NHỮNG BÀI VĂN MẪU LỚP 4 ( SƯU TẦM BY NQD_9X)

Tả cái thước kẻ của em.

Bài làm 1

Đầu năm học mới, mẹ mua cho em rất nhiều đồ dùng học tập, trong đó em thích nhất là cây thước nhựa màu trắng thật đẹp.

Cây thước dài gần hai gang tay của em, còn bề rộng khoảng ba phân, thước được làm bằng nhựa trắng trong rất cứng cáp. Nổi bật trên cây thước là dòng chữ ghi hiệu thước : KIM NGUYÊN màu xanh càng làm tăng thêm vẻ đẹp cho cây thước. Thước còn được chia từng xen - ti -mét rất chính xác giúp em đo độ dài dễ dàng. Có thước tiện lợi biết bao! Cùng với cây bút chì thân quen thước giúp em gạch hàng ngay ngắn, vẽ mĩ thuật, đóng khung,…Nhờ có thước nên các bài làm, bài tập của em trông rất ngay hàng thẳng lối và thường được cô giáo khen. Vì thế mỗi  khi sử dụng xong em đều cẩn thận cất thước vào trong cặp ở ngăn đựng dụng cụ học tập và em không bao giờ vẽ bậy , bôi bẩn hay làm thước bị trầy xước. Thỉnh thoảng nhìn lại thước vẫn mới như ngày nào em cảm thấy tự hào vì tính cẩn thận của mình.

Em rất thích cây thước này , hằng ngày thước cùng em đến lớp nghe cô giáo giảng bài, cùng em học tập. Em tự nhủ sẽ giữ gìn thước cẩn thận để có thể dùng vào năm học sau./.

Bài làm 2

Nhân dịp sinh nhật lần thứ mười của em, bạn Lý đã tặng em ruột chiếc bút máy Hồng Hà và một cái thước kẻ. Lý là bạn thân của em, học cùng lớp cùng tổ.

Chiếc bút máy Hồng Hà trông đã đẹp, nhưng cái thước kẻ lại đẹp hơn. Bạn Lý khi đưa tặng phẩm cho em đã nói: “Đây là chiếc đũa thần bằng bạch ngọc nó sẽ gọi điểm 10 về cho Hoa, đếm không xuể…”

Cái thước kẻ dài 20cm, mỗi cạnh 0,7cm, được chế tạo bằng một thứ nhựa cứng trong suốt. Đúng là vuông thành sắc cạnh, không bao giờ có thể bị biến dạng, bị uốn cong. Hai mặt trên dưới đều có in chìm màu đen các chữ số 1, 2, 3, 18, 19, 20 và các vạch ngắn, dài để phân biệt độ dài mi-li-mét và xen-ti-mét.

Em vẫn dùng thước kẻ để kẻ lề, để gạch chân các tiểu mục, để gạch ngang trang ở phần cuối mỗi bài học về Tập đọc, về Từ ngữ, về Chính tả, về Toán! Trong những giờ học vẽ, cùng với hộp màu, cái bút chì, chiếc tẩy thì cái thước kẻ đúng là “chiếc đũa thần” như bạn Lý đã nói. Nhờ nó, mà em được những đường thẳng tăm tắp trên mỗi trang vở. Nhờ nó mà các hình vẽ trong vở được chính xác hơn đẹp hơn. Cô giáo bảo vẽ mỗi cánh bướm trang trí dài 3cm, nhờ thước kẻ, em vẽ được ngay. Cô bảo vẽ hình chữ nhật chiều dài 5cm, chiều rộng 3cm, em đã dùng thước kẻ vẽ vừa đúng vừa đẹp.

Cái thước làm em hiểu rõ hơn nghĩa hai chữ “mực thước” là gì, đồng thời nó giúp em hình thành đức tính cẩn thận, chu đáo. Nhờ có cái thước mà em không dùng bút để gạch những đường cong queo vào vở, vào sách nữa.

Cái thước dài 20cm nên không để vào hộp bút như bút chì, bút máy. Nhưng nó vẫn nằm cạnh hộp bút để trong ngăn phụ của chiếc cặp. Ngày ngày nó vẫn đến trường cùng em. Nộ là công cụ đắc lực để giúp em học tập tốt.

Mỗi một dụng cụ học tập như một ngón tay trên đôi bàn tay của người học sinh. Ngắm cái thước kẻ đã giúp em tính chính xác, tính cẩn thận. Nó đã gọi về cho em nhiều điểm 10 rồi đấy.

Hãy tả cái bàn học ở nhà của em.

Bài làm 1

Chiếc bàn học của em được ba mẹ mua cho vào đầu năm học lớp Năm . Nó được đặt ở một góc phòng khá yên tĩnh, cũng như gần cửa sổ.

