Quá trình hợp tác phát triển

 

Có thể chia lịch sử quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga thành 3 giai đoạn:

1 - Giai đoạn 1950 - 1991: 40 năm quan hệ đồng minh chiến lược Việt Nam - Liên Xô

Ngày 14-1-1950, trong bối cảnh cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra ác liệt, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Tuyên bố về việc sẵn sàng kiến lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới.

 Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Việt Nam, tháng 1-1950, Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác đã công khai thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, khẳng định địa vị pháp lý chính đáng của chính thể cộng hòa dân chủ nhân dân lần đầu tiên được xác lập ở Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cục diện kháng chiến chống xâm lược đang trong giai đoạn quyết định của nước ta. Đánh giá ý nghĩa của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thắng lợi chính trị đó sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này”(1).

 Từ năm 1950 trở đi, Liên Xô bắt đầu viện trợ cho Việt Nam. Số lượng hàng đầu tiên gồm "pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải môlôtôva và thuốc quân y". Nhìn chung, nếu từ tháng 5-1950 đến tháng 6-1954, Việt Nam nhận được 21.517 tấn hàng viện trợ quốc tế với tổng trị giá 54 triệu rúp từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác, thì trong đó "toàn bộ pháo cao xạ 37 ly- 76 khẩu, toàn bộ hỏa tiễn (cachiusa), toàn bộ số tiểu liên K50, phần lớn số ôtô vận tải 685 trên tổng số 745 chiếc và một số lượng lớn thuốc kháng sinh ký ninh là của Liên Xô".[8]

 Trong giai đoạn từ năm 1978 đến giữa những năm 1980, Liên Xô đã cung cấp các khoản viện trợ từ 700 triệu đến 1 tỷ USD viện trợ hàng năm cho Việt Nam. Các viện trợ bao gồm các khoản cho vay, tín dụng thương mại, đào tạo kỹ thuật, các dự án hỗ trợ, trợ giá... Toàn bộ các cơ sở công nghiệp của Việt Nam sau chiến tranh đã được khôi phục và xây dựng bởi sự giúp đỡ của người Liên Xô.

 Các khoản viện trợ của Liên Xô đến Việt Nam tăng vọt khi Việt Nam gia nhập khối Comecon, một tổ chức kinh tế của các quốc gia khối XHCN bao gồm Liên Xô, Bulgaria, Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan và Romania. Trong một nghiên cứu đã được công bố bởi Thư viện Quốc hội Nga (Library of Congress), các khoản viện trợ kinh tế của Liên Xô cho Việt Nam nằm trong khoảng 700 triệu đến 1 tỷ USD trong năm 1978.

Cho đến giữa những năm 1980, khi Liên Xô phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, họ vẫn dành cho Việt Nam khoản viện trợ 1 tỷ USD hàng năm.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực phát triển rất khả quan, Liên Xô ngày càng coi trọng vai trò của Việt Nam như là tiền đồn của chủ nghĩa xã hội, là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Liên Xô ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, Liên Xô luôn giương cao khẩu hiệu “đối với những người cộng sản Liên Xô, đoàn kết với Việt Nam là mệnh lệnh của cả trái tim và trí tuệ”(3). Sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu về nhiều mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trong hơn 40 năm (1950 - 1991) đã góp phần không nhỏ vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, 40 năm quan hệ đó đã tạo dựng được tình hữu nghị rất mực trong sáng, thủy chung và gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai nước.

2 - Giai đoạn 1991 - 2000: 10 năm thăng trầm của quan hệ Việt – Nga

 

- Những năm 1991 - 1993: 

Vào cuối năm 1991, Liên Xô giải thể. Riêng Liên bang Nga với tư cách “quốc gia kế tục”, trở thành nước kế thừa Liên Xô trong các mối quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ với Việt Nam.

Nhưng cũng từ đây tính chất quan hệ Việt - Nga thay đổi sâu sắc. Đây là thời kỳ khó khăn nhất trong quan hệ hai nước, khi mối quan hệ này rơi vào trạng thái ngưng trệ, suy giảm mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn trước hết từ việc cả hai bên đều xác định lại các lợi ích quốc gia và các ưu tiên đối ngoại. Đối với Nga, những năm này Nga theo đuổi chính sách đối ngoại “định hướng Đại Tây Dương”, coi việc cải thiện và phát triển quan hệ với Mỹ và các nước tư bản phát triển phương Tây là ưu tiên số một. Với Việt Nam, những năm đầu sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Trung và Đông Âu sụp đổ, Việt Nam rất khó khăn trong việc nhận diện đối tác mới: Nga trở thành một đối tác “vừa quen, vừa lạ” của Việt Nam. Hơn nữa, vào thời điểm này, Việt Nam đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, trong đó đặt ưu tiên hàng đầu cho việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực. Ngoài ra, sự thụ động của cả hai nước trước những thay đổi quá nhanh của tình hình quốc tế, mà hệ quả là trong khi cơ chế quan hệ truyền thống bị đổ vỡ thì cơ chế mới chưa kịp thiết lập đã cản trở quan hệ hai bên phát triển.

- Những năm 1994 - 1996: 

Quan hệ Việt - Nga bắt đầu khởi sắc nhờ những nỗ lực của hai nước trong việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp với tình hình mới. Hai nước đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga vào tháng 6-1994 nhân chuyến thăm chính thức Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Hiệp ước này trở thành văn bản pháp lý thay thế Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam ký năm 1978. Theo đó, hai bên xúc tiến quan hệ trên nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Như phát biểu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, “chúng ta trở lại tình hữu nghị cũ nhưng không phải theo kiểu cũ, mà phải phát triển trên cơ sở quan hệ mới”(4).

