví dụ: Nhắc nhở học sinh không sờ tay vào lỗ ổ cắm điện; không nô giỡn trong giờ ra chơi tại khu vực lan can của nhà cao tầng; không xô đẩy nhau khi đi lên xuống cầu thang; không chơi dao, kéo và các đồ vật sắc nhọn …

Việc thực hiện Phòng chống tai nạn thương tích đã giúp giảm thiểu các tai nạn xảy ra trong nhà trường. Trong năm học nhà trường không có học sinh bị tử vong hay bị thương tích nặng phải nằm viện do tai nạn, thương tích xảy ra trong trường.

g. Phối hợp với cha mẹ học sinh xây dựng nhà trường “Xanh, sạch, đẹp, an toàn”

Phụ huynh học sinh là một thành tố không thể thiếu trong ba thành tố để thực hiện công tác giáo dục học sinh đó là Nhà trường – Gia đình – Xã hội.

Ngay từ đầu năm học trong các cuộc họp phụ huynh học sinh lớp, họp phụ huynh học sinh trường cùng với việc triển khai các nội dung khác thì nhà trường đặc biệt chú ý đến vấn đề xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà nội dung phụ huynh học sinh có thể tham gia phối hợp nhiều nhất cõ lẽ là xây dựng “Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn”.

Trong công tác phối hợp với phụ huynh học sinh nhà trường đặc biệt chú ý chỉ đạo giáo viên phát huy cao công tác chủ nhiệm lớp. Chủ động phối hợp với cha mẹ học sinh của lớp mình trong việc giáo dục học sinh bảo vệ môi trường; chấp hành nội qui, qui định của nhà trường để đảm bảo an toàn trong vui chơi;chấp hành luật khi tham gia giao thông … đồng thời để tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí, nhân lực để thực hiện các nội dung xây dựng “Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Nếu giáo viên, nhà trường tranh thủ được sự phối hợp của cha mẹ học sinh thì sẽ góp một phần quan trọng giúp cho hoạt động giáo dục đó đạt kết quả cao.

 

III. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI.

Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn đã thật sự tạo ra môi trường học tập, sinh hoạt, vui chơi an toàn, thú vị, hấp dẫn đối với học sinh và giúp các em càng thêm yêu quý trường lớp, thầy cô, bạn bè. Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn còn có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục học sinh ý thức, thói quen giữ gìn bảo vệ môi trường và tạo sự lan tỏa đến môi trường gia đình cộng đồng các em đang sống. Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn giúp cho việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh theo các mục tiêu giáo dục của trường tiểu học và học sinh phải phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập cũng như trong các hoạt động xã hội, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

1. Kết quả đạt được.

a/ Kế hoạch trồng cây :

- Năm học 2010 - 2011 mua thêm cây (26 cây liễu rũ, 10 cây bàng lá nhỏ) bổ sung trồng tại khu vực còn trống, trồng dặm thêm (sát tường rào). Đến nay Khuôn viên của nhà trường ngày càng “Xanh, sạch, đẹp” và an toàn, thoáng mát, đã góp phần tạo nên môi trường học tập, vui chơi thoải mái cho học sinh.

b/ Xây dựng vườn cây học tập, vườn cây thuốc Nam, thư viện xanh:

Đi vào họat động và phát huy hiệu quả trong các họat động của nhà trường.

- Xây dựng vườn cây học tập: diện tích 320 m2 với 22 luống cây rau hoa (cho 10 lớp khối 4, 10 lớp khối 5 và 02 luống cho tổ hành chính). Trong đó có 09 loại cây rau hoa như cây rau cải, rau muống, ngải cứu, rau đay… Phục vụ cho các bài học chương trồng rau, hoa (kỹ thuật lớp 4).

- Xây dựng vườn cây thuốc Nam: diện tích 30 m2 với trên 08 lọai cây thuốc như cây mã đề (chữa táo bón, thanh nhiệt), cây tía tô và cây gừng (chữa cảm lạnh, làm gia vị), cây hương nhu (chữa cảm sốt), cây lược vàng (chữa ho, viêm họng), cây đinh lăng (bổ máu, giải độc), cây nha đam (chữa mụn, làm đẹp da), cây lá láng (chữa đau khớp, bong gân), cây sả, cây nghệ ……

- Thực hiện thư viện xanh (ngòai trời) với 45 ống sách treo, 100 chỗ ngồi và trên 2300 quyển sách, báo cho thiếu niên nhi đồng (họat động thường xuyên, sách và báo được câp nhật đều mỗi khi ra số mới)

c/ Tiết kiệm điện nước:

- Sửa hệ thống nước sinh họat cho học sinh và giáo viên ở những vị trí thích hợp, tăng cường thêm 10 vòi nước rửa tay chân cho học sinh tại sân trường.