Chiếc bàn học của em rất xinh xắn và tiện dụng . Nó làm bằng gỗ và được phủ  một lớp vẹc ni tươi bóng, nhàn nhạt vàng. Những đường vân gỗ nhỏ nhít càng tạo nên nét lịch lãm, trang nhã .

Mặt bàn dày, biểu hiện sự chắc chắn. Nó có hình chữ nhật: dài khoảng một mét và rộng chỉ được một nửa. Trên mặt bàn, phía kê áp vào tường có một cái kệ sách dựng đứng với nhiều ngăn. Phần dưới cái bàn, hai chân của nó là hai tấm bảng gỗ bản rộng ở hai đầu. Ở giữa có hai ngăn kéo bám theo phần dưới của mặt bàn và một hộc tủ khá lớn. Tất cả ngăn kéo và hộc tủ đều có núm tròn bằng sắt mạ bạc, rất thuận lợi cho việc đóng mở. Cạnh bàn là một chiếc ghế tựa bốn chân, vừa tầm ngồi với mặt bàn

Ở những năm học trước, sách vở và đồ dùng học tập của em đặt để rất bừa bãi. Giờ với những tiện ích hào phóng của chiếc bàn xinh đẹp này, em vừa có một chỗ học  tươm tất, vừa có chỗ sắp xếp mọi thứ gọn gang và ngăn nắp. Với nhiều ngăn và hộc tủ, sách vở và đồ dùng học tập được trưng bày một cách riêng rẽ, nên mọi thứ rất dễ tìm khi tìm đến. Truyện tranh, truyện cổ tích cũng được dành cho một ngăn. Ngoài ra còn có khoảng trống để em đặt lọ hoa , chiếc đồng hồ báo thức , những món quà sinh nhật của các bạn tặng. Em rất sảng khoái khi ngồi học ở chiếc bàn vừa đẹp vừa tiện ích này. Hằn là nó cũng có những tác động giúp em học hành tiến bộ hơn xưa nhiều.

 

Mỗi khi ngồi vào bàn học, em lại nhớ đến việc ba mẹ làm lụng vất vả, để tạo ra đồng tiền để mua chiếc bàn. Để tỏ lòng biết ơn ba mẹ, em luôn cẩn thận, tránh làm hư hỏng hay dơ, đặc biệt là cố gắng học hành hơn nữa để cho ba mẹ vui lòng.

Bài làm 2

Bắt đầu từ khi em vào lớp Một, bố đã mua cho em một cái bàn học đặt vào góc học tập riêng của em.

Cái bàn được đóng bằng gỗ, phủ vec-ni màu vàng sậm, bóng loáng. Chiếc bàn cao 1.6 m, gồm hai phần: bàn viết và kệ sách.

Bàn cao khoảng 80cm. Mặt bàn dài 1m, rộng 40cm, được làm bằng một tấm gỗ liền, nhẵn bóng như gương, ngồi viết rất thoải mái. Dưới mặt bàn là một ngăn kéo và một tủ nhỏ.

Trên mặt bàn là một kệ sách, dài bằng chiều dài mặt bàn, cao 60cm, chia làm hai ngăn. Ngăn trên cao 25cm chia thành ba ô; ngăn dưới cao 20cm, chỉ có một ô.

Chân bàn không phải là bốn thanh gỗ như những chiếc bàn khác, mà là hai tấm ván liền, giữa có nối một thanh gỗ xoay được, đặt chân rất thoải mái. Bố mua cho em một chiếc ghế gỗ có lưng tựa, có thể xếp lại được.

Năm em học lớp Một, chẳng có sách vở gì nhiều, chỉ sử dụng hai ô trên kệ sách. Đến bây giờ, trên kệ và các hộc tủ dưới bàn đã xếp đầy sách vở, chỉ còn đủ chỗ để giá cắm bút. Cây đèn bàn phải đẩy sát vào tận trong cùng. Em ngồi học, sách vở bày trên mặt bàn, cần tìm sách gì chỉ cần đứng dậy với tay là có thể lấy được trên kệ.

Mỗi lần ngồi vào bàn học, em lại nhớ đến lời bố dặn phải cố gắng học cho thật giỏi. Và em đã thực hiện được lời hứa của mình. Ba năm liền em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc.

Bài làm 3

Khi bước vào học lớp Một, mẹ đã mua cho em một cái bàn ngồi học ở nhà thật gọn gàng và xinh xắn.

