Tản Đà

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

 

 

Tản Đà (1988-1939)

 

Tản Đà (1888–1939) là một thi sĩ, văn sĩ, kịch tác gia lãng mạn người Việt Nam. Trên văn đàn của văn học Việt Nam trong hơn 3 thập niên đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tạo. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực, đi khắp miền đất nước, ông để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Ông được đánh giá là người mở đầu cho thơ mới của văn học Việt Nam, là "gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại". Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn dịch thơ Đường và được biết đến như một người dịch thơ Đường sang thơ lục bát hay nhất Việt Nam.

 

Cuộc đời và sự nghiệp

 

Ông tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1888 (tức ngày 29 tháng 4 năm Mậu Tý), tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây; nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội, tỉnh Hà Tây.

 

Ông xuất thân trong một gia đình phong kiến quan lại. Thân sinh ông là Nguyễn Danh Kế, đỗ Cử nhân, làm đến Án sát và từng giữ chức Ngự sử trong kinh. Mẹ là Lưu Thị Hiền, cũng có sách ghi là đào Nghiêm, vốn là một đào hát, nổi tiếng tài sắc, giỏi văn thơ.

 

Do ảnh hưởng gia đình, năm 14 tuổi, ông đã thạo các lối từ chương thi phú. Năm 1907, ông theo anh ra Hà Nội, học trường Quy Thức ở phố Gia Ngư. Năm 1909, đi thi hương ở Nam Định, bị hỏng. Năm 1912, đi thi khoa Nhâm Tý, vẫn hỏng. Trở về Hà Nội, chứng kiến người yêu là cô Đỗ thị đi lấy chồng, ông chán nản bỏ về Hòa Bình tìm khuây lãng; rồi cùng bạn là nhà tư sản Bạch Thái Bưởi lên chùa uống rượu, làm thơ và thưởng trăng, sống theo lối "tịch cốc".

 

Năm 1915, ông lập gia đình. Năm 1916, người anh từ trần, gia đình trở nên cùng túng, Tản Đà quyết định chuyển hẳn sang nghề cầm bút. Thời gian này ông viết tuồng cho các rạp và được đọc thêm nhiều sách dịch Âu Tây bằng chữ Hán, nhờ đó tư tưởng có nhiều biến chuyển.

 

Năm 1920, đi du lịch ở Huế, Đà Nẵng, trở về viết truyện "Thề non nước". Năm 1921, làm chủ bút tờ Hữu Thanh tạp chí. Được 6 tháng, từ chức, trở về quê. Năm 1922, lại ra Hà Nội lập Tản Đà thư điếm, sau tập hợp với Nghiêm hàm ấn quán thành Tản Đà thư cục.

 

Năm 1925, phong trào yêu nước dấy lên mạnh mẽ, Tản Đà càng nhập thế tích cực hơn. Ông tổ chức một chuyến du lịch vào Nam, gặp gỡ nhiều nhà chí sĩ và viết bài trên nhiều báo.

 

Tháng 2 năm 1928, trở về Bắc, rồi lên định cư vùng Yên Lập (Vĩnh Yên), nhưng bị quan lại địa phương gây khó dễ, phải xuống Hải Phòng, rồi lại lên Hà Nội. Năm 1933, sau khi An Nam tạp chí bị đình bản, ông chuyển sang trợ bút cho Văn học tạp chí ít lâu rồi về quê ở ẩn.


Cuối năm 1937, chuyển về làng Hà Trì (Hà Đông), tham gia dịch thuật, viết báo. Sau vì bị viên quan Tổng đốc Hà Đông thù ghét, phải chuyển ra Hà Nội, mở lớp dạy Quốc văn hàm thụ, Hán văn diễn giảng, kiêm cả xem lý số Hà lạc. Ông sống nghèo đói, không đủ ăn và trả tiền nhà, bị chủ nhà tịch thu đồ đạc và đuổi đi, Tản Đà phải cùng gia đình dọn về phố Cầu mới.

 

Trong hai năm 1937 và 1938, ông dịch thơ Đường đăng trên báo Ngày nay, trong đó có bài Hoàng Hạc lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu.

