SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM


ĐỀ TÀI:
"SỬ DỤNG THÍ NGHIỆM ẢO TRONG GIẢNG DẠY VẬT LÝ 9"











1. TÓM TẮT ĐỀ TÀI:
Vật lí là một môn khoa học thực nghiệm được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống và trong kỹ thuật, vì vậy việc lồng ghép các thí nghiệm vào trong các bài học của môn vật lí là một biện pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học góp phần tích cực trong hoạt động truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Việc đổi mới nội dung và phương pháp trong dạy học vật lí phải gắn liền với việc tăng cường sử dụng thí nghiệm trong quá trình dạy học vật lí, tuy nhiên đối với bộ môn vật lý nói chung và vật lí 9 nói riêng khối lượng kiến thức trong mỗi bài học tăng lên, đặc biệt là các bài trong chương quang học môn vật lý lớp 9, mỗi bài có từ 2 đến 3 thí nghiệm, mà các thí nghiệm trong bài đòi hỏi phải có sự chính xác cao của các dụng cụ, nếu không sẽ dẫn đến học sinh rất khó quan sát hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm. Hiện nay trong bộ dụng cụ thí nghiệm của trường thì chỉ có một đèn chiếu,các đèn trộn màu nhìn không rõ màu sắc được trộn ra. Từ đó dẫn đến học sinh mất tập trung và thiếu tin tưởng vào thí nghiệm. Đây cũng chính là điều lo lắng và trăn trở của tôi khi lên lớp.Chính vì thế tôi đã suy nghĩ và đưa ra giải pháp thay thế là sử dụng thí nghiệm ảo thay cho thí nghiệm trực quan khi dạy chương quang học môn vật lý 9.
Nghiên cứu được tiến hành trên hai nhóm tương đương là hai lớp 9 trường THCS Thiện Mỹ. Lớp 9A1 là lớp thực nghiệm, lớp 9A2 là lớp đối chứng. Lớp thực nghiệm được thực hiện giải pháp thay thế khi dạy chương quang học môn vật 9. Khi tiến hành nghiên cứu kết quả cho thấy là việc sử dụng thí nghiệm ảo trong dạy học vật lí có ảnh hưởng rõ rệt đến sự hứng thú của học sinh, lớp thực nghiệm có kết quả học tập cao hơn lớp đối chứng. Điểm bài kiểm tra sau tác động của nhóm thực nghiệm có giá trị trung bình là 8,16; điểm bài kiểm tra sau tác động của nhóm đối chứng là 7,01.Kết quả kiểm chứng t – test cho thấy P < 0.05 có nghĩa là có sự khác biệt lớn giữa điểm trung bình của lớp thực nghiệm và lớp đối chứng. Điều đó chứng minh được việc dạy học có sử dụng thí nghiệm ảo trong thực hành thí nghiệm môn vật lí 9 nâng cao chất lượng cho học sinh khi học chương quang học.
2.GIỚI THIỆU:
Trong dạy học vật lý có thể nói đáp ứng nhu cầu “ mắt thấy,tai nghe và ứng dụng vào thực tế” là một nhu cầu cấp thiết. Hơn nữa sự hiểu biết về kiến thức vật lý không thể chỉ đơn thuần là sự suy diễn logic mà phải trải nghiệm từ thực tế mới khắc sâu được kiến thức cơ bản. Vì thế dạy vật lí mà không có thí nghiệm hoặc thí nghiệm không thành công thì sẽ dẫn đến học sinh mất lòng tin vào bài học.Tuy nhiên không phải bài nào cũng thực hiện thành công các thí nghiệm theo mục tiêu đề ra ví dụ như bài : “Sự phân tích ánh sáng trắng và sự trộn các ánh sáng màu”, điều kiện của trường không đủ dụng cụ (mất lăng kính ,đèn chiếu ánh sáng chỉ có một cái, khi trộn màu ánh sáng thì màu sắc nhợt nhạt khó nhìn do không có phòng tối…)chính vì vậy mà kết quả của thực hành thí nghiệm đôi lúc cũng không như mong muốn. Từ đó làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh.
Hiện nay trường đã có phòng học sử dụng máy chiếu và việc soạn giáo án điện tử , dạy học bằng máy vi tính không còn là vấn đề xa lạ đối với giáo viên dạy vật lý. Tuy nhiên các bài giảng của giáo viên chỉ dừng lại ở việc chiếu các kênh hình để thay thế cho việc trình bày bảng, đơn thuần chỉ là sử dụng những hiệu ứng trong Power point để trình chiếu và sử dụng những hình ảnh để minh họa cho thí nghiệm trong sách giáo khoa..
Để nâng cao hiệu quả của các bài giảng đòi hỏi giáo viên phải lồng ghép giữa trình bày lí thuyết và thực nghiệm nhằm phát huy tác dụng của thí nghiệm trong bài dạy, đây là vấn đề rất cần thiết trong dạy học vật lí. Bên cạnh việc thực hiện các thí nghiệm trực quan thì thí nghiệm ảo cũng mang lại hiệu quả thiết thực đặc biệt là trong bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin.Chính vì thế để thay đổi hiện trạng trên tôi đã chọn giải pháp : “Thông qua việc sử dụng thí nghiệm ảo nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh ở chương quang học môn vật lí 9”. Trường THCS Thiện Mỹ.
nguon VI OLET