Bàn học của em được đặt ở ngay bên cửa sổ nhìn ra vườn cây. Tuy chỉ bằng gỗ bình thường nhưng bàn đã được đánh bóng và được phủ lên một màu nâu trông rất đẹp. Bàn có hình chữ nhật, dài một mét, rộn hơn nửa mét. Trên bàn phủ một tấm kính trắng, em lồng thời khóa biểu và mấy tấm ảnh của em cùng gia đình dưới tấm kính. Mọi thứ để trên bàn đều gọn gàng và ngăn nắp. Phía bên phải bàn em để cặp sách, ở giữa là lọ hoa hồng bằng ni lông màu đỏ tươi. Bàn có bốn chân vững chắc, không cao lắm, vừa tầm ngồi của em  nên tạo cảm giác thoải mái khi ngồi học. Bàn có một ngăn kéo nhỏ, bên trong em để sách vở và đồ dùng học tập. Chân bàn và ngăn kéo đều được đánh vẹc-ni nhẵn bóng. Những tháng ngày qua bàn học giúp em ngồi học thật thoải mái, mỗi khi học xong em còn được nghe tiếng chim hót, tiếng gió thổi xào xạc ở ngoài vườn cây giúp cho tinh thần em thêm sảng khoái.

Em rất yêu cái bàn học này, nó đã trở thành người bạn thân thíết cùng em sớm tối học hành. Mỗi khi học xong em đều lau chùi rất cẩn thận và không bao giờ vẽ bậy, bôi bẩn lên bàn.

Tả cái trống trường em

Bài làm 1

Một ngày học mới bắt đầu, cổng trường em đã mở rộng, học sinh lũ lượt cắp sách đến trường. Chợt vang lên tiếng Tùng! Tùng! Tùng!…Đó là tiếng gọi chúng em vào lớp của chiếc trống trường em đấy.

Trống được treo trên chiếc giá bằng gỗ đặt trước phòng bảo vệ. Thân trống hao hao giống cái chum đựng nước, giữa thân phình to ra, hai đầu khum lại vì nó được làm bằng thanh gỗ uốn cong, đều đặn và khép liền vào nhau bằng keo dán gỗ. Thân trống được sơn màu đỏ tươi, màu của sự mạnh mẽ và chiến thắng. Giữa thân có hai vòng đai thắt bằng mây. Nhờ có vòng đai này mà trống được treo trên giá, không phải để chạm đất. Hai đầu trống bịt bằng da trâu thuộc kỹ, căng thật phẳng làm mặt trống. Hai mặt trống ở hai đầu là hình tròn phẳng đều nhau. Chúng đã cộng tác với thân trống và dùi trống để tạo ra âm thanh, một thứ âm thanh rất đỗi quen thuộc với chúng em. Tiếng trống vang xa, lúc rành rọt ba tiếng gọi học sinh vào lớp, lúc "xả hơi" vang một hồi dài báo hiệu giờ tan trường, lúc "cầm càng" theo nhịp "Cắc, tùng! Cắc tùng!" cho chúng em tập thể dục.

Mỗi khi nghe tiếng trống, lòng em bỗng rộn ràng. Tiếng trống giúp thầy và trò trong nhà trường thực hiện đúng giờ giấc của buổi học. Trống là hiệu lệnh điều khiển các hoạt động của chúng em. Trống thắp sáng từng nụ cười rạng rỡ của chúng em ở dưới mái trường.

 

Ngày tháng trôi qua, em được lên lớp mới, được học trường mới, có bạn mới nhưng tiếng trống ngày ấy vẫn còn văng vẳng trong ký ức. Em xem trống như người bạn thân thiết của mình.

Bài làm 2

Cái trống có mặt ở ngôi trường em học không biết đã bao năm rồi. Cô giáo chủ nhiệm bảo ít nhất cũng mười hai năm, thế mà trông vẫn còn tốt.

Trống cao có lẽ xấp xỉ bằng cậu học trò lớp Bốn như chúng em. Trống khum khum hình bầu dục, hai đầu thon lại, thân to, hai học sinh nối tay nhau mới ôm đủ một vòng quanh trống.

Hai bề mặt trống là hai lớp da trâu hay da bò dày, nhẵn thín, màu vàng ngà hơi cũ. Mặt trống nhìn tựa như bề mặt nồi bánh cuốn của bà Hai cạnh nhà em. Bao quanh mặt trống là thanh gỗ mỏng dẹt, sơn đỏ vàng, được đóng đinh tre gắn liền với thân trống.

Thân trống được ghép từ các mảnh gỗ chắc chắn sơn màu đỏ thắm, phình to ở giữa. Chỗ ấy được gọi là bụng trống. Bao quanh bụng là một đai mây bện xoắn vào nhau, lớn bằng ngón tay cái. Nhìn từ xa trống như được mang chiếc thắt lưng giản dị.

