KHÁI NIỆM:

 Tâm lý người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông qua hoạt động của mỗi người. Vậy bản chất của tâm lý là gì ?

 Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng thì: Tâm lý là sự phản ánh hiện thực khách vào não người thông qua chủ thể và có bản chất xã hội - lịch sử.

 

NỘI DUNG:

1. Tâm lý người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào người thông qua hoạt động của mỗi người trong đó hoạt động xã hội là chủ yếu.

Hiện thực khách quan là gì ?

- Hiện thực khách quan là những gì tồn tại xung quanh chúng ta, có cái nhìn thấy được có cái không nhìn thấy được.

- Hiện thực khách quan phản ánh vào não người nảy sinh ra hiện tượng tâm lý. Nhưng sự phản ánh tâm lý khác với sự phản ánh khác ở chỗ: đây là sự phản ánh đặc biệt.

- Phản ánh thông qua lăng kính chủ quan của mỗi người. Hình ảnh tâm lý mang tính chất sinh động sáng tạo. Hình ảnh tâm lý mang tính chất chủ thể, mang đậm màu sắc cá nhân. Hay nói cách khác hình ảnh tâm lý là hình ảnh chủ quan về hiện thực khách quan. Tính chất chủ thể trong phản ánh tâm lý thể hiện ở chỗ cùng một hiện thực  khách quan tác động vào một chủ thể duy nhất  nhưng vào thời điểm khác nhau, ở những hoàn cảnh khác nhau với trạng thái cơ thể, trạng thái tinh thần khác nhau có thể cho ta thấy mức độ biểu hiện và các sắc thái tâm lý khác nhau ở chủ thể ấy.

VD: Một người ăn xin đến xin tiền một người đàn ông, nhưng người đàn ông này đang trong trạng thái giận dữ, không vui vẻ thì chắc chắn người đàn ông này không cho và bỏ đi. Nhưng cũng với người ăn xin đó đến xin tiền một người khác. Người này đang vui vẻ, tâm trạng thoải mái cùng với tấm lòng thương người thì người này sẽ nhìn người ăn xin đó với ánh mắt đồng cảm và sẽ giúp đỡ người ăn xin đó. Nguyên nhân của sự khác nhau đó là do mỗi người có những đặc điểm riêng về cơ thể, giác quan, hệ thần kinh và não bộ. Mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau, điều kiện giáo dục cũng không như nhau và đặc biệt là mỗi cá nhân thể hiện mức độ tích cực hoạt động, tích cực giao lưu là khác nhau. Vì vậy tâm lý người này khác với tâm lý người kia. 
- Hoạt động xã hội là nhân tố quyết định chủ yếu đến tâm lý con người. Điều này được thể hiện qua các mối quan hệ kinh tế - xã hội, quan hệ đạo đức, quan hệ giáo dục…

VD: Một xã hội luôn đề cao những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp và luôn hướng con người đến sự hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp đó. Nếu một người sống trong xã hội đó thì tâm lý của ngươì đó cũng phát triển theo quy luật của xã hội đó.

 

2. Tâm lý là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp. Trong đó giao tiếp là hoạt động quan trọng nhất.

- Trong hoạt động, nhờ hoạt động và hành động, con người chuyển nhượng sản phẩm tâm lý của mình vào sản phẩm hoạt động. Tâm lý con người được phản ánh vào các sản phẩm của hoạt động đó.

VD: Nhạc sĩ sáng tác bài hát. Trong ví dụ này cho thấy: thông qua hoạt động sáng tác mà toàn bộ tâm lý, tâm tư tình cảm của tác giả đã kết tinh lại ở bài hát. Và bài hát đó mang chính những cảm xúc của tác giả. Như vậy trong quá trình hoạt động con người đã biến năng lực hoạt động của mình thành sản phẩm hoạt động; chuyển ý, tâm trạng ,tình cảm của mình vào sản phẩm đó.

- Giao tiếp là điều kiện tồn tại của con người. Không có giao tiếp với người khác con người cảm thấy cô đơn và có khi trở thành bệnh hoạn. Nhu cầu của con người trước hết là nhu cầu tiếp xúc với người khác. Khi tiếp xúc với nhau mọi người thường truyền cho nhau thông tin, kinh nghiệm, kiến thức làm cho tâm lý mỗi người trở nên phong phú đa dạng…

VD: Một người khi có tâm lý rụt rè, ngại giao tiếp nhưng khi bị buộc phải làm việc nhóm. Những người trong nhóm hết sức năng động và lạc quan. Sau thời gian làm việc và tiếp xúc, người mà trước kia từng rất ngại giao tiếp thì giờ đã trở nên bạo dạn và nhanh nhẹn.

- Giao tiếp có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tâm lý. Trên thực tế, nếu con người khi sinh ra nhưng không sống trong xã hội loài người, không có sự giao tiếp giữa con người với con người thì sẽ không mang tâm lý người.

VD: Một nhà nhân chủng học người Pháp đã gặp một cô bé lên 10 sống tại rừng rậm ven sông Amazon (Brazin). Ông đã mang về Pari nuôi dạy. Mười năm sau hình dáng và tâm lý cô gái đã thay đổi đến mức người ta không thể phân biệt được cô với các cô gái khác ở Pari.

3. Tâm lý của mỗi cá nhân là kết quả lĩnh hội tiếp thu vốn kinh nghiệm xã hội loài người, nền văn hóa xã hội thông qua hoạt động giao tiếp.

Như Ăng ghen đã từng nói: “Sự phong phú về mặt con người hoàn toàn phụ thuộc vào mối quan hệ của người đó với thế giới xung quanh”.

VD: Trong một làng có truyền thống hiếu học, thì những đứa trẻ ở làng đó ngay từ nhỏ đã được tiếp thu truyền thống ấy qua sự giáo dục của cha mẹ, qua mối quan với mọi người. Từ đó những đứa trẻ này luôn có tâm lý phải học cho xứng đáng với truyền thống của làng.

4. Tâm lý của mỗi người hình thành phát triển và biến đổi cùng với sự phát  triển của lịch sử cá nhân lịch sử dân tộc và cộng đồng. Tâm lý của mỗi người chịu sự chế ước bởi lịch sử của cá nhân và cộng đồng.

VD: Người miền Bắc có tâm lý khác với người miền Nam.

 

KẾT LUẬN

1. Tâm lý có nguồn gốc từ thế giới khách quan vì thế khi nghiên cứu cũng như khi hình thành, cải tạo tâm lý người phải nghiên cứu hoàn cảnh trong đó con người  sống và hoạt động.

2. Tâm lý người mang tính chủ thể, vì thế trong dạy học, giáo dục cũng như trong quan hệ ứng xử phải chú ý đến nguyên tắc sát đối tượng.

3. Tâm lý là sản phẩm của hoat động và giao tiếp, vì thế phải tổ chức hoạt động và các quan hệ giao tiếp để nghiên cứu sự hình thành và phát triển tâm lý con người.

4. Khi nghiên cứu các môi trường xã hội, quan hệ xã hội để hình thành và phát triển tâm lý cần tổ chức có hiệu quả hoạt động đa dạng của từng giai đoạn lứa tuổi khác nhau, giúp cho con người lĩnh hội nền văn hóa xã hội để  hình thành và phát triển tâm lý con người;phải tìm hiểu nguồn gốc của họ; tìm hiểu đặc điểm của vùng mà người đó sống.



 

nguon VI OLET