- Hệ thống điện được lắp đặt đúng quy cách không để xảy ra chạm chập điện.

- Thay thế 76 bóng đèn Compac khi bóng 1m2 bị yếu hay hư tại các phòng học.

(rất tiết kiệm vì 04 bóng compac 45w/bóng ( thậm chí 15w/bóng ) cung cấp đủ ánh sáng cho phòng học thay vì 08 bóng 1m2 80w/bóng)

d/ Sân trường:

- Chăm sóc cây bóng mát, cây cảnh, tạo thêm mảng xanh cho sân trường.

- Tạo sân chơi cho học sinh dành khu vực để vẽ trò chơi, tổ chức chơi cho học sinh (nhảy cò, ô quan, trồng nụ, chuyền, cướp cờ..), làm 06 thiết bị dụng cụ chơi như (bập bênh, xích đu, tay đu …. ).

- 63 Panô, khẩu hiệu để tuyên truyền cổ động giáo dục phù hợp với địa phương (ATGT) và điều kiện thực tế của nhà trường.

- Trang bị 62 giỏ rác có nắp đậy cho 57 lớp học và các phòng làm việc của trường, 12 thùng rác lớn có nắp đậy đặt tại sân trường. Giữ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải và hợp đồng xe để chở rác sau khi đã tập trung rác vào khu chứa.

đ/ Lớp học:

- Học sinh quan tâm, có trách nhiệm xây dựng vệ sinh lớp học

- 57 lớp học đều thực hiện trang trí lớp học: Đẹp - khoa học có tác dụng giáo dục như: Bảng trưng bày sản phẩm học sinh, khẩu hiệu, ảnh Bác, cây xanh treo, đặt trong phòng học.

- Trang bị 02 bộ trình chiếu: 01 bộ tĩnh tại phòng học 16 (gồm 01 laptop, 1 TV Plasma) và 01 bộ di động (gồm 01 laptop, 01 projector, 01 màn chiếu) phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

- Trang bị 38 bảng từ chống lóa cho 34 phòng học và các phòng làm việc của trường tạo điều kiện cho học sinh tiếp thu bài tốt hơn và giáo thực hiện giới thiệu đồ dùng dạy học dễ dàng hơn.

- Tổ chức 01 phòng dạy bộ môn phục vụ cho việc dạy môn Âm nhạc, tận dụng phòng họp hội đồng cho việc dạy bồi dưỡng HS năng khiếu, tiết dạy môn Tiếng Anh ngoài buổi học chính của lớp.

e/ Phòng làm việc:

- Sắp xếp khoa học, ngăn nắp, tạo thêm cây xanh, không khí thân thiện khi làm việc.

- Xây dựng nội qui làm việc, thực hiện trao đổi nhanh thông tin qua việc trưng bày kế hoạch, các văn bản chỉ đạo qua bảng thông tin tại văn phòng trường.

- Thực hiện qui định về 03 công khai tại văn phòng nhà trường.

g/ Tham gia các họat động vì môi trường :

- Tham gia tốt các họat động cổ động vì môi trường: tổ chức Thi vẽ về môi trường.

- Tham gia hưởng ứng các họat động tuần lễ về bảo vệ môi trường.

h/ Theo dõi sự thay đổi về môi trường:

- Thường xuyên theo dõi sự thay đổi của môi trường, có kế hoạch phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

i/ Những tác động ảnh hưởng tới môi trường.

- Tráng 1600 m2 bê tông sân trường tạo điều kiện vệ sinh sạch sẽ và sân chơi cho HS.

- Xây 97 m kè bảo vệ, phòng úng lụt (nước trên xã HốNai 3 đổ xuống) vào mùa mưa.

- Quét vôi 10 phòng học, sơn và quét vôi trên 300m tường xây hàng rào bảo vệ trường.

- Thay ngói bằng tole tại 07 phòng học (dãy 10 phòng cấp 4 lợp ngói).

- Bố trí khu vực đón, đưa học sinh không để ách tắc giao thông.

- Vệ sinh thường xuyên sân trường, lớp học, hành lang bảo đảm khu vực trường luôn sạch đẹp.

Qua thực hiện đề tài nhà trường đã thực hiện được việc bảo đảm trường an tòan, sạch sẽ, có cây xanh, thóang mát và ngày càng đẹp hơn, lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế hợp lứa tuổi học sinh.

Có đủ nhà vệ sinh phù hợp với cảnh quan nhà trường, được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Học sinh có ý thức tích cực tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ vệ sinh các công trình công cộng, nhà trường, lớp học và cá nhân.

Tạo được môi trường thuận lợi, chất lượng dạy và học được nâng lên.

