Nguyễn Đình Thi

Nguyễn Đình Thi (20 tháng 12, 1924  18 tháng 4, 2003) là một nhà văn  nhạc sĩ Việt Nam.

Nguyễn Đình Thi (20 tháng 12, 1924  18 tháng 4, 2003) 

Ông sinh năm 1924  Luông Phabăng (Lào). Quê ở làng Vũ Thạch (nay là phố Bà Triệu), Hà Nội. Cha là viên chức Sở bưu điện Đông Dương có sang làm việc ở Lào.

Ông thuộc thế hệ các nghệ sỹ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình. Ông được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.

 

Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Từ năm 1958 đến năm 1989 làm Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật.

Ông mất năm 2003 tại Hà Nội.

Tác phẩm

 

Truyện

  •                   Xung kích (1951)
  •                   Bên bờ sông Lô (tập truyện ngắn, 1957)
  •                   Vào lửa (1966)
  •                   Mặt trận trên cao (1967)
  •                   Vỡ bờ (tập I năm 1962, tập II năm 1970)


Tiểu luận

  •                   Mấy vấn đề văn học (1956)
  •                   Công việc của người viết tiểu thuyết (1964)


Thơ

  •                   Người chiến sỹ (1958)
  •                   Bài thơ Hắc Hải (1958)
  •                   Dòng sông trong xanh (1974)
  •                   Tia nắng (1985)
  •                   Đất nước (1948- 1955)


Kịch

  •                   Con nai đen
  •                   Hoa và Ngần
  •                   Giấc mơ
  •                   Rừng trúc
  •                   Nguyễn Trãi ở Đông Quan
  •                   Tiếng sóng


Nhạc

 

 

 

 

  • Một số bài thơ nổi tiếng

Đất nước 

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!

Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da...

Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!

Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

 

Mây và sóng  Tác giả: Nguyễn Đình Thi, Rabindranath Tagore

Mẹ ơi, kìa ai đang gọi con trên mây cao.
Họ bảo: “Chúng ta vui chơi từ tinh mơ đến hết ngày
Chúng ta giỡn với sớm vàng rồi lại đùa cùng trăng bạc”
Con hỏi: “Nhưng mà làm thế nào tôi lên trên ấy được ?”
Họ trả lời: “Con hãy đi đến hết cõi đất, rồi giơ tay lên trời con sẽ bay bổng lên mây”
Nhưng con nói: “Mẹ tôi đợi tôi ở nhà, tôi có lòng nào bỏ được mẹ tôi”
Họ bèn mỉm cười, và lơ lửng họ bay đi mất
Nhưng con biết trò chơi còn hay hơn của họ
Con làm mây nhé, mẹ làm mặt trăng,
Hai tay con ôm mặt mẹ, còn mái nhà ta là trời xanh

Mẹ ơi, kìa những ai đang gọi con dưới sóng rì rào
“Chúng ta ca hát sớm chiều, chúng ta đi mãi mãi, không biết là đi qua những đâu”
Con hỏi: “Nhưng làm thế nào tôi đuổi được theo bây giờ ?”
Họ bảo: “Cứ đi, con cứ đi đến bờ biển, đứng im, con nhắm mắt lại, sóng sẽ cuốn con đi”
Con trả lời: “Nhưng đến tối mẹ tôi nhớ thì sao? Tôi làm thế nào mà rời mẹ tôi được ?”
Họ bèn mỉm cười, và nhảy nhót, họ dần đi xa
Nhưng con biết trò chơi còn hay hơn của họ
Con làm sóng nhé, mẹ làm mặt biển,
Con lăn, lăn như làn sóng vỗ, tiếng con cười giòn tan vào gối mẹ
Và không ai trên đời này biết được là mẹ con ta đang ở đâu!

 

Lá đỏ

Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai ác bạc quàng súng trường.
Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn.
Em vẫy cười đôi mắt trong.

