THAM LUẬN VỀ CHỈ THỊ 05

Vì sao trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh.

 

Vâng! kính thưa:       - Đoàn chủ tịch!

                 - Các Quý vị đại biểu!

                         -  Thưa toàn thể Đại hội!

 Tôi xin phép được mở đầu bài phát biểu về chỉ thị 05- CT/TW: CHỈ THỊ CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH bằng 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu như 1 lời khẳng định cho 1 niềm thành kính thiêng liêng của tất cả chúng ta đối với con người vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới: HỒ CHÍ MINH. Vì sao vậy? Vâng! Vì:

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

 Vì:

Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta 
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa 
Chỉ biết quên mình, cho hết thảy 
Như dòng sông chảy, nặng phù sa. 

 Vì, hơn hết, Người Nâng niu tất cả, chỉ quên mình!

 Và trong không khí long trọng, trang nghiêm của Đại hội ĐB Đoàn trường hôm nay, cùng với bài phát biểu này, tôi hi vọng sẽ được góp phần công sức nhỏ bé của mình vào thành công chung của Đại hội trên phương diện chính trị - tư tưởng.

 

Kính thưa:       - Đoàn chủ tịch!

             - Các Quý vị đại biểu!

             -  Thưa toàn thể Đại hội!

 Trước khi đi vào những nội dung theo tinh thần của Chỉ thị, tôi xin được mạn đàm đôi chút về lịch sử vinh quang của dân tộc Việt Nam với mục đích là tạo cảm thức về không gian sinh tồn, không gian văn hóa của 1 đất nước đã sinh ra vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc và cũng là để mỗi người con chúng ta bồi đắp thêm niềm tự hào, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc.

 Thưa toàn thể Quý vị! Nhìn suốt lịch sử 4000 năm đầy vẻ vang của dân tộc tôi cho rằng có thể đúc kết lại bằng 5 từ: dựng nước và giữ nước. Là 1 GV dạy Văn, tôi muốn nhìn lịch sử dân tộc từ góc độ sử thi bởi chỉ có thế chúng ta mới thấy hết được tầm vóc lớn lao, đầy bi hùng của non sông gấm vóc. Tôi xin trích dẫn ra đây những câu thơ của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ:

Mẹ Việt Nam tuổi bốn mươi thế kỷ
Gót Cà Mau, đầu tận ải Nam Quan 
Cửu Long Giang, buông dài làn sóng tóc
Dựa Trường Sơn, đứng gác Thái Bình Dương.

 Cũng với niềm cảm hứng dạt dào, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

Hỡi sông Hồng, tiếng hát bốn ngàn năm

Tổ quốc có bao giờ đẹp hơn thế này chăng?


Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào của Bắc

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng.

 Vâng! Chúng ta có quyền tự hào về 1 dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất như thế! Quay trở lại với nội dung bài phát biểu, vì nhận thức của bản thân còn hạn chế nên tôi xin được chuyển tải nguyên văn nội dung của Chỉ thị tới toàn thể Đại hội, đó là:

 Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên.

 Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau:

 1- Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.

 Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

 Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 2- Tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đó là hệ thống quan Điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng; về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng,... Đó là các quan Điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về: tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội,... Đó là phong cách Hồ Chí Minh, phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, độc đáo, có sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu trong hoạt động, ứng xử hằng ngày. Đó là: phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân v


ăn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương,...

 3- Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm  từng địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm.

 4- Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Xây dựng, tổng kết và nhân rộng những điển hình tiên tiến về làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, kết hợp giữa "xây" với "chống”.

 Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm "sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ.

 5- Tiếp tục chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và với yêu cầu giáo dục, đào tạo.


Đối với học sinh phổ thông, dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, học tập về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với giáo dục công dân, đạo đức nghề nghiệp. Đối với học sinh đại học, cao đẳng, có các bài giảng, chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với học sinh đại học chuyên ngành lý luận chính trị, học viên trường chính trị, đoàn thể và lực lượng vũ trang cần xây dựng hệ thống các bài giảng, chuyên đề học tập tư tưởng Hồ Chí Minh.

 6- Về tổ chức thực hiện.

 Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do cấp ủy các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp ủy, đồng chí Bí thư cấp ủy chỉ đạo.

 Từ phía Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và xã hội.

 Căn cứ Chỉ thị của Bộ Chính trị, các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và hướng dẫn việc thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở địa phương, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị mình.

Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị; ban tuyên giáo cấp ủy và cơ quan tuyên giáo các ngành, đoàn thể là cơ quan giúp việc cấp ủy và lãnh đạo các ngành, đoàn thể cùng cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị.

 Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu làm sâu sắc thêm những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, xây dựng chương trình, hướng dẫn nội dung học tập, sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; định hướng nội dung, chương trình giảng dạy về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng kế hoạch sơ kết, tổng kết hằng năm và toàn khóa trình Ban Bí thư ban hành; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, những cách làm hình thức, kém hiệu quả.

 Trên đây là toàn bộ nội dung của Chỉ thị 05, áp dụng vào tình hình thực tế của cơ quan đơn vị, nhà trường, tôi thiết nghĩ, chúng ta cần hiện thực hóa bằng tư tưởng, tinh thần và những hành động cụ thể như sau:

 Về phía các đồng chí cán bộ, giáo viên cần xác định được rõ ràng nhiệm vụ và tư cách chủ yếu là phấn đấu trở thành những người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, người trí thức XHCN vừa hồng vừa chuyên.

 Về phía các đồng chí ĐV - TN là học sinh, chúng ta cần ra sức rèn luyện đạo đức, nhân cách, tác phong chuẩn mực của người học sinh dưới mái trường XHCN, thi đua học tập thật tốt để xứng đáng là thế hệ trẻ tài năng, những chủ nhân tương lai của đất nước, kế tục xứng đáng truyền thống cha ông. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ lời căn dặn, gửi gắm niềm tin của Người trong bức thư gửi HS nhân ngày Khai trường đầu tiên năm 1945: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.


Kính thưa:       - Đoàn chủ tịch!

              - Các Quý vị đại biểu!

              -  Thưa toàn thể đại hội!

Tôi cũng xin lí giải vì sao trong bài phát biểu tôi lại dẫn ra nhiều thơ như vậy, thực tâm tôi chỉ có 1 dụng ý duy nhất đó là giảm đi chất chính trị khô khan, cứng nhắc bằng sự kết hợp hài hòa giữa chính luận và văn chương để người nghe cảm thấy nhẹ nhàng hơn chứ không phải vì mục đích cá nhân là thể hiện bản thân mình vì học theo tấm gương của Bác phải là hướng tới tinh thần, phẩm chất chí công vô tư. Và để thể hiện tâm nguyện của toàn thể các đồng chí chúng ta trong ĐH Đại biểu Đoàn trường THPT hôm nay trong việc Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi lại xin được trích dẫn những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài điếu văn bi hùng bằng thơ khi Người từ trần năm 1969 thay cho lời kết bài phát biểu của mình:

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

Cuối cùng, trước khi dừng lời, cho phép tôi được chân thành gửi lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc tới Đoàn CT; lời kính chúc hạnh phúc, may mắn, thành công tới các quý vị ĐB cùng các đồng chí HS; chúc ĐH Đại biểu Đoàn trường THPT nhiệm kỳ 2016 - 2017 thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

----------------------------------

 

nguon VI OLET