Đặc biệt tháng 8/2011 phòng Giáo dục Đào tạo huyện đã chọn điểm để tổ chức chuyên đề “Xây dựng cảnh quan trường học thân thiện” có sự tham dự của 32 đơn vị trường tiểu học tại trường  XXX  qua đó nhân rộng mô hình đến các đơn vị trong toàn huyện, các trường trong huyện đã thực hiện khá tốt và được phòng Giáo dục Đào tạo huyện đánh giá là phát huy hiệu quả trong sơ kết học kỳ 1 năm học 2011-2012.

2. Số liệu so sánh về chất lượng học tập của học sinh năm học 2010-2011 so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Qua việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm xây dựng “Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn” môi trường học tập của nhà trường từng bước được cải thiện góp phần nâng dần chất lược học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên. Cụ thể về học lực và hạnh kiểm:

- Năm học 2010-2011: ( học sinh yếu được tính vào thời điểm cuối năm chưa thi lại )

( Hoàn thành chương trình tiểu học 332/332 ) 100%  

+ Tỉ lệ lên lớp sau khi thi lại: (toàn trường 1843/1890 tỉ lệ 97,51% )

Môn TV: Giỏi : 36,35  so với kế hoạch 20,18  vượt 16,17 %.

 Khá : 41,64  so với kế hoạch 27,54  vượt 14,10 %.

 TB  : 18,62 so với kế hoạch 49,24

 Yếu :  3,39  so với kế hoạch  3,05  Thiếu 0,34 %.

Môn Toán:  Giỏi : 43,65  so với kế hoạch 24,91  vượt 18,74 %.

 Khá : 33,76 so với kế hoạch 28,48  vượt 05,28 %.

 TB  : 20,11  so với kế hoạch 43,98

 Yếu :  2,49  so với kế hoạch  2,63  giảm 0,14 %.

+ Hạnh kiểm:

Việc xây dựng trường xanh, sạch, đẹp, an toàn đã góp phần giáo dục học sinh toàn trường qua đó xây dựng ý thức tự giác, kĩ năng, hành vi giữ gìn, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh trong trường học, cộng đồng hình thành nhân cách và đạo đức cho học sinh.

Học sinh yêu thích trường lớp qua môi trường thân thiện, trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, quang cảnh thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên.

100% học sinh đạt yêu cầu về hạnh kiểm theo đánh giá cuối năm học 2010-2011 và học kỳ 1 năm học 2011-2012.

IV. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG.

Thực hiện đề tài sáng kiến kinh nghiệm này tôi nhận thấy đề tài đã được áp dụng trong thực tế tại đơn vị có hiệu quả, có khả năng thực hiện đối với các trường.

Đề tài cũng chứng minh đựơc cảnh quan trường lớp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách cho học sinh, tạo được môi trường thuận lợi, chất lượng dạy và học được nâng lên. Tôi mong ước phong trào “Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn” trong trường được xây dựng và duy trì bền vững để tiến tới xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Bản thân cũng mong muốn được sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo đối với nhà trường vì trong đó con người (học sinh) được giáo dục đang sống, lao động và học tập được sử dụng nhằm tác động đến sự hình thành nhân cách của họ phù hợp với mục đích giáo dục đã định.

Trong thực tế quản lý và nghiên cứu học hỏi những kinh nghiệm của đồng nghiệp tôi biết rằng đề tài của tôi còn có những hạn chế nhất định. Tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các cấp lãnh đạo và bạn đồng nghiệp để giúp cho công tác quản lý nhà trường của tôi đạt kết quả tốt hơn.


V. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chỉ thị 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22/7/2008 của Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc phát động phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008 – 2013.

2. Kế hoạch 307/KH-BGDĐT ngày 22/7/2008 của Bộ GD & ĐT về triển khai phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông năm học 2008 – 2009 và giai đoạn 2008 – 2013.

3. Kế hoạch liên ngành 7575/KHLN/BGDĐT-BVHTTDL-TƯĐTN ngày 19/8/2008 giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về triển khai phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 – 2013.

4. Hướng dẫn số 1741/BGDĐT-GDTrH ngày 05/3/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá kết quả phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở bậc tiểu học.

5. Văn bản 7055/BGDĐT-CTHSSV ngày 21/10/2011 của Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc hướng dẫn việc triển khai thực hiện PTTĐ “Xây dựng THTT, HSTC” năm học 2011-2012

6. Tài liệu tăng cường năng lực quản lý trường học Quyển 4: Sơ lược quá trình phát triển giáo dục của Việt Nam và một số nước trên thế giới - Dự án Hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục SREM.

7. MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC – PGS.TS Phạm Hồng Quang – NXB Giáo dục – 2006

 

 

 

 


PHỤ LỤC

 

 

 

1

 

nguon VI OLET