(Trường Sơn, 12/1974)

 

Việt Nam quê hương ta

Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Ðất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Ðạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
Việt Nam đất nắng chan hòa
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung
Ðất trăm nghề của trăm vùng
Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem
Tay người như có phép tiên
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ
Nước bâng khuâng những bến đò
Ðêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi
Ðói nghèo nên phải chia ly
Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường
Ta đi ta nhớ núi rừng
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô
Bát cơm rau muống quả cà giòn tan…

 

 

 

 

 

 

Những bài viết khác về Nguyễn Đình Thi

 

Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ đa tài

 

 Nguyễn Đình Thi quê ở Hà Nội nhưng sinh ở Luang Prabang (Lào). Đến năm tuổi, Nguyễn Đình Thi theo bố mẹ trở về nước và đi học ở Hà Nội rồi Hải Phòng. Từ nhỏ, Nguyễn Đình Thi đã nổi tiếng thông minh, học rất giỏi tất cả các môn, đặc biệt là môn Triết. Đang đi học mà ông đã viết sách triết học như "Triết học nhập môn" (1942), "Triết học Căng" (1942), "Triết học Nitsơ" (1942), "Triết học Anhxtanh" (1942), "Siêu hình học" (1942) và cùng một số người bạn học bí mật nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông học Luật ở Đại học Đông Dương và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của Hội Văn hoá Cứu quốc. Là trí thức yêu nước, Nguyễn Đình Thi đã sớm trở thành người chiến sĩ cách mạng trung kiên. Ông đã từng là đại diện của Việt Minh trong Đảng Dân chủ. Hai lần bị kẻ thù bắt bớ, tra tấn, mua chuộc nhưng ông vẫn một lòng thuỷ chung với cách mạng. Tháng 7.1945, Nguyễn Đình Thi được đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào và được cử vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Từ đó cho đến cuối đời, Nguyễn Đình Thi liên tục đảm nhận những cương vị quan trọng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật: Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. 

 Nguyễn Đình Thi là người hoạt động chính trị, đã từng là sĩ quan quân đội, nhưng nhắc đến ông là mọi người nghĩ đến một nghệ sĩ đa tài. Ông sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp đáng trân trọng.

Trước hết về thơ, đây là lĩnh vực ông dành nhiều tâm huyết nhất, ông luôn trăn trở tìm tòi hướng sáng tạo nhằm đổi mới diện mạo thơ ca. Nhờ tài năng và bản lĩnh sáng tạo, Nguyễn Đình Thi có một phong cách thơ riêng, độc đáo và hiện đại. Thơ ông dạt dào cảm hứng yêu thương sâu lắng về đất nước "vất vả, gian nan, tươi thắm vô ngần". Đất nước đau thương và quật khởi, con người vất vả và anh hùng là chủ đề quán xuyến trong thơ Nguyễn Đình Thi. Với tình cảm gắn bó tha thiết với đất Việt yêu thương, với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, Nguyễn Đình Thi đã cho ra đời những bài thơ bất hủ như "Đất nước", "Nhớ", "Bài thơ Hắc Hải", "Lá đỏ". Những câu thơ tha thiết lắng đọng giàu chất triết lý chiêm nghiệm về sự kỳ diệu của sự sống, của tình yêu, của sức mạnh tiềm ẩn trong con người Việt Nam hiền lành đôn hậu. Thơ Nguyễn Đình Thi hàm súc và giản dị, đằng sau từng lời thơ đều như có dư ba, đều có khả năng gợi không khí, gợi hình ảnh và tâm trạng. Câu thơ của ông phóng khoáng tự do, không câu nệ vần, thậm chí không vần nhưng vẫn giàu nhạc điệu. Mỗi bài thơ đều có chất nhạc riêng không lẫn được. Chính những nỗ lực đổi mới thơ ca, chính những tìm tòi thể nghiệm táo bạo của Nguyễn Đình Thi đã khiến thơ ông trở thành đề tài gây tranh luận ngay từ năm 1949. Trong suốt một thời gian dài sau đó, ông vẫn cô đơn, âm thầm một mình bước lặng lẽ trên con đường thơ mà ông đã lựa chọn. Không ít những lời gièm pha, không ít những lời kỳ thị của đồng nghiệp nhưng ông vẫn tin tưởng, vẫn kiên trì một lối đi riêng bởi đó là "niềm tha thiết nhất" của ông. Và thời gian chính là sự khẳng định rõ ràng nhất cho chân lý của cuộc sống. Thực tế phát triển của thơ ca tiếng Việt đã chứng minh những cách tân của ông về nghệ thuật thơ ca là hoàn toàn đúng đắn và hợp quy luật. Cho đến bây giờ thế hệ các nhà thơ trẻ Việt Nam đã, đang kế thừa và phát huy những thành tựu và những hướng tìm tòi của Nguyễn Đình Thi.