Thường lệ trước giờ vào học, bác bảo vệ cầm cái dùi trống dài bằng cả cánh tay em để đánh vào mặt trống. Lúc đầu bác đánh chậm. Càng về sau nhịp tay bác càng nhanh càng mạnh dồn dập. Ấy là lúc trống rung lên tỏa vào không trung những âm thanh kỳ lạ. Tùng...tùng...tùng!

Trống trường chỉ vang lên vào những giờ đáng ghi nhớ: Lúc khai giảng, phút bắt đầu của tiết học, giờ ra chơi, giờ kết thúc buổi học và lúc bế giảng. Những khi nghe tiếng trống tan trường em mừng vui hể hả. Ngược lại, đôi khi đang chạy nhảy, trống lại báo hết giờ ra chơi, ai nấy đều tiếc rẻ. Mỗi lần hè đến, nghe trống trường báo hiệu bế giảng niên học, lòng chúng em xao xuyến, bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn.

Trống trường thật sự là bạn đồng hành của tuổi học trò chúng em. Mai đây, chúng em lớn lên có thể sẽ đi đến bất cứ noi nào trên đất nước song tiếng trống trường vẫn mãi bập bùng trong kỷ niệm.

 

Bài làm 3

Bác trống trường em có từ bao giờ? Từ ngày bỡ ngỡ cắp sách tới trường lần đầu nay đã hơn hai năm, em thấy bác trống vẫn thu lu ngồi đó, phía ngoài cửa sổ phòng thầy hiệu trưởng.

Bác trống khá to, ngự trên một cái giá bằng gỗ màu nâu đã lên nước bóng, to hơn cả một bác gấu già bự, còn đang ngồi hếch mắt nhìn mọi người qua lại. Mặt trống được làm bằng da trâu đã nhẵn bóng vì bác đã cao tuổi. Viền xung quanh mặt trống là một hàng chốt đinh rất chắc chắn. thân trống được các chú thợ khéo tay nối những miếng gỗ dài hơi khum lại với nhau bằng một chất keo rất bền. Năm nay bác được mặc một cái áo mới màu đỏ thắm thay cho áo cũ bị sờn, tróc nhiều chỗ. Ngang lưng, bác thắt hai cái đai bằng mây bện, có quang dầu cẩn thận, trông rất oai vệ. Cây dùi hình tròn, dài chừng bốn tấc, bằng gỗ gõ cũng đã lên nước bóng, được gác một bên sườn khiến bác như một lão tướng.

Mỗi khi mặt trống rung lên bởi cây dùi trong tay bác bảo vệ, cái giọng trầm ấm và vang xa của bác trống lại ngân lên, lúc đầu thì từ tốn, đĩnh đạc, sau nhanh dần, nhanh dần, hối thúc, tỏa lan khắp trường, vượt cả bức tường bao quanh tường để đến những bạn học sinh ngoài xa. Bữa nào dậy trễ, đến trường muộn, nghe thấy tiếng oai vệ của bác trống là em cắm cổ mà chạy, vượt qua cổng trường mà tim vẫn đập thònh thịch. Bữa nào làm bài bí rị, nghe thấy tiếng bác trống là tay em luýnh quýnh, mặt nóng ran. Còn khi bác trống cất lên những tiếng khoan thai báo hết giờ học, mặt ai cũng tươi roi rói.

Đang đi học thì chỉ mong đến hè, nhưng hè tới, mới nghỉ năm, mười bữa, chúng em lại mong chóng đến ngày được gặp bác trống, được nghe cái giọng trầm ấm quen thuộcvà gặp lại đông đủ thầy cô, bè bạn biết bao mến thương.

Dù sau này có rời xa mái trường dấu yêu, nhưng hình ảnh cái trống trường cùng với những âm thanh quen thuộc của nó vẫn vang vọng mãi trong em.

Tả cây bút chì

Bài làm 1

Trong các đồ dùng học tập, em thích nhất là chiếc bút chì nhỏ nhắn.

Bút chì của em có dáng thon như chiếc đũa dài khoảng 15 cm. Thân bút còn được vót thành hình lục giác cho bút không lăn tròn rơi xuống đất. Bên ngoài, nó có lớp sơn màu cam. Nổi bật trên nền màu cam là hàng chữ màu bạc : BẾN NGHÉ 250 TRẦN HƯNG ĐẠO, Quận 1, đây là tên cơ sở sản xuất và địa chỉ ra đời của chiếc bút. Em thích nhất là đầu có một cục tẩy nhỏ, tròn màu hồng nhạt, dùng tẩy xóa mỗi khi viết sai. Chiếc bút còn có một mảnh nhôm màu bạc để giữ cục tẩy rất sáng loáng. Trong bút làm từ ruột than, phần chì nhọn như ngọn tháp. Phần chì màu đen bóng. Em dùng chúng vào việc học mĩ thuật, kẻ. Còn vào giờ toán, em dùng chúng để tìm ra những con số bí ẩn trong bài tìm X. Mỗi khi bút mòn, em dùng gọt bút cho phần chì lộ ra. Em gọt luôn vừa vặn không để quá tay để gãy phần chì mới. Dùng xong bút, em bỏ bút vào hộp bút cẩn thận. Vì khi bút rơi, ruột than sẽ vỡ vụn. Không biết cây bút đã là bạn của em từ khi nào, bút luôn theo em cắp sách tới trường.