 

Ông qua đời vì bệnh vào ngày 17 tháng 6 năm 1939.

 

Danh ngôn

 

Người mà không biết chán đời có khác gì lợn ?! - đọc trong "Bài diễn thuyết trả lời Phạm Quỳnh".

 

Tác phẩm

 

Văn:

Giấc mộng con I (1917)

Giấc mộng con II (1932)

Giấc mộng lớn (1932)

Thề non nước (1922)

Tản Đà văn tập (1932)

 

Thơ:

Khối tình con I (1916)

Khối tình con II (1916)

Tản Đà xuân sắc (1918)

Khối tình con III (1932)

 

Kịch:

Tây Thi (1922)

Tống biệt (1922)

 

Dịch thuật:

Liêu Trai chí dị (1934)

 

Nghiên cứu:

Vương Thúy Kiều chú giải (1938)

Một số bài báo...

 

Một số bài thơ nổi tiếng:

 

Thề Non Nước

 

Nước non nặng một lời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non

Nhớ lời nguyện nước thề non

Nước đi ra biển non còn ngóng trông

Non cao những ngóng cùng trông

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày

Xương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái hãy còn tuyết sương

Trời tây nổi bóng tà dương

Càng phơi vẻ ngọc nét càng phôi pha

Non cao tuổi vẫn chưa già

Non thời nhớ nước, nước mà quên non

Dù như sông cạn đá mòn

Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa

Non xanh đã biết hay chưa


Nước đi ra bể lại mưa về nguồn

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi

Nước kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non nước nước không nguôi lời thề

 

Muốn làm thằng cuội

 

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi !

Trần thế em nay chán nửa rồi

Cung quế đã ai ngồi đó chửa ?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi !

Có bầu có bạn can chi tủi

Cùng gió cùng mây, thế mới vui !

Rồi cứ mỗi đêm rằm tháng tám

Cùng nhau trông xuống thế gian cười.

 

Cảm thu, tiễn thu

Tản Đà

 

Từ vào thu đến nay:

Gió thu hiu hắt,

Sương thu lạnh

Trăng thu bạnh

Khói thu xây thành.

Lá thu rơi tụng đầu ghềnh

Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly.

Nhạn về én lại bay đi,

Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm.

Lá sen tàn tạ trong đầm,

Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa.

Sắc đậu nhuộm ố quanh hà

Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương.

Nào người cố lí tha phương,

Cảm thu ai có tư lường hỡi ai?

Nào những ai:

Bảy thước thân nam tử,

Bốn bể chí tang bồng

Đường mây chưa bổng cánh hồng,

Tiêu ma tuế nguyệt, ngại ngùng tu mi.

Nào những ai:

Sinh trưởng nơi khuê các,

Khuya sớm phận nữ nhi,

Song the ngày tháng thoi đi,

Vương tơ ngắm nhện nhỡ thì thương hoa.

Nào những ai:

Tha phương khách thổ

Hải giác thiên nha,

Ruột tằm héo, tóc sương pha,

Góc phần trạnh tưởng quê nhà đòi cơn.

Nào những aiCù lao báo đức

Sinh dưỡng đền ơn

Kinh sương nghĩ nỗi mền đơn,

Giàu sang bất nghĩa mà hơn nghèo hèn!

Nào những ai:Tóc xanh mây cuốn

Má đỏ hoa ghen

Làng chơi duyên đã hết duyên


Khúc sông trăng dãi con thuyền chơi vơi!

Nào những ai:

Dọc ngang trời rộng,

Vùng vẫy bể khơi

Đội trời đạp đất ở đời

Sa cơ thất thế quê người chiếc thân.

Nào những aiKê vàng tỉnh mộng

Tóc bạc thương thân

Vèo trông lá rụng đầy sân,

Công danh phù thế có ngần ấy thôi.

Thôi nghĩ cho:

Thu tự trời,Cảm tự người.

Người đời ai cảm ta không biết!

Ta cảm thay ai viết mấy lời.

Thôi thời:

Cùng thu tạm biệt

Thu hãy tạm lui,

Chỉ để khách đa tình đa cảm,

Một mình thay cảm những ai ai!

nguon VI OLET