Nguyễn Hữu Cảnh (1650 – 1700)  tên thật là Nguyễn Hữu Thành húy Kính, tộc danh là Lễ. (1)

là một danh tướng của chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là người xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định vào năm 1698. Kể từ thời điểm đó, miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ Việt Nam.

 

I.Gia thế và khởi nghiệp:

 

Nguyễn Hữu Cảnh  sinh năm 1650, tại vùng đất nay là thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình, là con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Thiện.

 

Là cháu 9 đời của Nguyễn Trãi, từ đời ông của Nguyễn Hữu Cảnh là Nguyễn Triều Văn (dòng Nguyễn Hữu, tước Triều Văn Hầu, phò triều Lê và Nguyễn sơ),trước ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sau theo chúa Nguyễn Hoàng di cư vào Nam..


Con ông Triều Văn là Nguyễn Hữu Dật sinh nhiều con trai, trong đó có bốn người là tướng giỏi, kể theo thứ tự: Nguyễn Hữu Hào (tước Hào Lương Hầu, tác giả truyện nôm ''Song Tinh Bất Dạ''), Nguyễn Hữu Trung (tước Trung Thắng Hầu), Nguyễn Hữu Cảnh (tước Lễ Thành Hầu) và Nguyễn Hữu Tín (tước Tín Đức Hầu)

 

Dòng dõi con nhà tướng, lớn lên trong thời kỳ Trinh - Nguyễn phân tranh, lại chuyên tâm luyện tập võ nghệ. Bởi vậy, tuy còn trẻ, nhưng ông đã lập được nhiều chiến công và đã được chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức Cai cơ (một chức võ quan thuộc bậc cao) vào lúc tuổi độ hai mươi.

Ông được người đương thời tôn xưng danh hiệu "Hắc Hổ" (vì ông sinh năm Dần và vì có nước da ngăm đen, vóc dáng hùng dũng) và về sau được chúa Nguyễn phong tước Lễ Thành Hầu.

 

II. Công trạng:

 

2.1 Bình định, an dân đất Champa:

 

Vào những năm 1690-1691, vua Champa là Kế Bà Tranh thường đem quân vượt biên giới, sát hại dân Việt ở  Diên Ninh Diên Khánh). Đầu năm 1692, chúa Nguyễn phái Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh cùng với tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân bình định biên cương, thành lập trấn Thuận Thành (đất Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay). Bình định vừa xong, một nhóm người Thanh, đứng đầu là Aban xúi giục bè đảng dấy loạn. Nguyễn Hữu Cảnh lại nhận lệnh dẹp bọn tạo phản, đem lại sự an ninh cho dân chúng bản hạt rồi được cử làm trấn thủ dinh Bình Khương (còn được gọi Bình Khang, nay là vùng Khánh Hòa - Bình Thuận).

 

2.2 Xác lập chủ quyền vùng đất mới:

 

Theo ''Đại Nam thực lục tiền biên'' thì vào tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Hiến Tông Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) phong cho trấn thủ Bình Khương là Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, rồi vào kinh lược xứ Đồng Nai. (quyền 7, tr.153).

 

Vùng đất này ngày ấy bao gồm từ khu vực Cù lao Phố (tức Châu Đại Phố, , xưa thuộc dinh Trấn Biên, nay thuộc TP. Biên Hòa) đến Mỹ Tho. Nơi đây có các đồn binh trấn giữ, làm luôn nhiệm vụ thu thuế thương chánh cho cả vùng. Lúc bấy giờ dân cư khoảng 40.000 hộ, bao gồm cả người bản địa và lưu dân (người Việt, người Hoa, người Chăm…).


 

Theo đường biển, thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai đến ở tại Cù lao Phố (là một cảng sầm uất nhất miền Nam bấy giờ. Từ đấy, Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, “lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có 2 ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch” (Theo [Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí)

 

''Đại Nam liệt truyện'' (tiền biên, quyển 1) ghi công: ''“Nguyễn Hữu Cảnh đã chiêu mộ dân phiêu tán từ châu Bố Chánh (nay là [[Quảng Bình]]) trở vào Nam vào đất ấy (tức đất Trấn Biên và Phiên Trấn), rồi đặt xã thôn, phường ấp, định ngạch tô thuế và ghi tên vào sổ đinh.''

 

Và cũng theo Trịnh Hoài Đức thì nhờ Nguyễn Hữu Cảnh mà đất đai mở rộng hơn ngàn dặm, dân số có thêm bốn vạn hộ.

 

2. 3 Nam chinh và qua đời:

 

Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu (Ang Saur, có sách ghi Nặc Ong Thu) đem quân tiến công Đại Việt, chúa Nguyễn Phúc Chu lại cử Nguyễn Hữu Cảnh làm thống binh, cùng với phó tướng Phạm Cẩm Long, tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng Trần Thượng Xuyên lo việc đánh dẹp và an dân. Và thủy binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến thẳng đến thành La Bích (Nam Vang), đánh tan quân của Nặc Thu.