Em rất thích cây bút chì, em sẽ giữ gìn chiếc bút này để chiếc bút luôn là bạn thân của em.

Bài làm 2

Em rất mong chờ những dịp sinh nhật em vì khi ấy , em sẽ nhận được nhiều món quà từ bạn bè và gia đình em. Vào dịp sinh nhật năm ngoái , em đã được bạn Hà tặng cho một cây bút chì . Dù đây chỉ là món quà rất nhỏ nhưng lại rất ý nghĩa đối với em .

Cây bút chì còn thơm mùi gỗ và nước sơn . nó dài hơn một gang tay , thân bút tròn và to hơn chiếc đũa . Bút chì được sơn màu trắng kẻ sọc xanh lơ đều đặn. Nổi bật trên thân bút là dòng chữ màu đen " Hồng Hà ". Ruột bút chì đen tuyền nằm chính giữa lớp gỗ nâu nhạt . Phía trên của cây bút chì có gắn sẵn một cục tẩy hình trụ nhở xíu . Bao quanh tẩy là một mảnh đồng bằng kim loại sánh loáng .

Em cầm bút vẽ thử chú chuột Mickey trên giấy trắng . Nét bút đen, đậm theo nét vẽ hiện dần trông thật đẹp mắt .

Không biết từ lúc nào , cây bút chì đã trở thành người bạn thân thiết của em. Em thường dùng bút chì để chữa bài hay vẽ . Mỗi khi dùng xong , em đều cẩn thận cho bút vào hộp để khỏi bị gãy ngòi .

Bài làm 3

Bước vào năm học mới, mẹ mua cho em một cây bút chì, trông nó thật xinh xắn dễ thương.

Cây bút chì còn thơm mùi gỗ và nước sơn. Nó dài hơn một gang tay, thân bút tròn và to hơn chiếc đũa. Bút chì được sơn màu vàng óng, trên đó nổi bật hàng chữ màu đen: Bút chì Hông Hà. Đầu bút có cái đai mạ kền sáng bóng bọc lấy một miếng tẩy nhỏ màu xanh nõn chuối. Em quay đầu bên kia lên xem ruột chì thì thấy nó nhỏ, đen, tròn nằm chính giữa bút chì và chạy dọc theo chiều gỗ.

Em lấy cái gọt bút chì gọt nhẹ và xoay tròn cây bút, lưỡi dao sắc, những mảnh gỗ mỏng, nhỏ, dài chạy ra để lộ ruột chì đen nhánh. Em cầm bút vẽ thử chú chuột Mickey trên trang giấy trắng. Nét bút đen, đậm nhạt theo nét vẽ hiện dần trông thật đẹp mắt.

Không biết từ lúc nào, chiếc bút chì đã trở thành người bạn thân thiết của em. Khi dùng để chữa bài hoặc vẽ. Mỗi khi làm xong, em đều cẩn thận cho bút vào hộp để khỏi bị gãy.

Bài làm 4

Em rất thích vẽ, nên mỗi lần đi đâu xa về là bố lại mua cho em vài cây bút chì. Cây bút chì lần này bố mới mua cho thật đẹp.

Cây bút chì này cũng bình thường như mọi cây bút chì khác. Chiều dài của nó khoảng một gang tay. Thân bút tròn, cỡ bằng ngón tay út của em, dài khoảng một gang tay người lớn. Vỏ ngoài thân bút làm bằng gỗ, sơn những vạch xanh đỏ xen kẽ nhau, nước sơn bóng loáng rất đẹp. Trên lớp sơn có một dòng chữ in bằng nhũ vàng óng ánh: “Hanson”. Cây bút mới, hai đầu đều bằng phẳng, nom rất sắc sảo. Nhìn đầu nào cũng thấy chính giữa thân gỗ là một lõi chì màu đen nhánh. Em dùng cái gọt bút chì để gọt đi phần thân gỗ. Cái gọt khẽ xoay, em nghe những tiếng “xoạt … xoạt…” khe khẽ. Từng lớp vỏ gỗ tuôn ra theo lưỡi gọt và xoắn tròn, mịn như lụa. Em gọt cho đến khi lộ ra ngòi chì dài đủ dùng, bởi ngòi bút chì dài quá thì dễ bị gãy. Em thử những nét bút đầu tiên. Cây bút vẽ thật sướng tay. Ruột chì không quá mền mà cũng không quá cứng, nét chì đen nhánh, rất sắc.

