Nguyễn Đình Chiểu: Nhà thơ yêu nước nồng cháy và một nhân cách lớn
Lục Vân Tiên: Một tác phẩm chấn hưng phong hoá dân tộc
Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là một nhà nho yêu nước chân chính tiêu biểu của Nam Bộ trong thế kỷ XIX.
Cùng chung số phận với nhiều văn thi hào và sĩ phu kiệt hiệt khác như Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Trương Định..., Nguyến Đình Chiểu sống vào một giai đoạn vô cùng đen tối của lịch sử dân tộc. Triều đình nhà Nguyễn (với những ông vua thủ cựu như Tự Đức...) đang trên đà suy sụp, đã mất hẳn khả năng lãnh đạo nhân dân kể cả trong công cuộc xây dựng cũng như công cuộc bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Xã hội Việt Nam thời đó rơi vào tình trạng ngưng trệ và lạc hậu thảm hại. Rốt cuộc, trước sự xâm lược của thực dân Pháp, cái triều đình ươn hèn, bất lực đó đã không thể đối phó, không thể lập được "thế cân bằng" với ngoại bang, và đã để đất nước ta rơi trọn vào tay chúng.
Trước vận mệnh bi đát của đất nước, trước cảnh "sinh dân nghiêng nghèo" ấy, Nguyễn Đình Chiểu cũng như bao người hiền tài khác, đã đau lòng nhức óc biết là nhường nào!
Trước kia Nguyễn Trãi đã từng nhận định rằng trên đất nước ta, các thời đại "tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt không bao giờ thiếu" (Bình Ngô đại cáo).
Nguyễn Đình Chiểu là một người con hào kiệt của vùng đồng bằng Nam Bộ, là một nhân cách lớn mà sự nghiệp và tên tuổi của ông sẽ mãi mãi sáng ngời. Là nhà thơ suốt đời bị mù loà, nhưng không những ông là tác giả của tác phẩm bất hủ Lục Vân Tiên, của "Ngư tiều y thuật vấn đáp", "Dương Từ Hà Mậu"..., ông còn là tác giả của những bài thơ, những bài văn tế nổi tiếng, trong đó ông đã tưới máu và nước mắt của mình hoà chung với những bi kịch mà nhân dân anh hùng bất khuất và đau thương của ông phải chịu đựng khi chống trả bọn xâm lược. Có những câu thơ của ông đã khắc sâu vào lòng người:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Lịch sử văn học đã xác nhận Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn, nhà thơ tiên khu vĩ đại, người mở đầu cho dòng văn học yêu nước và cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Lục Vân Tiên là tác phẩm "tiểu thuyết bằng thơ nôm" sau chót của văn học Việt Nam, được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác ngay trong thời kì cận đại. Đó là điểm son cuối cùng của loại hình tác "truyện nôm", "diễn ca nôm" như Chinh phụ ngâm, cung oán ngâm khúc, Hoa Tiên, Phan Trần, Nhị Độ Mai, Bần nữ thán, Truyện Kiều, truyện nôm khuyết danh...
Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác Lục Vân Tiên với động cơ gì?
Như trên đã nói, trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, xã hội Việt Nam, trong cơ chế của một chế độ phong kiến phương Đông ngưng trệ, lạc hậu, đương trượt dài trên con đường suy thoái. Khắp đất nước phơi bày tình cảnh nghèo đói xác xơ, đạo đức con người cũng như phong hoá dân tộc ngày một sa sút.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho chân chính, cho nên trong lòng ông lúc nào cũng đau đáu những ý tưởng về sự "kinh bang tế thế". Do hạn chế về lịch sử, ông chưa nhận thức được rằng những ý tưởng của những sĩ phu phong kiến như ông muốn khôi phục lại một xã hội lý tưởng thời Nghiêu - Thuấn, thực ra đã lỗi thời rồi...
Tuy nhiên với tâm huyết sôi sục của một con người nhập thế tích cực, nhất thiết ông phải hành động để phụng sự đất nước và dân tộc ông. Chính vì thiết tha muốn "đem lời nói đốt cháy lòng thiên hạ" (thơ Puskin) mà ông viết Lục Vân Tiên. Với ông, trong lúc đời đang suy, việc viết một tác phẩm đứng đắn và mang đầy nhiệt huyết như Lục Vân Tiên chính là một diệu kế, khả dĩ cứu vãn được sự suy thoái của đất nước và chấn hưng được phong hoá của dân tộc.
Lục Vân Tiên là bản trường ca đề cập về luân lí đạo đức của con người, nói cách khác: về "Đạo lý Việt Nam".
Đạo lý ấy rất giản dị: Trai thì trung với nước, hiếu với cha mẹ, có chí tiến thủ, giúp nước cứu dân; gái thì tiết hạnh và cao quý; đồng bào ăn ở với nhau thì có thuỷ có chung, luôn luôn sẵn sàng cứu giúp nhau trong những cơn hoạn nạn, không vì danh lợi mà chà đạp lên tình người, không vì những đố kị và oán hận riêng tây mà hại người
nguon VI OLET