NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ DẠY TẬP VIẾT Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC

1. Vị trí của dạy học tập viết

Tập viết là một trong những phân môn có tầm quan trọng đặc biệt ở Tiểu học, nhất là đối với lớp 1. Phân môn Tập viết trang bị cho học sinh bộ chữ cái La tinh và những yêu cầu kĩ thuật để sử dụng bộ chữ cái đó trong học tập và giao tiếp. Với ý nghĩa này, Tập viết không những có quan hệ mật thiết tới chất lượng học tập ở các môn học khác mà còn góp phần rèn luyện một trong những kĩ năng hàng đầu của việc học tiếng Việt trong nhà trường- kĩ năng viết chữ. Nếu viết đúng chữ mẫu, rõ ràng, tốc độ nhanh thì học sinh có điều kiện ghi chép bài học tốt, nhờ vậy kết quả học tập sẽ cao hơn. Viết xấu, tốc độ chậm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập.

Học vần, Tập đọc giúp cho việc rèn năng lực đọc thông, Tập viết giúp cho việc rèn năng lực viết thạo. Để làm chủ tiếng nói về mặt văn tự, người học phải rèn luyện cho mình năng lực đọc thông viết thạo văn tự đó. Hai năng lực này có quan hệ mật thiết với nhau. Học sinh học tiếng Việt phải đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ. Đây chính là điểm khác biệt giữa người được học và người không được học tiếng Việt.

Tập viết là phân môn có tính chất thực hành. Trong chương trình không có tiết học lí thuyết, chỉ có các tiết rèn luyện kĩ năng. Tính chất thực hành có mục đích của việc dạy học Tập viết cũng góp phần khẳng định vị trí quan trọng của phân môn này ở trường Tiểu học.

Ngoài ra, tập viết còn góp phần quan trọng vào việc rèn luyện cho học sinh những phẩm chất đạo đức tốt như tính cẩn thận, tính kỉ luật và khiếu thẩm mĩ.

Cố Thủ tưởng Phạm  Văn Đồng nói “Chữ viết là một biểu hiện của nết người. Dạy cho học sinh viết đúng, viết cẩn thẩn, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, lòng tự trọng đối với mình…”.

2. Nhiệm vụ của phân môn Tập viết

2.1. Nhiệm vụ chung

Phân môn Tập viết ở Tiểu học truyền thụ cho học sinh những kiến thức cơ bản về chữ viết và kĩ thuật viết chữ. Trong các tiết Tập viết, học sinh nắm bắt được các tri thức cơ bản về cấu tạo bộ chữ Latinh ghi âm tiếng Việt, sự thể hiện bộ chữ cái này trên bảng, vở…đồng thời được hướng dẫn các yêu cầu kĩ thuật viết nét chữ, chữ cái, viết từ và câu…

Riêng ở lớp 1, việc dạy viết được phối hợp nhịp nhàng với dạy học vần. Học sinh luyện tập viết chữ dưới hai hình thức chủ yếu : luyện tập viết chữ cái trong các tiết học âm- chữ ghi âm, vần và tập viết theo các yêu cầu kĩ thuật trong các tiết Tập viết.

2.2. Các nhiệm vụ cụ thể:

Viết chữ trong phân môn Tập viết thuộc giai đoạn đầu của kĩ năng viết, hiểu theo nghĩa rộng. Giai đoạn một của quá trình viết chữ trong phân môn này dồn trọng tâm vào dạy viết chữ cái và liên kết chữ cái để ghi tiếng. Ở giai đoạn cuối lớp 1 và những lớp trên, song song với việc rèn viết chữ hoa , học sinh cũng được rèn viết văn bản. Viết văn bản ở đây thực chất là viết chính tả ở các thể loại tập chép, nghe đọc và trí nhớ. Học sinh nhìn một đoạn văn, đoạn thơ và tập chép lại cho đúng hoặc nghe giáo viên đọc mẫu và chép, cao hơn là nhớ lại một đoạn văn thơ đã học và chép lại. Từ việc giới hạn nhiệm vụ của việc dạy học Tập viết như vậy chương trình tập viết ở tiểu học quy địnhu nhiệm vụ cụ thể của phân môn này là :

- Về tri thức: Dạy học sinh những khái niệm cơ bản về đường kẻ, dòng kẻ, tọa độ viết chữ, tên gọi các nét chữ, cấu tạo chữ cái, vị trí dấu thanh, dấu phụ, các khái niệm liên kết nét chữ hoặc liên kết chữ cái… Từ đó hình thành ở các em  những biểu tượng về hình dáng, độ cao, sự cân đối, tính thẩm mĩ của các chữ viết.

- Về kĩ năng : Dạy học sinh các thao tác viết chữ từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm kĩ năng viết nét, liên kết nét tạo chữ, tạo chữ ghi tiếng. Đồng thời giúp các em xác định khoảng cách, vị trí cỡ chữ trên vở kẻ ô li để hình thành kĩ năng viết đúng mẫu, rõ ràng và cao hơn là viết nhanh và đẹp. Ngoài ra, tư thế ngồi viết, cách cầm bút, để vở, cách trình bày bài viết cũng là một kĩ năng đặc thù của việc dạy tập viết mà giáo viên cần thường xuyên quan tâm.

3. Những yêu cầu cơ bản của việc dạy tập viết ở tiểu học

3.1. Lớp 1:

- Về kiến thức : Giúp học sinh có được những hiểu biết về đường kẻ, dòng kẻ, độ cao, cỡ chữ, hình dáng và tên gọi các nét chữ, cấu tạo chữ cái, chữ ghi tiếng, cách viết chữ thường, dấu thanh và chữ số.

- Về kĩ năng : Viết đúng quy trình viết nét, viết chữ cái và liên kết chữ cái  tạo chữ ghi tiếng theo yêu cầu liền mạch. Viết thẳng hàng các chữ trên dòng kẻ. Ngoài ra học sinh còn được rèn luyện các kĩ năng như : tư thế ngồi viết, cách cầm bút, để vở…

3.2. Lớp 2:

- Về kiến thức: Củng cố, hoàn thiện biểu tượng về các chữ cái viết thường, chữ số, nắm vững quy trình viết chữ cái, chữ số. Yêu cầu cơ bản ở lớp 2 là học sinh nắm được hình dáng và viết đúng các chữ viết hoa, đồng thời nâng cao kĩ năng viết liền mạch giữa các chữ cái viết thường với nhau và giữa chữ viết hoa với chữ viết thường.

- Về kĩ năng : Viết đúng mẫu chữ cái viết hoa, thể hiện rõ đặc điểm thống nhất ở cơ bản trong từng nhóm chữ viết hoa. Kĩ thuật viết liền mạch ở giữa các chữ cái được thể hiển rõ, đều. Học sinh biết điều chỉnh về khoảng cách khi viết các chữ cái đứng sau chữ viết hoa không có nét móc.

Bài kiểm tra cuối năm là bài tập chép viết khoảng 50 chữ trong 15 phút không mắc quá 5 lỗi chính tả.

3.3. Lớp 3 :

- Về kiến thức : Củng cố, hoàn thiện hiểu biết về hình dáng, quy trình viết chữ hoa, chữ thường và chữ số.

- Về kĩ năng: Viết đúng, rõ và hình thành kĩ năng viết nhanh. Đồng thời biết trình bày bài viết, bài làm sạch, đẹp, thực hiện nề nếp giữ vở sạch viết chữ đẹp.

Bài kiểm tra cuối năm là bài tập có độ dài khoảng 70 chữ, trong 15 phút không mắc quá 5 lỗi chính tả.

 

nguon VI OLET