Em thầm cảm ơn bố. Với cây bút chì ấy, em đã vẽ rất đẹp những hình vẽ của bài toán, những bức tranh em yêu thích. Em giữ gìn, nâng niu cây bút như một vật quý.

Bài làm 5

Vào đầu năm học, mẹ mua cho mình đầy đủ các đồ dùng học tập, trong đó có một cây bút chì đen mà mình rất quí nó.

Cái bút chì của mình dài độ ba gang tay người lớn, to hơn chiếc đũa ăn cơm một ít. Bên ngoài, nó được bọc một lớp sơn màu vàng tươi như hoa mướp. Hàng chữ màu sáng bạc nổi bật trên nền vàng, trông lóa cả mắt. Mình không biết người ta viết chữ gì trên đó. Nghe mẹ mình bảo: “ cái bút chì là hàng ngoại đó, con ạ!”. Có lẽ vậy nên mình không đọc được hết hàng chữ, chỉ biết được một số chữ cái, trong đó có hai chữ mà mẹ mình giải thích là độ mềm. Mình thích nhất là đầu có núm tròn tròn màu hồng nhạt dùng để tẩy xóa mỗi khi viết , vẽ sai.

Cái bút chì trở nên người bạn thân yêu của mình tự bao giờ mình không biết nữa. Nó luôn ở cạnh mình mỗi khi học bài, làm bài. Cái bút nhỏ nhỏ xinh xinh như chiếc bút thần kì diệu trong truyện cổ tích mình đã được đọc, sẽ cùng mình vẽ nên những bức họa chân dung của bố mẹ mình, chị gái và các chú công an, bộ đội và những cảnh vật quen thuộc mà mình gặp hàng ngày như con đường dòng sông, cánh đồng, làng mạc… Bút chì cũng sẽ giúp mình tìm ra những con số bí ẩn trong những bài toán x, tìm y, hay cùng mình sáng tạo nên những vần thơ bay bổng ca ngợi cuộc sống thanh bình và tuổi thơ êm dịu của chúng ta, nhiều và nhiều lắm.

Chiếc bút chì đen của mình là vậy đó, kì diệu như chiếc bút thần trong truyện cổ tích xưa.

Tả bàn học ở trường

Bài làm

Lên lớp bốn, em học ở lớp mới, toàn bàn ghế mới. Cô giáo chủ nhiệm xếp em ngồi bàn đầu. Cùng ngồi bàn này có hai bạn nữa, tên là Sơn và Nhật.

Bàn học của em chưa sơn, chưa được đánh bóng. Bàn để mộc, màu vàng tươi. Em ngồi tì tay lên mặt bàn. Cái mặt bàn hơi nghiêng đã được bào nhẵn, riêng các cạnh và mặt dưới còn ram ráp. Ngăn bàn há miệng nuốt chiếc cặp phồng to của em. Có lúc em tưởng tượng thò tay vào ngăn bàn lôi được một con chim non. Em không biết các bác thợ mộc đã lấy gỗ gì đóng bàn, chỉ thấy bàn vững chắc. Mép sát ngoài cùng thẳng dài và phẳng. Cây viết đặt lên không bị lăn, đặt bình mực cũng không rớt. Em lấy viết bi định ghi tên vào cái góc bàn thì cô giáo nói:

- các con phải giữ bàn cho mới nghe, không viết, khắc lên mặt bàn. Cũng không làm rớt, đổ mực hoặc ngồi lên mặt bàn. Nghe rõ chưa nào?

Thế là em dừng tay lại. Ơû nhà, em cũng có bàn học riêng chỉ bằng cái bàn này. Bố em cũng dặn đừng làm hư bàn, dơ mặt bàn. Bàn học ở nhà em được bao nhựa mi ca bóng láng màu gụ rất đẹp. Bốn chân nó chỉ nhỏ yếu hơn bốn chân cái bàn em đang ngồi ở lớp. Cái bàn dài đè lên trên bốn chân vuông, to, thẳng đứng.

Cả ba chúng em tì tay lên bàn, bàn vẫn không lung lay. Cô giáo em cho biết để đóng được cái bàn phải mất nhiều công sức. Nào là trồng cây, hạ xuống, chở về. Nào là cưa, xẻ, đục, bào, đóng. Rồi chuyển đến trường. Em cùng bạn Sơn, bạn Nhật cố giữ bàn học của chúng em thật sạch thật bền.

