Tiềm năng du lịch sinh thái ở Cà Mau

 

Cà Mau tiềm năng to lớn về du lịch sinh thái. Cảnh quan thiên nhiên hoang dã nguyên sinh rất thơ mộng và du lịch văn hóa lâu đời, hấp dẫn nhiều đối tượng du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và khám phá.

Cà Mau là vùng cực Nam Tổ quốc có ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển 254km bao bọc từ bờ biển phía đông sang bờ biển phía tây vịnh Thái Lan với sự tương tác mạnh mẽ của động lực sông-biển hình thành nhiều bãi bồi đầm lầy ven biển, tạo ra diễn thế nguyên sinh và thứ sinh hình thành nên các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ngập úng trong lục địa, hệ sinh thái nông nghiệp canh tác nước trời truyền thống lâu đời với năng suất sinh học cao và tính đa dạng sinh học rất phong phú, điển hình cho vùng đất ngập nước của vùng ĐBCSL… Bên cạnh đó, Cà Mau còn có hệ thống biển đảo khá phong phú với các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông, Hòn Đá Bạc với các sinh cảnh hữu tình, thiên nhiên hoang dã và chứng tích lịch sử.



Hòn Đá Bạc - một trong những điểm đến hấp dẫn

Tiềm năng du lịch rừng

Diện tích rừng hiện nay tại Cà Mau khoảng 96.342ha, trong đó rừng tràm ngập úng 36.420ha và rừng ngập mặn ven biển là 59.922ha. Tính đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm ở Cà Mau khá đa dạng và phong phú. Tổng số thực vật trong hai hệ sinh thái này có đến 239 loài, thuộc 76 họ. Lớp thú có tổng số 36 loài thuộc 17 họ, có 182 loài chim thuộc 38 họ; trong đó được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam là 14 loài. Bên cạnh đó đã phát hiện mới loài chim choắt chân màng lớn, cò Trung Quốc (Egretta eulophotes), bồ nông chân xám, khỉ đuôi dài, quắm trắng cà khu đã tìm thấy tại các hệ sinh thái rừng ngập nước ở Cà Mau là loại quý hiếm cần bảo vệ.

Đến với mũi Cà Mau là đến với cột mốc ghi dấu điểm cuối của Tổ quốc, đến với bạt ngàn thảm rừng ngập mặn xanh thẳm vươn xa ra phía biển và bãi triều lấn biển hoang sơ với rất nhiều loại động thực vật cùng sinh sống. Bãi Bồi Cà Mau là nơi giao thoa của hai chế độ triều biển Đông và biển Tây vịnh Thái Lan, chi phối và bồi đắp nên theo diễn thế hình thành đất, diễn thế biến đổi môi trường nước và diễn thế nguyên sinh phát triển rừng ngập mặn đã tạo ra nguồn lợi vô cùng phong phú và đa dạng, chứa đựng tiềm năng to lớn về kinh tế, sinh thái, những bí ẩn khoa học cần được nghiên cứu và khám phá ở đây. Năm 2003, khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi đã được chuyển thành “Vườn quốc gia Mũi Cà Mau”, nhằm mục tiêu bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái quốc gia và quốc tế, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, bảo vệ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng.

Khu vực rừng tràm U Minh Hạ đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái “Vườn quốc gia U Minh Hạ”, nhằm mục tiêu bảo tồn, tái tạo cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù rừng tràm trên đất than bùn; bảo tồn tái tạo nguồn gien các loài động, thực vật quý hiếm; sử dụng bền vững tài nguyên rừng, các sản phẩm dưới tán rừng, đồng thời phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, căn cứ địa của chiến khu U Minh trong chiến tranh cứu nước với nhiều chiến công oai hùng, cũng là vùng có sắc thái bản địa truyền khẩu huyền thoại Bác Ba Phi lạc quan, yêu đời và trào phúng ở Cà Mau.



Vọng hải đài (Khu du lịch Đất Mũi),
nơi du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn biển

Đến với Cà Mau, du khách có thể thưởng ngoạn bãi biển Khai Long sóng vỗ hiền hòa, hoang sơ cát mịn. Bãi biển Khai Long có loại cát mà hiếm ở đâu có được với thành phần rất giàu can-xi của các loại vỏ sò vỏ ốc, các loài trùng lỗ giáp xác theo thời gian phân hủy và bồi tụ tạo thành. Ở đây còn ẩn dấu huyền thoại Khai Long, nơi gặp nhau của biển, trời và đất để sinh ra Rồng của vùng biển hoang sơ. Khu vực cồn Ông Trang với các cảnh quan sinh thái tự nhiên hết sức lý thú, là vùng bồi tụ tự nhiên hình thành, gồm: Cồn trong cửa sông Ông Trang đã hình thành từ lâu đời, cồn ngoài cửa sông mới hình thành gần đây và đang phát triển với diễn thế nguyên sinh rừng ngập mặn tự nhiên, là nơi có tính đa dạng sinh học điển hình của rừng ngập mặn. Cụm đảo Hòn Khoai vừa là một thắng cảnh thiên nhiên hữu tình trên biển, vừa là một di tích lịch sử cách mạng với khởi nghĩa Hòn Khoai của nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển oai hùng. Với thảm rừng nguyên sinh trên đảo xanh tươi, những dốc đá lối mòn vắt vẻo từ bãi cát vàng ven biển lên cao theo vách đá cheo leo dẫn lên đỉnh núi, với các mạch nước ngầm hòa thành suối nhỏ, cung cấp nguồn nước ngọt lành cho những người đi biển. Ngọn đèn báo biển trên đảo Hòn Khoai cho những chuyến tàu “không số” vượt sóng trùng khơi, đón những chuyến tàu chuyên chở vũ khí tiếp tế cho cách mạng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến. Hòn Đá Bạc ven biển Tây vịnh Thái Lan với những khối đá trơn nhẵn, những hang ngầm sát mé biển nhiều bí ẩn và thảm rừng bao phủ với những lối mòn đang được đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển đảo. Khu du lịch sinh thái Lâm ngư trường 184, Lâm ngư trường Kiến Vàng… là những khu bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế với các mô hình phát triển lâm nghiệp nguyên sinh và tái sinh, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái. Cà Mau với 2 sân chim, 15 vườn chim và 2 bãi đậu… có các sinh cảnh thơ mộng, thanh bình, hấp dẫn du khách và các nhà nghiên cứu sinh học. Đặc biệt, Lâm viên Cà Mau còn có vườn chim nhân tạo và các loài chim ngập nước bay về trú ngụ ngay trong lòng thành phố, trở thành điểm vui chơi giải trí cho người dân đô thị gần gũi với thiên nhiên với các cảnh quan đặc trưng của tỉnh.

Đặc biệt, mới đây Mũi Cà Mau đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Hòn Đá Bạc được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là những điều kiện lý tưởng để Cà Mau đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của tỉnh Cà Mau là rất đa dạng và phong phú, có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương. Phát triển du lịch sinh thái sẽ nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm ngập úng và các hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống đặc thù. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng, chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề môi trường để hoạch định các kế hoạch phát triển bền vững tại địa phương. Các quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái cần phải triệt để tuân thủ quy trình lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đánh giá và giám định xã hội các dự án phát triển công nghiệp lớn có thể tác động đến các hệ sinh thái đất ngập nước và đa dạng sinh học trong khu vực để có các giải pháp hữu hiệu xử lý các tác động môi trường.

(Báo Ảnh Đất Mũi)

 

nguon VI OLET