 Trong địa hạt văn xuôi, Nguyễn Đình Thi cũng có những đóng góp rất đáng trân trọng. Có thể khẳng định rằng cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi gắn bó chặt chẽ với cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ của ông. Nguyễn Đình Thi là nhà văn nhạy cảm và luôn có mặt trên dòng thời cuộc của dân tộc. Những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Đình Thi là sự phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến. "Xung kích" - tiểu thuyết đầu tay của ông đã tái hiện sinh động cuộc chiến đấu của một đại đội xung kích trong chiến thắng trung du (1951). Tác phẩm này đã đạt giải thưởng văn nghệ 1951 - 1952. "Thu đông năm nay" (1954),"Bên bờ sông Lô" (1957), "Vào lửa" (1966), "Mặt trận trên cao"(1967), đều là những tác phẩm mang tính thời sự nóng hổi về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Những tác phẩm ấy đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Nhưng không phải vì thế mà nó mất đi giá trị văn chương đặc sắc, lâu dài.

Thành công lớn nhất ở thể loại văn xuôi phải kể đến hai tập của tiểu thuyết "Vỡ bờ". Bộ tiểu thuyết này đã tái hiện bức tranh nhiều chiều của xã hội Việt Nam thời kỳ 1939 - 1945. Nó thể hiện khát vọng của nhà văn muốn vươn tới khái quát một phạm vi rộng lớn từ đô thị cho tới nông thôn, để có thể đạt tới tính chất tổng hợp quá trình vận động của lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, thông qua sự thăng trầm của những số phận đại diện cho một số tầng lớp xã hội trước biến cố lớn lao của lịch sử dân tộc. Tuy còn một số hạn chế không thể tránh khỏi nhưng bộ tiểu thuyết "Vỡ bờ" vẫn là thành công của Nguyễn Đình Thi trong thể loại tiểu thuyết có tính chất sử thi.

Không những làm thơ, viết truyện mà Nguyễn Đình Thi còn là một cây bút viết lý luận, phê bình văn học khá sắc sảo và có phong cách riêng. Ông viết nhiều tiểu luận tiến bộ dưới ảnh hưởng của quan điểm văn nghệ mác xít. Tiểu luận "Nhận đường" của ông đã giúp thế hệ văn nghệ sĩ lúc bấy giờ tìm ra con đường đi đúng đắn: "Văn nghệ phụng sự chiến đấu nhưng chính chiến đấu đem đến cho văn nghệ một sức sống mới, sắt lửa mặt trận đang đúc lên văn nghệ mới của chúng ta" ("Nhận đường"). Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Nguyễn Đình Thi cùng với một thế hệ các nhà văn cách mạng như Tô Hoài, Nam Cao, Trần Đăng đã hăng hái tham gia kháng chiến, hoà vào dòng chảy của lịch sử dân tộc, vừa cầm bút vừa cầm súng đi chiến đấu chống quân thù.