Em mở sách để sát cái thước kẻ dài, rồi đặt thật ngay quyển tập dưới cuốn sách. Em nắn nót viết. Bàn ơi, đứng yên, nghe. Mình sẽ giữ bạn cẩn thận như cái bàn học ở nhà.

TẢ MỘT CÁI CÂY MÀ EM YÊU THÍCH

Học thuộc lòng một trong hai bài văn tả cây sau đây:

TẢ CÂY BÀNG

Mở bài:

Trường của em không to lắm, nhưng ở đó có một cái sân khá rộng và trồng rất nhiều cây cho bóng mát như phượng, bằng lăng, hoa sứ….nhưng em thích nhất là cây bàng được trồng giữa sân trường, một người bạn gắn với em từ ngày em còn là một học sinh lớp 1.

Thân bài:

Nhìn từ xa, cây bàng giống như một chiếc ô khổng lồ. Một vài cái rễ trồi lên như con rắn bò trên mặt đất. Tán lá dày, nhiều tầng, màu xanh sẫm. Thân cây to bằng vòng tay của em. Vỏ cây xù xì nổi lên những cục u gồ ghề. Những cành cây như những cánh tay to lớn dang ra đón lấy ánh nắng mặt trời..Xuân về, cây đâm chồi nảy lộc. Rồi những lộc non lớn dần, lá to ra chuyễn màu xanh thật đậm, cây bắt đầu trổ hoa, những cụm hoa nhỏ li ti mọc thành chùm giống như đuôi chồn. Chỉ trong thời gian ngắn những chùm trái bàng đã lộ ra, lớn dần và chuyển màu vàng sẫm. Chúng em thường chờ những quả bàng khô rụng xuống, tranh nhau mà nhặt rồi dùng gạch bổ ra ăn phần nhụy phía trong vừa thơm vừa béo ngậy.

Gốc bàng là nơi em tranh thủ ngồi ôn bài trong giờ giải lao hoặc chơi đùa cùng các bạn, ngồi dưới gốc bàn những cơn gió mát thổi ùa vào cho em một cảm giác thật dễ chịu và thoải mái.

Kết bài:

Mai này có thể xa trường, xa cây bàng nhưng em sẽ không bao giờ quên những kỉ niệm của mình với nó. Em biết bàng rất có ít nên cứ vài ngày em tưới cho nó một xô nước nhỏ để nó luôn xanh tốt.

 

TẢ CÂY PHƯỢNG VĨ

Mở bài:

Trường của em không to lắm, nhưng ở đó có một cái sân khá rộng và trồng rất nhiều cây cho bóng mát như bàng, bằng lăng, hoa sứ….nhưng em thích nhất là cây phượng vĩ được trồng giữa sân trường, một người bạn gắn với em từ ngày em còn là một học sinh lớp 1.

Thân bài:

Nhìn từ xa, cây phượng giống như một chiếc ô khổng lồ. Một vài cái rễ trồi lên như những con rắn bò trên mặt đất. Tán lá dày, nhiều tầng, màu xanh sẫm. Thân cây to bằng vòng tay của em. Vỏ cây xù xì nổi lên những cục u gồ ghề. Những cành cây như những cánh tay to lớn dang ra đón lấy ánh nắng mặt trời. Cứ khoảng đầu tháng hai, phượng bắt đầu đâm chồi nảy lộc chi chít, những lộc non lớn dần, lá phượng giống lá me, màu xanh nõn, lúc già thì xanh thẫm. Những cái lá mọc song song hai bên cuống, nhìn xa xa thật giống đuôi chim phượng. Chỉ sau đó một hoặc hai tháng từ trong vòm lá hoa phượng bắt đầu trổ ra, xuất hiện một vài đóm đỏ, chỉ thời gian ngắn sau đó nhìn lên cây chỉ thấy một màu đỏ chói lọi lấn át cả màu xanh của lá. Hoa phượng mọc thành từng chùm, mỗi bông khoảng có 5 cánh đỏ tươi, khi hoa rụng em thường nhặt và ép vào tập, có hình con bướm. Hết hè, phượng lại trở về dáng vẻ trầm tư, giản dị, thân quen như trước.

Kết bài:

Mai này có thể xa trường, xa cây phượng thân yêu nhưng em sẽ không bao giờ quên những kỉ niệm của mình với nó. Em biết phượng có ích như thế rất nên cứ vài ngày em tưới cho nó một xô nước nhỏ để nó luôn xanh tốt.

 

 

 

TẢ MỘT CON VẬT MÀ EM YÊU THÍCH

Học thuộc lòng một trong hai bài văn tả con vật sau đây:

TẢ CON MÈO

Mở bài:

Lần trước về nhà ngoại chơi, em được ngoại cho một chú mèo màu đen như than. Thế là em đặt tên chú ấy là Mun. Mun chính thức trở thành một thành viên trong gia đình em.

