Nỗi niềm dạy Văn

 

Nỗi niềm dạy Văn "Hiểu thơ kì thực là vấn đề của tâm hồn..."

Cho ra cái đề văn tầm tầm mà học trò rét run lên đi tìm ý! Nghĩ và ngẫm...

Vì lâu nay hệ thống giáo dục sản sinh ra một loạt những cỗ máy văn mẫu làm xơ cứng tâm hồn con trẻ!
Vì các giáo viên muốn bảo đảm an toàn nên không dám cho học trò cảm thụ văn chương một cách sáng tạo! Suy cho cùng, đề văn này chẳng qua là một phép thử để xem độ chai cứng của tâm hồn học trò đến đâu (thật là hài, đáng ra phải nói ngược lại: xem thử độ nhạy tâm hồn của các nhóc!).

Trò học, mới thấy chữ nghĩa, mới gò vào khuôn lời giảng của thầy cô mà chưa kịp có thời gian nghiền ngẫm và tự cảm thụ. Đơn giản là trò không có thời gian dành cho văn chương trong một thời đại quá chừng thực dụng này: sáng ngủ dậy mắt nhắm mắt mở lao đến lớp, học xong 5 tiết lao về nhà, ăn xong ngủ vật ra đến 13h30 cuống cuồng lao đi học thêm, học chuyên đề nâng cao cho đến tận tối 19 giờ mới về nhà, có những phụ huynh lo xa bắt trò nhồi thêm vài cua định hướng đại học nữa, tận 21 giờ! Rồi sau đó là cả đống bài vở cho ngày mai lên lớp thầy cô dò bài, miệt mài đến gần 1 - 2 giờ sáng! Lăn ra ngủ, hôm sau lại lao đi...

Như một cái máy, không có thời gian xem ti vi, thưởng thức nghệ thuật. Có chút thời gian rảnh nào thì tranh thủ comic, game, chat, xả stress bằng cách chọc ngoáy nhau. Giải lao thư giãn bằng headphone cắm vào tai quanh quẩn nhạc Hàn, nhạc Hoa, nhạc Mẽo! Mà mục tiêu thì nào là đậu HSGQG, HSG Tỉnh, HSG toàn diện.. Bị sa sút là ăn chửi của ông bô bà via không kịp ngáp, mở miệng cãi là dập không thương tiếc... Đại khái tâm lý học trò luôn có áp lực như vậy, thì hỏi làm sao mà điềm tĩnh ngâm nga câu thơ, khoái trá cùng văn chương được? Hỏi gì cũng không biết, hay lơ ngơ như Nobita cầu trời khấn Doreamon giúp cho bửu bối qua cầu!!!

Học trò chuyên Văn, bao nhiêu người được cha mẹ định hướng theo nghề Văn (chưa nói là theo nghề dạy Văn)! Chí ít cũng phải có cái nghề nào bảo đảm có tiền, nhìn mấy ông thầy bà cô dạy văn lôi thôi lếch thếch, hãi lắm cơ! May thì có bài nào thầy cô lên đồng truyền hứng từ nhà văn - tác phẩm sang cho trò thì nhớ gì hay nấy! Tội nghiệp học trò!

Thời nay, thật lạ là ít học trò có hứng thú đọc sách văn học kinh điển, kể cả những sách lừng danh, dễ kiếm! NXB Kim Đồng, các tủ sách cho tuổi mới lớn toàn thi nhau tìm kiếm moi móc xem anh Jun Loi Choi, chị Kim Lăng Quăng thích mặc đồ gì, đi xe gì, đang bồ ai... Thơ ca truyện ngắn tuổi "teen" tô vẽ tình cảm nhàn nhạt. Học trò lên mạng toàn đi mò văn mẫu để làm đạo soái Sở Lưu Hương! Bảo làm sao mà bây giờ tùm lum: đạo nhạc, đạo thơ, đạo văn ngay từ các cuộc thi thiếu nhi - thích nổi tiếng bằng cách lòe nhau nhiều hơn là cảm xúc thực! Ngay trong gia đình, cái thế giới yên bình, chỗ dựa tinh thần cũng thành vỏ ốc trú ngụ: cha mẹ bận làm ăn, con cái làm gì mặc kệ, có gì thầy cô lo!!! (có biết đâu thầy cô chỉ giỏi nói cho học trò, còn con cái thì cũng một khuôn như chúng bạn!). Thời đại bùng nổ thông tin, cái gì cũng bắt mắt, hấp dẫn, hơi đâu mà ngâm nga thơ văn phát mệt! 

Bảo làm sao mà trò thưởng thức được những câu thơ hay, những lời văn đẹp! Thầy cô dạy văn ngao ngán vì tình trạng học trò càng lúc càng xem văn chương là món xa xỉ phẩm, cũng chẳng hơi đâu mà truyền lửa, mà trút gan ruột vào bài giảng! Và thế là giản đơn hóa bằng cách đọc - chép - nhồi! Lâu lâu muốn khơi gợi chút hứng văn chương cho học trò, hỏi dăm ba câu, trò nghệt mặt ra, thế là mất hứng!

Thành thử lên lớp, thay vì ho ra thơ thở ra văn thì thầy cô dạy văn lại trút nỗi bực dọc vào thành lời mắng mỏ, tự biến mình thành ông kẹ bà chằng, phệt cho vài tiết B,C cho "chúng nó sợ mà học..."! Hỡi ôi, văn chương mà sợ thì học làm sao?

Hiểu thơ kì thực là chuyện của tâm hồn - có khi nào trò kịp hiểu để viết câu thơ làm rùng mình sởn gai ốc, nhà thơ phải vắt kiệt lòng mình chưa? Có khi nào trò kịp hiểu sức truyền cảm của ngôn ngữ, hình tượng thơ kì thực lại nằm ở ngoài lời thơ, sau hình ảnh chưa? Từ sáng tạo tới tiếp nhận, từ hiểu đến cảm, đến thích, đến yêu... hóa ra chinh phục một bài thơ cũng như chinh phục một người con gái đẹp! Càng cố hiểu thì càng thấy khó hiểu, càng đến gần thì lại càng xa, vì "áo em trắng quá nhìn không ra!". Hiểu thơ yêu thơ cũng phải có duyên, chứ còn ăn nói cộc cằn, đùa nhạt như nước ốc, thô lỗ bỉ lậu thì nàng thơ nào mà gần cho được? Thơ đỏng đảnh và kiêu kì lắm thay! Y như giai xinh gái lịch một chút thì chảnh!!!

Thôi thì trò cứ viết, thầy cứ chấm! Nhưng phải thành thật, đừng xấu như Đông Thi mà bắt chước Tây Thi nhăn mặt, người ta lại tưởng quỷ hiện hình!

Theo Lãng tử Trần-yume.vn

 

nguon VI OLET