Tuy không phải là một người chuyên viết kịch bản nhưng cho đến nay hàng chục vở kịch của Nguyễn Đình Thi đã để lại dấu ấn sâu sắc trên sân khấu kịch Việt Nam. Ông mang đến cho kịch tiếng nói mới mẻ. Từ vở "Con nai đen" (1961) đến "Hoa và Ngần" (1975), "Giấc mơ" (1983), "Rừng trúc" (1978), "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" (1979), "Người đàn bà hóa đá" (1980), "Tiếng sóng" (1980), "Cái bóng trên tường" (1982), "Trương Chi" (1983), và "Hòn Cuội" (1983 - 1986). Kịch bản nào cũng là những nỗ lực cách tân không mệt mỏi của Nguyễn Đình Thi, nhằm mở rộng dung lượng sức chứa cũng như làm giàu thêm tính văn học, nâng cao tầm khái quát và chiều sâu triết lý của kịch. Nhiều nhà phê bình đã nhận xét về kịch của Nguyễn Đình Thi: đa dạng, giàu chất thơ, nhạc giàu tính triết lý, tưởng tượng, đan xen hài hòa giữa cái thực và cái ảo khiến cho những tác phẩm của ông mang một dấu ấn riêng biệt, độc đáo. Cũng giống như thơ, số phận những tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi không hề suôn sẻ. Vở "Con nai đen" có kịch bản từ năm 1961 nhưng đến năm 1990 mới được dàn dựng lần đầu, "Hoa và Ngần" (1974) dựng xong nhưng không được công diễn. Vở kịch "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" đầy tâm huyết trăn trở về cuộc đời, đã từng gây ra một hiện tượng trong đời sống sân khấu nói riêng và văn nghệ nói chung những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, nhưng chỉ được diễn một vài lần rồi bị cấm. Vở "Rừng trúc" được viết từ năm 1979 nhưng phải chờ đợi 20 năm mới được lên sân khấu. Với những nỗ lực của các đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và Phạm Thị Thành, vở kịch đã có mặt trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ và đã được tặng Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1999. Đây là vở kịch thành công của Nguyễn Đình Thi, gây được tiếng vang lớn không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Phải chăng Nguyễn Đình Thi quá tiên phong nên trở thành xa lạ hay đó là cái giá phải trả của tìm tòi thể nghiệm đầy tài năng? Là một nghệ sĩ đích thực, niềm khát vọng lớn của Nguyễn Đình Thi là góp tiếng nói chân thật, tâm huyết cho đời, góp phần làm cho đời sống xã hội trở nên nhân đạo hơn. Nhưng chỉ riêng điều được nói lên sự thật đã khó biết bao! Vì vậy, ông phải mượn đề tài lịch sử, những chuyện ông Trần Thủ Độ đời Trần, chuyện ông Nguyễn Trãi thời quân Minh sang đô hộ để nói lên những vấn đề hiện tại. Kịch của Nguyễn Đình Thi giàu chất triết lý, hình tượng nghệ thuật đa nghĩa, nhiều ẩn dụ, không dễ hiểu với khán giả bình dân. Thế giới nghệ thuật kịch của Nguyễn Đình Thi là một thế giới văn hoá đa dạng nhiều màu sắc, nơi mà dấu vết văn hoá cổ kim, đông tây, dân gian, bác học được hội tụ và toả sáng. Dù đa dạng về sắc thái tính chất nhưng tất cả đều thể hiện tình yêu tha thiết của một nghệ sĩ tài năng tâm huyết với đất nước, với dân tộc, với nhân, thể hiện những trăn trở xót xa về số phận con người và những khát vọng sáng tạo nghệ thuật.