Trên thực tế, quan hệ Việt - Nga bắt đầu có những tiến triển tích cực về mặt chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, quân sự - quốc phòng, văn hóa - giáo dục. Hai bên cũng bắt đầu phối hợp hợp tác trên các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế. Đáng chú ý là những tiến triển này liên quan mật thiết đến những thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Nga (từ “định hướng Đại Tây Dương” sang “định hướng Âu - Á”) và những chuyển biến tích cực trong quan hệ Việt Nam - ASEAN, Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam - Trung Quốc...

- Những năm 1997 - 2000: Đây là giai đoạn quan hệ Việt - Nga được nâng lên tầm cao mới về chất, trước hết trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, đánh dấu bằng 3 chuyến thăm cấp cao nhất giữa hai nước.

Một là, chuyến thăm Việt Nam của Nguyên Thủ tướng Nga V. Chéc-nô-mư-đin vào tháng 11-1997. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của người đứng đầu chính phủ Nga, thể hiện rõ mối quan tâm ngày càng tăng của Nga đối với việc phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam nói riêng, ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Thủ tướng Nga bày tỏ chủ trương của Tổng thống và chính phủ Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược và quan hệ với Việt Nam là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Nga.

Hai là, chuyến thăm Nga của Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào tháng 8-1998. Đây cũng là chuyến thăm Nga đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, qua đó khẳng định vị thế quan trọng của Liên bang Nga trong chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam. Việt Nam chủ trương coi việc củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Nga là định hướng chiến lược lâu dài của Nhà nước Việt Nam. ( Ảnh chụp cùng ông Yeltsin – nguyên tổng thống Nga)

Ba là, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 9-2000. Thành công nổi bật của chuyến thăm này là việc hai nước ký Hiệp định xử lý các khoản nợ của Việt Nam với Liên Xô mà Nga kế thừa - đây là yếu tố từng cản trở quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Nga suốt thập niên 90 của thế kỷ XX.

Qua 3 chuyến thăm cấp cao nhất này cũng như các chuyến thăm và làm việc ở các cấp, các ngành giữa hai nước, nhiều hiệp định, văn bản hợp tác đã được ký kết, tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy tiến trình hợp tác toàn diện hơn.

Như vậy, trong 10 năm đầu kể từ khi kế thừa quan hệ Việt Nam - Liên Xô, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga đã trải qua những thăng trầm, thay đổi, điều chỉnh chính sách đối ngoại ở mỗi nước trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động sâu sắc. Mối quan hệ này đã nhanh chóng vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, sớm xác lập được khung khổ hợp tác kiểu mới trên cơ sở tôn trọng và kế thừa những giá trị quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp đã có. Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ vẫn tồn tại sự mất cân đối trong hợp tác về nhiều mặt giữa hai nước khi quan hệ chính trị - ngoại giao luôn đi trước và vượt trội hơn hẳn so với các lĩnh vực quan hệ song phương khác.

3 - Giai đoạn từ năm 2001 đến nay: Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga được xác lập và đi vào chiều sâu

Đây là giai đoạn quan hệ giữa hai nước ngày càng có thêm nhiều tiến triển tích cực.

Sự kiện đầu tiên đáng chú ý nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga V. Pu-tin từ ngày 28-2 đến ngày 2-3-2001 - chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Nga, kể cả thời Liên Xô. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, trong đó có Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Với việc ký Tuyên bố chung, hai nước một lần nữa khẳng định sự tương đồng về nhu cầu hợp tác và quyết tâm chính trị nhằm đưa quan hệ đôi bên tiến triển theo hướng hợp tác chặt chẽ, ổn định lâu dài ở tầm chiến lược dài hạn.

 Từ 26 đến 28 tháng 3 năm 2002 Chủ tịch Chính phủ Liên bang Nga M. M. Kasiyanov thăm chính thức Hà Nội, hội đàm với Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.[13]

Năm 2007, Việt Nam và Nga đã công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường, tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp của nhau thâm nhập thị trường. Gần 5% con số chính thức người Việt tại Nga là sinh viên theo học bằng học bổng của chính phủ Nga.

Nhờ quyết tâm chính trị cao của hai nước, từ đó đến nay quan hệ Việt - Nga ngày càng đưa lại những kết quả thiết thực.

Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, các chuyến thăm cấp cao được hai nước thực hiện khá thường xuyên, tạo ra những chuyển biến quan trọng: hơn 40 hiệp định, hiệp ước, văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết, tạo điều kiện cho việc xúc tiến mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược đôi bên cùng có lợi đi vào chiều sâu.

Hoạt động ngoại giao được triển khai tích cực trên cả 3 kênh (ngoại giao nhà nước, ngoại giao chính đảng và ngoại giao nhân dân), lĩnh vực hợp tác cũng ngày càng được mở rộng.

         Cơ chế đối thoại chiến lược Việt - Nga được thiết lập và bắt đầu đi vào hoạt động, mở đầu bằng cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao của hai nước vào tháng 11-2008. Đáng chú ý là ngoài những vấn đề quan hệ song phương, lãnh đạo hai nước thông qua các cuộc gặp chính thức tại mỗi nước và bên lề các hội nghị, các diễn đàn, tổ chức quốc tế cùng bàn thảo về những vấn đề chính trị - an ninh quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, tạo nên sự đồng thuận cao. Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 17 (tổ chức ở Xin-ga-po, tháng 11-2009), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Đ. Mét-vê-đép đã thảo luận về những định hướng và biện pháp đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga lên tầm cao hơn trong thời gian tới.

 Hiện nay quan hệ giữa Nga – Việt là giai đoạn thử thách quyết liệt, song quan hệ giữa hai nước trong gần 1 thế kỷ qua gần như không có mâu thuẫn , chỉ có lòng tin và lợi ích chung.

 

 

 

nguon VI OLET