 

Sau khi vua Chân Lạp qui hàng, “Nguyễn Hữu Cảnh cho thuyển ghé lại thăm nom, khích lệ dân chúng, dù Miên, Hoa hay Việt, hãy cùng nhau gìn giữ tin thần thân thiện, tắt lửa tối đèn có nhau. Những hành động khoan hòa , thiết thực, những cử chỉ ưu ái thật lòng của ông đã làm cho đồng bào vô cùng cảm mến" (Nguyễn Ngọc Hiền, sách dẫn bên dưới)


Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao và báo tin thắng trận về kinh. (sách gọi Cù lao Sao Mộc hay Tiêu Mộc hoặc châu Sao Mộc; sau dân địa phương nhớ ơn ông, nên gọi là Cù lao Ông Chưởng, nay thuộc Chợ Mới, An Giang. Gia Định Thành Thông Chí chú thích: "Cù lao này lúc trước có nhiều cây sao, tức là cù lao Ông Chưởng ngày nay")

 

Theo Gia Định thành thông chí:

Ở đây một thời gian ông bị "nhiễm bệnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch) ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ, rồi bị trúng phong và thổ huyết, bịnh tình lần lần trầm trọng. Ngày 14 ông kéo binh về, ngày 16 đến Sầm Giang (Rạch Gầm, Mỹ Tho) thì mất.

 

Theo Nguyễn Ngọc Hiền: Nguyễn Hữu Cành mất đúng ngày 9 tháng 5 âm lịch năm Canh Thìn tại Rạch Gầm. Thế nên từ Mỹ Tho (Tiền Giang]]) trở xuống cù lao Ông Chưởng (Hậu Giang) cho đến cả Nam Vang đều làm lễ giỗ  ông vào ngày này. Riêng Cù lao Phố làm lễ giỗ ngày 16 tháng 5 âm lịch, có thể do người xưa tính ngày đình cữu (nơi dừng quan tài) và quyền táng (nơi được quyền chôn tạm) thân xác ông tại đây. (sách dẫn bên dưới, tr. 179).

Khi ấy chở quan tài về tạm về tạm trí ở dinh Trấn Biên, rồi đem việc tâu lên, chúa Nguyễn Phúc Chu rất thương tiếc, sắc tặng là Hiệp tán Công thần, thụy là Trung Cần, hưởng 51 tuổi. Người Cao Miên lập miếu thờ ông ở đầu châu Nam Vang. Nơi cù lao ông nghỉ bệnh, nhân dân cũng lập đền thờ, được mạng danh là Cù lao ông Lễ. Còn chỗ đình quan tài ở dinh Trấn Biên cũng lập miếu thờ.

 

2.4 Ngộ nhận:

Chức quan:

Theo quan niệm của dân chúng vẫn gọi ông là Chưởng binh Lễ, vì vậy nhiều tài liệu cho rằng ông giữ chức Chưởng binh. Trên thực tế, thời chúa Nguyễn không có chức vụ nào là Chưởng binh. Chức vụ cao nhất mà Nguyễn Hữu Cảnh đảm nhiệm lúc sinh thời là Tổng binh (hoặc Thống binh). Sau khi ông mất, chúa Nguyễn đã truy phong chức Chưởng dinh (sau gọi là Chưởng cơ). Do quan niệm và sự kính trọng của người dân miền Nam đối với Nguyễn Hữu Cảnh, họ đã dùng tên ghép giữa hai chức vụ và tên tự của ông lại thành Chưởng binh Lễ ("Chưởng" của Chưởng dinh hay Chưởng cơ, "binh" của Tổng binh hay Thống binh, Lãnh binh, và "Lễ" là tên tự của ông).


Ở thị xã Châu Đốc có một con đường (cặp theo kinh ăn ra sông, ngang Cồn Tiên) mang tên Thượng Đăng Lễ. Thực sự phải là Thượng Đẳng Lễ, vì Nguyễn Hữu Cảnh được phong là Thượng đẳng công thần theo các sắc phong tháng 8 năm Ất Sửu (1806) của Gia Long và ngày 29 tháng 11 năm [[Tự Đức]] thứ 5 (1852). Tuy nhiên, do sử dụng lâu mà không đính chính nên trở thành thói quen trong dân gian.