Trong rất nhiều danh hiệu của Nguyễn Đình Thi như nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, nhà văn hoá... thì người ta còn phải nhắc đến một danh hiệu cao quý khác, đó là nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, dẫu ở địa hạt âm nhạc Nguyễn Đình Thi chỉ như một chàng lãng tử ghé qua đôi chút. Nhưng chỉ với đôi chút ấy thôi cũng đủ làm nên những kiệt tác bất hủ. Trong một đêm đầu năm 1947, lúc bắt đầu những ngày khói lửa ở Hà Nội, ông đã cho ra đời "Người Hà Nội" - kiệt tác âm nhạc vào hàng hay nhất và lớn nhất của âm nhạc Việt Nam thế kỷ qua. Điều kỳ lạ là kiệt tác ấy lại ra đời trong một điều kiện hết sức đặc biệt. Đó là một đêm ở ngoại thành, bên chiếc đàn piano cũ kỹ trong nhà dân, Nguyễn Đình Thi đã làm rung lên những giai điệu bất diệt. Và "Người Hà Nội" đã ra đời. Không một ai yêu âm nhạc, yêu Hà Nội, yêu Việt Nam nghe bản nhạc ấy mà không thấy rạo rực trong lòng những cảm giác mãnh liệt kỳ lạ. Trong những ngày khởi nghĩa tháng Tám 1945 sục sôi, Nguyễn Đình Thi cũng cho ra đời "Diệt phát xít" - ca khúc đi vào bất tử trong lòng mỗi người dân đất Việt. Tuy sáng tác không nhiều nhưng ở lĩnh vực âm nhạc, Nguyễn Đình Thi là nhạc sĩ tài hoa và đầy tâm huyết. Chỉ với 2 ca khúc nhưng ông hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu nhạc sĩ, danh hiệu cao quý mà những người yêu âm nhạc tôn vinh ông.

Nguyễn Đình Thi đã qua đời ngày 18.4.2003 nhưng sự nghiệp của ông, trí tuệ và tài năng của ông đã trở thành bất tử. Do những công lao và cống hiến xuất sắc trên nhiều mặt, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật.

Trong điếu văn lễ tang Nguyễn Đình Thi do đồng chí Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban lễ tang đọc, đã nêu bật những công lao và đóng góp của Nguyễn Đình Thi:

"Với tài năng tổ chức lãnh đạo văn nghệ xuất sắc, một tài năng đặc biệt toả sáng vào lúc cách mạng chuyển sang giai đoạn rất cần sự nhận đường sáng suốt, và với uy tín cá nhân cao, sức tập trung rộng rãi và tính kiên định cách mạng, nhà văn Nguyễn Đình Thi có công lao to lớn xây dựng phát triển nền văn học - nghệ thuật của đất nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua(...). Với tài năng sáng tạo đa dạng, nhà nghiên cứu triết học, nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia, nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Đình Thi để lại cho chúng ta một di sản văn hoá đồ sộ. Ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, ông đã để lại những tác phẩm xuất sắc, có sức sống lâu bền, có ảnh hưởng sâu rộng, trở thành niềm tự hào của giới văn học - nghệ thuật nước nhà, được nhân dân giữ gìn, trân trọng"(1).

Là một nghệ sĩ rất mực tài hoa, nhà lãnh đạo văn nghệ xuất sắc nhưng Nguyễn Đình Thi sống thật chân thành, giản dị, khiêm nhường. Cho đến cuối đời ông vẫn tự nhận là:

"Tôi không nói được mình đã trải đời

 Không nói được mình đã hiểu người

 Không dám nói mình đã biết yêu

 Không dám nói mình đã biết sống..."

Sự khiêm tốn đến mức chân thật ấy khiến chúng ta càng kính trọng ông hơn. Nguyễn Đình Thi thật xứng đáng là một nhân cách có bản lĩnh văn hoá, một đại diện tiêu biểu của nền văn hoá Việt Nam hiện đại./.

 

 

 

 

 THÔNG TIN NGHỆ SỸ

Nguyễn Đình Thi

Nguyễn Đình Thi 

 Dòng nhạc

 Nhạc truyền thống - cách mạng

   Nguyễn Đình Thi (1924 - 19/04/2003) là một nhà văn hóa, văn nghệ lớn.

Ông sinh năm 1924 ở Lào. Quê gốc: làng Vũ Thạch, Hà Nội. Năm 1931 theo gia đình về nước, Nguyễn Đình Thi học ở Hà Nội, Hải Phòng. Năm 1941, bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1943, tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Cách mạng thành công, ông là đại biểu Quốc hội và trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt các hội văn học nghệ thuật từ đó cho đến nay.