Thân bài:

Lúc mới về Mun bé xíu như trái cà tím, với bộ lông mềm mượt như nhung. Cái đầu của Mun tròn như quả cam vậy, trên đấy gắn hai cai tai bé tẹo lúc thì vểnh lên khi thì cụp xuống. Em thích nhất đôi mắt của Mun, nó tròn như hai hòn bi ve, đen láy và long lanh như thủy tinh. Mun có cái mũi ửng hồng, ươn ướt với hai hàng ria mép dựng lên, được gắn trên cái mõm hơi nhọn nhô ra, bên trong cái mõm là hai hàm răng nhọn hoắc và chắc khỏe. Bốn chân của Mun không cao lắm nhưng có những cái móng hết sức sắc nhọn, dưới có nệm thịt màu hồng nhạt giúp mun di chuyển nhẹ nhàng mà không hề gây ra tiếng động. Cái đuôi Mun dài khoảng 20cm, nó sẽ ngoe nguẩy khi mừng ai đó và cụp xuống nếu bị chủ la rầy.

Mun rất thích ăn cơm trang nước cá kho. Mỗi lần thấy em cầm bác cơm là nó nhìn mãi, đôi mắt long lanh khiến em không cầm lòng được và phải sớt cơm vào bát cho nó, khi em cho cơm vào bát thì Mun ăn rất nhẹ nhàng, từ tốn, ăn từ ngoài vào trong, từ trên xuống. Mun có một tài rất hay đó là bắt chuột rất giỏi, khi đêm về cả nhà em ngon giấc là đến giờ mun đi tuần tra lũ chuột, chỉ cần nghe hơi, hoặc một chú chuột dại dột nào đó phóng qua thì đều không thoát khỏi bộ vuốt sắc nhọn của Mun.

Kết bài:

Nhờ có Mun mà nhà cửa của em có người canh giữ, chuột trong nhà cũng không còn quậy phá nữa, em rất quý và mến Mun. Em thường ôm mun vào lồng, vuốt ve bộ lông mềm mượt của nó, và nó có vẻ rất thích nên cứ kêu rù rù nhè nhẹ, em cũng thường cùng với mẹ tắm rữa cho nó, xem như lời cảm ơn vì nó đã giúp em giữ nhà, đuổi chuột.

 

TẢ CON CHÓ

Mở bài:

Lần trước về nhà ngoại chơi, em được ngoại cho một chú cún màu vàng như rơm. Thế là em đặt tên chú ấy là Phèn. Phèn chính thức trở thành một thành viên trong gia đình em.

Thân bài:

Lúc mới về Phèn ú nu ú nần, mập mạp dễ thương lắm, Phèn to như một trái bầu nhỏ. Cái đầu của Phèn tròn như quả cam vậy, trên đấy gắn hai cai tai bé tẹo lúc thì vểnh lên khi thì cụp xuống. Em thích nhất đôi mắt của Phèn, nó tròn như hai hòn bi ve và đen láy như hòn than. Phèn có cái mũi ửng hồng, ươn ướt với hai hàng ria mép dựng lên, được gắn trên cái mõm nhọn nhô ra, bên trong cái mõm là hai hàm răng nhọn hoắc và chắc khỏe. Khi lớn bốn chân Phèn cao nhõng lên, như là một chàng trai đến tuổi trưởng thành. Cái đuôi phèn dài chừng 20cm, nó sẽ vẫy lia lịa khi mừng ai đó và cụp xuống nếu bị chủ la rầy.

Phèn rất thích ăn cơm cá thịt kho. Mỗi lần thấy em cầm bác cơm là nó mừng quýnh cả lên kêu ăng ẳng, khi em cho cơm vào bát thì chú ta táp lấy táp để ăn rất nhanh gọn. Phèn rất khôn, nếu thấy người quen sẽ chạy lại mừng đuôi ngẫy lia lịa, còn nếu người lạ nó sẽ đứng trước cửa sủa mãi không cho vào.Mặc dù là chó nhưng Phèn nhà em còn hơn cả một chú mèo, Phèn bắt và đuổi chuột rất giỏi, chỉ cần đánh hơi là xem như chú chuột xấu số nào đó tiêu đời.

Kết bài:

Nhờ có Phèn mà nhà cửa của em có người canh giữ, chuột trong nhà cũng không còn nữa, em rất quý và mến Phèn. Em thường cùng với mẹ dẫn phèn đi dạo và tắm cho nó, xem như lời cảm ơn vì nó đã giúp em giữ nhà, đuổi chuột.

 

 

 

 

1

 

nguon VI OLET