 

Đền thờ:

Quyển ''Sử Cao Miên'' của Lê Hương (Khai Trí xb, 1970) có lời chua dưới một bức ảnh: ''Đền thờ ông Nguyễn Văn Thụy (Thoại) vị đại thần Việt Nam bên cạnh vua Cao Miên trong thời kỳ Việt Nam bảo hộ nước này. Đền thờ cất gần Chợ Mới (Phnom Penh) bị bắt buộc phải triệt hạ vào năm 1956 " Tuy nhiên, đây thực sự là đền thờ của Nguyễn Hữu Cảnh, vì bức ảnh cho thấy rõ tấm biển ở cổng ghi là Thượng đẳng thần. Thoại Ngọc Hầu chỉ được phong Trung đẳng thần theo sắc truy phong của vua Khải Định năm thứ 9, tháng (?) ngày 25, và sắc của Bảo Đại năm thứ 18, tháng 8 ngày 15. Các sắc này đều ở dạng "bổn nhì", vì sắc thời Minh Mạng đã bị thu hồi, do Võ Du tố cáo ông nhũng nhiễu của dân và còn vì con gái nuôi của ông tên (thị) Nghĩa có chồng là Võ Vĩnh Lộc, theo Lê Văn Khôi chống lại triều đình.

III. Tưởng nhớ:

 

Nguyễn Hữu Cảnh mất được truy tặng Đặc Tấn Chưởng Dinh Tráng Hoàn Hầu, thụy là Trung Cần (gia phả ghi tước và thụy được truy tặng lần sau chót là Vĩnh An Hầu, thụy Cương Trực).

 

Để tưởng nhớ công đức của Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nơi quê hương cũng như nơi ông đến an dân, nhân dân đều lập đền thờ hoặc lập bài vị ông, như ở Nam Vang (Campuchia), Quảng Bình, Quảng Nam, Cù lao Phố (Biên Hòa), Đình Minh Hương Gia Thạnh, quận 5, TP. Hồ Chí Minh,  Ô Môn (TP. Cần Thơ) và nhiều nơi trong tỉnh An Giang v.v… Trong số này, có Lễ Công Từ Đường ở phường Châu Phú A (Châu Đốc, An Giang), do Thoại Ngọc Hầu đứng ra xây dựng. Theo ''Đại Nam nhất thống chí'' thì ''"Đền Lễ công: ở thôn Châu Phú, huyện Tây Xuyên, thờ Nguyễn Hữu Kỉnh. Đền do Nguyễn Văn Thụy (tức Thoại Ngọc Hầu) dựng khi làm Trấn thủ, nay hương lửa vẫn như cũ, thường tỏ anh linh."

Ngoài ra, họ tên và chức tước của ông còn được dùng để đặt tên cho trường học, đường phố tại nhiều địa phương...

 

Vừa qua, nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tôn tạo khu lăng mộ của ông tại Thác Ro, Lệ Thủy.


 

Văn thơ ca ngợi, truyền tụng công đức Nguyễn Hữu Cảnh còn lưu giữ khá nhiều, trích:

 

Từ ngày vâng lịnh Trấn Bình Khương,

Bờ cỏi mở thêm mấy dặm trường,

Vun bón cột nền nơi tổ phụ

Dãi dầu tên đạn giúp quân vương

Giặc ngoài vừa nép bên màn hổ

Sao tướng liền sa giữa giọt tương!

(Bài thơ đặt nơi sắc phong tại đền Lễ Công ở Châu Phú)

 

Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn.

 

Chú thích:

(1) Theo Nguyễn Ngọc Hiền: Do kiêng tên húy, nên Kính được gọi chếch là Cảnh. Và vì ông có tộc danh là Lễ, nên khi ở chức Cai cơ, ông được chúa ban tước Lễ Tài Hầu, Lễ Thành Hầu. (Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và công cuộc khai sáng miền nam nước Việt cuối thế kỷ XVII'', NXB Văn học, 1999. tr.24-25)

(2) Cù lao Ông Chưởng:

Đây là một cù lao rộng lớn, gồm 5 xã là: Kiến An, Kiến Thành, Mỹ hội Đông, Nhơn Mỹ và Long Giang. Còn rạch Ông Chưởng, là một con rạch lớn nối Tiền Giang với Hậu Giang.

 

Khi xưa chưa biết tên gọi là gì, nhưng sau khi ông Cảnh đến đây, nhân dân cũng vì nhớ ơn ông nên gọi tên rạch như vậy. Ở đây còn lưu truyền những câu, như: “Ai đi tới Xép Chăng Cờ (tên gọi mảnh đất dài mà hẹp, do người khmer đặt, nơi đây có dinh ông thuộc xã Kiến An), nhớ mua vàng mã nhang trà cúng Ông”, và “Cúng dâng Ông một lòng thành thật, Ghe thương hồ bán đắt mua may.

Trước đây, dọc hai bên bờ rạch này, có ba nơi thờ được gọi là dinh, tức nơi ông đặt bản doanh hoặc đóng quân, đó là Dinh Ông ở Vàm Sau (đền có trước tiên, sau bị sụp lỡ, nên phải di dời về Long Kiến), Dinh Ông ở Kiến An (trước bằng cây lá, sau nhiều lần trùng tu, nay đã bề thế, khang trang)...và Dinh Ông ở Long Điền ở đầu vàm rạch (được xây dựng sau cùng, khi Long Điền được tách ra từ làng Kiến An.)

nguon VI OLET