Bên cạnh công việc của người quản lý, Nguyễn Đình Thi không bao giờ xa rời công việc sáng tác. Tài năng phát triển sớm và đa diện. Khi là học sinh tú tài đã viết tiểu luận triết học, 20 tuổi soạn nhạc và có các tiểu luận văn chương. Trong kháng chiến chống Pháp ông làm thơ, viết truyện. Kháng chiến chống Mỹ ông mở sang kịch. Thể loại nào ông cũng có những thành công tiêu biểu. 

Riêng trong âm nhạc, chỉ với hai bài hát: "Người Hà Nội", "Diệt Phát Xít" ông đáng được tôn vinh là nhạc sỹ nổi tiếng nhất nước ta. 

SÁU MƯƠI NĂM VANG VỌNG MỘT BÀI CA

 Ghi lại câu chuyện kể của chính tác giả Nguyễn Đình Thi về bối cảnh ra đời  của “Người Hà Nội”. Bày tỏ cảm xúc về bài hát làm rung động hàng triệu con tim người Hà Nội, người Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. 

Câu chuyện kể của Nguyễn Đình Thi... 

Tháng 2/1947, khi những người lính cuối cùng của Trung đoàn Thủ Đô - Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh - rút quân qua Sông Hồng. Nhìn về Hà Nội, lửa cháy rừng rực đỏ, tiếng pháo nổ ầm ầm, khói mù mịt, trên mắt tất cả những người lính đều rưng rưng nước mắt cùng ánh nhìn đầy bi hùng, trong trái tim rỉ máu họ thầm hứa một ngày quay trở về... 

Trong những người lính đó có một thi nhân - nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi. Ông cũng ngoái nhìn Hà Nội chìm trong lửa khói mà cháy bỏng niềm tin ngày trở về. Đêm dừng chân ở một ngôi làng, bên cây đàn piano của người đi tản cư gửi lại, những cảm xúc cuồn cuộn tràn về, những giai điệu đầu tiên của Ca khúc Người Hà Nội vang lên... 

Vừa mới viết xong, ca khúc đó đã được tất cả những Người Hà Nội hát như chính tiếng trái tim mình. 60 năm qua, ca khúc và giai điệu Người Hà Nội trở thành bất tử, ngày nào cũng được ngân lên... là nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. 

Câu chuyện ra đời bài hát Người Hà Nội trên đây, tôi đã được chính tác giả Nguyễn Đình Thi kể lại năm 2002, trong dịp về Hà Nội tìm tư liệu và cảm hứng để viết loạt bài kỷ niệm 55 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, 30 năm kỷ niệm trận Điện Biên Phủ trên không của quân dân Hà Nội. Đúng 4 tháng sau thì Ông ra đi mãi mãi. 

Năm nay, “Người Hà Nội” tròn 60 năm tuổi (1947-2007). Nhân kỷ niệm sáu thập niên bài hát trở thành máu thịt của con người và địa linh Hà Nội - trái tim cả nước, gắn với lịch sử trăm năm, ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tôi muốn được bày tỏ tình yêu tha thiết của mình với "Người Hà Nội" và sự kính phục sâu sắc với tác giả của nó. Bằng một vài cảm nhận tản mạn sau đây qua giai điệu và ca từ của bài ca.

 Giai điệu bài ca "Người Hà Nội"

NGƯỜI HÀ NỘI

Nhạc và lời: Nguyễn Đình Thi

Đây Hồ Gươm Hồng Hà Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm 
Đây Thăng Long, đây Đông Đô, 
đây Hà Nội 
Hà Nội mến yêu

Hà Nội cháy, khói lửa ngợp trời 
Hà Nội ầm ầm rung Hà Nội vùng đứng lên 
Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên

Hà Nội đẹp sao! 
Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng 
Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng 
Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn 
Ngàn nguồn sống tràn đầy dâng

Hà Nội vui sao những cửa đầu ô
Tíu tít gánh gồng đây ô Chợ Dừa 
Kìa Ô Cầu Rền làn áo xanh nâu 
Hà Nội tươi thắm sống vui phố hè 
Bồi hồi chàng trai những đôi mắt nào 
Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân 
Xanh tươi bát ngát Tây Hồ 
Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai 
Ôi thiết tha lòng ta biết bao nhiêu 
Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi

Một ngày Thu non sông 
Chiến khu về, đường vang tiếng hát cuốn lòng người 
"Đoàn quân Việt Nam đi" Hà Nội say mê chen đón Cha về 
Kín bầu trời phơi phới Vàng Sao 
Ngày ấy chói vinh quang, vang ngàn phương lời thề 
Nước Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng Hà

Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời, Hà Nội ầm ầm rung sông Hồng reo 
Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng 
Bùng cháy, khắp phố ta ơi! Vùng lên! Chiến sĩ ta ơi 
Trời Hà Nội đỏ máu 
Bụi hè đường cuốn bốc tung bay, xác quân thù rơi dưới gót giày 
Ầm ầm, cười, tiếng súng vui thay vang ngày mai sáng láng

Này lớp lớp người đi ánh sao tưng bừng chói loà lòng ta 
Mai này lớp người đi thét vang vang trời khải hoàn.

 Không giống bao cuộc du ngoạn thường tình ngắm nhìn phong cảnh, con người Hà Nội. Cũng không như những gì xưa nay mọi người viết, vẽ về Hà Nội… Nhắm mắt, lắng tâm hồn nghe ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, một người Hà Nội cầm-kỳ-thi-họa đều là bậc kỳ tài, cả một Hà Nội hiện ra với tất cả vẻ đẹp làm rung động bao trái tim những người Việt Nam hơn nửa thế kỷ nay. 

“Người Hà Nội” là một bức tranh hoành tráng về Hà Nội bằng giai điệu với nhiều gam màu sắc, vừa say đắm thiết tha, vừa nồng nàn cháy bỏng, vừa trang trọng oai hùng… Hà Nội lung linh, cổ xưa quyến rũ, Hà Nội hào hùng, uy nghiêm, tôn kính… như sống động trong từng khuôn nhạc, từng ca từ… Để một lần nghe, là một lần nhớ mãi không thể quên. 

Từ tự hào lịch sử ngàn năm.... 

Giai điệu mở đầu chầm chậm, trầm hùng,lắng đọng như một dòng chảy bất tận: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội. Hà Nội mến yêu…”. Những tên gọi thiêng liêng, tự hào mang bóng dáng hồn sông núi, khí thiêng trời đất của dân tộc. Cả một chiều dài lịch sử Việt Nam cùng huyền thoại dựng nước, giữ nước đầy máu và nước mắt, in dấu thời gian trên từng viên gạch nhỏ Hà Nội, từng hạt bụi phủ mờ rêu mái phố… 

Đến tha thiết, êm đềm đất trời Hà Nội... 

“Hà Nội đẹp sao; ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng, bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng…”. Hà Nội ảo huyền với những hàng cây lả lướt soi bóng nước mặt hồ trong xanh lăn tăn gợn sóng. Hà Nội bốn mùa hoa, ướp thơm cả trời đêm, trăng, sao cho quấn quít bước chân những đôi tình nhân, cho ngọt môi hôn tình yêu. Hà Nội sương khói mê hoặc với bao truyền thuyết đậm dấu cổ tích nơi kinh thành xưa. “Hà Nội đẹp sao…”. Chỉ có thể chìm đắm vào từng nốt nhạc để cảm nhận cái đẹp của Hà Nội bằng cảm xúc chính ngay trong tâm hồn mình. 

Cuộc sống rộn ràng Hà Nội... 

Như một chuyển cảnh với gam màu tươi vui trong giai điệu, Hà Nội hiện lên trong âm thanh rộn ràng… “Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn ngàn nguồn sống tràn đầy dâng… Hà Nội vui sao, những cửa đầu ô, tíu tít gánh gồng… Sống vui phố hè… Quanh co, chen quanh rộn ràng Đồng Xuân…, bát ngát Tây Hồ…”. 

