Mạn bàn về một số bài văn sử dụng trong bộ sách ngữ văn lớp 10

“Học ngữ văn phải hướng vào cuộc sống để vận dụng kiến thức và để sống đúng, sống đẹp. Đó là quan điểm văn hóa và thực tiễn của việc học Ngữ văn ngày nay”.
Tuy nhiên, khi đọc những bài văn học sử trong cả tập 1 và 2 của bộ sách Ngữ văn 10 (bộ cơ bản), chúng tôi xin mạn phép đưa ra đây một số vấn đề mà chúng tôi còn băn khoăn, hy vọng được sự phúc đáp từ tập thể những người biên soạn SGK, từ đó tạo điều kiện để chúng tôi có thể giảng dạy tốt hơn.
Chúng tôi xin được trình bày những vấn đề chúng tôi quan tâm theo từng bài văn học sử cụ thể.
1. Bài Tổng quan văn học Việt Nam
 Trong việc phân kì lịch sử văn học các tác giả biên soạn SGK cho rằng Văn học hiện đại được tính từ đầu thế kỉ XX đến hết thế kỉ thứ XX [tr8, Tập 1]. Cùng trong mục này, các tác giả lại sử dụng thêm thuật ngữ Văn học đương đại: “Trong văn học đương đại, có thể đọc được tâm tư tình cảm của con người Việt Nam trước những vấn đề mới mẻ của thời mở cửa, hội nhập quốc tế hết sức sôi động và phức tạp” [tr10, Tập1]
Như vậy, với thuật ngữ Văn học đương đại, các tác giả muốn định danh thời kì văn học từ đâu đến đâu? Hơn thế nữa trong sự hiểu biết của chúng tôi thuật ngữ Văn học đương đại hiện tại vẫn chưa được sự nhất trí trong giới nghiên cứu văn học.
Trong mục Con người Việt Nam trong quan hệ với thế giới tự nhiên, phần viết về mối quan hệ này trong sáng tác thơ ca thời trung đại, các tác giả viết: “Hình tượng thiên nhiên gắn với lí tưởng đạo đức, thẩm mĩ. Các hình tượng tùng, cúc, trúc, mai thường tượng trưng cho nhân cách cao thượng; các đề tài ngư, tiều, canh, mục thường thể hiện lí tưởng thanh cao ẩn dật, không màng danh lợi của nhà nho” [tr11, Tập 1].
Với nhận định này, chúng tôi thiết nghĩ các tác giả chỉ mới nêu lên được một phần của vấn đề. Đó là dạng cảm thức thứ nhất: Con người trung đại cảm thấy mình trong tự nhiên, còn dạng cảm thức thứ hai mà theo chúng tôi cũng rất cần chỉ cho học sinh thấy. Đó là con người trung đại cảm thấy trong con người mình có cả vũ trụ (GS Lê Trí Viễn đã có những kiến giải sâu sắc về vấn đề trên trong công trình Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam).  Trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng “tiết kiệm” với học sinh dăm dòng sẽ khiến các em có cái nhìn “lệch” về một phương diện quan niệm của con người trung đại trước thiên nhiên vũ trụ (Quan niệm này thể hiện sâu sắc thế giới quan của con người trung đại gắn bó chặt chẽ với những yếu tố triết học).
Cũng trong nhận định này, khi tác giả cho rằng: “Trong sáng tác thơ ca thời trung đại hình tượng thiên nhiên gắn với lí tưởng đạo đức, thẩm mĩ. Các hình tượng tùng, cúc, trúc, mai thường tượng trưng cho nhân cách cao thượng; các đề tài ngư, tiều, canh, mục thường thể hiện lí tưởng thanh cao ẩn dật, không màng danh lợi của nhà nho[…] không màng danh lợi của nhà nho”. Như vậy vô hình chung, một mảng thơ ca chữ Hán viết về thiên nhiên hết sức đặc sắc của thời Trần vốn là sáng tác của rất nhiều thi nhân - thiền sư đã bị “bỏ rơi”? Từ “nhà nho” chưa bao quát hết được chủ thế sáng tạo.
2. Bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX:Trong bài này, chúng tôi vẫn cứ băn khoăn về tính hệ thống của những luận điểm lớn trong mục III - Những đặc điểm lớn về nội dung của văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX.1.Chủ nghĩa yêu nước.2.Chủ nghĩa nhân đạo.3.Cảm hứng thế sự.
Chúng tôi vẫn nhận thức được ở luận điểm Cảm hứng thế sự, các tác giả muốn đề cập đến vấn đề hiện thực xã hội trong sáng tác của các tác giả thời trung đại. Đối với vấn đề này, chúng tôi nhất trí. Tuy nhiên, có nên tách Cảm hứng thế sự ra khỏi nội dung của Chủ nghĩa nhân đạo hay không thì đó vẫn là một việc cần phải xem xét lại. Bởi suy cho cùng thì qua việc phản ánh hiện thực, các tác giả đều đề cập đến những vấn đề của con người trong xã hội phong kiến. Qua đó, họ muốn cất lên tiếng nói đòi quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của con người trong xã hội ấy. Như vậy đây cũng chỉ là một phương diện của Chủ nghĩa nhân đạo
nguon VI OLET