Dòng nhạc cuồn cuộn tuôn tràn như từng lớp sóng sông Hồng xô lên nhau, bồi đắp phù sa cho cả một vùng châu thổ trù phú. Con sông uốn lượn ôm quanh Hà Nội, gắn với bao thăng trầm, buồn vui, nước mắt, nụ cười của kinh thành Thăng Long xưa. Là con sông nhớ, con sông thương, hiền hòa và dữ dội… của người Hà Nội, của người Việt Nam. 

Và rạo rực bước chân ba mươi sáu phố phường Hà Nội, có ánh mắt lúng liếng, duyên dáng của những chàng trai, cô gái thanh lịch, trẻ trung, thấp thoáng khung cảnh ấm áp, náo nhiệt của những làng nghề Hà Nội vang bóng một thời… Và Tây Hồ, mặt gương soi những áng mây hàng ngàn năm lờ lững cuốn theo từng bóng ảnh nhân gian cổ kim Hà Nội...

 Cao trào trong Tháng Tám hào hùng... 

Hà Nội mùa thu 1945. Hà Nội rực nắng Ba Đình. Hà Nội uy nghiêm trang trọng vang lời Tuyên Ngôn Độc Lập - Khai sinh nước Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới… Hà Nội cùng toàn quốc hơn ba ngàn ngày anh dũng, kiên cường “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, giữ gìn nền độc lập non trẻ của đất nước, làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, kết thúc sự đô hộ xâm lược của chế độ thực dân Pháp. 

“Người Hà Nội” vang nét nhạc hào hùng, đầy kiêu hãnh, lời nhạc nhuộm hồng từng gương mặt người với niềm tự hào không thể giấu che… “Một ngày thu non sông chiến khu về, đường vang tiếng hát cuốn dòng người. Đoàn quân Việt Nam đi. Hà Nội say mê chen đón Cha về… Ngày ấy vinh quang… Việt Nam yêu dấu, ngả soi bóng sông Hồng Hà…”. Năm cửa ô Hà Nội như năm cánh hoa xòe nở đón chào những người chiến thắng trở về, đón chào Người con của dân tộc, bôn ba tìm con đường cứu nước, dẫn dắt dân tộc giành lại độc lập… Hà Nội anh hùng, Hà Nội hiên ngang bất khuất… Âm vang “Người Hà Nội”, như một bản anh hùng ca…, “Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi”.

 Kết thúc với niềm tin chiến thắng...

 

Soạn: HA 1055871 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Cây gạo trăm tuổi bên Tháp Rùa đã chứng kiến những chiến công hào hùng của quân và dân Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải.

Bức tranh giai điệu “Người Hà Nội” khép lại bằng những dòng nhạc rộn rã reo vui, bằng những nốt nhạc nhảy múa cùng nắng cùng màu cờ Tổ quốc, làm ngây ngất lòng người trong niềm vui bất tận của niềm tin ở ngày chiến thắng. “Này lớp lớp người đi ánh sao tưng bừng chói lói lòng ta… Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười…” 

Hơn nửa thế kỷ, ca khúc “Người Hà Nội” vang xa, thấm vào từng trái tim, là niềm tự hào không chỉ của riêng người Hà Nội, mà trở thành tài sản tinh thần của các thế hệ Việt Nam. Cùng với "Diệt phát xít"; nhạc hiệu của Đài Tiếng Nói Việt Nam, "Người Hà Nội"; nhạc hiệu của Đài PT-TH Hà Nội đã góp phần làm nên vinh quang tên tuổi Nguyễn Đình Thi, nhà nghệ sĩ lớn, nhà văn hoá lớn Việt Nam. 

Giai điệu, ca từ của “Người Hà Nội” lắng đọng trong tâm hồn người Việt Nam một tình yêu Tổ quốc. Với biểu tượng thiêng liêng - Thủ đô Hà Nội. Mỗi người Việt Nam dù ở bất cứ đâu, không thể không xao xuyến, không cháy bỏng một tình yêu Tổ quốc khi tiếng hát tha thiết vang lên “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội. Hà Nội mến yêu…”.

  •                                           Hà Diệu

                   TÔN NỮ BÍCH VÂN tổng hợp từ nhiều bài viết trên internet

1

 

nguon VI OLET